TỐ CHẤT CỦA MỘT NGƯỜI THÀNH CÔNG

TIẾN SĨ THÁI LỄ HÚC

Trích: Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 1; Ban dịch thuật Tịnh Không Pháp ngữ; NXB. Hồng Đức, 2021

Các vị bằng hữu! Chúng ta cần hiểu rõ một chút, những chủ doanh nghiệp và các doanh nhân thật sự thành công không phải là người có học lực cao nhất. Vậy chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ từ một góc độ khác, chủ doanh nghiệp cảm thấy không tìm ra được nhân tài, xin hỏi: chủ doanh nghiệp cần đến nhân tài như thế nào? Vấn đề này không nhất thiết phải đi hỏi Tiến sĩ, trong lòng mỗi một người đều có đáp ản, bởi vì trong cuộc đời chúng ta đã đi qua, cũng đã thấy được không ít người thành công và những người thất bại. Thưa các vị bằng hữu! Quý vị cảm thấy người thành công phải có đầy đủ những tố chất gì? Có vị nào nói nghe thử không? Quý vị không nên mê tín rằng nhất định phải là người có học lực cao thì mới có câu trả lời. Chỉ cần một người tâm bình lặng lại thì đáp áp sẽ xuất hiện. Tâm thanh tịnh sẽ sinh trí tuệ. 

Quý vị cảm thấy tố chất thế nào mới có thể làm cho đời sống được thành công? 

Thành thật; 

Lòng trách nhiệm; 

Khiêm tốn; 

Giữ chữ tín; 

Lòng nhẫn nại. 

Chúng ta có thể cho ra một quyển sách “Tố Chất Thành Công” rồi. Tôi không gạt quý vị. Quý vị đến nhà sách mà xem, phần nhiều đều là những câu nói này. Như vậy chúng ta đã biết được là người đầy đủ tố chất như vậy mới là nhân tài thật sự. Xin hỏi: Chúng ta có dạy trẻ nhỏ tính thành thật không? Rất nhiều phụ huynh cảm thấy thành thật là quan trọng, nhưng sau đó trong lòng nghĩ: “Nếu như quá thành thật, ra ngoài bị người ta ức hiếp thì phải làm sao? Nếu như rất khiêm tốn, luôn bị người ta đè xuống thì phải làm sao?” Lòng tin này còn phải bàn bạc lại. Lòng tin là căn bản. Quý vị có thật sự tin tưởng rằng có đủ những tố chất này thì đời sống về sau của chúng sẽ thực sự thành công không? Thật ra, chủ doanh nghiệp đều đã phát hiện ra sự thật này. 

Phương Tây trong mấy mươi năm qua đã chú trọng về quản lý chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm gì vậy? Chất lượng của sản phẩm và hàng hóa, họ gọi là “TQM – quản lý toàn diện chất lượng sản phẩm” (Total Quality Management). Quản lý học mấy mươi năm qua đều nhấn mạnh đến, ví dụ ngày nay họ làm ra cái micro, chỉ cần làm tốt cái micro này, khiến cho nó có sức cạnh tranh mạnh, họ liền có thể gối cao đầu mà ngủ, cho nên điểm mà họ chú trọng là phải làm ra món đồ cho tốt. Kết quả khoảng mười đến hai mươi năm sau thì phát sinh ra một số vấn đề. Vào năm 1995, Ngân hàng Barings của nước Anh có cơ nghiệp hơn hai trăm năm, bởi vì một nhân viên ở Singapore lạm dụng công khoản, đã khiến cho cơ nghiệp hơn 200 năm này tan thành mây khói, bị sụp đổ. Theo tư duy của phương Tây, khi xảy ra vấn đề thì thế nào? Nhanh chóng giải quyết, đây gọi là “đau đâu trị đó”

“Đau đâu trị đó” có phải là phương pháp tốt không? Không phải là phương pháp tốt. Cũng giống như sức khỏe hôm nay xấu đi, đã bị bệnh ung thư thì có dễ xử lý không? Không dễ xử lý. Vì vậy, học vấn của người phương Đông không phải là trị bệnh mà trị lúc chưa bệnh, phải phòng ngừa khi chưa bị bệnh. Còn phương Tây, tuy khoa học kỹ thuật rất phát triển, thế nhưng họ chuyên môn xử lý bệnh trạng, ung thư ruột thì lập tức cắt bỏ ruột, ung thư gan thì cắt gan. Cắt rồi có hết hay không? Ngay chỗ đó thì không việc gì nhưng hai năm sau thì chỗ khác xảy ra vấn đề. Quý vị không nên dùng tâm thù hận đối với tế bào ung thư, bởi quý vị đã chiều hư tế bào ung thư nên nó mới càn quấy như vậy. Ai đã nuông chiều hư tế bào ung thư? Các vị bằng hữu! Trên thân thể mỗi người chúng ta đều có tế bào ung thư, chỉ vì chúng ta chiều hư nó nên nó mới thành ra càn quấy, bởi vì trong mười năm – mười lăm năm qua, chúng ta đã hủy hoại sức khỏe của mình. Cái thân này thật sự muốn hư cũng không phải dễ, bởi vì nó rất tinh vi. Cho nên việc cắt bỏ ung thư tuyệt nhiên không thể giải quyết căn bản vấn đề. Không những không giải quyết được căn bản vấn đề, mà đồng thời còn sinh ra tác dụng phụ. Rất nhiều bệnh nhân ung thư sau khi tiếp nhận một số trị liệu thì những ngày tháng sau đó đều rất là khó sống. 

Thật ra, việc xử lý tế bào ung thư, tôi xin đưa ra một thí dụ, cũng giống như một bao rác để ở trên đất, có rất nhiều ruồi bu vào, quý vị rất tức giận: “Làm gì mà nhiều ruồi đến vậy?”, lập tức lấy thuốc diệt côn trùng ra phun chết hết. Vấn đề đã giải quyết rồi! Nhưng sau khi quý vị rời khỏi, qua mười phút sau, ruồi lại đến nữa. Tư duy của người hiện tại chính là giải quyết bệnh trạng, cắt bỏ đi bệnh trạng. Người bạn trai này không tốt thì đổi người khác, người bạn gái này không tốt thì cũng thay đổi. Như vậy có giải quyết được vấn đề hay không? Không phải người bạn trai không tốt, cũng không phải người bạn gái không tốt, mà là ai không tốt vậy? Chính mình không học được bao dung, không học được thương yêu người khác. Không thể giải quyết vấn đề căn bản thì có đổi thêm vài người nữa cũng không ích gì. Vì vậy chúng ta giải quyết vấn đề thì phải giải quyết từ căn bản.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC TỐ CHẤT ĐẠO ĐỨC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP