LẼ VÔ THƯỜNG CỦA CUỘC ĐỜI

PATRUL RINPOCHE

Trích: Lời Vàng Của Thầy Tôi; Dịch giả: Nhóm Longchenpa chuyển Việt ngữ năm 2004

Nhìn tam giới này như ảo ảnh phù du,
Ngài bỏ lại sau lưng những mối quan tâm thế tục, như bãi nước bọt trong bụi đất.
Chấp nhận mọi gian khó, Ngài theo chân chư Đạo Sư đời quá khứ.
Đạo Sư Vô Song, con đảnh lễ dưới chân Ngài.

Đại sư Patrul Rinpoche (1808–1887)

Đại sư Patrul Rinpoche (1808–1887)

I. SỰ VÔ THƯỜNG CỦA VŨ TRỤ BÊN NGOÀI NƠI CÓ CHÚNG SINH ĐANG SINH SỐNG

Thế giới của chúng ta, môi trường bên ngoài này được hình thành bởi cộng nghiệp tốt lành của chúng sinh. Thế giới ấy được cấu trúc một cách thật vững chãi, kiên cố, bao gồm bốn đại lục, Núi Tu Di và các cõi trời, và thế giới ấy tồn tại trọn một đại kiếp. Tuy vậy, thế giới ấy thì vô thường và sẽ không thoát khỏi sự hủy diệt cuối cùng của bảy quá trình hỏa tai (thiên tai do lửa gây ra) và một quá trình thủy tai (thiên tai do nước gây ra).

Khi kiếp hiện tại đang tiến dần đến thời điểm của sự hủy diệt, chúng sinh sinh sống trong các cõi thấp (dưới cõi của chư Thiên chứng đắc định sơ thiền) sẽ dần dần biến mất trong từng cõi một, cho tới lúc không còn sót một chúng sinh nào.

Rồi, cái này sau cái kia, bảy mặt trời sẽ mọc trong bầu trời. Mặt trời thứ nhất sẽ thiêu sạch tất cả các cây ăn trái và rừng rậm. Mặt trời thứ hai sẽ làm bốc hơi mọi dòng suối, vũng lạch, và ao hồ; mặt trời thứ ba sẽ làm khô cạn mọi con sông; và mặt trời thứ tư làm khô cạn các hồ lớn, ngay cả hồ Manasarovar. Khi mặt trời thứ năm xuất hiện, các đại dương sẽ dần dần bốc hơi, trước tiên tới bề sâu một trăm lý (một lý= 4,8km), rồi hai trăm, bảy trăm, một ngàn, mười ngàn, và cuối cùng là tám mươi ngàn lý. Nước biển còn sót lại sẽ rút từ một lý xuống một tầm nghe, cho tới khi chỉ còn lại thậm chí không đầy một vết chân. Vào lúc cả sáu mặt trời cùng bốc cháy, toàn thể trái đất và các ngọn núi phủ tuyết cũng sẽ bốc cháy thành những ngọn lửa. Và khi mặt trời thứ bảy xuất hiện, chính Núi Tu Di sẽ bốc cháy đồng thời với bốn đại lục, tám tiểu lục địa, bảy ngọn núi vàng, và vòng tường gồm các ngọn núi ngay nơi bờ mép của vũ trụ này. Mọi thứ sẽ chảy ra thành một đống lửa khổng lồ. Khi lửa cháy xuống phía dưới, nó sẽ thiêu đốt mọi cảnh giới địa ngục. Khi nó cháy lên trên, lửa sẽ nhận chìm thiên cung của Phạm Thiên, đã bị phế bỏ từ lâu. Trên các cung Trời, các vị Trời trẻ tuổi trong cảnh giới Tịnh Quang sẽ hoảng sợ thét lên: “Đám cháy lớn khủng khiếp!” Nhưng các vị Trời lớn tuổi hơn sẽ trấn an và nói: “Đừng sợ! Khi lửa cháy đến thế giới của Phạm Thiên, nó sẽ lụi tàn. Điều này đã từng xảy ra trước đây”.

Sau bảy lần bị lửa hủy diệt như thế, các đám mây mưa sẽ hình thành trong cảnh giới của các vị Trời thuộc tầng thiền thứ hai và một trận mưa như thác có độ dầy bằng một cái ách sẽ đổ xuống, theo sau là một trận mưa dày bằng một cái cày. Giống như muối hòa tan trong nước, tất cả mọi thứ từ cõi Tịnh Quang trở đi và kể cả cõi giới Tịnh Quang, cũng sẽ đều tan ra.

Sau khi sự hủy hoại thứ bảy do nước gây ra như thế qua đi, chày kim cang đôi của gió ở đáy vực của thế giới sẽ nổi lên. Giống như bụi đất bị gió tung rải, mọi thứ từ cõi tam thiên trở đi và kể cả cảnh giới của các vị Trời của tầng thiền thứ ba này cũng sẽ hoàn toàn bị cuốn đi.

Hãy quán chiếu sâu xa và một cách chân thành để thấy rằng, nếu mỗi một trong hàng tỉ thế giới cấu tạo nên các vũ trụ – mỗi thế giới với một Núi Tu Di, bốn trung châu (lục địa) và các cõi Trời riêng – còn phải bị hủy diệt cùng lúc theo cách thức như đã được mô tả như trên, chỉ còn để lại không gian ở phía sau, thì làm thế nào những thân người như chúng ta, giống như những con ruồi lúc cuối mùa, có thể có được chút thường hằng vĩnh cửu hay sự bền vững nào?

II. SỰ VÔ THƯỜNG CỦA CHÚNG SINH SỐNG TRONG VŨ TRỤ

Từ tột đỉnh của các cõi Trời cao nhất cho tới tận cùng của địa ngục, không có được lấy một chúng sinh nào có thể thoát khỏi cái chết. Như trong Linh Ly Sầu Ưu (Lá Thư An Ủi) có ghi:

Bạn có từng thấy, trên mặt đất hay trong các cõi Trời,
Một chúng sinh nào được sinh ra mà không chết?
Hoặc nghe rằng một chuyện như thế từng xảy ra?
Hay ngay cả hoài nghi rằng điều đó là điều có thể?

Tất cả những gì được sinh ra rồi cũng bị buộc phải chết đi. Không ai từng thấy hay nghe nói về người nào đó trong bất kỳ cảnh giới nào – ngày cả trong thế giới của các vị Trời – được sinh ra nhưng không bao giờ chết. Thật vậy, thậm chí chưa bao giờ có chuyện chúng ta tự hỏi một người có chết hay không. Cái chết là một điều chắc chắn. Đặc biệt là đối với chúng ta, những người được sinh ra vào cuối một kỷ nguyên trong một thế giới nơi mà chiều dài của cuộc đời thì không thể tiên đoán được – chẳng mấy chốc cái chết sẽ tới. Cái chết tới càng lúc càng gần ngay từ giây phút chúng ta được sinh ra đời. Cuộc đời chỉ có thể ngắn đi chứ không bao giờ dài ra. Chẳng chút gì động tâm, Thần Chết tới gần, không hề ngơi nghỉ một chốc lát, giống như cái bóng của một ngọn núi lúc hoàng hôn. Bạn có biết chắc chắn khi nào mình chết, hoặc chết ở đâu không? Chuyện đó có thể xảy ra ngày mai, hay đêm nay? Bạn có thể quả quyết rằng cái chết sẽ không đến với bạn ngay bây giờ, giữa hơi thở này và hơi kế tiếp không? Như trong Pháp Tập Yếu Tụng Kinh có nói:

Ai quả quyết được rằng họ sẽ sống đến ngày mai?
Bây giờ là lúc phải sẵn sàng,
Bởi đạo quân của Thần Chết
Không là bằng hữu của chúng ta.

Và Ngài Long Thọ (Nagarjuna) cũng nói:

Đời sống lập lòe trong những cơn giông gió của một ngàn điều bất hạnh,
Còn mong manh hơn một bọt nước trong dòng suối.
Trong giấc ngủ, mỗi hơi thở ra đi và lại được hít vào;
Kỳ diệu biết bao khi ta thức dậy mà vẫn còn sống!

Khi hít thở nhẹ nhàng, người ta vui hưởng giấc ngủ của mình. Nhưng không có gì bảo đảm là cái chết sẽ không lẻn vào giữa một hơi thở này và hơi thở kế tiếp. Thức dậy trong sự khỏe mạnh là một sự kiện rất đáng được coi là kỳ diệu, song chúng ta lại cho đó là điều hoàn toàn tất nhiên. Mặc dù biết rằng ta sẽ chết một ngày nào đó, nhưng chúng ta không thực sự để cho triển vọng của một cái chết luôn-luôn-thường-trực ảnh hưởng đến thái độ sống của mình. Chúng ta vẫn tiêu phí tất cả thời giờ của mình khi mang trong lòng những hy vọng và lo âu về vấn đề sinh sống trong tương lai, như thể chúng ta sẽ sống mãi. Chúng ta hoàn toàn bị cuốn hút vào cuộc chiến đấu cho sự hạnh phúc, sung sướng và địa vị, cho tới khi, thật bất ngờ, chúng ta đối diện với Thần Chết tay cầm sợi thòng lọng đen, cắn chặt môi dưới và nhe những chiếc nanh trong thật dữ tợn. Khi ấy không điều gì có thể giúp đỡ được ta. không đạo quân nào, không sắc lệnh nào của nhà cầm quyền, không tài sản nào của người giàu có, không sự sáng chói nào của học giả, không vẻ duyên dáng nào của sắc đẹp, không sự lanh lẹ nào của lực sĩ – chẳng điều gì còn ích lợi nữa. Chúng ta có thể tự nhốt mình trong một cái tủ bọc sắt không thể bị đâm thủng, được hàng trăm ngàn lực sĩ tua tủa cung tên, giáo mác bảo vệ; nhưng những thứ đó không đem lại cho ta sự che dấu hay che chở nào dù chỉ bằng bề dày của một sợi tóc. Một khi Thần Chết tròng sợi thòng lọng đen quanh cổ ta, khuôn mặt ta bắt đầu nhợt nhạt, đôi mắt đờ đẫn đẫm lệ, đầu và tứ chi xuôi xụi, và dù muốn hay không, chúng ta bị lôi một mạch xuống xa lộ để đi qua đời sau.

Cái chết không thể bị đánh bại bởi bất kỳ chiến sĩ nào, không thể bị sai sử bởi quyền lực, hoặc được hối lộ bởi người giàu có. Cái chết không từ đâu tới, không nơi ẩn nấp, không chỗ nương tựa, không người bảo vệ hay dẫn dắt. Cái chết kháng cự lại với bất kỳ một sự trông cậy nào nơi phương tiện và lòng từ bi. Một khi cuộc đời ta đã cạn kiệt, thì cho dù đích thân Đức Phật Dược Sư có xuất hiện đi chăng nữa. Ngài cũng không thể trì hoãn cái chết của chúng ta. Vì thế, hãy quán chiếu và thiền định một cách chân thành rằng ngay từ giây phút này trở về sau, thật quan trọng xiết bao để ta chẳng bao giờ còn rơi vào trong sự biếng nhác và trì hoãn; phải luôn luôn thực hành Chân Pháp, vì đây là điều duy nhất mà bạn có thể tin chắc là sẽ giúp đỡ được bạn vào giây phút lìa đời.

Hỏa tai (ảnh: google image)

III. SỰ VÔ THƯỜNG CỦA NHỮNG BẬC HIỀN THÁNH

Trong Hiền Kiếp hiện tại, các đức Phật Ti Bà Thi (Vipasyin), Thi Khí (Sikhin) và năm vị Phật khác đã xuất hiện, mỗi vị với một thánh chúng riêng gồm vô số các vị Thanh Văn và A La Hán. Mỗi Đức Phật đều phải hoằng hóa để đem lại lợi lạc cho vô lượng chúng sinh nương vào các giáo lý của Ba Thừa. Ngay cả tất cả các giáo lý mà ngày nay chúng ta có được cũng là những gì còn sót lại của giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên, tất cả những vị Phật đó đã nhập Niết Bàn và mọi Giáo Pháp thuần tịnh các Ngài ban cho đã dần dần biến mất. Từng vị một, trong vô vàn các vị Thanh Văn vĩ đại của hệ thống tôn giáo hiện tại, mỗi vị với hội chúng năm trăm vị A La Hán, cũng đã siêu vượt khổ đau đi vào trạng thái giác ngộ nơi không còn các uẩn. Ở Ấn Độ, có một thời Năm Trăm Vị A La Hán đã kết tập Pháp ngôn của Đức Phật. Có Sáu Bảo Trang(1) và Hai Đấng Siêu Việt(2) , Tám Mươi Tư Thành Tựu Giả(3), và nhiều vị khác nữa, là những bậc tinh thông tất cả mọi phẩm hạnh của con đường tu cùng các trình tự tu tập, và có sự thấu thị vô hạn cùng các năng lực kỳ diệu. Nhưng ngày nay những gì còn lại từ các ngài chỉ là những câu chuyện kể rằng các ngài đã sống ra sao. Ở đây, nơi xứ Tuyết Tây Tạng thì cũng vậy. Khi Đức Phật Thứ Hai xứ Oddiyana(4) chuyển Pháp Luân để dẫn dắt và giải thoát chúng sinh, thì khi ấy, có tất cả những đệ tử của Ngài hiện diện, như hai mươi lăm đệ tử được gọi là Pháp Vương (Trisong Detsen) và Thần Dân, cùng Tám Mươi Thành Tựu Giả ở Yerpa. Sau đó lại có các Đạo Sư của Phái Cựu Dịch thuộc các bộ tộc So, Zur và Nub; các Ngài Marpa, Milarepa và Dagpo của Phái Tân Dịch; cùng vô số các bậc học giả và thành tựu giả khác. Hầu hết các Ngài đã đạt được những quả vị chứng đắc rất cao và điều phục được bốn yếu tố (tứ đại). Các Ngài có thể tạo nên đủ loại biến hóa thần diệu. Các Ngài có thể làm cho các hiện vật xuất hiện từ không trung và biến mất trở lại vào không trung. Các Ngài không thể bị lửa đốt cháy, không bị nước cuốn trôi, không bị đất đè bẹp hoặc không thể té rơi vào không gian từ trên các vách núi cao – các Ngài đã hoàn toàn thoát khỏi bất kỳ tai họa có thể gây ra bởi các yếu tố tứ đại (đất, nước, gió, lửa).

Ví dụ như, có một lần, Ngài Jetsun Milarepa đang thiền định tĩnh lặng trong động Nyeshangkatya ở Nepal thì có một nhóm thợ săn đi qua. Nhìn thấy Ngài ngồi ở đó, họ hỏi Ngài là người hay ma. Milarepa vẫn bất động. Ngài nhìn chăm chú vào phía trước và không trả lời. Những người thợ săn bắn một loạt mũi tên tẩm độc vào Ngài. Họ ném Ngài xuống sông rồi xuống bờ vực – nhưng mỗi lần như thế Ngài lại ngồi ngay nơi đã ngồi trước đó. Cuối cùng, họ chất củi quanh Ngài và phóng hỏa, nhưng lửa không thiêu cháy được Ngài. Đã từng có rất nhiều các bậc thành tựu giả cũng đã đạt được các thần lực như thế. Nhưng cuối cùng, tất cả các Ngài đều chọn lựa “sự ra đi” để minh họa cho chúng ta thấy rằng tất cả mọi hiện tượng đều vô thường(5), và ngày nay tất cả những gì còn sót lại từ các Ngài chỉ là những câu truyện tiểu sử.

Đối với chúng ta, các ác hạnh của ta được ngọn gió của các chướng duyên cuốn bay về hướng của các khuynh hướng xấu xa tiêu cực. Các khuynh hướng ấy đưa dẫn ta đến đây, vào trong cái bộ máy tạm thời và dơ bẩn này, là một bộ máy được tạo nên bởi bốn yếu tố vật chất, nơi đó chúng ta bị sập bẫy và đời sống hữu tình của ta bị lệ thuộc vào bộ máy ấy. Và bởi chúng ta không bao giờ có thể quyết chắc rằng lúc nào và ở đâu thì ta, cái tên bù nhìn của thân xác huyễn hóa này, sẽ sửa soạn sắp tan rã, nên điều hết sức quan trọng là ngay từ giây phút này trở về sau, bản thân chúng ta làm sao phải tự tạo cảm hứng cho mình để tư tưởng, ngôn từ và hành động của ta sẽ luôn luôn tốt lành. Giữ trọn điều này trong tâm, hãy thiền định về lẽ vô thường.

  • chú thích:

(1): Sáu Bảo Trang của Ấn Độ gồm có các ngài Long Thọ (Nagarjuna), Thánh Thiên (Aryadeva), Vô Trước (Asanga), Thế Thân (Vasubandhu), Trần Na (Dignaga) và Pháp Xứng (Dharmakirti).
(2): Hai Đấng Siêu Việt là hai ngài Đức Quang (Gunaprabha) và Thích Tử Quang (Shakyaprabha) ở Ấn Độ.
(3): Tám Mươi Tư Vị Đại Thành Tựu Giả (Ma ha tất đạt) là những vị tu tập theo Tối Thượng Du Già tại Ấn Độ từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 12.
(4): Đức Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) thường được nhắc đến như là Đức Phật thứ Hai của thời đại này của chúng ta, truyền bá sâu rộng những giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
(5): Các bậc như thế được coi như đã vượt thoát khỏi sinh tử. Tuy nhiên, giống như Đức Thích Ca Mâu Ni, các ngài đã chọn cái chết để nhắc nhở chúng sinh về lẽ vô thường.

IV. SỰ VÔ THƯỜNG CỦA NHỮNG NGƯỜI CÓ ĐỊA VỊ VÀ THẾ LỰC

Có những vị Trời và những vị tu luyện trường sinh risi, uy nghi và lừng lẫy tuyệt đỉnh; họ có thể sống lâu cả một đại kiếp. Nhưng ngay cả những vị này cũng không thể thoát khỏi cái chết. Những vị cai trị chúng sinh, như chư Phạm Thiên (Brahma), Đế Thích Thiên (Indra), Vi Nữu Thiên (Visnu), Tự Tại Thiên (Isvara) và chư Thiên vĩ đại khác, có thọ mạng kéo dài cả một đại kiếp, với dáng vóc hay tầm nghe đo được tới nhiều lý (một lý= 4.8 km), chư vị này có thần lực và vẻ lộng lẫy vượt xa mặt trời và mặt trăng. Tuy thế, các vị này cũng không thể vượt khỏi tầm với của cái chết. Như trong Kho Báu Thiện Đức có nói:

Ngay cả chư Phạm Thiên (Brahma), Đế Thích Thiên (Indra), Ma Hê Thủ La (Mahesvara) và các vị đại đế thiên vương,
Không có cách nào lẩn tránh được Thần Chết.

Cuối cùng, ngay cả các vị tu luyện trường sinh risi siêu phàm hay các vị risi sống trong thế giới loài người với năm loại thấu thị và có thần lực ngang bầu trời, thì họ cũng không thể trốn thoát khỏi cái chết. Trong Linh Ly Sầu Ưu có nói:

Các vị tu luyện trường sinh vĩ đại với năm loại thần lực
Có thể bay xa và rộng trong các bầu trời,
Song họ sẽ chẳng bao giờ tới được một xứ sở
Nơi có sự bất tử trị vì.

Ở đây, trong thế giới loài người của chúng ta, có nhiều vị đại đế đã đạt đến cực điểm của quyền lực và của vật chất của cải. Tại thánh địa Ấn Độ, bắt đầu với Mahasammata, vô số các vị hoàng đế đã cai trị toàn thể đại lục. Về sau có ba vị Pala, ba mươi bảy vị Candra và nhiều vị vua giàu có và uy quyền khác đã trị vì cả phía đông lẫn tây Ấn Độ. Ở xứ Tuyết Tây Tạng, vị vua đầu tiên là Nyatri Tsenpo, thuộc dòng dõi siêu phàm, là một hóa thân của Bồ Tát Nivaranaviskambhin. Kế đó có bảy vị thiên vương trị vì được gọi là Tri, sáu vị địa vương được gọi là Lek, tám vị vua ở giữa (giữa cung trời và trái đất) được gọi là De, năm vị vua liên kết được gọi là Tsen, có mười hai và một nửa của Triều Đại May Mắn bao gồm năm vị vua của Triều Đại Cực Kỳ May Mắn, và ngoài ra còn nhiều vị khác nữa. Trong triều đại của Pháp Vương Songtsen Gampo, một đạo quân thần diệu đã chế ngự tất cả các lãnh thổ từ Nepal tới Trung Hoa. Vua Trisong Detsen đặt hai phần ba châu Jambudvipa (Diêm Phù Đề) dưới quyền lực của ngài, và trong triều đại Ralpachen, một cột sắt được trồng trên bờ sông Hằng, đánh dấu biên giới giữa Ấn Độ và Tây Tạng. Tây Tạng đã sử dụng quyền lực tại nhiều miền đất ở Ấn Độ, Trung Hoa Gesar, Tajikistan và các quốc gia khác. Tại lễ hội mừng Nguyên Đán, các sứ giả của tất cả các nước này được yêu cầu phải sống qua một ngày ở Lhasa. Quyền lực của Tây Tạng là như thế trong quá khứ. Nhưng quyền lực ấy không kéo dài, và ngày nay, ngoài những gì tường thuật lịch sử ấy ra, không điều gì còn sót lại.

Hãy quán chiếu về những huy hoàng trong thời quá khứ đó. Nếu so sánh với những huy hoàng này thì hết thảy những nhà cửa, quyền lực, tôi tớ, địa vị và bất cứ điều gì khác mà ta quý trọng dường như không đáng giá hơn một cái tổ ong. Hãy thiền định sâu xa, và tự hỏi làm sao bạn có thể nghĩ rằng những điều này sẽ tồn tại mãi mãi và không bao giờ biến đổi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SUY NGẪM VỀ VÔ THƯỜNG
  2. CÁI CHẾT VÀ TỊNH QUANG
  3. CÁI CHẾT

Bài viết khác của tác giả

  1. SÁU ĐIỀU NHIỄM Ô
  2. CÁCH THỨC ĐÚNG ĐẮN ĐỂ LẮNG NGHE GIÁO PHÁP
  3. TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG