AI CŨNG MUỐN NÓI VỀ BẢN THÂN MÌNH

PATRICK KING

Trích: Tâm Lý Học Ứng Dụng; Minh Trang dịch; NXB. Lao Động; Cty TNHH Văn Hóa và Truyền Thông 1980 Books

Tâm Lý Học Ứng Dụng

Dale Carnegie, tác giả nổi tiếng của cuốn sách How to Win Friends and Influence People (Đắc Nhân Tâm), đã đưa ra nhiều lời khuyên về việc cải thiện bản thân, nâng cao kỹ năng bán hàng, kỹ năng nói chuyện và kỹ năng đối nhân xử thế trong suốt cuộc đời ông. Nhiều lời khuyên của ông đã trở nên phổ biến đến mức trở thành “lẽ thường”, mặc dù lý do chính khiến chúng trở nên phổ biến là nhờ cuốn sách của ông. Một trong những lời khuyên hay nhất của ông chỉ đơn giản là khơi gợi để người khác mở lời, hoặc thậm chí là động viên họ khoe khoang về bản thân, bởi làm thế sẽ khiến họ thích trò chuyện với bạn. Ông đã nói, “Trong hai tháng bày tỏ sự hứng thú với người khác, anh có thể kết được nhiều bạn hơn là số bạn mà anh có được trong vòng hai năm cố gắng trở nên thú vị trong mắt người khác”. Đây là một trong những lời khuyên về giao tiếp được chia sẻ nhiều nhất.

Nhưng có bằng chứng nào cho lời khuyên này không?

Hóa ra là có rất nhiều. Một nghiên cứu vào năm 2012 được các nhà khoa học thần kinh Diana Tamir và Jason Mitchell tại Đại học Harvard thực hiện, bao gồm năm thí nghiệm chụp hình não bộ, đã cho thấy một trong những hành động cơ bản và mạnh mẽ nhất của con người là nhu cầu chia sẻ thông tin cá nhân với người khác. Hình ảnh não bộ cho thấy rằng, việc chia sẻ thông tin về bản thân sẽ kích hoạt những cảm giác trong não bộ giống như khi ta ăn uống và quan hệ tình dục – hai hành vi sinh học cơ bản và thiết yếu. Vì vậy, về mặt sinh học, có vẻ chúng ta cũng nhất định phải chia sẻ và truyền đạt những suy nghĩ của mình.

Tamir và Mitchell mới đầu thiết kế những nghiên cứu này với mục đích quan sát và cố gắng định lượng giá trị của việc chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc – một điều được con người đánh giá cao bất thường. Sau đó, họ tuyển dụng hàng chục tình nguyện viên – đa số là người Mỹ sống gần khuôn viên trường Havard – và đặt ra những câu hỏi về bản thân họ cũng như những chủ đề không liên quan đến họ.

Để xác định xem những người tham gia coi trọng việc chia sẻ thông tin về bản thân tới mức nào, các nhà nghiên cứu đưa ra một khoản tiền thưởng khiêm tốn cho bất kỳ ai trả lời những câu hỏi không liên quan tới mình. Một số câu hỏi bàn về các chủ đề thông thường như sở thích và gu cá nhân, trong khi những câu hỏi khác là về các đặc điểm tính cách, chẳng hạn như trí thông minh, tỏ mò hoặc hiếu chiến.

Các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng, nhiều người tham gia sẵn sàng bỏ qua khoản tiền thưởng, họ thích cảm giác hài lòng khi được chia sẻ về bản thân hơn là có được một chút tiền. Thực tế là một người tham gia trung bình sẵn sàng từ bỏ 17 đến 25% khoản tiền họ có khả năng kiếm được, để có thể chia sẻ thông tin về bản thân.

Hơn nữa, Tamir và Mitchell sử dụng một máy quét cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để quan sát xem phần nào của não bị kích thích nhất khi đối tượng nói về bản thân họ. Nhìn chung, họ đã tìm thấy mối tương quan giữa việc chia sẻ về bản thân và hoạt động gia tăng ở các vùng não thuộc hệ viên giữa (mesolimbic dopamine system). Đây cũng là vùng não liên quan đến cảm giác được tưởng thưởng và thỏa mãn khi chúng ta được ăn, kiếm được tiền hay khi quan hệ tình dục.

Điều này có nghĩa là trên góc độ thần kinh học, các đối tượng trong mỗi cuộc đối thoại (hoặc những người tham gia vào các tình huống xã hội) cảm thấy rất hài lòng khi được chia sẻ về bản thân họ. Trên thực tế, Dale Carnegie hoàn toàn đúng. Vậy, làm cách nào ta có thể áp dụng kiến thức này để đạt được các thành công xã hội?

Bước quan trọng nhất đối với hầu hết mọi người là hãy bắt đầu đặt ra giới hạn cho bản thân. Đúng, bạn sẽ cảm thấy rất tuyệt khi được nói về chính mình, như nghiên cứu đã chỉ ra, nhưng khi bạn làm như vậy, bạn đã tước đi không gian và thời gian của người khác để nói về bản thân họ. Bạn cần có ý thức tự hạ thấp nhu cầu và mong muốn của mình xuống. Sau cùng mục tiêu của trí thông minh xã hội là khiến cho bản thân trở nên dễ mến hơn, chứ không phải là để tự mình vui trong những lần giao tiếp. Như ta có thể thấy trong chương trước, mọi thứ đều xoay quanh cảm tình có đi có lại.

Nói về bản thân ở một mức độ nào đó là điều hoàn toàn tự nhiên, cả về mặt sinh học lẫn khi hòa vào cuộc đối thoại. Người ta ước tính rằng, khoảng 40% những gì chúng ta nói sẽ liên quan đến việc bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của chính mình, vì làm như vậy đem lại cảm giác rất thỏa mãn. Bởi vậy, bạn phải cẩn thận cân bằng giữa việc chia sẻ về bản thân với việc để người khác tự do phát biểu.

Có hai cách để thực hiện. Trước tiên, hãy hiểu rõ các cách chia sẻ về bản thân mà bạn thường thực hiện. Điều này sẽ đảm bảo bạn vẫn cảm thấy hài lòng khi chia sẻ về bản thân mà không rơi vào trạng thái khó chịu là chỉ biết đến mình.

Khi nói rất nhiều về bản thân, thường bạn sẽ bị coi là hợm hĩnh, thiếu khiêm tốn, cạnh tranh quá mức hay thậm chí là thiếu suy nghĩ. Mặc dù có thể tin rằng mình chỉ đang thể hiện sự tự hào, hoặc thực chất chỉ đang lấy mình ra chia sẻ để dẫn dắt cuộc hội thoại, bạn vẫn phải lưu ý đến cách người khác nhìn nhận về điều đó. Khi nói về bản thân dưới một góc độ cực kỳ tích cực, bạn có thể bị cho là một kẻ khoe khoang, và nếu bạn làm ngược lại – miêu tả bản thân một cách tiêu cực bạn có thể bị coi là thiếu tự tin hoặc chỉ đơn giản là một kẻ thất bại.

Dưới đây là một số sai lầm phổ biến:

  • Bạn không nhận thức được câu chuyện đang được kể là của ai – đó là câu chuyện của bạn hay của người khác?
  • Bạn không để ý tới những điều có thể học hỏi, mà chỉ quan tâm đến những điều bạn có thể nêu ý kiến và thêm nếm thông tin.
  • Bạn không đặt ra câu hỏi, bạn không khuyến khích người khác chia sẻ về bản thân họ. 
  • Mỗi câu nói hay câu hỏi của bạn đều lấy “tôi” và “của tôi” làm trung tâm.

Giải pháp thứ hai xuất phát từ thực tế là mọi người thường muốn được giải trí. Do đó, khi nói về bản thân, bạn sẽ thành công hơn về mặt xã hội nếu có thể kể những câu chuyện thú vị, thay vì liên tục thốt lên “Tôi nghĩ..” và “Tôi cảm thấy…” mà không quan tâm người khác tiếp nhận ra sao. Nếu mọi người không nói gì có nghĩa là họ muốn nghe điều gì đó thú vị hơn.

Hãy sử dụng mong muốn được chia sẻ về bản thân của mọi người như một cơ chế để đạt được thành công xã hội, bằng cách chủ ý để mọi người nói nhiều hơn. Hãy bày tỏ sự hiếu kỳ về người khác, đặt ra cho họ những câu hỏi để họ có cơ hội tự khoe về bản thân, nhìn chung là để họ trở thành trung tâm của cuộc đối thoại. Hãy tập trung vào điểm mạnh của họ và để họ tự khắc họa bản thân một cách tích cực, hãy cảm nhận sự khiêm tốn vờ vĩnh ở họ và tăng cường những lời khen ngợi vào khoảnh khắc đó. Hãy trở thành một người biết lắng nghe, thể hiện sự hiếu kỳ và quan tâm chân thành, đồng thời khuyến khích đối phương tiếp tục chia sẻ về bản thân họ.

Lần cuối cùng bạn hỏi liền tù tì ai đó năm câu hỏi mà không xen vào một câu chuyện của chính bạn là khi nào? Mười câu hỏi thì sao? Đây chính xác là kiểu tương tác mang lại cảm giác dễ chịu cho mọi người, nhưng chúng ta thường không làm như thế bởi ta không thể cưỡng lại sự cám dỗ trong lòng mình. Ta có thể dễ dàng thực hiện việc đặt câu hỏi mà không khiến cuộc hội thoại biến thành một cuộc phỏng vấn – chỉ cần tiếp tục bàn về một chủ đề và liên tục tìm hiểu sâu hơn.

Cuối cùng, tất cả những điều trên là kỹ năng cần thiết để trở thành một người biết chuyện chú lắng nghe một cách tích cực. Tất cả chúng ta đều có khả năng trở thành một người lắng nghe tốt hơn, chỉ cần biết giữ tập trung và có ý thức.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  2. CON NGƯỜI YÊU THÍCH SỰ TÍCH CỰC
  3. CÓ QUA CÓ LẠI

Bài viết mới

  1. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  2. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG
  3. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY