TỪ CỬA SỔ CỦA NGỌN HẢI ĐĂNG

BOB GOFF

Trích: Yêu Thương Ai Cũng Như Ai; Nguyễn Xuân Hồng dịch; NXB Hồng Đức.

Ai cũng đánh vài nốt sai; hãy cứ chơi ca khúc của bạn.

Bố mẹ cho tôi học piano khi tôi còn nhỏ. Chuyện đó không phải bàn luận. Họ nói điều đó tốt cho tôi – đại loại giống như cải bó xôi cho các ngón tay của tôi. Mỗi tuần một lần, một bà già mặc áo len màu tùng lam lại ngồi cạnh tôi bên chiếc piano với tư thế hoàn hảo, ngó qua vai tôi khi tôi lóng ngóng sờ soạng các phím đàn. Bà lúc nào cũng như đang cau có, như thể mặt bà được xăm như vậy. Mỗi nốt nhạc sai càng thêm tệ bởi những cái quắc mắt, nhăn mặt và những tiếng cằn nhằn khó chịu của bà. Nhiều lúc tôi cố tình đánh sai các nốt, chỉ để nhìn thấy khuôn mặt nhăn nhúm của bà ấy cau lại như nghệ thuật xếp giấy Nhật Bản.

Sau sáu tháng tập luyện, đến thời điểm tôi biểu diễn lần đầu. Có hai người biểu diễn đêm đó: Greg và tôi. Greg tới trường tiểu học của tôi và có cùng giáo viên piano nghiêm khắc như tôi. Chúng tôi sẽ biểu diễn cùng một giai điệu. Cho dù tôi tập luyện lâu hơn, nhưng tôi biết cậu ấy biểu diễn ca khúc hay hơn. Greg là kiểu trẻ con giỏi mọi thứ. Cậu ấy là tay tự tin và giỏi giang nhất ở trường tiểu học và bằng cách nào đấy chỉ huy được cả khán phòng khi cậu ấy bước vào. Cậu ấy chơi thể thao, làm toán, diễn thuyết, bán ngô, sửa lại máy móc – khi chỉ mới chín tuổi.

Greg đến buổi biểu diễn với bộ lễ phục tay áo lồng nhau và khăn tay nhàu nhĩ gài trong túi. Cậu ấy ngồi thẳng bên piano, hất đuôi áo ra phía sau, và lịch lãm biểu diễn ca khúc có tên “From the Lighthouse Window” (Từ cửa sổ của ngọn hải đăng). Cậu ấy chơi hoàn hảo đến mức tôi nghĩ hẳn cậu ấy là hậu duệ của Beethoven và Elton John. Những ngón tay của cậu ấy cong cong như một con đại bàng đầu trọc châu Mỹ. Thậm chí cậu ấy còn bắt chéo hai tay lên nhau khi chơi, như người ta vẫn làm trên phim. Khi cậu ấy gõ dây đàn cuối cùng, cậu ấy nhấc cả hai tay lên quá đầu. Cậu ấy giữ nguyên tư thế ấy một lúc rất lâu khi cả khán phòng rộn lên tiếng vỗ tay. Sự tuyệt vời vừa xuất hiện trên trái đất – đó chính là Greg.

Tiếp theo đến lượt tôi. Tôi bước lên sân khấu trong chiếc quần kẻ ca rô và một chiếc áo len rậm mà mẹ mua cho tôi. Trông tôi hệt như Ngài Rogers. Tôi liếc nhìn cử tọa, những người đang nhổm về phía trước vẻ thăm dò sau màn trình diễn hoành tráng của Greg. Rồi tôi nhìn xuống các phím đàn. Nhiều phím quá. Tôi không nhớ đáng ra mình phải bắt đầu với phím đen hay trắng, cho nên tôi bắt đầu với cả hai loại và cũng mò mẫn chơi hết ca khúc. Thật sự rất tệ hại. Chẳng hề có ngọn hải đăng nào. Chẳng hề có ô cửa sổ nào.

Màn trình diễn của tôi đầy những lỗi sai, những chỗ dừng nghỉ vụng về, và những chỗ diễn đi diễn lại. Tôi phải mất gấp đôi thời gian để hoàn thành ca khúc so với Greg. Thay vì kết thúc với những ngón tay cong cong giơ cao quá đầu, tôi nện thịch đầu mình xuống phím đàn, hai cánh tay tôi buông thõng, và tôi thổn thức. Tôi thấy xấu hổ. Charlie Brown trông cũng không đáng thương hơn. Một vài người vỗ tay để phá tan bầu không khí im lặng bẽ bàng khi tôi cúi gục đầu bước xuống sân khấu. Tôi thấy nhục nhã. Đó chính là ngày tôi bỏ chơi piano.

