ALBERT EINSTEIN
Tình cảnh của những đứa con trái đất chúng ta mới kỳ lạ làm sao! Mỗi chúng ta đến đây như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ta không biết để làm gì, nhưng đôi khi ta tin rằng ta cảm nhận được điều đó. Song, nhìn từ cuộc sống thường nhật mà không đi sâu hơn, ta biết rằng: ta đến đây vì người khác – trước hết vì những người mà hạnh phúc của riêng ta phụ thuộc hoàn toàn vào nụ cười và sự yên ấm của họ, kế đến là vì bao người không quen mà số phận của họ nối với ta bằng sợi dây của lòng cảm thông.
Mỗi ngày tôi nghĩ không biết bao nhiêu lần, rằng cuộc sống bên ngoài và cuộc sống nội tâm của tôi là dựa trên lao động của những người hiện tại và cả những người đã chết, rằng tôi phải nỗ lực để trao lại tương xứng với những gì tôi đã nhận được và còn nhận được. Tôi có nhu cầu sống giản tiện và thường cảm thấy dằn vặt, rằng mình đòi hỏi nhiều hơn mức cần thiết từ lao động của đồng loại. Tôi thấy sự khác biệt về giai cấp xã hội là không thể biện minh được và rốt cuộc là do dựa trên bạo lực. Tôi cũng tin rằng, một đời sống bên ngoài giản dị và không cầu kỳ là tốt cho mọi người, tốt cho cả thể xác lẫn tâm hồn.
Tôi tuyệt không tin vào tự do của con người theo nghĩa triết học. Mỗi người không chỉ hành động vì sự thúc ép ngoại cảnh mà còn theo đòi hỏi nội tâm. Câu nói của Schopenhauer : “Con người tuy có thể làm những gì mình muốn nhưng không thể cứ muốn [chạy theo] những gì mình muốn.” đã hằng sống theo tôi từ thời trẻ và luôn là nguồn an ủi với tôi trong những lúc đối mặt và chịu đựng sự khắc nghiệt của cuộc đời và là nguồn suối vô tận của lòng khoan dung. Cảm nhận đó đã làm vơi đi biết bao gánh nặng trách nhiệm vốn dễ khiến ta suy sụp; nó giúp ta không quá khắt khe với chính mình và người khác; nó dẫn đến một cách nhìn cuộc sống mà ở đó, nhất là sự hài hước cũng có chỗ đứng của nó.
Từ góc nhìn khách quan, câu hỏi về ý nghĩa hoặc mục đích tồn tại của mình cũng như của các sinh thể nói chung luôn có vẻ vô nghĩa đối với tôi. Nhưng mặt khác, mỗi người đều có những lý tưởng nhất định làm kim chỉ nam cho nỗ lực và sự phán xét của mình. Theo nghĩa này, sự thỏa mãn và yên ấm chưa bao giờ là mục đích tự thân của tôi (tôi gọi nền tảng luân lý này là lý tưởng của bầy lợn). Lý tưởng của tôi, lý tưởng soi đường và luôn làm dâng đầy trong tôi niềm cảm khái yêu đời, là Thiện, Mỹ và Chân. Không có cảm nhận về sự đồng điệu với những người cùng chí hướng, không có sự đau đáu với cái khách quan, với cái mãi mãi không vươn tới được trong lĩnh vực nghệ thuật và nghiên cứu khoa học, thì cuộc sống với tôi thật trống rỗng. Những mục đích tầm thường mà người đời theo đuổi như của cải, thành đạt bề ngoài, sự xa xỉ, với tôi từ thời trẻ đã luôn đáng khinh.
Lý tưởng chính trị của tôi là lý tưởng dân chủ. Mỗi người cần được tôn trọng như một nhân cách và không ai được thần thánh hóa. Thật trớ trêu cho số phận, chính tôi lại nhận được quá nhiều sự ngưỡng mộ và trọng thị từ người khác – mà tôi chẳng làm gì xứng đáng hay làm gì nên tội. Điều này có lẽ có nguyên cớ từ mong muốn không được thỏa mãn của nhiều người trong việc muốn hiểu vài ba ý tưởng của tôi, những ý tưởng mà tôi đã tìm được bằng chút sức lực yếu ớt trong cuộc vật lộn không ngừng nghỉ. Thực ra tôi cũng biết rằng, để đạt được một mục đích tập thể, nhất thiết phải có ai đó đứng ra nghĩ, sắp xếp và chịu trách nhiệm chung. Nhưng không được ép buộc những người đi theo, mà phải để họ có quyền chọn cho mình người cầm lái. Một hệ thống độc đoán dựa trên sự cưỡng bức sẽ sớm bị thoái hóa trong một thời gian ngắn, tôi tin chắc như vậy. Bởi bạo lực luôn hấp dẫn những kẻ thấp kém về đạo đức, và tôi tin rằng đã thành quy luật: nối nghiệp những tên bạo chúa thiên tài luôn là những tên khốn kiếp.
Cái mà tôi cho là có giá trị đích thực trong các hoạt động của con người không phải là nhà nước, mà là cá thể sáng tạo và cá thể cảm nhận, là cá nhân: Chỉ cá nhân mới [vượt lên] tạo dựng được những giá trị chân quý và cao cả, trong khi bầy đàn, xét như bầy đàn, cứ mãi vẫn là trì độn trong tư duy và trì độn trong cảm xúc.
Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng thảng thốt hay kinh ngạc, kẻ đó có thể coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình. Trải nghiệm cái bí ẩn – dù có pha trộn cảm giác sợ hãi – cũng chính là trải nghiệm mà tôn giáo đã tạo ra. Hiểu biết về sự hiện hữu của cái mà ta không thể nhìn thấu, của những biểu hiện của lý trí sâu thẳm nhất và cái đẹp rực rỡ nhất, [tức về] những cái chỉ có thể đến với trí não của ta trong những hình thức sơ khai nhất; chính cái biết và cái cảm này làm nên tính tín ngưỡng đích thực; theo nghĩa đó và chỉ theo nghĩa đó, tôi thuộc về những người có tín ngưỡng sâu xa.
Còn một Thượng đế theo nghĩa là kẻ ban phát phần thưởng và trừng phạt những tạo vật do chính mình tạo ra, kẻ gần như có một ý chí như người trần thế chúng ta, thì tôi không thể nào hình dung ra được. Với tôi, sự huyền nhiệm về tính vĩnh cửu của sự sống cùng với sự thức nhận và tiên cảm về cấu tạo kỳ diệu của tạo vật cũng như nỗ lực nhẫn nại để nắm bắt lấy một phần dù rất nhỏ bé của cái lý tính tỏa rạng trong cõi tạo hóa này, đã là quá đủ.