BA THUỘC TÍNH CỦA HÀNH ĐỘNG KHI ĐÃ TỈNH THỨC

ECKHART TOLLE

Trích: Thức Tỉnh Mục Đích Sống; Nguyên tác: A New Earth: Awakening to Your Life’s Purpose; Việt dịch: Đỗ Tâm Tuy - Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh; NXB: Tổng hợp TP.HCM, 2006

Có ba cách để nhận thức tuôn chảy vào những việc bạn làm, tức là qua bạn mà nhận thức đi vào thế giới. Qua ba thuộc tính này, bạn có thể song hành với năng lực sáng tạo của vũ trụ.
(Trích “Thức tỉnh mục đích sống”, tác giả Eckhart Tolle)

Có ba cách để nhận thức tuôn chảy vào những việc bạn làm, tức là qua bạn mà nhận thức đi vào thế giới. Qua ba thuộc tính này, bạn có thể song hành với năng lực sáng tạo của vũ trụ. Ở đây thuộc tính có nghĩa là tần số năng lượng tuôn chảy vào trong những gì bạn làm và nối kết hành động của bạn với tâm thức giác ngộ đang nảy sinh trong thế giới này. Nếu hành động của bạn không phát xuất từ một trong ba thuộc tính này thì những gì bạn làm sẽ mang tính tha hóa của bản ngã. Những thuộc tính này có thể luân phiên nhau biểu hiện hàng ngày, và một trong ba thuộc tính đó có thể đóng vai trò chủ đạo trong một khoảng thời gian nào đó trong ngày, mỗi thuộc tính sẽ phù hợp với một tình huống nào đó. Ba thuộc tính của hành động có tỉnh thức là sự chấp nhận, niềm hứng khởi và lòng nhiệt tình. Mỗi thuộc tính tượng trưng cho một tần số rung nào đó của nhận thức. Bạn cần phải tỉnh táo để đảm bảo rằng có một thuộc tính nào đó đang được biểu hiện khi bạn làm bất kỳ một công việc gì – từ một chuyện đơn giản nhất cho đến việc rất phức tạp. Nếu bạn không ở trong trạng thái chấp nhận, có niềm hứng khởi, hoặc có lòng nhiệt tình thì hãy nhìn kỹ để thấy rằng bạn đang tạo ra khổ đau cho chính mình và những người chung quanh.

Tác giả Eckhart Tolle và Đức Dalai Lama

CHẤP NHẬN

Đối với những công việc mà bạn cảm thấy không mấy hứng thú thì ít ra bạn cũng nên chấp nhận rằng đó là những công việc bạn cần phải làm. Chấp nhận nghĩa là: Đây là những gì mà tình huống này, phút giây này yêu cầu mình làm, vì thế mình tự nguyện làm, không phản kháng, không than van. Ta đã nói nhiều về tầm quan trọng của thái độ chấp nhận ở bên trong đối với những gì đang xảy ra và chấp nhận những gì bạn cần phải “làm” là một khía cạnh khác của thái độ chấp nhận đó. Ví dụ bạn có thể cảm thấy chẳng thích thú gì khi bạn phải thay chiếc lốp xe bị hỏng lúc ban đêm ở một nơi rất vắng vẻ, mà trời thì đang mưa xối xả, nhưng bạn có thể chấp nhận việc đó. Làm một việc với thái độ chấp nhận có nghĩa là bạn có được sự bình an trong khi làm công việc ấy. Sự bình an đó là một sự rung động của năng lượng rất vi tế tuôn chảy vào trong những công việc bạn làm. Bề ngoài thì thái độ chấp nhận giống như một trạng thái thụ động, nhưng thực tế nó rất năng động và mang tính sáng tạo vì nó mang đến một cái gì đó hoàn toàn mới. Sự an bình đó, khoảng rung năng lượng tinh tế đó chính là nhận thức, và một trong những cách để nhận thức có thể đi vào thế giới là qua thái độ làm việc với sự chấp nhận.

Nếu bạn không cảm thấy thích thú hoặc không thể chấp nhận được những gì bạn đang làm thì hãy ngừng lại ngay. Nếu không, bạn sẽ không nhận phần trách nhiệm cho việc duy nhất mà mình thực sự có thể chịu trách nhiệm (cũng là điều duy nhất thực sự quan trọng), đó là tình trạng tâm thức của bạn. Và nếu bạn không chịu trách nhiệm cho trạng thái nhận thức của bạn thì bạn sẽ không nhận phần trách nhiệm của mình với đời sống.

NIỀM HỨNG KHỞI

Cảm giác an bình đến từ hành động với thái độ chấp nhận công việc sẽ trở thành một cảm giác sống động khi bạn thực sự có niềm hứng khởi trong những việc bạn làm. Niềm hứng khởi là thuộc tính thứ hai của làm việc trong trạng thái tỉnh thức. Trong một thế giới mới, niềm hứng khởi (là động lực đằng sau những việc bạn làm) sẽ thay thế cho lòng ham muốn của con người. Sự ham muốn xuất phát từ ảo tưởng của bản ngã rằng bạn chỉ là một mảnh tách rời với năng lực đằng sau mọi sáng tạo. Qua niềm hứng khởi, bạn tiếp xúc với chính năng lực sáng tạo đó.

Khi giây phút hiện tại là tâm điểm của đời bạn, mà không phải là quá khứ hay tương lai, thì khả năng thưởng thức những gì mình làm – và theo đó là chất lượng đời sống của bạn – sẽ gia tăng mạnh mẽ. Niềm hứng khởi là khía cạnh năng động của trạng thái an nhiên tự tại. Khi năng lực sáng tạo của vũ trụ nhận thức ược chính nó, thì nó sẽ thể hiện ra thành niềm hứng khởi. Bạn không cần phải đợi một điều gì “có ý nghĩa” xảy ra cho bạn thì bạn mới có được niềm vui từ những gì bạn làm. Niềm hứng khởi là một điều có ý nghĩa hơn là những gì bạn từng mong ước. Hội chứng “vẫn chờ đợi để bắt đầu một cuộc sống” là một trong những ảo tưởng phổ biến nhất của trạng thái mất nhận thức. Thay vì đợi một cái gì thay đổi để bạn có thể bắt đầu thưởng thức những gì mình làm thì bạn hãy thưởng thức những gì mình đang làm ngay trong phút giây này. Những thay đổi tích cực bên ngoài rất dễ xảy đến khi chúng ta có mặt và thưởng thức những gì mình đang làm. Đừng đợi đầu óc của bạn “cho phép bạn” thì bạn mới có thể có được niềm vui, vì bạn sẽ được nghe rằng có rất nhiều lý do tại sao bạn không thể có niềm vui trong lúc này. Trí năng của bạn sẽ nói “Bây giờ thì chưa được. Vì lúc này là lúc rất bận rộn. Không có thời gian. Có lẽ ngày mai”. Cái ngày mai đó sẽ không bao giờ đến, trừ khi ngay trong phút giây này, bạn tìm được niềm vui trong những gì mình làm.

Khi nói ta thích làm công việc này hoặc công việc kia thì đó là một sai lầm trong nhận thức, vì nói như thế là ngụ ý rằng niềm vui phát sinh từ những công việc ấy. Thật ra niềm vui của bạn không đến từ những công việc bạn làm, mà đến từ một nơi rất sâu ở trong bạn; niềm vui tuôn chảy vào công việc và tuôn chảy vào đời sống của bạn. Nhận thức sai lầm nhưng rất phổ biến rằng “niềm vui của tôi do những công việc tôi làm mang lại” là một cảm nhận rất nguy hại, vì nó làm cho ta tin rằng niềm vui là một cái gì đến từ những thứ khác, như là một hoạt động hay là một sự việc nào đó. Do đó, bạn trông chờ vào đời sống mang đến cho bạn niềm vui, niềm hạnh phúc. Nhưng đời sống không thể làm được điều đó. Và đây là lý do tại sao nhiều người thường xuyên cảm thấy không thỏa mãn trong đời sống. Vì đời sống đã không mang lại cho họ những gì mà họ nghĩ là họ cần. Như vậy quan hệ giữa niềm vui và những gì bạn làm là gì? Bạn sẽ thấy có niềm vui trong bất kỳ công việc nào nếu bạn hoàn toàn có mặt, trong bất kỳ công việc nào mà bạn làm không phải vì đó là một phương tiện để giúp bạn đạt được một mục đích nào đó. Bạn thực sự cảm thấy hứng khởi không phải vì những công việc bạn làm mà vì cảm giác sống động sâu sắc đang tuôn chảy vào trong những công việc đó. Cảm giác sống động đó chính là bản chất chân thật của bạn. Điều này có nghĩa là khi bạn cảm thấy thích thú thực hiện một điều gì, chính là bạn đang thực sự trải nghiệm niềm vui của an nhiên tự tại ở khía cạnh năng động của nó. Vì thế, bất cứ công việc nào bạn cảm thấy thích thú khi thực hiện đều sẽ liên kết bạn với năng lực sáng tạo của vũ trụ.

Tôi có một thực tập tâm linh sau đây để giúp cho bạn bồi đắp năng lực và phát triển sự sáng tạo trong cuộc sống của bạn. Hãy lập một danh sách những công việc thường nhật của bạn, luôn cả những việc mà bạn cho là nhàm chán, chẳng thú vị gì, những việc bạn cảm thấy rắc rối hay căng thẳng. Tuy vậy, ban đầu bạn nên tránh những việc mà bạn cảm thấy chán ghét thậm tệ, vì đó là những việc bạn cần phải buông bỏ hay ngừng lại, hoặc bạn cần thực tập chấp nhận trước khi có thể bắt đầu. Trở lại cái danh sách của những công việc bạn thường làm mà tôi vừa đề nghị ở trên, có thể đó là chuyện bạn đi làm ở công ty, chuyện bạn phải giặt giũ áo quần, đi chợ mua thức ăn,… hay bất kỳ công việc nào bạn cho là buồn tẻ hoặc thường làm cho bạn cảm thấy căng thẳng. Sau đó, khi bạn làm những công việc ấy, hãy biến nó thành một phương tiện giúp bạn có ược sự chú tâm. Hãy có mặt hoàn toàn với công việc đấy, cảm nhận sự tĩnh lặng và sống động nhưng tỉnh táo ở trong lòng khi bạn làm việc. Bạn sẽ nhận thấy rằng những gì mình làm trong trạng thái tỉnh giác cao độ như thế rất thú vị chứ không buồn tẻ, khó chịu hay căng thẳng. Nói chính xác hơn, những gì bạn thưởng thức không phải đến từ những hoạt động ở bên ngoài, mà đến từ một nhận thức im lắng ở bên trong tuôn chảy vào những hoạt động đó. Đây chính là tìm ra niềm vui của an nhiên tự tại trong những công việc bạn làm. Nếu bạn cảm thấy cuộc sống của mình thiếu ý nghĩa hay quá căng thẳng thì đó là vì bạn chưa mang chiều không gian im lắng đó vào trong đời sống của bạn. Vì bạn chưa cảm thấy rằng trở nên có nhận thức hơn trong những gì bạn làm là mục tiêu chính của đời bạn.

Thế giới mới sẽ phát sinh khi càng ngày càng có nhiều người nhận thức rằng mục đích chính của đời họ là đưa ánh sáng của thứ nhận thức mới đi vào thế giới này, do đó họ dùng tất cả những công việc họ làm như là phương tiện để truyền đạt cái nhận thức đó.

Niềm vui của an nhiên tự tại là niềm vui khi có nhận thức. Tâm thức đã giác ngộ sẽ thế chỗ cho thứ tâm thức cũ của bản ngã và bắt đầu điều hành đời sống của bạn. Bạn sẽ thấy rằng những việc bạn đã từng làm trước kia giờ đây bỗng trở nên rộng mở khi nhận thức mới tiếp thêm sức lực cho nó.

Có những người, qua hoạt động sáng tạo của mình, đã làm giàu cho đời sống của những người khác, chỉ đơn giản vì họ yêu thích những gì họ đang làm; họ làm không vì mong đợi thành tựu hay muốn đạt được điều gì thông qua những hoạt động đó. Họ có thể là nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ,… Ngoài niềm hứng khởi, những điều họ làm bây giờ có thêm cường độ và sự sáng tạo vượt xa những gì mà một con người bình thường có thể thực hiện được.

Nhưng bạn đừng để những công việc này làm cho bạn cảm thấy mình trở thành một người quan trọng, vì đó là dấu hiệu của bản ngã đang biểu hiện ở trong bạn. Vì bạn vẫn chỉ là một con người bình thường. Những gì phi thường là những gì qua bạn mà đi vào thế giới này. Bạn và mọi người đều có cùng tính chất phi thường như thế. Hafiz, một nhà thơ và cũng là một giáo sĩ Sufi nổi tiếng người Ba Tư vào thế kỷ thứ 14 đã diễn tả rất hay chân lý này: “Tôi chỉ là một chiếc lỗ trong ống sáo mà Thượng Đế đã thổi hơi qua. Hãy lắng nghe điệu nhạc này”.

LÒNG NHIỆT THÀNH

Lòng nhiệt thành là niềm vui sâu sắc trong những gì bạn làm, cộng thêm một tầm nhìn hay một mục tiêu để hướng đến. Khi bạn có thêm mục tiêu là niềm vui trong công việc, thì sẽ có sự thay đổi trong tần số rung của những công việc đó. Bạn sẽ thấy mình như một mũi tên đang phóng về đích – và đang hứng khởi vì quá trình này.

Đối với một người bàng quan thì có vẻ như bạn đang bị căng thẳng, nhưng mức độ lòng nhiệt thành của bạn chẳng liên quan gì đến sự căng thẳng cả. Sự căng thẳng chỉ xảy ra khi bạn mong muốn đạt đến mục tiêu nhiều hơn là thưởng thức những công việc mà bạn đang làm. Khi đó ở bạn có sự mất quân bình giữa niềm vui thú và sự cảnh giác cao độ, tạo nên sự căng thẳng ở trong bạn. Khi có sự căng thẳng thì thường đó là dấu hiệu bản ngã của bạn đã trở về và bạn đã tự tách mình ra khỏi năng lực sáng tạo của vũ trụ, trong bạn chỉ có sức mạnh và sự căng thẳng của lòng ham muốn của bản ngã. Do đó bạn phải đấu tranh và cố gắng mới làm được một việc nào đó. Sự căng thẳng luôn làm giảm chất lượng và hiệu quả của những gì bạn làm. Có sự liên hệ chặt chẽ giữa sự căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực như lo lắng hay giận dữ. Những cảm xúc tiêu cực này rất nguy hại đối với cơ thể của bạn và hiện đang được khoa học công nhận rằng đó là một trong những nguyên nhân chính gây nên những căn bệnh như ung thư và bệnh tim.

“Bạn không thể làm được điều gì to lớn nếu bạn không có lòng nhiệt thành” – Ralph Waldo Emerson

Không giống như sự căng thẳng, lòng nhiệt thành có tần số năng lượng cao hơn và vì thế mà thích ứng với khả năng sáng tạo của vũ trụ. Đây là lý do tại sao Ralph Waldo Emerson đã nói “Bạn không thể làm được điều gì to lớn nếu bạn không có lòng nhiệt thành”. Danh từ enthusiasm (lòng nhiệt thành) có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp cổ – “en” và “theos”, nghĩa là Thượng Đế. Còn từ enthousiazein có nghĩa là bị chiếm hữu bởi một vị thần. Với lòng nhiệt thành, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn không cần phải tự mình làm tất cả mọi việc. Thật ra tự bản thân bạn “không thể” làm được một điều gì có ý nghĩa. Lòng nhiệt thành khi được nuôi dưỡng liên tục sẽ tạo ra một cơn sóng của năng lực sáng tạo, và điều bạn cần làm lúc đó chỉ là “cỡi trên sóng mà đi”, không cần phải tiêu phí nhiều hơi sức.

Lòng nhiệt thành mang lại sức mạnh rất lớn cho hành động, đến nỗi những người chưa đạt được năng lực đó sẽ kinh hãi khi nhìn thấy những thành tựu đó “của bạn” và họ có thể cho rằng bạn cũng vĩ đại như thế. Tuy nhiên, ta biết sự thật mà Chúa Jesus muốn đề cập khi Ngài nói “Tự bản thân ta, ta chẳng làm được gì”. Không giống như lòng ham muốn của bản ngã thường tạo nên sự chống đối tương đương với cường độ của lòng ham muốn đó, lòng nhiệt thành không bao giờ tạo nên sự chống đối. Nó không có tính đối kháng. Hoạt động của lòng nhiệt thành không tạo ra người thắng, kẻ thua. Nó dựa trên cơ sở của sự dung nạp, mà không phải là khai trừ những người khác. Lòng nhiệt thành không cần lợi dụng hay thao túng người khác vì nó là năng lực của chính sự sáng tạo và vì thế mà không cần lấy thêm năng lượng từ nguồn khác. Lòng ham muốn của bản ngã luôn muốn lấy đi một cái gì đó từ người khác. Trong khi lòng nhiệt thành cung cấp cho người khác từ sự sung túc của chính nó. Khi gặp chướng ngại dưới dạng những nghịch cảnh hay một người nào đó không muốn hợp tác, lòng nhiệt thành không bao giờ phản ứng mà sẽ tìm cách hóa giải năng lượng đối nghịch đó thành thái độ hợp tác, biến thù thành bạn, qua thái độ nhường nhịn, bao dung.

Lòng nhiệt thành và bản ngã là hai thứ không thể cùng một lúc tồn tại bên cạnh nhau. Có cái này thì không thể có cái kia. Lòng nhiệt thành biết những gì nó muốn hướng đến, nhưng cùng một lúc, nó hợp nhất một cách sâu sắc với phút giây hiện tại, phút giây hiện tại là nguồn tạo nên sức sống cho nó, là niềm vui và sức mạnh của nó. Lòng nhiệt thành chẳng “cần” bất cứ một cái gì vì tự nó không “thiếu” một cái gì cả. Lòng nhiệt thành hợp nhất với đời sống và dù các hoạt động do lòng nhiệt thành tạo ra có sức mạnh thế nào, nó vẫn không bị đánh mất mình ở trong đó. Ở giữa tâm điểm của lòng nhiệt thành luôn luôn còn một khoảng không của sự tĩnh lặng rất sống động, một niềm an bình ở giữa những hoạt náo, nó vừa là nguồn của tất cả những hoạt động đó, nhưng đồng thời những hoạt náo đó không thể nào chạm đến hay ảnh hưởng được nó.

Qua lòng nhiệt thành, bạn hoàn toàn song hành với nguyên lý sáng tạo hướng ngoại của vũ trụ mà không tự đồng nhất mình với những gì nó tạo ra, tức là không bị vướng vào vấn đề bản ngã. Khi không có vấn đề tự đồng nhất mình với một cái gì đó thì bạn không có vấn đề với sự vướng mắc – một trong những nguồn gốc lớn của khổ đau. Một khi đợt sóng của năng lượng sáng tạo đi qua, lực căng cấu trúc lại giảm xuống thì phần còn lại chỉ là niềm vui qua những việc mình làm. Nhưng không phải lúc nào lòng nhiệt thành cũng hiện diện trong đời sống hàng ngày của con người. Chỉ khi có những đợt sóng mới của năng lượng sáng tạo xảy đến thì theo đó là sự phát sinh của lòng nhiệt thành mới.

Khi chuyển động trở về hướng đến sự phân rã của hình tướng bắt đầu thì lòng nhiệt thành sẽ không còn hữu ích cho bạn nữa. Vì lòng nhiệt thành thuộc về chuyển động ra đi của đời sống. Chỉ qua thái độ chấp nhận thì bạn mới có thể song hành với chuyển động trở về – quá trình về lại với Cội Nguồn.

Tóm lại: Niềm vui từ những gì mình làm, cộng với một tầm nhìn hay một mục tiêu kết hợp lại thành lòng nhiệt thành. Dù bạn đã có một mục tiêu để hướng đến, những gì bạn đang làm trong giây phút này phải là tâm điểm tập trung sự chú tâm của bạn, nếu không thì bạn sẽ tách ly khỏi vị trí song hành với mục đích của vũ trụ. Đừng biến mục tiêu hay tầm nhìn của mình thành một tiêu ảnh đã được phóng đại, thổi phồng lên về chính mình vì đó là một hình thức kín đáo của bản ngã như là muốn làm ngôi sao điện ảnh, muốn làm một nhà văn nổi tiếng hay một đại gia trong thương trường, … Cũng đừng tập trung vào mục tiêu để “tậu” được cái này cái nọ như tậu một biệt thự bên bờ biển, sở hữu một công ty của riêng mình, hay có 10 triệu đô-la gửi ngân hàng. Một tiêu ảnh đã được phóng đại về chính mình hay bạn hình dung rằng mình “sở hữu” cái này cái kia đều là các mục tiêu “chết” và do đó không làm cho bạn có thêm năng lực. Thay vào đó, hãy chọn một mục tiêu có tính năng động, tức là hướng đến một “hoạt động” của bạn mà qua đó liên kết với người khác và với đời sống. Thay vì thấy mình là một ngôi sao điện ảnh, một văn hào nổi tiếng, … hãy xem mình đang dùng công việc đó chỉ để động viên người khác và làm giàu cho cuộc sống của họ. Hãy cảm nhận cách mà những hoạt động đó làm giàu hơn, không những đời sống của bạn, mà đời sống của biết bao nhiêu người khác. Hãy thấy mình là một cánh cửa qua đó năng lượng từ Cội Nguồn của Vô Tướng tuôn chảy vào đời sống, phục vụ cho lợi ích của tất cả mọi người(4). Tất cả những điều này có nghĩa là mục tiêu hay tầm nhìn của bạn đã trở thành một hiện thực ở trong mình, ở cấp độ suy nghĩ và cảm nhận. Lòng nhiệt thành là năng lực chuyển đổi những phác họa, những hoạch định trong đầu bạn đi vào chiều không gian của vật chất. Đó là cách sử dụng trí năng đầy sáng tạo và đó là lý do tại sao ở đó không có sự ham muốn. Bạn không thể thể hiện được những gì bạn mong muốn, bạn chỉ có thể thể hiện được những gì mình sẵn có. Bạn có thể đạt được những gì mình mong muốn qua nỗ lực và căng thẳng, nhưng đó không phải là cách mà thế giới mới cần. Chúa Jesus đưa ra chìa khóa trong việc sử dụng trí năng một cách sáng tạo và của việc thể hiện hình tướng một cách có ý thức khi Ngài nói: “Những gì anh em cầu xin trong khi cầu nguyện, hãy tin là anh em đã nhận được, và đương nhiên những thứ đó sẽ là của anh em”.

Chú thích

(4) Khi bạn phản ứng mạnh với những gì tiêu cực mà bạn nhìn thấy người khác: Thì đây là một dấu hiệu rất tốt để bạn nhìn lại xem bạn có đang phản ứng một cách vô thức với những gì tiêu cực tương tự mà bạn đang có ở trong bạn, nhưng bạn chưa ý thức được?

???

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÒNG DŨNG CẢM CHÂN CHÍNH LÀ GÌ?
  2. CHÂN LÝ CỦA NIỀM VUI
  3. HỌC CÁCH SỐNG ĐẸP

Bài viết khác của tác giả

  1. Ý NGHĨA CỦA SỰ VÂNG PHỤC(PHẦN 1)
  2. PHÁ VỠ THÁI ĐỘ TỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỐI KHỔ ĐAU
  3. VƯỢT QUA KHUÔN KHỔ TƯ DUY

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG