CỨ THỬ XEM – NHỮNG KHOẢNH KHẮC XUẤT THẦN

NANCY K. NAPIER

Trích: Những Khoảnh Khắc Xuất Thần; Phương Oanh - Minh Hiếu dịch; Nhà Xuất Bản Đại Học Kinh Tế Quốc Dân

Trong cuốn Những giấc mơ của Einstein, Lightman cho biết Einstein đã thử vô số các ý tưởng trước khi tìm ra ý tưởng nào có ý nghĩa với mình. Chúng ta biết rằng sự sáng tạo phần lớn được tạo ra từ việc “cứ thử xem,” dưới bốn hình thức khác nhau: thực hành có chủ ý, vô tình thử, sắp xếp lại và trò chuyện với người khác về ý tưởng.

Thực hành có chủ ý

Các huấn luyện viên bóng bầu dục ở trường đại học luôn biết trước rằng sinh viên năm thứ nhất sẽ bị choáng ngợp ở kỳ đầu tiên, không chỉ trong việc luyện tập theo đội bóng mà còn trong cả việc trở thành sinh viên đại học – từ chuyện tìm lớp học, phương pháp học tập, nghiên cứu. Nhưng đến kỳ sau, sinh viên sẽ bắt đầu quá trình xử lý thông tin đến với mình từ kỳ trước đó. Họ bắt đầu nhận ra các “bộ phận” của một trận đấu – vị trí của mình, những thành tố chủ đạo của chương trình – cũng như nắm được là sinh viên đại học thì phải có phong cách, xử sự thế nào. Mặc dù họ đã bước đầu biết sắp xếp thông tin nhưng chưa thể “đặt tất cả các mảnh ghép vào vị trí của nó”. Wilcox miêu tả một cầu thủ biết “những mảnh ghép… cậu ta hiểu tất cả khi người ta nhắc đến chúng trong các cuộc họp, cậu ta có thể nói rành mạch về ý nghĩa của chúng và khi thực hành theo các vị trí… cậu ta thực hiện một cách hoàn hảo. Và khi được hỏi về yêu cầu đối với một hậu vệ, cậu ta sẽ đưa ra câu trả lời chính xác”. Nhưng khi bước vào một trận đấu, “đặt tất cả các mảnh ghép vào vị trí của nó”, thông tin không còn “tách biệt” nữa thì các cầu thủ bắt đầu chùn bước. Để đạt đến cấp độ tiếp theo, tức là giây phút xuất thần, đòi hỏi phải có thời gian và những thử nghiệm.

Có lẽ do yếu tố thể chất nên các cầu thủ bóng bầu dục và các vũ công có xu hướng học hỏi một cách hiệu quả nhất thông qua việc thực hành. Sau khi nghe giảng những việc cần làm và quan sát các động tác mô tả trên phim, các cầu thả thực hành bằng cách thử các cử động. Chỉ khi chúng đã trở thành một phần trong trí nhớ cơ học của họ thì họ mới có thể đạt đến sự bừng ngộ, giây phút xuất thần. Lần đầu tiên tôi hỏi một vũ công về giây phút xuất thần của anh, tôi nhân được câu trả lời là anh thường xuyên trải qua những khoảnh khắc như vậy. Mỗi lần đổi cánh tay sang một tư thế nhất định, anh đều “cảm nhận được” sự thay đổi đó – “à, ra là thế. Không phải, thế này không được, nhưng à há! Thử lần nữa nào, được rồi!” – thông qua việc liên tục thử những động tác mới, tự điều chỉnh để đạt đến những giây phút xuất thần nho nhỏ và hiểu được làm thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Các vận động viên và các vũ công thường không thể “à, hiểu rồi” trong đầu. Họ phải thực hiện để biết khi nào được, khi nào không: Phải cảm thấy “chính là nó đây”.

Một yếu tố khác tác động đến quá trình thực hành có chủ ý: sự tin tưởng vào quá trình đó và vào người hướng dẫn. Những huấn luyện viên, với nhiều năm kinh nghiệm hướng dẫn cho các loại đối tượng cầu thủ khác nhau, luôn nhắc các cầu thủ mới phải “tin vào chúng tôi, chúng tôi cũng đã từng như các bạn bây giờ, chúng tôi biết nó hoạt động như thế nào”. Và các cầu thủ lao ra sân, phòng tập để thử. Có thực hành nhiều lần thì cuối cùng họ mới hiểu được cách làm chủ các cử động, học các chiến thuật và học được cách đọc tình hình trên sân.

Các nhà quản lý cũng sử dụng cách tương tự để khuyến khích cấp dưới “thực hành”: theo dõi số liệu kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, chấp nhận thách thức của những vị trí ngày càng khó khăn – tất cả đều giúp nhân viên thử những kỹ năng mới, xem kỹ năng nào có hiệu quả và, rất có thể, trải nghiệm ánh chớp bùng ngộ khi làm chủ được một kỹ năng mới hoặc tìm ra giải pháp cho một vấn đề. Vì vậy, thực hành có chủ đích là một cách để xử lý thông tin, đưa chúng ta lên dần theo đường cong bừng ngô, lý giải các thông tin và, trong một số trường hợp, làm phát sinh giây phút xuất thần.

Sự kiện bất ngờ với “Cứ thử xem”

Steve Schneider, tiến sĩ y khoa, hiện đang làm việc với vai trò trường ban y tế của Healthwise, một tổ chức có nhiệm vụ giúp con người đưa ra những quyết định đúng đắn hơn liên quan đến sức khỏe. Định hướng lấy bệnh nhân là trọng tâm của tổ chức đã làm đảo lộn thế giới y khoa hơn 30 năm trước bằng việc thúc đẩy con người chịu trách nhiệm về sức khỏe (và bệnh tật) của chính mình thay vì dựa hoàn toàn vào các chuyên gia y tế. Schneider giám sát một nhóm các bác sĩ đảm nhận việc cung cấp thông tin trên cổng thông tin của tổ chức, các kế hoạch y tế, bệnh viện và quản lý website của công ty.

Mái tóc rậm sẫm màu, nụ cười tự nhiên hợp với Schneider đến không ngờ. Ông là một người say mê đạp xe leo núi, tỷ lệ chất béo cơ thể ở khoảng 6% và một số người có thể cảm thấy rất khó chịu khi nói với ông rằng họ không có động cơ để luyện tập thể dục hay chọn những loại thức ăn tốt cho sức khỏe.

Với 16 năm kinh nghiệm làm việc ở Healthwise, đầu tiên là thành viên ban điều hành rồi là trưởng ban y tế trong suốt 12 năm, ông sống với tuyên ngôn “giúp con người đưa ra những quyết định sáng suốt về sức khỏe”. Các nhà lãnh đạo thường xuyên tổ chức thảo luận về phương châm này để đảm bảo rằng người ta phải thực sự tư duy về nó chứ không chỉ nói suông.
Schneider cũng hiểu rõ triết lý về việc lấy bệnh nhân làm trung tâm của tổ chức, rằng những người thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bệnh nhân nên cùng hợp tác để bệnh nhân có thể đưa ra sự lựa chọn đúng đắn nhất cho chính mình. Nhưng mới đây ông đã thú nhận rằng tận đến khi chính bản thân ông trải nghiệm sự “lấy bệnh nhân làm trung tâm”, ông mới thực sự hiểu quan điểm đó và trải qua giây xuất thần liên quan đến nó.

Schneider làm nghề y được 20 năm, với niềm tin và phương châm lấy bệnh nhân làm trọng tâm, rồi mới tham gia vào Healthwise, nơi ông “sống và thở” với phương châm đó. Nhưng việc chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm chỉ thực sự trở nên rõ ràng với ông khi ông không may bị ốm. Ông bị ốm khá nặng (một điều hoàn toàn bất thường với ông) đến nỗi phải nằm viện (lại càng bất thường hơn) và bắt đầu thực sự hiểu hàm ý của phương châm đó về mặt tình cảm. Theo lời ông nói.

Kinh nghiệm của tôi khi ở hai vị trí: là bệnh nhân và là người chăm sóc bệnh nhân… đó là tôi đã nhận ra rằng vẽ mặt lý trí, tôi hiểu điều đó và tôi có thể là một chuyên gia… nhưng bạn không thể nào hiểu một cách đầy đủ nếu không xem xét đến khía cạnh tình cảm. Tôi tin rằng việc chứng kiến toàn cảnh vương quốc y tế từ góc độ một bệnh nhân là một bước tiến mang tính chất quyết định đối với tôi.

Ông nằm trên giường nhìn những bác sĩ, như bệnh nhân vẫn nhìn ông trong suốt bao nhiêu năm. Bác sĩ đối xử với ông như một bệnh nhân, dù là một người có nhiều kiến thức nhưng văn là một bệnh nhân. Và ông cũng không thích một vài trong số những trải nghiệm đó lắm. Đội ngũ y, bác sĩ lấy mất của ông hầu hết những trách nhiệm mà ông muốn tự mình nắm giữ; ông cảm thấy họ đang quyết định cho ông hoặc thúc ép ông đưa ra quyết định mà ông không mong muốn. Lần đầu tiên trong đời, ông biết thế nào là lấy bệnh nhân làm trung tâm. Schneider xử lý thông tin thông qua kinh nghiệm tình cờ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn làm bệnh nhân. Nhờ vậy, ông đã trải qua giây phút xuất thần loại thấu hiểu. Ông “hiểu ra” một cách đầy đủ hơn về bản chất cốt lõi của triết lý lấy bệnh nhân làm trung tâm.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KẾT NỐI NHỮNG ĐIỂM RỜI RẠC CUỐI CÙNG
  2. ĐẶT CHIẾC BÚT CHÌ VÀO BÀN TAY NGƯỜI KHÁC
  3. NHỮNG LỜI KHUYÊN SÁNG SUỐT: ĐỂ BIẾT KHI NÀO CẦN GÁC VẤN ĐỂ LẠI

Bài viết mới

  1. KỸ NĂNG MỀM
  2. TẠM BIỆT ÁP LỰC
  3. HÃY TRỞ THÀNH “TẤM GƯƠNG” CHO GIẤC MƠ CỦA CON NGƯỜI