Nhiều năm sau, khi học đại học, tôi sống trong khu nhà ký túc xá đối diện với khoa nhạc. Có một thính phòng rất lớn và một cây đại dương cầm màu đen trên sâu khấu. Tôi đi qua thính phòng vài lần mỗi ngày trên đường đến lớp và về. Thỉnh thoảng, tôi nhòm vào để xem có ai chơi đại dương cầm không, nhưng chẳng bao giờ thấy ai cả. Việc nhìn thấy cây đàn lại kéo những ký ức đau buồn về buổi biểu diễn vụng về của tôi nhiều năm trước. Với tôi, trông nó như một cỗ xe tang với những phím đen và trắng. Nó khiến tôi nhớ đến cái ngày tôi thất bại trước mặt tất cả mọi người.

Một hôm, chẳng vì lý do đặc biệt gì cả, tôi đẩy của thính phòng, bước dọc lối đi giữa hàng trăm chỗ ngồi trống trơn bọc nhung đỏ, trèo lên sân khấu và ngồi xuống chiếc piano. Tôi không mặc quần kẻ ca rô hay áo len rậm, nhưng tôi lập tức cảm thấy như mình lại vẫn là đứa bé ấy, sợ phải bắt đầu chơi và kinh hãi rằng mình sẽ bị đứt đoạn nếu mình chơi. Tuy nhiên, tôi quyết định mình sẽ chơi một lần nữa bài “From the Lighthouse Window”.

Tôi ngồi thẳng người, cong cong những ngón tay như Greg và bắt đầu chơi. Và bạn biết gì không? Tôi chơi tốt. Tôi gõ mọi nốt nhạc rất hoàn hảo. Nếu đó là Thế vận hội, sẽ có hoa giấy khắp mọi nơi và mọi người sẽ đốt đuốc, ném đồ qua rào chắn, hoặc ngồi chết lặng trên chiếu trong khi trọng tài giơ cao những kết quả hai con số. Tôi cược rằng một bức ảnh tôi ngồi bên cây đại dương cầm có lẽ sẽ xuất hiện trên bao bì một hộp ngũ cốc.

Đã hơn mười năm kể từ buổi biểu diễn piano đầu tiên định mệnh của tôi. Tôi chẳng hề có bản nhạc. Tôi thậm chí còn chẳng hề nghĩ về bài “From the Lighthouse Window” hay chơi piano đã lâu. Nhưng tôi vẫn chơi hoàn hảo. Kết thúc vài đoạn cuối cùng, tôi nện mạnh dây cuối cùng, phóng cả hai tay xuống các phím đàn như thể tôi là một gã Viking. Những ngón tay của tôi buông xuống với sức mạnh, uy thế và xúc cảm không thể phủ nhận. Rất chậm rãi, tôi nhấc những ngón tay cong cong của mình lên quá đầu và sau đó giữ nguyên một lúc thật lâu.

Tôi tự hỏi, Làm sao lại có thể làm được thế này?

Rất đơn giản.

Không khán giả, không đèn rọi.

Và toàn ghi nhớ do quen tay.

Sự khác biệt giữa nhạc jazz ngẫu hứng và những buổi độc diễn kinh điển rất đơn giản: Thứ nhất, chẳng hề có nốt nhạc sai nào cả. Nếu người ta nhầm lẫn, chẳng ai để tâm hay thậm chí chú ý đến cả. Tất cả mọi người vẫn cứ giậm chân. Tuy nhiên, trong những buổi độc diễn, mọi người trông đợi sự hoàn hảo.

Chúng ta dành rất nhiều thời gian thực hiện những buổi độc diễn trong các cộng đồng đức tin của mình hơn là chúng ta nghĩ Jesus hình dung trong đầu. Sân khấu, khán giả và bục diễn làm thay đổi chúng ta. Những người trở nên biết yêu thương không cần bất kỳ điều gì trong số này. Có đầy đủ sân khấu vốn chẳng xấu, nhưng chúng ta có thể biểu diễn nhầm đối tượng khán giả.

Bạn bè tôi và tôi có tiến hành một thí nghiệm thực gọi là “Phòng khách”. Đó là một nơi không hề có bất kỳ sân khấu nào. Chúng tôi có nơi đầu tiên như vậy tại nhà mình ở San Diego, và chúng tôi không cung cấp chi tiết nào cả. Chúng tôi không nói với cho bất kỳ ai sẽ ở đó, sẽ nói chuyện, sẽ chơi nhạc, hay những gì chúng tôi sẽ làm nếu họ đến. Chúng tôi chỉ nói tất cả mọi người được mời. Đây chính là cách Jesus làm. Sau khi Jesus lên Thiên đường, môn đệ của Ngài cũng mời mọi người tới phòng khách của họ. Họ cùng ăn bánh mỳ và chung nhau nhiều thứ. Đó là những gì chúng tôi nhắm tới. Thậm chí tôi rất thân mật và thoải mái nơi công cộng nhưng Sweet Maria và tôi là những người rất kín đáo, cho nên ý tưởng mời người lạ tới nhà mình có phần bất an. Đặc biệt là với Sweet Maria, vốn càng hướng nội hơn. Chúng tôi không hình dung nổi nếu có ai đó từ phòng ngủ của chúng tôi bước ra mà mặc quần ngủ của tôi cầm chiếc ô của cô ấy.

Chúng tôi định rõ ngày giờ và thời gian đón khách, nói rằng chúng tôi có thể đón khoảng ba mươi người trong phòng khách của chúng tôi, nhưng chúng tôi có thể “nhồi” sáu mươi người. Đến giờ, hơn tám trăm người đến trong vòng bốn phút. Những người chúng tôi có thể tiếp nhận ở lại và chúng tôi đã có quãng thời gian tuyệt vời cùng nhau.

Số còn lại, chúng tôi thuê cho họ ở Ngôi nhà màu xanh da trời (The House of Blues) cạnh Disneyland một thời gian ngắn sau đó. Tôi gọi thêm một vài người bạn đến trò chuyện và chơi nhạc. Rồi chúng tôi phát vé vào Disneyland, nơi chúng tôi có những chương trình riêng. Những người muốn nói về tương lai của họ đã gặp một trong những diễn giả ở Ngôi nhà tương lai (TomorrowLand). Những người muốn nói về nỗi sợ hãi lớn nhất của họ thì gặp nhau ở Ngôi nhà Ma ám. Một người bạn của tôi vẫn làm việc với người vô gia cư thì đến Main Street. Một người nữa là rapper thì đến Lâu đài Cinderella. Còn tôi dĩ nhiên là ở Đảo Tom Sawyer. Tôi được lưu ý rằng địa điểm chúng ta gặp gỡ quan trọng không kém những gì chúng ta gặp gỡ, có khi còn hơn. Một vài cuộc trò chuyện chúng ta có được thường lại diễn ra nhầm địa điểm.

Chúng tôi có một sự kiện khác để đem mọi người đến với nhau. Chúng tôi không chọn thành phố quen thuộc nhất; chúng tôi chọn một trong những thành phố ít nổi nhất. Điều đó gợi cho chúng tôi nhớ về việc Chúa không chọn Jerusalem. Ngài chọn những địa điểm tương đối ít được ưa chuộng như Bethlehem và Nazareth để tập hợp mọi người quanh Jesus. Tôi đem căn nhà của mình đi thế chấp, và chúng tôi thuê hẳn trung tâm hội nghị. Một nhóm nhạc công và diễn giả đồng ý đến mà chẳng vì thứ gì hơn là bánh pizza và chỗ ở tạm. Hàng nghìn người tới, và chúng tôi bỏ số tiền của họ vào một chiếc âu lớn. Chúng tôi nói với mọi người nếu họ cần thì cứ lấy một ít còn nếu họ có nhiều hơn mức họ cần thì bỏ thêm vào. Chúng tôi để số tiền ở bên ngoài suốt đêm cho nhân viên trung tâm hội nghị phòng trường hợp họ cần đến. Khi chúng tôi xong việc, chúng tôi tặng toàn bộ số tiền thu được từ sự kiện cho những người nghèo túng, khó khăn và cần sự giúp đỡ. Đây chính là việc Giáo hội làm thuở ban đầu. Họ tự kiếm tiền bằng việc làm cho chính họ và các nguồn lực của họ luôn sẵn có cho tất cả mọi người. Họ làm điều này vì họ biết yêu thương.

Cho dù chúng ta muốn hay không, chúng ta đều đi đến chỗ liên tục ghi nhớ những gì chúng ta làm. Đó là cách chúng ta được kết nối với nơi sản xuất. Vì đây là cách chúng ta được tạo ra nên việc chọn những hành động đáng để làm đi làm lại là một ý tưởng tuyệt vời. Những người biết yêu thương đều làm vậy. Họ tiếp nhận những khuôn mẫu và hình tượng đẹp đẽ xung quanh cho cuộc đời của họ. Họ lấp đầy cuộc sống của họ bằng những bài ca, tập quán và thói quen lan tỏa tình yêu, sự tán thành, khoan dung, hào phóng, hài hước, và tha thứ. Những người biết yêu thương lặp lại những hành động này thường xuyên đến mức họ thậm chí không nhận ra họ đang làm điều đó nữa. Nó chỉ như một sự ghi nhớ do quen tay với họ.

Họ không cần bất kỳ ai vỗ tay tán thưởng. Họ không cần công nhận những điều họ biết là vốn đúng đắn, chính xác và đẹp đẽ. Họ không cần tất cả những lời tán thưởng đi cùng với sự công nhận. Họ cũng không cảm thấy cần phê phán người khác làm vài chuyện sai lầm hoặc đánh nhầm vài dây đàn trong cuộc đời mình.

Tôi không biết bạn thế nào, nhưng rất nhiều lần đến hết ngày, tôi nhận ra chiếc áo sơ mi đang mặc của tôi nhàu nhĩ dưới mông. Tôi thường chỉ tuột một khuy nhưng có lúc hai khuy. Sự thực là, một số người định hình niềm tin của tôi nhiều nhất lại chính là mấy chiếc khuy sứt ra trên áo của họ. Họ phạm những sai lầm lớn. Hãy tìm đến những người này, chứ đừng quay đi. Chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều thỉnh thoảng gõ những nốt nhạc sai. Tấm thẻ báo cáo về đức tin của chúng ta chính là cách chúng ta ứng xử với nhau khi chúng ta làm sai.

Mary chạy đến mộ phần vài ngay sau khi Jesus được an táng và phục sinh, và bà nghĩ Jesus là người làm vườn. Ngài không khiến bà lúng túng trước mặt mọi người và nói cho bà biết tất cả những lý do tại sao bà nhầm. Ngài cũng không cùng bà tìm hiểu về Kinh thánh. Bạn có biết Ngài làm gì không? Ngài chỉ đọc tên bà: “Mary”. Vậy thôi.

Đó là bài thuyết giáo ngắn nhất từng được đưa ra. Chúng ta không cần cử các cung thủ tới tòa tháp để bảo vệ Jesus hài đồng mỗi lần có người gõ sai nốt. Hãy đọc cuốn sách về Khải huyền. Ngài ra khỏi giường cũi. Chúng ta có nên bám chắc lấy học thuyết và biết về những gì Kinh thánh nói với cả thế giới không? Tất nhiên rồi. Nhưng hãy ghi nhớ điều này: Yêu thương mọi người như cách Jesus làm luôn là một luận thuyết lớn. Hãy ghi nhớ điều đó.

Hãy ghi nhớ sự khoan dung. Hãy biến nó thành một sự ghi nhớ do thuần tay của bạn. Đừng bận tâm đến sân khấu. Đức tin của bạn không phải là một màn độc diễn. Hãy thổi một chút nhạc jazz vào cuộc sống của mọi người khi họ nhầm vài nốt nhạc. Hãy đến với họ. Đừng khuyên bảo họ; hãy gọi tên họ. Và nếu bạn không biết tên họ, đừng nói gì cả.

Vì Chúa tạo ra mọi người, và mọi người tạo ra vấn đề, nhưng mọi người không phải là vấn đề. Họ cũng không phải là những công trình. Con người là con người.

Lần tới khi ai đó gần bạn gây rối, hãy kéo họ ra chỗ riêng tư. Đừng trút lên họ cả núi những lời chỉ dẫn như thể đó là một bản nhạc. Chỉ cần dành cho họ một cái ôm. Bạn sẽ tạo ra sự ghi nhớ do thuần tay về sự khoan dung, yêu thương, công nhận đối với họ. Điều này tôi đã đọc được trong một cuốn sách kinh điển của Dale Carnegie: “Đắc Nhân Tâm”. Tôi biết điều này đúng, bởi mọi mối quan hệ đều luôn bắt đầu từ yêu thương. Tại sao chúng ta chỉ nhìn vào những nốt người khác đánh lỗi mà không nhìn vào cả một bản nhạc anh ta đã chơi rất tuyệt vời sao. Muốn tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp, hãy biết dành lời khen cho người khác. Hãy thật lòng khen ngợi họ, và rồi, bạn muốn góp ý như thế nào, họ cũng sẽ sẵn sàng và công nhận sự chân thành của bạn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LỜI CHÀO TỪ WALTER
  2. YÊU THƯƠNG AI CŨNG NHƯ AI

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH