CUỘC SỐNG KHÔNG PHẢI LUÔN CÔNG BẰNG

David Richo

Trích: 5 Sự Thật Không Thể Thay Đổi; NXB Phương Đông & Thái Hà Books

Luật của đời sống chính trong đời sống với sự thuận tình không dè dặt của nó.- MIRCEA ELIADE

ĐỜI SỐNG KHÔNG LUÔN LUÔN CÔNG BẰNG và con người cũng thế, kể cả chúng ta. Đôi khi chúng ta bị lợi dụng. Đôi khi chúng ta làm mọi việc đúng đắn và rồi vẫn thua thiệt. Đôi khi chúng ta hành động cẩn thận mà vẫn bị tổn thương. Người khác có thể hào hiệp với chúng ta, ấy thế mà chúng ta lại lợi dụng lòng tốt của họ. Hoặc chúng ta có thể hành động bằng thiện chí với kẻ khác, ấy thế mà những cố gắng của chúng ta không được tán thưởng hoặc bị hiểu sai. Cái định sẵn thứ ba thách thức khả năng đau buồn của chúng ta vì những mất mát gắn liền với sự bất công. Đây là công cuộc về tâm lí của chúng ta.

Nó cũng thách thức chúng ta không trả đũa những người làm chúng ta tổn thương. Đây là sự tu tập tâm linh của chúng ta. Cả hai thứ này hợp lại tương đồng với một sự chấp nhận vô điều kiện quy luật không thể biến cải là sự vật không phải luôn luôn công bằng.

Thách thức ở đây là chúng ta phải chấp nhận những mất mát với tấm lòng từ ái, cam kết hành động và suy nghĩ một cách thương yêu đối với kẻ khác, đặc biệt khi họ thử thách sự kiên nhẫn của chúng ta hoặc có hành động làm tổn hại đối với chúng ta. Nuôi dưỡng tâm từ ái khi người khác đối xử không công bằng giúp chúng ta giữ được tấm lòng mở rộng trong và qua khoảnh khắc bị tổn thương. Sự cởi mở không có nghĩa là chúng ta để mình biến thành những nạn nhân của việc xâm hại. Chúng ta chỉ để cho bản thân là những gì chúng ta thật là ở vào lúc thương yêu nhất, tức là dễ bị tổn thương nhất.

BÁO THÙ HAY HOÀ GIẢI?

Cái Tôi vị kỷ của chúng ta ưa thích sự trả đũa, điều này đối nghịch với lời dạy của Đức Phật. Sự tu tập tâm linh hữu hiệu là gì? Đó là tâm từ ái: một sự chấp nhận tỉnh thức, từ bi, thông cảm, một niềm tin rằng mọi người đều đáng giá và có thể tỉnh thức, và một sự cam kết vào hoà giải. Tâm từ ái giải phóng chúng ta khỏi bản năng trá đũa của cái Tôi.

Nếu tôi chấp nhận bạn như thể chính bạn mà không phản đối hoặc trách cứ, thì tôi không bị thúc đẩy phải đáp đối lại bạn. Tôi là một người làm chứng công bằng và nhanh nhẹn, nhìn thấy ngay ra sự thiếu công bằng nhưng không trừng phạt kẻ thiếu công bằng. Thay vì thế tôi lên tiếng và đồng thời tích cực hành động vì sự chuyển hoá của kẻ không tôn kính. Một sự tu tập tâm linh là nhận ra hành vi của kẻ khác mà không phê phán họ hoặc đối đáp với họ vì điều đó. Sự tu tập tâm linh ấy có một quyền năng thực hiện sự biến cải trong kẻ khác. Hoà giải thay vì trả đũa dẫn tới sự gần gũi giữa phía bị tổn thương và phía làm tổn thương. Thông thường, chúng ta chạy khỏi cuộc tranh chấp, hệt như chúng ta chạy khỏi sự gần gũi. Đối thoại là giao thế của việc rút lui hoặc trả đũa. Một người trưởng thành biết rằng đôi khi xảy ra những mất mát, rằng đôi khi cũng có những cuộc thương lượng thiếu công bằng và rằng bản thân có thể sống sót sau những mất mát đó. Một người trưởng thành tiến hoá về mặt tâm linh không bằng lòng với nỗi vui sướng của việc trả đũa mà chọn niềm hân hoan của tâm từ ái. Điều này xảy ra khi chúng ta xử sự phù hợp với những tiêu chuẩn của tình yêu thương.

Cần có đạo đức để tha thứ cho những kẻ không ân hận về cung cách họ đã lấn lướt chúng ta. Chúng ta không thể lên kế hoạch tha thứ hoặc xây dựng cho chúng ta có tấm lòng vị tha. Nó xảy ra khi chúng ta cam kết với bản thân là chúng ta không trả đũa. Chúng ta cảm thấy giận dữ khi kẻ khác đối xử không tốt với chúng ta. Chúng ta có thể lên tiếng về tổn hại mà chúng ta phải chịu, nhưng rồi chúng ta buông xả nhu cầu trừng phạt.

Đôi khi người ta thú nhận tội lỗi của mình và bày tỏ ăn năn. Tâm thức lành mạnh vốn được điều động để phát ra lòng từ bi khi nó nhìn thấy sự đau đớn và thua thiệt, hệt như nó phát ra sự tha thứ khi nó nhìn thấy sự sám hối. Sám hối là ăn năn, đền bù, và cam kết không lặp lại điều sai phạm. Khi kẻ khác thành thật ăn năn, nếu chúng ta không bày tỏ sự tha thứ là chúng ta sa vào tâm trí nhỏ nhen. Sự trả đũa làm tổn hại tâm hồn người trá đũa và gây ra một sự mất quân bình trầm trọng hơn. Socrates đã ghi nhận điều này: “Chịu đựng một sự bất công tốt hơn là phạm vào một điều bất công.” Thân thể và tâm trí chúng ta bị tổn hại vì sự bất công nhưng chính tâm hồn chúng ta cũng bị tổn hại vì sự trả thù. Trong một xã hội tiến hoá đề cao ý thức tâm linh, sự ham muốn trả đũa được thay thế bằng sự ham muốn hoà giải. Trong một thế giới như thế – buồn thay, chưa phải là thế giới này – mọi người đều có trách nhiệm và được yêu cầu đền bù, nhưng không ai bị trừng phạt. Trong đời sống cá nhân của tôi, liệu tôi đang sống trong thế giới tiền văn minh của sự báo thủ hay trong một thế giới mới của tình thương tha thứ và hoà giải?

Trả đũa nhằm
• Trừng phạt kẻ làm điều ác.
• Làm ai đó phải trả giá.
• Đòi ngang bằng.
• Bảo đảm sự an toàn của xã hội bằng cách trừng phạt kẻ sai phạm và không cho họ cơ hội sửa chữa.
• Đoán chắc vòng quay trả đũa tiếp diễn để có thể biện minh cho chiến tranh.
• Kết thúc câu chuyện.

Hoà giải hướng tới
• Tìm cách chữa trị sự ngu si của kẻ làm ác.
• Khiến ai đó phải đền bù.
• Bao dung và độ lượng.
• Bảo đám sự an toàn xã hội bằng cách từ bi với kẻ sai phạm và cho họ cơ hội sửa chữa.
• Chấm dứt vòng quay trả đũa đế chiến tranh không còn là giải pháp được chấp nhận.
• Khởi đầu một đối thoại.

Sự chấp nhận vô điều kiện của chúng ta với thứ định sẵn về không công bằng có hai lớp. Chúng ta thừa nhận sự bất công mà không có nhu cầu trả đũa. Chúng ta thừa nhận rằng xã hội chúng ta còn quá sơ khai, chưa có được một hệ thống toà án hoặc một chính quyền tìm kiếm sự phục hồi thay vì trả đũa. Bởi vì chúng ta không bỏ rơi kẻ khác hoặc xã hội, chúng ta không bao giờ ngừng tìm kiếm một đường lối đế thay đổi sự vật cho tốt hơn. Nếu có ai đối xử bất công với chúng ta, chúng ta phải chắc chắn rằng có một sự thay đổi trong mối tương quan của chúng ta mà không phải đoán chắc rằng người kia sẽ bị trừng phạt. Kế hoạch trước xuất phát từ một nguyện vọng cứu chữa. Kế hoạch sau xuất phát từ khuynh hướng đen tối của cái Tôi bị bầm dập muốn quay lại làm đau. Chúng ta ghi nhận một sự khác biệt trong thứ định sẵn về bất công so với bốn thứ định sẵn kia. Ở đây sự chấp nhận vô điều kiện của chúng ta bao gồm công cuộc biến cải sự việc. Trong những thứ định sẵn khác chúng ta chỉ chấp nhận; còn thứ định sẵn này chúng ta chấp nhận và làm hết sức để có sự thay đổi.

Ta hãy thử tưởng tượng ý thức tâm linh trưởng thành đã trở thành nguồn cám hướng cho Shantideva (Tịch Thiên), một bậc thầy Phật Giáo của Ấn Độ ở thế kỉ thứ 8, viết bài thơ sau đây:

Nguyện những kẻ ở địa ngục
Thủ ghét và tổn thương
Biến thành những kẻ thương yêu
Mang hoa tới.

Thay vì nói rằng những ai thù ghét và làm tổn thương người khác thuộc về địa ngục, Ngài nhận ra với lòng từ bi rằng thù ghét và làm tổn thương người khác ắt phải cảm thấy như ở địa ngục. Thay vì mong mỏi rằng những kẻ thù ghét hoặc tổn hại phải bị trừng phạt, Ngài cầu nguyện cho sự chuyển hoá của họ.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ VIỆC KHÔNG LUÔN DIỄN RA THEO KẾ HOẠCH
  2. NHỮNG ĐIỀU XẢY RA CÓ THỂ GIÚP CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO
  3. NGƯỜI KHÁC KHÔNG LUÔN LUÔN YÊU THƯƠNG VÀ TRUNG THÀNH VỚI CHÚNG TA

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