LỜI GIỚI THIỆU VỀ TẠNG THƯ SỐNG CHẾT

HH. DALAI LAMA XIV

Nói về sự chết như sự sống, có lẽ không ai có thẩm quyền hơn Sogyal Rinpoche, một bậc thầy của truyền thống Kim cương thừa Tây Tạng với Tạng thư sống chết. Sogyal Rinpoche đã giới thiệu sáng rõ và đầy cảm hứng về thực tập thiền định, về nghiệp và tái sinh, về cách chăm sóc và tình thương dành cho người sắp chết, về những thử thách và phần thưởng của con đường tâm linh thật sự.

Cuốn sách đã trở thành tác phẩm kinh điển về đề tài tâm linh, được dịch ra 35 ngôn ngữ, có mặt ở 81 quốc gia với số lượng ấn bản lên đến gần 4 triệu bản, tính vào thời điểm cuối năm 2013.

The Tibetan book of living and dying (bản tiếng Anh) ra mắt độc giả vào năm 1992 và kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 vào năm 2012.

Năm 2000, bản tiếng Việt do cố dịch giả Thích Nữ Trí Hải chuyển ngữ với nhan đề Tạng thư sống chết, cố tình lược bỏ một số phần trong nội dung nguyên bản và phổ biến hạn chế, phi lợi nhuận.

Năm 2012, đại sư Sogyal Rinpoche và Rigpa Fellowship đã tổng duyệt tác phẩm ấn bản Anh ngữ, chỉnh lý và bổ sung một số nội dung mới, cập nhật những thông tin cần thiết. Phiên bản này sau đó được sử dụng chính thức, thống nhất từ nội dung đến hình thức trên toàn thế giới.

Ấn bản tiếng Việt do Công ty cổ phần văn hóa Thiện Tri Thức thực hiện, Nhà xuất bản Hồng Đức ra mắt bạn đọc vào năm 2014, với nội dung đã được hiệu đính, bổ sung và cập nhật theo bản Anh ngữ, được sự đồng ý và giám sát của chính tác giả, Rigpa Fellowship, Nhà xuất bản Harper Collins, và người đại diện hợp pháp của cố dịch giả Thích Nữ Trí Hải.

Nội dung dưới đây là lời giới thiệu về Tạng thư sống chết của Đức Dalai Lama XIV.

Đức Dalai Lama XIV và Ngài Sogyal Rinpoche

LỜI GIỚI THIỆU VỀ TẠNG THƯ SỐNG CHẾT CỦA ĐỨC DALAI LAMA

Trong tác phẩm “Tạng Thư Sống Chết”, thầy Sogyal tập trung vào các vấn đề làm sao để hiểu ý nghĩa thực thụ của sự sống, làm sao để chấp nhận cái chết, và làm sao để giúp đỡ người sắp chết, và người đã chết.

Chết là một phần tự nhiên của sự sống, mà tất cả chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu không sớm thì muộn. Theo tôi thì có hai cách để xử với cái chết trong khi ta còn sống. Hoặc là ta tảng lờ nó, hoặc là ta chạm trán với viễn ảnh cái chết của chính mình, và bằng cách tư duy sáng suốt về nó, ta cố giảm thiểu những khổ đau mà cái chết có thể mang lại. Tuy nhiên, trong cả hai cách, không cách nào chúng ta có thể thực thụ chinh phục được sự chết.
Là một Phật tử, tôi xem chết là chuyện bình thường, là một thực tại mà tôi phải chấp nhận, khi tôi còn hiện hữu trên trái đất. Đã biết không thể nào thoát khỏi, thì lo lắng làm gì. Tôi có khuynh hướng nghĩ đến sự chết cũng như thay bộ y phục khi nó đã cũ mòn, hơn là một cái gì hoàn toàn chấm dứt. Tuy vậy cái chết không thể biết trước: ta không biết được khi nào cái chết đến với ta, và ta sẽ chết như thế nào. Bởi thế tốt hơn cả là ta hãy dự phòng một số việc trước khi cái chết thực sự xảy ra.

Đương nhiên phần đông chúng ta đều muốn có một cái chết an ổn, nhưng một điều cũng hiển nhiên nữa, là ta không thể hy vọng chết một cách thanh bình nếu đời sống của ta đầy những bạo hành, hoặc nếu tâm ta thường dao động vì những cảm xúc mạnh như giận dữ, ái luyến, hay sợ hãi. Bởi thế, nếu ta muốn chết tốt, ta phải học cách sống tốt. Nếu ta mong có được một cái chết an lành, thì ta phải đào luyện sự bình an trong tâm ta, và trong lối sống của ta.

Như bạn đọc sẽ thấy trong sách này, theo quan điểm Phật giáo thì cái kinh nghiệm thực thụ về chết rất quan trọng. Mặc dù sự tái sinh của chúng ta, nơi tái sinh của ta phần lớn tùy thuộc vào năng lực của nghiệp, song tâm trạng ta vào lúc chết có thể ảnh hưởng tới tính chất của tái sanh kế tiếp. Vậy, vào lúc chết, mặc dù ta đã tích lũy đủ loại nghiệp, nhưng nếu ta làm một nỗ lực đặc biệt để phát sinh một tâm lành, thì có thể tăng cường và khởi động một nghiệp thiện, và do đó đem lại một tái sinh hạnh phúc.

Lúc chết thực sự cũng là lúc mà những kinh nghiệm nội tâm lợi lạc sâu xa nhất có thể xảy ra. Do thường thực tập tiến trình chết trong khi thiền định, một thiền giả tu cao có thể sử dụng lúc chết của mình để đạt những chứng ngộ lớn lao. Đấy là lý do những hành giả có kinh nghiệm thường nhập định vào lúc họ chết. Một dấu hiệu của sự đắc đạo nơi họ là thi thể họ thường không thối rửa sau khi họ đã chết rất lâu trên phương diện lâm sàng.

Ngoài sự chuẩn bị cái chết của riêng mình, một việc khác không kém phần quan trọng là giúp người khác có một cái chết tốt đẹp. Khi mới sinh ra đời, chúng ta đều là những hài nhi yếu đuối; nếu không nhờ sự săn sóc tử tế mà chúng đã nhận được, thì chúng ta đã không thể sống còn. Người sắp chết cũng thế, không thể tự túc được, nên ta phải giúp họ thoát khỏi những bất tiện và lo âu, và cố hết sức để giúp họ có một cái chết thanh thản. Điều quan trọng nhất là tránh làm điều gì khiến cho tâm người sắp chết thêm rối loạn. Mục đích trước nhất của chúng ta giúp người sắp chết là làm cho họ được thoải mái. Có nhiều cách để làm việc này. Với người đã quen tu tập, nếu khi họ sắp chết mà ta nhắc nhở chuyện tu hành, tinh thần họ có thể thêm phấn chấn. Một lời trấn an đầy từ ái của ta có thể gợi cho người sắp chết một thái độ bình an, thoải mái.

Cái chết và tiến trình chết có thể cung cấp một giao điểm gặp gỡ giữa Phật giáo Tây Tạng và khoa học tân tiến. Tôi tin rằng hai bên có thể cống hiến cho nhau rất nhiều về hiểu biết và thực hành. Thầy Sogyal Rinpoche đúng là người để làm cho cuộc gặp gỡ này thêm dễ dàng, vì thầy đã sinh ra và trưởng thành trong truyền thống Tây Tạng, đã thụ giáo với một vài vị lạt ma tên tuổi nhất của Tây Tạng, đồng thời thầy cũng được hấp thụ một nền giáo dục tân tiến, đã sống và giảng dạy nhiều năm ở Tây phương và đã quen thuộc với lề lối tư duy của người phương Tây.

Nguồn: Tạng thư sống chết, ấn bản lần thứ 20

Tác giả: Sogyal Rinpoche

Việt dịch: Thích Nữ Trí Hải và ban dịch thuật Thiện Tri Thức

NXB Hồng Đức, 2014

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐỘNG CƠ VÀ KỶ LUẬT CỦA VIỆC HỌC PHÁP
  2. BA THUỘC TÍNH CỦA HÀNH ĐỘNG KHI ĐÃ TỈNH THỨC

Bài viết khác của tác giả

  1. VỀ NHỮNG CÂU NÓI THIẾU SUY XÉT
  2. TÌM NƠI NƯƠNG TỰA BÊN TRONG
  3. HIẾN MÌNH VÌ MỌI NGƯỜI

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI