NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Nhân quả đồng thời được nói một cách cô động trong kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm… và rãi rác trong kinh điển Đại thừa. Có lẽ người đầu tiên dùng thành ngữ “nhân quả đồng thời” là Đại Sư Trí Khải (thế kỷ thứ 6) trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa và trong các tác phẩmThiên Thai tông của ngài, y cứ trên Kinh Pháp Hoa. Thành ngữ này cũng là một giáo lý chính yếu của Hoa Nghiêm tông vào thế kỷ thứ 7.
Nói một cách vắn tắt và đơn giản, nhân quả đồng thời là quả giác ngộ, quả Phật vốn đã nằm nơi nhân tu hành để đạt đến giác ngộ, để thành Phật.
Nhân quả thành Phật là “Nhân địa pháp hạnh của Như Lai” được nói trong kinh Viên Giác:
“Bấy giờ Bồ-tát Văn-thù ở trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, chắp tay quỳ thẳng mà bạch rằng: Thế Tôn đại bi, xin vì đại chúng trong Pháp hội này mà giảng nói nhân địa pháp hạnh bản khởi thanh tịnh của Như Lai cùng chỗ phát tâm thanh tịnh của Bồ Tát trong Đại thừa, làm sao xa lìa các bệnh, khiến cho chúng sanh đời mạt thế sau này cầu nhập Đại thừa khỏi sa vào tà kiến”.
Đức Phật trả lời:
“Thiện nam tử ! Bậc Pháp vương Vô thượng có pháp Đại tổng trì Đà-la-ni gọi là Viên Giác, từ Viên Giác này lưu xuất tất cả Chân Như thanh tịnh, Bồ-đề Niết-bàn cùng các Bà-la-mật truyền dạy cho Bồ-tát. Nhân địa bản khởi của tất cà Như lai đều y vào tánh giác thanh tịnh tròn đầy soi khắp này mà vĩnh viễn đoạn dứt vô minh, thành tựu Phật đạo”.
Để đạt đến quả giác ngộ viên mãn, để đạt đến quả là cái giác trọn vẹn (Viên Giác) thì nhân cũng là tánh giác. Luận đại thừa khởi tính nói đến Thủy giác và Bản giác. Thủy giác là cái giác nơi người tu, Bản giác là cái giác viên mãn vốn sẵn. Tu hành là thể nghiệm Thủy giác cuối cùng là một với Bản giác.
Trong kinh Lăng nghiêm, Đức Phật nói:
“Nếu các ông muốn tu Bồ-tát thừa để vào tri kiến của Phật, thì nên xét kỹ cái nhân địa phát tâm và cái Quả địa giác ngộ là đồng nhau hay khác nhau. A nan! Nếu ở nơi tâm địa mà lấy cái tâm sanh diệt làm gốc, y vào đó mà tu để cầu quả bất sanh bất diệt của Phật thì không thể có chuyện ấy được” .
“Những người tu hành không thành được giác ngộ, vô thượng đều do không biết hai thứ căn bản, lầm lộn tu tập, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dầu trải qua số kiếp nhiều như bụi, rốt cũng chẳng được”.
Thế nào là hai thứ căn bản? Một căn bản sanh từ vô thủy, tức là ông và các chúng sanh hiện giờ dùng cái tâm bám víu theo duyên (tâm phan duyên) mà làm tự tánh. Hai là thể Bồ-đề Niết-bàn xưa nay vốn thanh tịnh từ vô thủy. Tức là cái chân tâm vốn sáng soi của ông hiện giờ, hay sanh các duyên nhưng ông lại đuổi theo các tướng duyên ấy mà bỏ quên nó. Vì các chúng sanh bỏ quên cái Vốn Tự Sáng này nên tuy trọn ngày sử dụng nó mà chẳng tự biết, oan uổng lạc vào sáu nẻo”.
Kinh Đại Bát Nhã nói Bồ-tát phải tu hành tương ưng và ngộ nhập Chân Như hay tánh Không, pháp tánh, thật tế …Chân Như hay tánh Không này là nhân địa tu hành của Bồ-tát:
“Bồ-tát biết các bậc khác nhau: phàm phu, Thanh Văn, Độc Giác, Bồ-tát, Như lai. Tuy nói có khác nhau, nhưng trong tánh Chân Như của các pháp không có sai khác, không phân biệt, không hai, không hai phần. Bồ-tát này thật sự ngộ nhập Chân Như của các pháp mà trong Chân Như ấy không có sự phân biệt” ( Phẩm tướng bất thối).
Một định nghĩa của Chân Như là: “Chân Như Như Lai không đến không đi, nên nói Tu-bồ-đề theo Như Lai sanh. Chân Như Như Lai tức Chân Như tất cả các pháp. Chân Như Như Lai không ngăn ngại. Chân Như Như lai và Chân Như tất cả các pháp đồng một Chân Như, không hai không khác, không tạo không tác. Chân Như Như Lai không quá khứ chẳng vị lai chẳng hiện tại. Chân Như tất cả các pháp cũng chẳng quá khứ, chẳng vị lai chẳng hiện tại. Chân Như quá khứ, Chân Như vị lai, Chân Như hiện tại là bình đẳng, và bình đẳng với Chân Như Như Lai, đồng một Chân Như, bình đẳng, không hai, không khác” (Phẩm Chân Như).
Như vậy quả là sự giác ngộ viên mãn tánh Viên Giác, hay Chân Tâm bất sanh bất diệt, hay Chân Như Phật tánh… Quả đó có nhân cũng là tánh Viên Giác, Chân Tâm bất sanh bất diệt, Chân Như Phật Tánh… Nói cách khác, Bồ-đề tâm tương đối trên đó Bồ-tát tu hành, cũng chính là Bồ-đề tâm tuyệt đối.
Điều quan trọng là nhân Phật hay quả Phật đều có ngay tại đây và bây giờ. Tin được như vậy và sử dụng thiền định, thiền quán và mọi phương tiện khác (bởi vì mọi pháp môn đều dẫn vào Chân Như này) thì đến lúc nào đó, vô minh bớt dày đặc, chúng ta sẽ trực tiếp thấy cái nhân quả đồng thời ấy. Bởi vì từ vô thủy chúng ta vẫn sống trong cái nhân quả đồng thời ấy dù biết hay không biết.
Dù gọi nó bằng gì, thì nó vẫn có sẵn, vẫn ‘hiện tiền’ như ‘hạt châu trong chéo áo’. Công việc đích thực của đạo Phật là chứng ngộ nó, một cách ‘nhân quả đồng thời’, ‘chẳng trải tăng kỳ được Pháp thân’, như sự chứng ngộ của ngài A-nan được tường thuật trong kinh Lăng Nghiêm. Lục Tổ Huệ Năng cũng đã có một kinh nghiệm trực tiếp và thình lình về cái đó:
Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh
Nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt
Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ
Nào ngờ tự tánh vốn không động lay
Nào ngờ tự tánh sanh ra muôn pháp
Cũng vì kinh nghiệm ban đầu đó mà về sau Ngài dạy trong câu nói mở đầu trong kinh Pháp Bảo Đàn: “Này các thiện trí thức ! Bồ-đề tự tánh vốn vẫn thanh tịnh, chỉ dùng tâm ấy hẳn thành Phật ngay”.
Chính vì cái nhân quả đồng thời vốn tròn đầy, sẵn đủ và trực tiếp tức thời này mà Thiền tông được gọi là Đốn giáo, Hoa Nghiêm tông và Thiên Thai tông được gọi là Viên giáo , và truyền thống Ấn-Tạng gọi là Đại Toàn Thiện (mahasandhi, Dzogchen) của phái Nyingma, là Đại Ấn (Mahamudra) của phái Kagyu…Tịnh độ cũng y cứ trên cái nhân quả đồng thời này: “Thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật”. Tâm ấy làm Phật (niệm Phật, quán tưởng Phật), tâm ấy là Phật.
Trước hết chúng ta nhận thấy rằng nhân quả đồng thời không phải là một lý thuyết, dù lý thuyết ấy được rút ra từ kinh điển, mà là một sự thật do tâm chứng. Nhân quả đồng thời không phải là một lý thuyết để các tông phái tranh luận tông nào hơn kém, cao thấp mà thực ra, ở cực điểm của kinh nào, tông nào cũng đếu có cái nhân quả đồng thời ấy, dù gọi bằng cái tên nào khác. Nhân quả đồng thời là một sự thật do tâm chứng, thế nên tùy vào mức độ của tâm đến đâu, người ta sẽ thấy nhân quả là cái đồng thời đến đó. Kinh Duy-ma-cật nói : “Tùy theo tâm thanh tịnh mà cõi Phật thanh tịnh”. Tâm thanh tịnh và cõi Phật thanh tịnh là nhân quả đồng thời. Một thành ngữ khác thường được nói nhiều trong Đại thừa, “Sanh tử tức Niết-bàn” .Đây cũng là nhân quả đồng thời .
