DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE
Trích: “Đạo Sư Uống Rượu”; Pema Trần dịch; Nhà Xuất Bản Hà Nội- 2019
Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng bởi vì chúng ta đã nghiên cứu giáo pháp một thời gian, chúng ta đã hiểu được vài điều. Chúng ta có thể hiểu một chút, và chúng ta thậm chí đã có một kinh nghiệm thoáng qua. Nếu chúng ta nhận thức rằng kiến thức và kinh nghiệm này có thể luôn luôn được nâng cao và chuyển hóa, nếu chúng ta không hài lòng với những gì ít ỏi mà chúng ta có được, nếu chúng ta có sự can đảm để buông bỏ những gì chúng ta có và vẫn khao khát có thêm, đây chính là sự khai mở về lòng sùng mộ. Đây là dấu hiệu của sự khiêm tốn. Sự khiêm tốn là hơi ẩm hoặc là phân bón mà từ đó lòng sùng mộ sẽ tăng trưởng.
Để giúp cho lòng sùng mộ đó tăng trưởng, hãy nhớ những điều sau đây:
– Bạn bè, gia đình, danh tính hoặc các dự án lớn, nhỏ của bạn sẽ không giúp bạn có được nền tảng căn bản cần thiết để đạt được hỉ lạc và hạnh phúc.
– Tuyệt đối mọi hiện tượng, vạn vật xung quanh bạn đều là vô thường, ngay cả thân của bạn, và trong khi bạn có thể chắc chắn là bạn sẽ chết, bạn cũng không biết chắc được bạn sẽ chết khi nào, ở đâu hoặc như thế nào.
– Những người bạn kết nối, đi cùng trong cuộc đời này, cuối cùng sẽ dẫn bạn đến khổ đau.
– Tất cả những mối quan hệ của bạn đều là tạm thời. Khi bạn làm thủ tục nhận phòng ở một khách sạn, ngay lập tức bạn không nghĩ rằng bạn sẽ ở mãi với các giám đốc, nhân viên dọn phòng và phục vụ của khách sạn. Nhà cửa, bạn bè, các ý tưởng và giá trị mà bạn sở hữu chỉ là một phần giống như trải nghiệm ở khách sạn của bạn. Dù sớm hay muộn, bạn cũng sẽ phải rời đi và bỏ lại tất cả ở phía sau.
– Tam Bảo là vinh quang. Hãy thường nghĩ về những phẩm tánh giác ngộ và khi nào có thể, hãy cố gắng kết thân với một người bạn thiện tri thức, một bậc thầy sẽ chỉ cho bạn những lỗi lầm của bạn một cách trung thực.
– Không có điều gì xảy ra một cách ngẫu nhiên, mọi thứ xảy ra theo logic toán học của nguyên nhân, điều kiện và kết quả. Với logic này, chúng ta cần tin tưởng hoàn toàn. Con người hiện đại đã tin vào sự vận hành của nghiệp một số cấp độ: ví dụ, chúng ta biết rằng một bông cúc vạn thọ không phải do Chúa tạo ra mà mọc lên từ hạt giống khi tất cả các điều kiện cần thiết hội tụ cùng nhau. Điều mà tất cả chúng ta đều không có là một niềm tin sâu sắc, bất thối chuyển vào nghiệp quả. Đây là những gì dẫn dắt chúng ta đến với sự thất vọng to lớn và cảm giác rằng cuộc sống là “không công bằng, đặc biệt khi chúng ta đã làm những gì tốt nhất nhưng lại phải chịu những hậu quả không mong muốn. Chúng ta chỉ tin tưởng vào những nguyên nhân, điều kiện hiển hiện rõ ràng và không bao giờ nghi ngờ rằng có tầng tầng lớp lớp các nguyên nhân, điều kiện khác còn ẩn sâu trong mỗi hiện tượng.
Nếu bạn phát khởi được những suy nghĩ này trong tâm thức, lòng sùng mộ sẽ được phát khởi.
BỐN KIỂU SÙNG MỘ
Theo ngài Jigme Lingpa, có bốn kiểu sùng mộ:
(1) Sùng mộ hứng khởi: Bạn đọc, nghe những lời của Đức Phật, và thấy có lý, nhờ đó bạn cảm thấy bị hấp dẫn bởi giáo pháp. Một cách lý tưởng, đây là kiểu sùng mộ bạn bắt đầu phát khởi trên con đường.
(2) Sùng một khát khao: Giống như con ong ham muốn phấn hoa, bạn có một sự khát khao muốn tạo ra những phẩm chất nhất định cho bản thân – khát khao áp dụng những giáo lý và đạt được kết quả.
(3) Sùng mộ xác tín: Bạn bắt đầu nhìn thấy phẩm tính vô song và không dối gạt của Tam Bảo, do đó bạn có sự tự tin vào bậc thầy và giáo lý từ nơi sâu thẳm trái tim bạn.
(4) Sùng mộ bất thối chuyển: Một khi bạn tin chắc rằng trên đầu bạn là bầu trời, không điều gì có thể làm lay chuyển niềm tin đó của bạn. Một khi bạn đã phát triển một niềm tin vào tri kiến, thiền định và hành động thông qua lắng nghe, thiền định, và suy ngẫm, bạn sẽ không bao giờ nhìn bậc thầy như bất kỳ điều gì khác ngoài Đức Phật. Bạn bước vào con đường giáo pháp với quyết tâm mạnh mẽ và một sự tin chắc rằng bạn sẽ không bao giờ quay trở lại. Điều này được gọi là “lòng sùng mộ bất thối chuyển”.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ DUY TRÌ LÒNG SÙNG MỘ?
Một bậc thầy Kadampa đã đưa ra lời khuyên rất đơn giản về cách duy trì lòng sùng mộ, phần nhiều trong đó bạn đã nghe nói đến. Nhưng có một vài điều bạn cần nghe đi nghe lại nhiều lần:
“Lòng sùng mộ dành cho giáo pháp là một tài sản cao quý.” Lòng sùng mộ dành cho giáo pháp là một tài sản cao quý hiếm khi khởi sinh. Khi lòng sùng mộ được phát khởi ở một người mới bắt đầu, nó có thể bị nhiễm ô bởi hy vọng, mong đợi và sợ hãi, và điều đó tạm thời thì vẫn tốt. Thậm chí có được lòng sùng mộ nhiều như vậy ở giai đoạn ban đầu là rất đáng khích lệ.
“Bắt lấy con sóng của lòng sùng mộ.” Lòng sùng mộ là một điểm vào, như một con sóng. Nếu bạn là một người chơi lướt sóng, bạn sẽ không muốn bỏ lỡ con sóng đó. Một khi bạn bắt được con sóng đó, nó có thể giúp bạn đi xuyên qua hành trình thực hành của bạn. Vì thế, khi bạn lần đầu tiên được tạo cảm hứng bởi lòng sùng mộ, bạn đừng chờ đợi! Hãy tóm lấy nó và sử dụng nó. Nếu lòng sùng mộ bỗng dưng phát khởi khi chúng ta đang pha cà phê, đang lái xe về nhà, hoặc tại bất kỳ khoảnh khắc nào, thói quen của chúng ta thường nghĩ: “Cảm thấy sùng mộ thế này thật tốt!” và chúng ta tự nhắc mình sẽ cố gắng thực hành sau đó. Điều chúng ta nên làm là hãy thực hành ngay lập tức, ngay cả khi chúng ta không có thời gian. Cho dù phần thực hành của chúng ta rất ngắn, hãy thực hành ngay. Thậm chí nếu bạn chỉ có đủ thời gian để tụng một lời nguyện ngắn tới Đức Liên Hoa Sinh, hãy làm ngay điều đó.
Việc luân hồi không bao giờ hết.” Jigme Lingpa thật quá thông thái. Một vài người trong chúng ta tưởng tượng rằng sẽ đến một thời điểm chúng ta có thể từ bỏ hoàn toàn tất cả các hoạt động luân hồi và trách nhiệm thế tục để cống hiến thời gian của chúng ta cho giáo pháp, nhưng Jigme Lingpa đã chỉ ra rằng thời điểm như thế sẽ không bao giờ đến. Không phải là bạn cần phải dừng lại tất cả những hoạt động thế tục và chỉ thực hành giáo pháp mà bạn nên rèn luyện tâm thức của mình với cách suy nghĩ rằng những hoạt động thế tục của bạn sẽ không bao giờ chấm dứt. Ngài nói như vậy có nghĩa là bạn đừng có gạt bản thân mình tin vào một điều rằng đến một giây phút nào đó trong cuộc đời này bạn sẽ không còn việc thế tục nào để làm nữa. Với thái độ trì hoãn này – nghĩ rằng sẽ có điểm kết thúc cho tất cả các hoạt động của mình – chúng ta có thể sẽ không bao giờ bắt đầu việc thực hành. Những nỗ lực luân hồi là vô tận và không có kết quả, những hoạt động luân hồi không bao giờ kết thúc. Vì thế, bất kỳ khi nào và bất kỳ ở đầu lòng sùng mộ của bạn phát khởi tức thì, bạn hãy tóm lấy nó, sử dụng nó. Đừng tưởng rằng bạn sẽ có thể thực hành sau và nhớ lại lòng sùng mộ vừa mới phát khởi trước đó để làm cảm hứng, bởi vì đến lúc bạn bắt đầu thực hành thì lòng sùng mộ xuất hiện đầy cảm hứng trước đó đã tiêu tan.
“Tạo ra sự bền bỉ. Hãy tạo ra sự bền bỉ khi lòng sùng mộ của bạn được thử thách. Ví dụ, khi bạn đã thực hành lâu và nhiều nhưng bạn không có trải nghiệm thậm chí ngay cả một giấc mơ có ý nghĩa, và niềm hứng khởi cùng nhiệt huyết thực hành mỗi ngày của bạn cứ vơi cạn, vào những lúc như thế, hãy thực hành sự bền bỉ. Ngay cả nếu bạn cảm thấy như thể bạn chỉ mấp máy những lời tụng, hãy cố gắng kiên trì.
“Phát khởi một cảm giác thôi thúc.” Chúng ta không hề biết liệu các kế hoạch của chúng ta trong cuộc đời này sẽ diễn ra như dự định không. Do đó, hãy phát khởi một cảm giác thôi thúc về việc thực hành của bạn, và đừng trì hoãn việc đặt chân vào con đường tâm linh.