KOITSU YOKOYAMA
Chúng ta nên sống với một mục đích cao thượng dựa trên ý chí. Với từ “mục đích”, tôi muốn nói lên điều gì? Một mục đích chính là tầm nhìn mà ta gìn giữ, và hướng về nó mà không bị xao lãng. Ví dụ như khi leo núi, chúng ta sẽ đặt mục đích là đỉnh núi và giữ tầm nhìn lên đó khi tiếp tục đi trên con đường mòn. Nếu như không có mục đích rõ ràng, ta sẽ kết thúc bằng việc sa lầy, bị lạc lối trong những ảo ảnh.
Tuy nhiên, mục đích cao thượng trong cuộc sống là gì? Bạn có thể nghĩ rằng vì mỗi người khác nhau nên mỗi người cần phải có các mục tiêu khác nhau trong cuộc sống. Câu trả lời đúng như vậy, tuy nhiên điều này chỉ nói đến các mục đích khác mà không phải là mục đích cao thượng. Thông thường các mục đích này hoá ra chẳng có gì khác hơn, chỉ là một lần dừng lại trên đường. Một mục đích cao thượng là điều mà mọi chúng sinh cần chia sẻ. Vậy chúng ta cần phải theo đuổi điều gì? Có ba mục đích tuần tự:
- Học hỏi cho chính mình.
- Giải quyết các vấn đề của sự sống và cái chết.
- 3. Cứu giúp những người khác.
Ba mục đích này được phác thảo trong tài liệu về thiền định rất nổi tiếng đã được giới thiệu: Thập Mục Ngưu Đồ. Thập Mục Ngưu Đồ là một tài liệu mô tả bằng biểu tượng những thái độ tinh thần phát sinh thông qua việc thực hành thiền định, thông qua câu chuyện kể về 10 giai đoạn với các nhân vật chính là con trâu và người chăn trâu. Một ngày kia, người chăn trâu phát hiện ra con trâu của mình đã đi lạc. Người chăn trâu bắt đầu cuộc hành trình đi tìm con trâu của mình (giai đoạn một, “tìm trâu”). Sau nhiều ngày tìm kiếm, anh ta phát hiện những dấu chân trâu (giai đoạn hai: “thấy dấu”). Vui mừng và can đảm đi theo những dấu chân, anh ta thấy con trâu ở một khoảng cách (giai đoạn ba: “thấy trâu”). Rồi anh ta đã bắt lại con trâu bằng sợi dây mang theo (giai đoạn bốn: “bắt trâu”). Sau đó, anh ta thuần phục nó (giai đoạn năm: “chăn trâu”). Ngồi trên lưng trâu, người chăn trâu quay về nhà (giai đoạn sáu: “cưỡi trâu về nhà”). Khi đã về nhà, anh ta đưa con trâu vào đàn rồi ngồi thanh thản (giai đoạn bảy: “quên trâu/còn người”).
Hình vẽ tiếp theo là chủ đề rất nổi tiếng trong nhiều bức tranh thuỷ mặc được gọi là “vòng tròn trống rỗng”, là hình ảnh một vòng tròn đơn giản (giai đoạn tám: “người, trâu đều quên”). Hình ảnh này biểu trưng cho trạng thái tinh thần của một người đã đạt được cái nhìn thấu suốt vào tính không, thực tại đích thực và toàn bộ hiện hữu của chính mình. Một người giác ngộ như vậy đã quên bản ngã của mình và có khả năng sống một cách tuyệt đối tự nhiên (giai đoạn chín: “trở về nguồn cội”). Hình ảnh tiếp theo là người chăn trâu thõng tay đi vào chợ, tượng trưng cho việc sau cùng có được khả năng để sống thanh thản trong thế giới (giai đoạn 10: “thõng tay vào chợ”).
Mười hình ảnh này sẽ giúp chúng ta hiểu được ba mục đích tuần tự của cuộc sống con người. Điều trước tiên, con trâu bỏ chạy tượng trưng cho bản ngã của chúng ta. Người chăn trâu, nhận ra rằng mình đã mất trâu, bắt đầu tìm kiếm nó. Nói cách khác, anh ta đi tìm chính mình. Giai đoạn này tương ứng với mục đích thứ nhất trong cuộc sống con người: học hỏi cho chính mình. Người chăn trâu tìm thấy trâu, theo đó sống cuộc sống của mình bằng cách gìn giữ nó. Thái độ tinh thần của anh ta sẽ tiến triển cho đến khi anh ta quên con trâu và bình thản nghỉ ngơi. Đây chính là mục đích thứ hai trong cuộc sống con người, giải quyết các vấn đề của sự sống và cái chết. Tuy nhiên, sự gắn bó vào cái tôi vẫn còn. Một chút ý thức bản ngã sau cùng sẽ được quét sạch khi anh ta trải nghiệm giác ngộ, mà ta gọi là “sự giác ngộ vốn ở đó ngay từ đầu”. Giây phút này được tượng trưng bằng hình ảnh một vòng tròn trống không. Sau cùng, khi người chăn trâu vào chợ, anh ta nhận thức rằng, mục đích sau cùng chính là cứu giúp những người khác.
Thập Mục Ngưu Đồ đã minh hoạ một cách xuất sắc ba mục đích của cuộc sống: truy vấn bản thân nhằm giải quyết vấn đề về sự sống và cái chết, để cứu giúp những người khác. Mặc dầu mỗi người đều có những niềm tin, thói quen, suy nghĩ khác nhau, ba mục đích này là chung cho tất cả mọi người.
Chúng ta sẽ có cảm nhận hạnh phúc khi nhận thấy rằng, những việc làm thiện nguyện đã trở thành điều bình thường trong xã hội. Số người dâng hiến cuộc sống cho hạnh phúc của những người khác dường như tăng lên hàng năm. Tuy nhiên, ngay cả đối với tất cả mọi sự hỗ trợ vật chất và tinh thần mà ta đã trao cho những người đau khổ và người hấp hối, ta vẫn tự hỏi bao nhiêu là đủ? Phải chăng chúng ta cần phải mở rộng ý tưởng về việc làm từ thiện? Có lẽ một phần nỗ lực của ta khi làm từ thiện là nhằm giải quyết vấn đề của sự sống và cái chết, để những người đau khổ và bất hạnh có được khả năng tìm thấy sự thanh thản bất chấp thực tế cũng như cuộc sống sẽ phải đi đến kết thúc.
Về ý tưởng, nếu như trở thành một vị Bồ tát thì ta có khả năng sống như thế. Bồ tát hạnh đã cho chúng ta lòng can đảm và năng lực để sống, đó chính là một liều thuốc kỳ diệu nhằm loại bỏ nỗi sợ cái chết. Cho dù Bồ tát là một thuật ngữ Phật giáo, bản thân khái niệm này là điều mà bất cứ ai cũng có mối liên quan – Bồ tát hạnh nói về nhân tính sâu sắc của chúng ta. Các vị Bồ tát chính là những người sống với hai lời nguyện lớn – đi tìm sự giác ngộ và cứu độ chúng sinh – để trả lời cho hai câu hỏi cơ bản nhất trong cuộc sống: “Cuộc sống này là gì?” và “Chúng ta nên sống như thế nào?”
Cuộc sống này là gì? Khi đến tuổi trưởng thành, chúng ta thường đánh mất sự tò mò về cuộc sống, chúng ta còn có ấn tượng rằng mình đã hiểu biết mọi chuyện. Tuy nhiên, về câu hỏi cơ bản cuộc sống này là gì thì ta chưa hiểu gì cả. Ta từ đâu đến và ta đang đi đâu? Dường như ta chỉ hiện hữu trong giây phút hiện tại. Liệu chúng ta có thể nhận biết bản thân trong giây phút hiện tại phù du này không? Một ngón tay không thể chỉ vào chính nó; một con dao không thể cắt chính nó. Chúng ta cũng không thể bước ra ngoài “cái tôi” để nắm bắt nó. Theo cách nghĩ ấy, chúng ta phải chấp nhận rằng mình thực sự không biết gì về bản thân. Rốt cuộc, chúng ta sẽ không biết được điều gì. Một người nào đó thực sự nhận thức được thực tại này, một người nào đó quyết tâm nhận biết và nỗ lực để có thể nhận biết, người đó chính là một vị Bồ tát. Sự quyết tâm vững vàng để nhận biết bản thân, chính là lời nguyện đi tìm sự giác ngộ.
Mặt khác, chúng ta sẽ hiểu một cuộc sống cô độc và chịu đau khổ là gì. Vì vậy, cho dù tìm được một kiểu khuây khoả nào đó thì ta vẫn cảm thấy bị thúc ép phải thực hiện hành động nhằm cứu giúp những người khác cũng đau khổ giống như mình. Để nhận biết cần sống cuộc sống này như thế nào, chúng ta phải phấn đấu để thực hiện điều gì đó với thời gian đã được trao cho. Đó chính là lời nguyện nhằm cứu độ chúng sinh. Chúng ta nguyện không chỉ riêng mình vượt qua, mà còn giúp những người khác vượt qua khổ nạn. Đó chính là suy nghĩ, “Đừng lo cho tôi; tôi phải giúp những người khác”. Nói một cách rõ ràng hơn, Bồ tát là người sống trong trạng thái hiện hữu được gọi là “Niết bàn vô trụ”. Đây chính là dạng Niết bàn của Phật giáo Đại thừa, trong đó chúng ta không cư ngụ nơi thế giới sinh tử cũng không ở bên ngoài thế giới đó. Mục tiêu của Bồ tát chính là một Niết bàn vượt qua cả luân hồi và Niết bàn. Các vị Bồ tát nhập thân trong luân hồi nhằm dẫn dắt những người khác đến Niết bàn, tuy nhiên họ không gắn bó cũng không bị ràng buộc bởi cả hai.
Đức Phật đã xuất hiện như là một vị Bồ tát trong một tập hợp những câu chuyện về cuộc sống trước đó của Ngài được gọi là Bản sinh kinh (Jataka Tales). Tất cả những câu chuyện này hàm chứa nguyên mẫu cho ý niệm “Niết bàn vô trụ”. Những câu chuyện này nhằm nắm bắt cách thức kỳ diệu của cuộc sống vốn có trong mỗi con người mà chúng ta thường không nhận biết, một khi chìm đắm trong suy nghĩ lấy cái tôi làm trung tâm.
Tôi đã từng chối bỏ ý niệm về luân hồi và chu kỳ sinh tử. Tôi đã không tin vào một mối liên hệ nhân quả được liên kết giữa cái chết với sự tái sinh, hay là chu kỳ đó chắc chắn sẽ tiếp tục như hòn đá sẽ rơi xuống khi được buông ra khỏi bàn tay. Tuy nhiên ngày nay, khi đã có tuổi hơn và suy nghĩ nghiêm túc hơn về những gì cuộc sống đem lại, tôi cảm thấy một nhu cầu thúc bách hơn bao giờ hết về việc sống có mục đích, theo đuổi một mục đích cao thượng, thay vì chỉ đơn thuần chuẩn bị cho cái chết không thể tránh khỏi. Cuộc sống của tôi càng lúc càng được nhận thức là điều phải được sử dụng một cách có mục đích, vì lợi ích của những người khác. Tôi cảm thấy không còn lo sợ khi phải hy sinh lợi ích của bản thân để cứu giúp một người nào đó nếu họ cần.
Trí huệ và tâm từ ái chính là hai giá trị lớn nhất của nhân loại. Trí huệ là phương tiện của tâm từ ái. Chúng ta cần phải biết dùng phương tiện này đúng cách để phát triển thành công và triển khai tâm từ ái. Trí huệ là nguồn ánh sáng soi rọi thế gian của chân lý tối hậu (paramartha-satya), vốn không thể mô tả bằng lời. Tâm từ ái là hơi ấm xâm nhập vào thế gian như ta đã biết – thế gian của chân lý quy ước (samvrti- satya) vốn là cảnh quan của suy nghĩ và lời nói.
Vì thế gian của chân lý quy ước chính là thế gian của ngôn ngữ, ở đó các từ ngữ còn mang ý nghĩa sức mạnh. Chẳng hạn như, các từ ngữ của một lời nguyện, nói về những phần sâu thẳm bên trong chúng ta và khiến ta thực sự lắng nghe. Vì vậy, chúng ta thường lặp lại những từ ngữ của một lời nguyện: “Tôi, như một vị Bồ tát, sẽ ở lại trong vòng luân hồi, tiếp tục những nỗ lực để cứu giúp những người khác, bất kể điều gì có thể xảy ra”. Việc lặp lại lời nguyện là một phương tiện thiết thực nhằm nuôi dưỡng hạt giống từ ái đang ngủ yên bên trong tâm trí, để chúng nẩy mầm và phát triển.
Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh của những từ ngữ này. Tôi đã kiên trì nguyện rằng, mình sẽ quay trở lại cuộc đời này lần nữa như một Bồ tát vì lợi ích của những người khác. Ngay cả nếu như sự tái sinh không xảy ra, thì ngôn từ của lời nguyện cũng sẽ tác động một cách sâu sắc đến cách sống của chúng ta. Tôi đã quyết tâm nhận biết bản thân, để giải quyết tất cả các vấn đề của sự sống và cái chết và để cứu giúp những người khác, để trở thành một vị Bồ tát hiện thân cho ba mục đích lớn này.