– Nhân quả đồng thời nghĩa là Nhân tức là Quả, Quả tức là Nhân. Nói theo hệ thống Bát Nhã, Nhân tức là Quả, Quả tức là Nhân nghĩa là: “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Thọ Tưởng, Hành,Thức cũng đều như vậy”.
Ở đây, thế giới hiện tượng chính là thế giới bản tánh, chân lý tương đối (tục đế) chính là chân lý tuyệt đối (chân đế).
– Theo hệ thống Duy thức, Nhân tức là Quả nghĩa là Thức tức là Trí, Toàn tức là Trí.
Kinh Lăng-già nói:
Biển tàng thức thường trụ
Gió cảnh giới khởi lên
Lớp lớp các sóng thức
Nhấp nhô mà chuyển sanh
Sắc thanh hương vị xúc
Cả thảy các trướng trạng
Chẳng khác không chẳng khác
Như biển và sóng biển
Bảy thức cũng như vậy
Đều là tâm duyên sanh
Ví như biển nước động
Có lớp lớp sóng chuyển
Bảy thức cũng như vậy
Trong tâm hòa hợp sanh
Tâm ý và các thức
Tướng trạng được phân biệt
Tâm thức chẳng lìa nhau
Vì cùng một bản tánh
Ví như biển và sóng
Hoàn toàn không sai biệt
Các thức (tất cả Nhân) tức là Tâm, hay Trí (hoàn toàn Quả) toàn Thức tức là Trí là như vậy.
– Nhân quả đồng thời là trong nhân địa, không có thời gian và không gian ngăn cách. Thế nên Thiền tông nói: ‘Đương xứ tiện thị’, ‘Xanh xanh trúc biếc, trọn là Pháp thân, rỡ rỡ hoa vàng, không gì chẳng phải là Bát Nhã’.
Kinh Pháp Hoa nói (ở đây chỉ trích ra một đoạn ngắn):
Hoặc ở nơi đồng trống
Đắp đất thành chùa tháp
Nhẫn đến trẻ con giỡn
Gom cát thành tháp Phật
Những hạng người như thế
Đều đã thành Phật đạo
Hoặc người lòng vui mừng
Ca ngâm tán thán Phật
Nhẫn đến một tiếng nhỏ
Đều đã thành Phật đạo
Nhẫn người lòng tán loạn
Bước vào trong chùa tháp
Một xưng Nam mô Phật
Đều đã thành Phật đạo…
– Trong cái nhìn thấu suốt của kinh Viên Giác, thì “Tất cả chúng sanh bổn lai thành Phật, sinh tử Niết-bàn như giấc mộng đêm qua”.
Toàn tướng tức tánh, toàn bóng là gương, toàn sóng là nước, thể dụng không hai. Khi con sư tử làm bằng vàng thì mỗi đầu lông đều là vàng. Khi Tâm là Chân Không, Chân Như thì mọi khởi niệm đều là Chân Không Chân Như.
Kinh Viên Giác nói: “Thiện nam tử! tất cả chướng ngại đều là cứu cánh giác; chánh niệm hay thất niệm không gì chẳng phải là giải thoát; pháp thành hay pháp hoại đều là Niết-bàn, Trí tuệ hay vô minh cũng là Bát-nhã, chỗ thành tựu của Bồ-tát hay của ngoại đạo đều là Bồ-đề; vô minh và Chân Như không khác cảnh giới; chúng sanh pháp độ đồng một pháp tánh, hữu tình vô tình đồng thành Phật đạo; hết thảy phiền não là giải thoát rốt ráo, Biển huệ các giới chiếu suốt các tướng cũng như hư không. Đây gọi là Như Lai tùy thuận tánh Viên Giác”.
– Nhân quả đồng thời là nhân cùng một bản tánh với quả. Như vậy, một địa là cùng một bản tánh với tất cả các địa khác, kể cả Phật địa. Thế nên trong một địa có tất cả các địa. Tất cả các địa bao gồm trong một địa.
Mười địa của Bồ-tát Pháp thân chỉ là một địa là Phật địa, nhưng sở dĩ chia thành mười địa vì phiền não chướng và sở tri chướng của hành giả Bồ-tát có cấp độ nặng nhẹ, sâu cạn khác nhau. Pháp thân Chân Như thì ‘không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm’ soi suốt vô ngại không có chỗ khác nhau, nhưng vì có sự che chướng ở bản thân hành giả mà có địa sai khác. Điều này là cơ sở cho Đốn giáo và Viên giáo. Thí dụ như Long Nữ tức thời thành Phật trong kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm nói “sơ phát tâm đã thành Chánh Giác”.
