THỰC HÀNH TÂM BỒ ĐỀ

JOSEPH GOLDSTEIN

Trích: Một Pháp;  Dịch: Hoàng Lan - Việt Hoàng; NXB Hà Nội - Thái Hà Books

Làm thế nào thực sự có thể thực hành ước nguyện của Tâm Bồ Đề, động lực thức tỉnh vì lợi ích của tất cả chúng sinh? Có thể tiếp cận điều này từ hai mặt. Một mặt được nêu bật trong các văn bản tiếng Pali của truyền thống Theravada, nơi Đức Phật nhấn mạnh rằng bằng cách thực sự chăm sóc bản thân, tức là bằng cách thanh tẩy tâm thức và trái tim của chính mình, chúng ta sẽ chăm sóc người khác một cách tự nhiên và tất yếu. Nó giống như hai người bị sa lầy trong một lòng sông đầy bùn. Nếu họ cố gắng giúp nhau, cả hai có thể tiếp tục chìm. Nhưng nếu một trong hai người đến được chỗ đất cứng chắc, người đó có thể dễ dàng giúp người kia đến được nơi an toàn.

Chúng ta được nghe nguyên tắc căn bản này trong hướng dẫn an toàn của mọi hãng hàng không. “Nếu áp suất cabin giảm đột ngột, mặt nạ dưỡng khí sẽ xuất hiện. Hãy đeo mặt nạ cho mình trước rồi hỗ trợ những người xung quanh”. Nếu cố gắng giúp đỡ người khác trước khi có thể, điều có thể dẫn đến khó khăn cho tất cả mọi người. Nhưng khi thanh tẩy trái tim và tâm thức của chính mình, chúng ta tìm thấy “nền tảng vững chắc của tính không”; chúng ta tự động trở nên ít vị kỷ. Khi ít có tham lam, ít có sợ hãi, ít có si mê trong tâm, chúng ta tự nhiên sống với lòng từ ái và bi mẫn hơn.

Hiền nhân Ấn Độ Shantideva, trong tác phẩm nổi tiếng Nhập Bồ Tát Hạnh đã bày tỏ cách thứ hai để có thể phát triển Tâm Bồ Đề. Cách tiếp cận này phát triển hành động bi mẫn – khát vọng mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh – bằng cách thực hành đặt người khác trên chính bản thân mình, bằng cách nghĩ người khác quan trọng hơn chính bản thân mình. Khi chúng ta coi trọng người khác hơn, sức mạnh của sự quan tâm đến bản thân sẽ giảm đi. Đức Dalai Lama là một người có lòng tin lớn lao nơi Đức Shantideva và là một tấm gương sáng về những thành quả từ sự thực hành này.

Chứa đựng trong kiệt tác vĩ đại của Đức Shantideva là những câu thơ gói gọn phương diện này của Tâm Bồ Đề:

“Với chúng sinh đau yếu

Cho đến khi bệnh lành

Nguyện xin được trở thành

Lương y và phương được.

Nguyện là mưa thực phẩm

Giải đói khát lầm than

Khi ách nạn tràn lan

Là đồ ăn thức uống.

Với chúng sinh nghèo khổ

Nguyện là một kho tàng

Đáp ứng mọi nhu cầu

Ngay liền kề trước mặt.

Tài sản cùng thân mạng

Công đức cả ba thời

Vì lợi ích chúng sinh

Nguyện hiến trao tất cả.

Như địa, thủy, hỏa, phong

Như hư không đại chủng

Nguyện xin là nền tảng

Nuôi dưỡng mọi chúng sinh.

Với tất cả chúng sinh

Nơi không gian tràn ngập

Nguyện xin là nguồn sống

Cho đến vượt luân hồi.”

Chúng ta có thể đọc tác phẩm này và được truyền cảm hứng bởi tinh thần rộng mở tuyệt vời của nó, nhưng cũng có thể cảm thấy hơi choáng ngợp. Liệu có thể thực hiện được một khát vọng như vậy khi các động lực của chúng ta thường bị hỗn tạp, hoặc bị che giấu, hoặc chúng ta có một loạt các động lực màu thuẫn nhau?

Cách đây một thời gian, khi đang ở trong một khóa tu, tôi bắt gặp một câu chuyện trong kinh điển Phật giáo mà tôi nghĩ một người bạn đồng tu của mình sẽ muốn có cho cuốn sách cô ấy đang viết. Tất nhiên, giữa những giáo viên về Pháp, một câu chuyện mới khá là có giá trị và chúng tôi thường tranh nhau để có một câu chuyện như vậy. Vâng, tôi đã gặp câu chuyện đó và suy nghĩ đầu tiên của tôi là: “Đây sẽ là một câu chuyện hay cho cô ấy.” Nhưng sau đó, ngay lập tức xuất hiện một suy nghĩ: “Không, mình sẽ giữ nó cho mình. Sau đó lại: “Không, mình sẽ đưa nó cho cô ấy và bằng cách đó nhiều câu chuyện hơn sẽ trở lại với mình. Cuối cùng tôi ngẫm nghĩ: “Đó chỉ là vị kỷ. Tốt hơn hết là kể cho cô ấy nghe câu chuyện này. Nhưng có lẽ khi nói với cô ấy, mình cũng sẽ đề cập đến tất cả những gì đang trải qua”, cảm giác có chút tự hào về sự hi sinh của mình và có nửa phần mong muốn một cách vô thức rằng người bạn sẽ nợ mình. Khi tâm trải qua những dòng suy nghĩ và cảm xúc này, điều đó khiến tôi tự hỏi giữa tất cả những ý nghĩ này, đâu là sự trong sáng của động cơ trao tặng? Sau đó tôi nhận ra rằng nó đã ở đó, ngay trong khoảnh khắc đầu tiên của ý nghĩ về việc gửi câu chuyện. Và dù tâm đã lang thang qua tất cả những ý nghĩ, cảm xúc và động lực khác nhau này, tôi luôn có thể quay lại khoảnh khắc đầu tiên của động lực trong sáng đó. (Tái bút cho tất cả những điều này là cuối cùng, khi đưa cho bạn mình đọc câu chuyện, cô ấy thậm chí còn không muốn dùng nó.)

Vì vậy, khi mớ bòng bong của những ý nghĩ và cảm xúc khiến chúng ta bối rối, khi cảm thấy mình không thể hành động từ một trái tim hoàn toàn trong sáng, chúng ta có thể làm theo sự hướng dẫn của Đức Dalai Lama khi Ngài nói: “Tôi không thể giả vờ thực hành Tâm Bồ Đề, nhưng ở sâu bên trong tôi nhận ra nó có giá trị và lợi ích thế nào. Vậy thôi.

Thay vì củng cố và sau đó phân cực hai cách tiếp cận đối với Tâm Bồ Đề, như xảy ra trong sự bám chấp vào tông phái, chúng ta có thể xem chúng như hai mặt của cùng một nguyên lý giúp cân bằng những hiểm nguy có thể tự phát sinh từ mỗi người. Nếu quá chú trọng việc thanh lọc bản thân và cái giá phải trả là không giúp đỡ người khác, hành trình tâm linh của chúng ta có thể trở nên hạn hẹp và vị kỷ. Tương tự như vậy, nếu luôn đặt người khác lên trước bản thân, chúng ta có thể rơi vào kiểu tương thuộc sai lầm, khi đó chúng ta bỏ qua lợi ích của chính mình chỉ đơn giản để hài lòng người khác. Vì vậy, một mặt chúng ta thanh lọc bản thân nhưng với động lực là vì lợi ích của tất cả. Và mặt kia, ngay cả khi thực hành đặt người khác lên trên bản thân, chúng ta cũng hiểu đây là một phần con đường thanh lọc của chính mình. Sự thống nhất này là con đường của Mật Pháp.

Chúng ta gieo hạt giống tuyệt vời của Tâm Bồ Đề tương đối, trái tim nhân hậu và từ từ nó sẽ lớn lên và trở thành nguyên tắc dẫn đường cho cuộc sống của chúng ta. Ngay cả những lúc không hành động với xuất phát điểm từ trí tuệ và bi mẫn thì Tâm Bồ Đề vẫn có thể là điểm tham chiếu nhắc nhở chúng ta về những lựa chọn khác. Một lời dạy của người Tây Tạng tóm tắt sức mạnh của phương pháp thực hành này: “Đừng để những ai khao khát Phật Quả phải thực hành nhiều phương pháp – mà chỉ một phương pháp duy nhất. Đó là gì? Đại Bi. Những người có Tâm Đại Bi nắm giữ tất cả giáo lý của Đức Phật như thể nó nằm trong lòng bàn tay họ.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KINH NGHIỆM ĐẦU TIÊN CỦA TÔI VỀ NIỀM TIN
  2. DŨNG CẢM – SỨC MẠNH CỦA TRÁI TIM
  3. NHIỀU CON ĐƯỜNG – MỘT LỐI ĐI

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