NGƯỜI KHÁC KHÔNG LUÔN LUÔN YÊU THƯƠNG VÀ TRUNG THÀNH VỚI CHÚNG TA

David Richo

Trích: 5 Sự Thật Không Thể Thay Đổi; NXB Phương Đông & Thái Hà Books

Tôi đánh cao giá tiếng đò ngay cả khi người chèo đò là một kẻ chẳng ra gì.
Đôi khi người khác giữ lời hứa và đôi khi không.

— David Richo

Đôi khi người ta thương yêu và trung thành với chúng ta vô điều kiện. Đôi khi họ thù ghét, loại bỏ hoặc phản bội chúng ta. Một người trưởng thành đã học được cách ung dung đón nhận tất cả. Chúng ta cảm thấy đau đớn, nhưng nó không làm ta mất đi sự an ổn. Chúng ta đón nhận tình thương yêu với tấm lòng rộng mở và hoan nghênh. Chúng ta đón nhận sự trung thành với tấm lòng biết ơn. Chúng ta đáp lại sự phản bội với sức mạnh chúng ta đã đạt được nhờ công cuộc rèn luyện về tâm lí. Chúng ta buông bỏ việc trả đũa hành động với lòng từ bi. Chúng ta không muốn bị tác động quá mạnh mẽ bởi những gì kẻ khác làm đế đánh mất khả năng thương yêu của chính chúng ta.

Một số người ưa thích chúng ta và một số người thù ghét chúng ta; một số người ủng hộ và một số người phản bội chúng ta; một số người lặng lẽ chăm sóc cảm xúc của chúng ta và một số người giầy đạp chúng. Chấp nhận sự thực này như một thứ định sẵn khiến cho những phản ứng của kẻ khác khó lòng quyết định giá trị thiết thân của chúng ta. Sự tu tập tâm linh của chúng ta là một sự chấp nhận thẳng thắn những phản ứng của con người mà chúng ta sẽ gặp gỡ suốt đời. Điều này tránh cho chúng ta khỏi cảm giác tội lỗi hoặc khiển cho kẻ khác trở thành sai quấy vì không thương yêu chúng ta. Xưa nay không có người nào được tất cả mọi người thương yêu hoặc tôn kính. Điều này phải được coi như một sự thật đơn giản của cuộc sống. Rồi chúng ta tỉnh thức ghi nhận phản ứng của kẻ khác đối với chúng ta, tiếp tục  thương yêu và kính trọng họ bất kể ra sao.

Sự tu tập tâm linh của chúng ta về việc nuôi dưỡng lòng từ ái giúp chúng ta tìm thấy tiềm năng của chính mình để thương yêu vô điều kiện và từ bi vô điều kiện. Người khác làm tổn thương chúng ta nhưng chúng ta nhận thức được rằng đó là cung cách họ xô đẩy chúng ta qua một cánh cửa mà trước đây chúng ta không ngờ đến. Nỗi đau chúng ta cảm thấy chính là cảm giác bị xô đẩy kia.

Chúng ta có thể phân biệt hai loại tổn thương: cố ý và hậu quả. Thí dụ, một thứ định sẵn của việc bắt đầu một mối quan hệ là hai bên đều có thể chấm dứt nó. Tổn thương cố ý xảy ra khi người ta bỏ rơi chúng ta một cách ác độc và vô tâm. Điều này dẫn chúng ta với việc cảm thấy buồn đau, và ở nơi ý thức tâm linh, chúng ta cảm thấy nỗi buồn đau này mà không hề có kế hoạch trả đũa. Tốn thương xảy ra như là kết quả tự nhiên, không thể né tránh của các sự kiện và các sự chọn lựa phải lẽ. Thí dụ, người cộng tác chấm dứt mối quan hệ với chúng ta bằng một cung cách tử tế và tôn kính. Cả hai bên chúng ta đã cố gắng hết sức nhưng mối tương quan không thể tồn tại.

Đôi khi chúng ta làm tổn thương kẻ khác. Nếu chúng ta cố ý làm như thế, chúng ta trải nghiệm tội lỗi, chúng ta biết rằng sẽ đến lúc mình phải đền bù. Nếu tổn thương xảy ra như hậu quả của sự lựa chọn chính đáng, chẳng hạn chấm dứt một mối tương quan không lành mạnh, chúng ta không trách cứ bản thân. Chúng ta tìm ra những lề lối để từ bỏ một cách ôn hoà, và chúng ta vẫn sẵn sàng chia sẻ sự đau buồn của người cộng sự cho đến bất cứ khi nào có thể.

Khi chúng ta bị kẻ khác làm tổn thương, việc của chúng ta là trải nghiệm sự tổn thương thay vì chạy trốn nó hay toan tính trả đũa. Nếu chúng ta cảm nhận sự tốn thương một cách sâu sắc, chúng ta có thể nhìn thẳng vào khuôn mặt chúng ta trong gương và nói:

  • Sợ hãi: Tôi sợ rằng tôi sẽ không sống sót nếu mọi người không yêu thương tôi, và do vậy tôi là một nguồn mạch khổ đau cho chính tôi.
  • Dính mắc: Tôi dính mắc vào việc tôi là sở hữu của cái gì, và do vậy tôi là một nguồn mạch khổ đau cho chính tôi.
  • Kiểm soát: Tôi cần phải kiểm soát những phản ứng của kẻ khác đối với tôi, và do vậy tôi là một nguồn mạch khổ đau cho chính tôi.
  • Quyền năng: Tôi tin rằng tôi có quyền được mọi người thương yêu và chung thuỷ, tôi khăng khăng đòi điều đó, và do vậy tôi là một nguồn mạch khổ đau cho chính tôi.
  • Tôi buông xả sợ hãi bằng cách phơi bày nhiều hơn tình thương yêu và tìm thấy sự hào hứng trong những thách đố của cuộc sống.
  • Tôi buông xả sự dính mắc về việc người khác phải hành động ra sao và tôi chấp nhận thứ định sẵn của đời sống rằng không phải mọi người sẽ luôn thương yêu hoặc trung thành với tôi.
  • Tôi buông xả sự kiểm soát và để cho mọi người thương yêu hoặc ghét bỏ tôi tuỳ theo họ chọn lựa. Tôi buông xả việc kiên quyết rằng tôi phải được mọi người thương yêu và kính trọng, thay vì thế, tôi tập trung vào việc thương yêu và kính trọng mọi người tôi gặp. Tôi luôn nhận thức rằng bản thân tôi cũng không luôn thương yêu và trung thành với người khác và tôi đang thực hành vì điều này.

CHĂM SÓC CHO CHÍNH BẠN KHI CỞI MỞ VỚI KẺ KHÁC

Sự chú tâm, tiếp nhận, hân thưởng, thương yêu và cho phép của người khác có thể không đáp ứng được mong mỏi của chúng ta. Khi chúng ta vui lòng chấp nhận thực tại về sự bất toàn của kẻ khác thì những nhu cầu của chính chúng ta bắt đầu thay đổi. Chúng ta không còn cần điều không thể có được:

“Tôi buông xả việc muốn cái không hiện hữu ở đây và bây giờ.” Chúng ta so hàng những nhu cầu của mình với những gì có được ở người khác. Nghịch lí thay, khi chúng ta thu hẹp những chờ mong không thực tế, người khác cảm thấy bớt bị áp lực và đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của chúng ta – đôi khi chấp nhận thực tại có thể giúp thực tại thay đổi. Thách thức đối với chúng ta là khả năng chúng ta trưởng thành từ sự chú tâm, tiếp nhận, hân thường, thương yêu và cho phép. Chúng ta cần xây dựng những tài nguyên bên trong như thế nào đề có thể làm được điều này? Chúng ta cam kết dấn thân vào việc tu tập tâm linh, học cách tin cậy rằng có một tài nguyên lành mạnh, khôn ngoan và nuôi dưỡng bên trong chúng ta. Càng biết rõ nhu cầu thực sự của mình, chúng ta càng ít cần tới nó. Điều này xảy ra bởi vì sự tự trọng, tự tin của chúng ta tăng trường. Dưới đây là một số cách thực hành hữu ích:

  • Ngồi tĩnh lặng 15 phút mỗi ngày. Điều này có nghĩa là hãy giữ hiện trạng của bạn, không trách cứ bản thân hay người khác, cũng không toan tính thay đổi hoặc kết thúc nó. Bạn chỉ đơn giản hiện hữu với những gì đang tiếp diễn, hiện hữu với nó như thể bạn đang nắm giữ trải nghiệm của mình.
  • Ghi nhận đâu là những nhu cầu, giá trị và ước muốn sâu thẳm nhất của bạn và dõi theo chúng. Chú tâm tới những cảm xúc của chúng ta và những gì giúp chúng ta tăng trưởng; tiếp nhận bản thân như chúng ta là; thương yêu bản thân; cho phép bản thân thử nghiệm những sự việc mới. Tất cả điều này xảy ra như là kết quả của sự chấp nhận vô điều kiện bản thân chúng ta.
  • Nhắc nhở bản thân về vị trí của bạn trong vũ trụ. Bạn hồi tưởng về gốc gác gia đình của bạn và sự kết nối của bạn với toàn thể loài người. Điều này sẽ giúp bạn tìm ra một di sản phong phú về sức mạnh bên trong chính bạn.
  • Hành động với lòng từ bi và sự kính trọng đối với mọi chúng sinh vì sự trưởng thành tâm linh, không phải như một chiến thuật để thao túng kẻ khác.
  • Tiếp xúc với tự nhiên bằng những cung cách khác nhau mỗi ngày. Lặng thầm cảm thông với tự nhiên. Tự nhiên là bà mẹ của một cảm thức về sự tuỳ thuộc và đó là một cảm thức về tự thân.

Đồng thời, luôn tìm kiếm những khoảnh khắc được yêu thương. Đó là những khoảnh khắc vô cùng trân quý và có khả năng chữa lành. Chúng là sự chấp nhận vô điều kiện cho sự hiện hữu và cho khả năng thương yêu của chúng ta. Vào một khoảnh khắc như thế, chúng ta có thể nhận ra rằng được thương yêu giúp chúng ta không bỏ rơi bản thân mình.

Chúng ta không phát triển cá tính bằng cách trút bỏ sự căng thẳng của mình mà bằng cách luôn thương yêu kẻ khác bất kể điều gì xảy đến với chúng ta hay kẻ khác cư xử với chúng ta ra sao. Tính liên kết cũng vô điều kiện như tình thương bởi nó sống sót dưới bất kì điều kiện nào.

NHỮNG ĐIỀU ĐỊNH SẴN CỦA QUAN HỆ TRƯỞNG THÀNH

Trong cuốn sách How to Be an Adult in Relationships, tôi đề cập tới những dấu hiệu tiêu biểu của tình yêu thương bền vững và trưởng thành. Khi chấp nhận sự thực rằng người khác không luôn luôn thương yêu hoặc trung thành với chúng ta, chúng ta trở nên trưởng thành hơn trong những mối quan hệ của chúng ta. Trong bảng liệt kê dưới đây – được xem như một bảng kiểm điểm cá nhân – bạn hãy xem mình thoải mái ra sao với những thứ định sẵn này. Những thứ định sẵn nào bạn dễ dàng chấp nhận và những thứ định sẵn nào bạn còn tranh luận:

  • Bất kể cha mẹ có thể đã ngược đãi bạn như thế nào, cha mẹ bạn đã ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc đời bạn ra sao, nhưng bạn có thể buông xả việc trách móc họ.
  • Khi bạn đặt câu hòi: “Tại sao tôi không có được điều tôi muốn trong đời?”, một trong những câu hỏi tiếp theo có thể là: “Tôi còn đang mang theo những gì từ quá khứ?”
  • Tâm trí bạn có thể đang nói: “Tôi muốn một mối quan hệ bình an,” nhưng thân thể bạn có thể vẫn cứ hoài niệm về thời thơ ấu: tấn kịch của sợ hãi và ham muốn không được thoả mãn cứ lặp đi lặp lại. Bạn có khuynh hướng muốn trả đũa một người cộng sự hơn là đáp ứng, xử lí và giải quyết vấn đề mà cả hai đang giáp mặt.
  • Một câu hỏi xuất phát từ cái Tôi trong một mối tương quan là: “Tôi có thể được gì từ mối quan hệ này?” Một câu hỏi lành mạnh về mặt tâm linh hẳn là “Tôi cần làm gì để làm người đóng góp ở đây?”
  • Trong một mối tương quan, đôi bên cộng tác có thể đặt ra những thách thức mà không sợ phá tan hoặc kết thúc sự liên kết.
  • Một số người, đặc biệt là những người hướng nội, tìm ra sức mạnh bằng cách thu mình vào bản thân. Bạn có thể coi đó là nét tính cách của họ hay coi đó như một sự bất hợp tác?
  • Trong một mối tương quan bất ổn, một người trưởng thành sẽ có suy nghĩ rằng “tôi đang chọn hiện hữu ở đây” thay vì “kẻ đó đáng trách”.
  • Bạn có thể tìm kiếm – hoặc hiện hữu trong một sự gắn bó quyến luyến cảm thấy tốt lành, và gọi nó là tình yêu, đúng hơn là một sự liên kết đúng là tốt lành, vốn là tình yêu.
  • Nỗi sợ hãi lớn nhất về sự thân mật là do bạn sẽ phải từ bỏ sự kiểm soát đối với việc ai đó thương yêu bạn ra sao. Nếu một người bạn tình quá gần gũi, bạn có thể cảm thấy nỗi sợ bị chìm ngập. Nếu một người bạn tình quá xa cách, bạn có thể cảm thấy sợ bị bỏ rơi. Nhưng có những đường lối để tác động lên sự sợ hãi trong điều trị tâm lí và trong tu tập tâm linh.
  • Nếu bạn sợ bị bỏ rơi, bạn sẽ dễ dàng hoàng sợ khi ai đó bày tỏ sự thất vọng về bạn.
  • “Tình yêu là mù quáng” cho tất cả chúng ta một cơ hội được ai đó yêu thương.
  • Bạn có thể phân biệt giữa những nhu cầu thực sự và những tin tưởng rằng bạn có nhu cầu đó? Chẳng hạn, bạn đã trưởng thành và bạn không cần ai chăm sóc cho bạn, nhưng bạn có thể vẫn tin rằng bạn cần được chăm sóc.
  • Một người bạn tình trong tâm hồn không phải là kẻ nói rằng họ là một nửa của bạn mà là kẻ cho bạn thấy rằng bạn là tất cả với họ.
  • “Người ấy là tất cả những gì tôi có”: Đây có thể là lí do khiến bạn còn nấn ná trong một mối tương quan không thể nào níu giữ. Một sự nhẫn nhục với đớn đau như thế dẫn tới tuyệt vọng, làm mất năng lượng sống động trong bạn.
  • Không người nào hoặc biến cố nào có thể khiến bạn phải đưa ra một phản ứng tiêu cực khi bạn đã
    cam kết ứng xử với tấm lòng từ ái.
  • Những con người không hoàn hảo như chúng ta cần nhau, chứ không phải cần sự hoàn hảo để trở nên
    hạnh phúc và toàn vẹn. Chúng ta “tốt đủ” cho nhau với những con người thực của chúng ta.

TÌNH THƯƠNG VÔ NGÃ

Tình thương vô ngã là tình thương vượt khỏi cái Tôi, tình thương không vị kỉ. Chúng ta trân trọng tình thương vô điều kiện trong bất cứ dạng thức nào. Khi chúng ta không được trao tặng tình thương vô điều kiện một cách đầy đủ, câu hỏi duy nhất chúng ta cần đặt ra là: Tôi phải làm gì tiếp theo? Tuy nhiên, phần lớn chúng ta lại đặt câu hỏi: Người kia phải làm gì tiếp theo để thoả mãn tôi? Đối diện với cái đang là, tại sao chúng ta lại nêu ra một cái phải là?

Khi tôi có mặt với sự chú tâm, tiếp nhận, hân thưởng, thương yêu và chấp thuận, tôi thấy mình mở lòng ra và tôi tăng trưởng lòng tự trọng.

Sự tu tập tâm linh của chúng ta phải có tác động trực tiếp đến khả năng thể hiện tình thương yêu trong những mối quan hệ theo một cung cách trưởng thành.

Sự tỉnh thức giúp chúng ta phát triển sự quan tâm, chấp nhận và cho phép. Lòng từ ái giúp chúng ta bày tỏ thương yêu và tán thưởng.

Bạn hãy tự hỏi mình xem những dấu hiệu chứng tỏ tình thương yêu mà bạn dành cho một người có thật sự là vô điều kiện hay không:

  • Bạn cảm thấy một mối liên kết với người khác bền vững và không thể bị thay thế dù bất cứ chuyện gì xảy ra.
  • Bạn kiên trì có những ý nghĩ thiện ý và mong muốn điều tốt đẹp nhất cho người đó.
  • Bạn luôn hành động nhân từ mà không trông chờ được đền đáp.
  • Bạn thấy lòng mình mở ra khi bạn ở cùng hoặc khi nghĩ về người đó.
  • Bạn duy trì việc bồi đắp mối quan hệ hơn là đáp ứng những đòi hỏi của cái Tôi của bạn.
  • Bạn không còn lo sợ khi gần gũi hoặc xa cách với người đó.
  • Bạn nhạy cảm với việc người đó cảm nhận ra sao và luôn nỗ lực để không làm tốn thương người đó.
  • Bạn giữ một thái độ bao dung từ ái, tha thứ, rộng lượng, cả trong suy nghĩ và hành động.
  • Bạn nhận thức được những nét tiêu cực của người đó và bạn coi chúng với lòng từ ái và tâm hoan hỉ nhưng không để chúng xâm lán lên bạn.
  • Tình thương vô điều kiện thì hoàn toàn nằm ở thời hiện tại. Bạn không phiền hà về một việc xảy ra trong quá khứ của người đó để chống lại họ.

Khi tôi chấp nhận những thứ định sẵn của mối tương giao, mong sao tôi tìm thấy tình thương và sự phong phú trong bản thân và kẻ khác, và mong sao tôi luôn luôn thương yêu kẻ khác bất kể họ không chung thuỷ thế nào với tôi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LẼ VÔ THƯỜNG CỦA CUỘC ĐỜI
  2. SỰ VIỆC KHÔNG LUÔN DIỄN RA THEO KẾ HOẠCH

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG ĐIỀU XẢY RA CÓ THỂ GIÚP CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO
  2. SỰ VIỆC KHÔNG LUÔN DIỄN RA THEO KẾ HOẠCH

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