Nhân quả đồng thời là Nhân đồng một bản tánh, đồng một vị với Quả. Chính vì nhân quả đồng thời đồng một bản tánh, đồng một vị với tất cả các pháp môn mà Phật pháp bình đẳng và trực tiếp ở khắp tất cả. Bất cứ thời gian nào không gian nào và bằng bất cứ phương tiện pháp môn nào người ta cũng có thể trực tiếp tiếp xúc và hưởng thụ Phật pháp, tùy theo mức độ thanh tịnh của tâm mình. Chẳng hạn, giữ một giới trong năm giới, chúng ta hưởng thụ được ngay sự thanh tịnh của Phật pháp mà cũng là sự thanh tịnh của tâm mình. Sự thanh tịnh ấy ở tất cả nơi chốn, tất cả thời gian, tất cả pháp môn. Tùy tâm chúng ta bị che chướng nhiều hay ít, mà sự thanh tịnh ấy hiển lộ ít hay nhiều.
Nhân quả có đồng thời hay không và đồng thời đến mức độ nào là do tâm ta có thanh tịnh hay không và thanh tịnh đến mức độ nào.
– Nhân quả đồng thời là nhân quả không hai, không khác. Đây là cái được gọi là Nhất thừa: tăng tục, thánh phàm không hai, không khác (Trần Thái Tông), đời đạo không hai, không khác (Trần Nhân Tông), sanh tử Niết-bàn không hai, không khác (Tuệ Trung Thượng sĩ).
Trên nền tảng Nhất thừa ‘bổn lai thành Phật’ này, một giờ ngồi thiền là một giờ làm Phật, cả ngày làm việc gì cũng là Phật sự. Suốt ngày sống trong nhân quả đồng thời là suốt ngày làm Phật.
Như thế mỗi pháp môn cho đến mỗi hành vi cử chỉ đều là sự biểu lộ của bản tánh Phật, như là bọt sóng là sự biểu lộ của tất cả đại dương.
– Dùng thuật ngữ tôn giáo Ấn – Tạng, đạo Phật gồm có Nền Tảng, Con Đường và Quả. Trong bối cảnh nhân quả đồng thời, Nền Tảng cũng chính là Quả. Thế nên Con đường đi từ Nền Tảng đến Quả cũng là Con Đường đi trong Nền Tảng, Con Đường đi trong Quả. Đây là điều được gọi là Quả thừa (Phalayana) thay vì Nhân thừa (Hetuyana).
Chúng ta nhớ con đường của Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm đến với 53 vị Thầy, mà vị Thầy đầu tiên là Văn-thù và vị Thầy cuối cùng là Phổ-Hiền. Con đường ấy là con đường hoan hỷ an vui và hăng say vì con đường ấy đi trong Quả (tức là Pháp thân) của Phật-Tỳ-Lô-Giá-Na với những vị thầy đã từng ngộ nhập Pháp thân Tỳ-lô-giá-na. Nói cách khác, con đường tu hành ấy luôn luôn đi trong Phật, không thể làm gì khác ngoài Phật. Con đường ấy là con đường trong Phật bằng chất liệu Phật, chặng đầu, chặng giữa, chặng cuối đều là Phật.
Cũng theo truyền thống Ấn – Tạng, con đường của hành giả gồm Cái Thấy hay Thấy Hiểu (kiến giải), Thiền, Hạnh và Quả.
Cái Thấy hay Thấy Hiểu là thấy hiểu sự bất nhị của tướng và tánh, của sắc và Không, của sanh tử và Niết-bàn. Nói cách khác, thấy hiểu rằng mình đang hiện hữu trong Nền Tảng hay Quả trong Phật.
Thiền định là tâm thức không rời khỏi Cái Thấy ấy, càng lúc càng đi sâu vào Cái Thấy ấy.
Hạnh là mọi hoạt động, mọi ý nghĩ đều thấm đẫm Cái Thấy Nền Tảng đến độ toàn bộ đời sống đều được chuyển hóa thành Tâm Phật (Chánh báo) và cõi Phật (Y báo).
Quả là thân, ngữ, tâm của hảnh giả được chuyển hóa thành thân, ngữ, tâm của một vị Phật.