GYALWANG DRUKPA XII
GIÁC NGỘ MỖI NGÀY – GYALWANG DRUKPA
“Bản chất của bản ngã là chiếm đoạt, trong khi bản chất của tự tính tâm là ban tặng”
_Ngạn ngữ Phật giáo_
Cái gọi là “bản ngã” này thực chất là gì? Tôi cho rằng đó chính là lớp vỏ bọc mà chúng ta dễ dàng nhầm lẫn với bản chất thực của mình. Bản ngã chính là cách chúng ta hình dung về bản thân, đó là tất cả những nhãn mác ta tự gán cho mình, những trải nghiệm dễ khiến cảm xúc tuôn trào. Bản ngã chính là lăng kính, là bộ lọc để qua đó chúng ta nhìn thế giới. Vì một lý do nào đó, chúng ta thường lầm tưởng bản ngã là bất biến, trong khi cũng như vạn pháp trong cuộc sống, nó biến đổi không ngừng và chúng ta tuyệt nhiên không nên để nó kiểm soát và giới hạn mình.
Theo thời gian, bản ngã dựng lên những bức tường cản trở sự thay đổi khiến chúng ta quá chú trọng đến bản thân. Từ những trải nghiệm thời niên thiếu trải dài suốt cuộc đời, bản ngã luôn rao giảng với chúng ta rằng mình là ai và nên kỳ vọng điều gì ở bản thân. Nó bắt đầu từ lúc cha mẹ mô tả bạn ra sao khi bạn còn là một đứa trẻ, rằng bạn nhút nhát và ít nói, và rồi bạn có thể hoàn tất khá tốt vai diễn này suốt những năm tháng tuổi thơ cho đến khi chợt nhận ra mình thực sự thích giao lưu và tán gẫu. Có thể bạn là đứa trẻ “ngoan” luôn lo lắng mình sẽ khiến mọi người thất vọng. Cũng có thể bạn là một “cơn ác mộng”, nghịch ngợm quậy phá nhưng lại bắt đầu tự nhủ mình sẽ “hoàn lương”. Tất nhiên, trẻ em như tờ giấy trắng không nên bị đóng khung vào nét tính cách nào đó, thế mà những “nhãn mác” này lại có một sức mạnh rất lớn. Khi bạn trưởng thành, bản ngã sẽ vồ chụp lấy chúng và đồng hóa chúng với con người bạn. Khi đó, bạn dễ có xu hướng tự giam mình trong quá khứ với cái nhìn cứng nhắc về bản thân và thế giới, rất khó được tự do thoải mái. Hoặc cũng có thể bạn quá vội vã lao vào tương lai, chạy trốn quá khứ mà bỏ quên mất hiện tại.
Khi chúng ta để bản ngã ngự trị, những bám chấp vào sở hữu của cải, vào con người và thậm chí vào chính những xúc tình tiêu cực sẽ ngày càng mạnh mẽ, biến thành xiềng xích cản trở chúng ta sống cuộc đời tự do và giản đơn. Bản ngã gắn liền với những nguyên nhân của khổ đau. Nó ngăn cản tuệ giác bên trong chúng ta lên tiếng. Tâm trí chúng ta bị che phủ bởi tầng tầng lớp lớp những suy diễn và ngụy tạo. Do vậy, chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của bản ngã để kiểm soát và từ bỏ nó.
Vạn pháp trên thế gian này luôn có mối liên kết và phụ thuộc chứ không phải là sự kiểm soát lẫn nhau. Ngay khi chúng ta thêm vào hai chữ “của ta”, mối liên kết này sẽ bị xuyên tạc. Ta cường điệu một điều gì đó hay sức hấp dẫn của ai đó vì họ là “của ta” hoặc ta có thể quan trọng hóa những điểm yếu nơi mình như “Tôi chẳng hài hước chút nào” hay “Tôi nhạt nhẽo lắm”. Những yếu điểm nhỏ nhặt chẳng ai để ý tới bị ta phóng đại thành lỗi lầm to tát, khiến ta không thể thư giãn và sống tỉnh thức trong thực tại tươi đẹp.
Sự Bám Chấp Mạnh Mẽ Vào Bản Ngã Làm Ta Suy Yếu
Bản ngã dường như không thích sự thay đổi, nó thường nhìn nhận mọi điều bằng tư duy chủ quan cứng nhắc. Bởi vậy, chỉ một vài điều vặt vãnh đụng chạm đến niềm tin và định kiến cũng dễ khiến nó bị tổn thương. Và khi bản ngã đầy uy lực, chúng ta trở nên thích phán xét mình và người khác. Thế giới hiện đại tràn ngập định kiến, nó bảo ta phải hành động thế nào, hình thức ra sao, rằng bạn là người xấu hay tốt, thành công hay thất bại. Gia đình và xã hội luôn đặt kỳ vọng nơi ta, hay đôi khi chúng ta tự kỳ vọng vào chính mình để rồi liên tục bị phán xét và thường là bị thất vọng.
Hệ thống giáo dục hiện đại dạy trẻ em sự tự tin, nỗ lực hết mình, dám ước mơ và sẵn sàng chấp nhận thách thức. Điều đó thật tuyệt vời! Tuy nhiên, thông điệp này nếu được nhắc nhở một cách mù quáng lại trở thành gánh nặng và tiêu chí đè lên vai bọn trẻ khi trưởng thành. Chính những kỳ vọng này từng bước dựng lên bức tường kiên cố của bản ngã. Chúng ta bắt đầu cảm thấy cần sở hữu tài sản, thèm muốn sự giàu có, thành đạt bằng mọi giá. Chúng ta đầu tư để có được kiến thức phục vụ mục tiêu đó và đóng chặt mọi cánh cửa học hỏi, tìm tòi và khám phá khác trong cuộc sống. Một ví dụ điển hình là các đứa trẻ khi trưởng thành thường bị ám ảnh bởi ước mơ được nổi tiếng. Nếu thiếu một động cơ chân chính, những kiểu tham vọng như vậy sẽ chỉ vuốt ve bản ngã đến một lúc nào đó chúng ta sẽ đánh mất mình.
Bản ngã thường bị nhầm lẫn với sự tự tin, tuy nhiên bản ngã lại thật sự vô minh và tạo nên nhiều chướng ngại cản trở chúng ta hướng tới chân hạnh phúc. Nó chính là kẻ gây rối. Cái “Tôi” rất mạnh mẽ và uy quyền sai khiến cuộc sống của chúng ta. Tôi cần, Tôi muốn, Tôi thích,… Chúng ta bám chấp vào tất cả những gì bản ngã đòi hỏi. Nếu có thể xả bỏ được những bám chấp này, cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu hơn nhiều. Chúng ta lên kế hoạch mục tiêu, nhưng nếu mọi việc không diễn ra như dự kiến, chúng ta cũng sẽ chẳng tiếc nuối hay bực dọc gì nhiều. Thay vào đó là sự đánh giá nhìn nhận tích cực để bắt đầu một dự định mới. Cứ thế, chúng ta liên tục tiến bước, không để những điều kiện hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng đến tâm và sự bình an bên trong mình!
“Thiện tâm luôn hiện hữu bên trong mỗi người. Nếu biết lắng nghe và hành động theo tiếng gọi của nó, ta sẽ biết cách làm đẹp cho đời. Điều này không khó nhưng đòi hỏi lòng kiên trì quả cảm” _Pablo Casals
Khám Phá Thế Giới Của Cái “Tôi”
Để làm điều này, hãy đơn giản quan sát bao nhiêu lần bạn sử dụng từ “Tôi” trong một ngày và tìm hiểu xem bạn đã sử dụng nó ra sao? Bạn muốn nói điều gì? Nó có ý nghĩa thế nào? Liệu bạn có đang để bản ngã thống trị suy nghĩ và hành động của mình? Tôi băn khoăn không biết người đó nghĩ gì về mình? Tôi thấy họ thế nào? Ai giỏi hơn, thành công hơn, hấp dẫn hơn? Chúng ta thường bị tấn công dồn dập bởi những suy nghĩ xuất phát từ bản ngã, trái bóng kiêu hãnh của chúng ta dễ bị xì hơi bởi một cái kim bé xíu. Ban đầu bạn chỉ cần quan sát hiện tượng này, rồi thử xem tiếp theo liệu mình có khả năng vượt lên những so sánh hoài nghi đang được bản ngã và nỗi sợ hãi sai khiến để được trở về với chính mình.
Khi bắt đầu nhận ra chẳng có điều gì trên thế gian này là thật mà đều do tâm ta thêu dệt nên, chúng ta sẽ cởi bỏ được những lớp vỏ bọc của bản ngã, bớt bảo thủ và trở nên cởi mở dễ lắng nghe quan điểm của người khác hơn. Ví dụ, bạn có thể thấy ai đó thú vị giỏi giang nhưng một người khác lại nhận định rằng người này chẳng có gì hay ho xuất sắc cả. Thực tế là chẳng ai đúng mà cũng chẳng ai sai, bởi mọi sự vật hiện tượng đều có tính chất “tương đối”, tất cả đều phụ thuộc vào quan điểm riêng của mỗi người. Vạn pháp duy tâm tạo! Đó là lý do vì sao chúng ta nên cố gắng thực hành nói “Tôi nghĩ” hay “Tôi cảm thấy” bất cứ khi nào có thể, thay vì khẳng định mọi thứ như một thực tế không cần bàn cãi. Khi đó chúng ta sẽ dễ dàng đối thoại cũng như có khả năng chấp nhận những ý kiến khác biệt của nhau.
Khi bản ngã thống trị tâm hồn, nó trở thành rào cản trí tuệ hiểu biết. Dù có vẻ thông minh sắc sảo, học rộng biết nhiều nhưng sâu thẳm bên trong ta vẫn chỉ là kẻ khờ khạo, chẳng hiểu hết điều gì đang thực sự diễn ra và đâu là bí mật của cuộc sống. Ta không thể trả lời những câu hỏi mấu chốt: chúng ta là ai, đang làm gì và đâu là hướng đi đúng đắn của cuộc đời này? Vì chúng ta cứ bước đi trong mù quáng vô minh nên đôi khi tôi thấy cuộc sống giống một canh bạc. Lúc này, ta đang có chút may mắn và mọi chuyện diễn ra suông sẻ, nhưng chúng ta chẳng dám chắc sau đó mọi việc sẽ diễn biến tiếp thế nào. Khi sống theo cách này, chúng ta luôn phải đưa ra những suy đoán hạn hẹp. Ta tự thuyết phục bản thân rằng mọi thứ sẽ diễn ra như mong ước chứ không dám mở rộng lòng đón nhận bất cứ điều gì có thể xảy đến với mình.
Chúng Ta Sao Chép Mọi Thứ
Con người luôn có xu hướng sao chép và so sánh mình với đồng loại. Ta bắt chước phong cách sống của người khác, cách họ ăn, mặc, hành xử,… Nếu ai đó diện một bộ đồ thời trang, ngày hôm sau bạn cũng phải ra ngoài tìm mua bằng được bộ cánh đó cho bản thân. Nếu người đó đã mặc chiếc áo này, nó bảo phải hợp thời lắm và mình cũng nên bắt chước theo. Chúng ta đã quên mất làm thế nào để được là chính mình. Những lúc đó, tư duy so sánh xuất hiện, chúng ta phán xét xem mình đẹp hay xấu hơn người khác. Chúng ta lại bắt đầu lôi các kiểu định kiến ra để “gắn nhãn” cho mọi người và cho chính mình, để rồi cảm thấy ghen tỵ hay kiêu hãnh thay vì đơn giản là biết tự hài lòng.
Khi bản ngã kiểm soát, chúng ta cố tận dụng mọi nguồn năng lượng để lèo lái mọi thứ theo ý muốn của ta, để rồi những gì ta đạt được che lấp hết vẻ đẹp sẵn có bên trong tâm hồn. Thêu dệt ngụy tạo luôn tạo ra nhiều rắc rối và thường kéo theo nỗi thất vọng vì bạn đã kỳ vọng quá nhiều.
Hãy Để Lòng Khiêm Nhường Thế Chỗ Cái Tôi
Tính khiêm nhường là phẩm hạnh quan trọng trong quá trình thực hành loại bỏ sự bám chấp vào “cái tôi”. Trước khi học hỏi hay thu nhận kiến thức, ta phải dẹp bỏ lòng tự cao và biết khiêm tốn nhún nhường. Lòng khiêm nhường này được trưởng dưỡng thông qua sự không bám chấp vào cái tôi. Nếu bạn còn bám víu vào thân thể, diện mạo, tuổi trẻ, tài sản hay bất cứ thứ gì, bạn sẽ không thể thực hành hạnh khiêm nhường được.
Thiếu sự khiêm tốn, lòng kiêu hãnh của bạn sẽ giống như một quả bóng tròn căng. Nó chẳng giữ lại được gì, mọi thứ cứ trơn tuột xuống. Vì không có sức mạnh thực sự, chỉ một cái kim cũng khiến nó nổ tung. Lòng kiêu ngạo lúc nào cũng vậy: to lớn có khi khổng lồ nhưng lại không vững chãi. Nó huênh hoang “Tôi thế này, thế nọ…”, tự thổi phồng hình ảnh của mình. Trước áp lực bên ngoài, nó có thể xì hơi hoặc nổi khùng vênh váo “Tôi mới giỏi hơn, họ nghĩ họ là ai chứ?”.
Kiêu ngạo khiến ta khước từ cơ hội đón nhận mở mang kiến thức, trong khi lòng khiêm nhường giúp bạn mở lòng cho tất cả. Bất kể điều gì bạn muốn biết, những gì người ta muốn chia sẻ, bạn đều sẵn lòng lắng nghe một cách đầy trí tuệ từ bi.