TRỞ THÀNH MỘT CHIẾN BINH TINH THẦN

JACK KORNFIELD

Trích: Tâm Đạo-Hành Trình Tâm Linh-Những Nguy Cơ Và Triển Vọng Tác giả: Jack Kornfield Biên dịch: Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hy NXB. Thời Đại Ảnh: nguồn Internet

—☘️🍂☘️—

Thực hiện hành trình tâm linh đích thực không phải là tránh né khó khăn mà là học nghệ thuật tỉnh táo khi phạm các lỗi lầm, đem đến cho chúng sức mạnh biến đổi của con tim chúng ta.

Mọi đời sống tâm linh đều bao gồm một chuỗi khó khăn bởi vì mọi đời sống bình thường đều bao gồm một chuỗi khó khăn, là điều mà Đức Phật mô tả như là những đau khổ tất yếu của hiện sinh. Tuy nhiên, trong một đời sống tâm linh có ý thức, các khó khăn tất yếu này có thể là nguồn mạch cho sự giác ngộ, đi sâu vào sự khôn ngoan, kiên nhẫn, thăng bằng, và từ tâm. Nếu không có viễn cảnh này, chúng ta chỉ chịu các đau khổ giống như một con bò hay một người lính bộ binh phải vác một gánh nặng trên lưng.

Giống như cô bé trong truyện thần tiên “Rumpelstiltskin” bị khóa trong một căn phòng đầy rơm, chúng ta thường không nhận ra rằng tất cả rơm xung quanh chúng ta đều là vàng cải trang. Nguyên tắc cơ bản của đời sống tâm linh là các vấn đề của chúng ta có thể chính là chỗ để chúng ta khám phá ra khôn ngoan và tình yêu.

Dù với chỉ một chút thực hành tâm linh, chúng ta cũng đã khám phá ra nhu cầu được chữa lành, chấm dứt chiến tranh, huấn luyện để mình hiện diện. Bây giờ chúng ta đã trở nên ý thức hơn, chúng ta có thể thấy rõ hơn những mâu thuẫn của cuộc đời, đau khổ và đấu tranh, niềm vui và vẻ đẹp, sự đau khổ không thể tránh, sự khát khao, tình trạng buồn vui đắp đổi không ngừng, là những cái tạo nên kinh nghiệm của con người.

Một con đường tâm linh chân chính không trốn tránh các khó khăn hay lỗi lầm, mà nó dẫn chúng ta tới nghệ thuật tỉnh táo khi phạm các lỗi lầm, đem đến cho chúng sức mạnh biến đổi của con tim chúng ta. Khi chúng ta quyết tâm yêu thương, giác ngộ, trở nên tự do, chúng ta tất yếu phải đối diện với các giới hạn của mình. Khi chúng ta nhìn vào bản thân mình, chúng ta thấy rõ hơn các mối xung khắc, các nỗi sợ, các yếu hèn và hoang mang. Để chứng minh đây là một điều khó, lạt ma Trungpa Rinpoche đã mô tả diễn tiến tâm linh từ quan điểm của cái tôi như là “một nỗi nhục tiếp nối một nỗi nhục khác”.

Theo cách này, cuộc đời chúng ta có vẻ là một chuỗi các sai lầm. Người ta có thể gọi chúng là “vấn đề” hay “thách đố”, nhưng một cách nào đó, gọi là các “sai lầm” thì hay hơn. Một thiền sư đã thực sự mô tả việc thực hành tâm linh là “một sai lầm tiếp nối một sai lầm khác”, nghĩa là một cơ hội tiếp nối một cơ hội khác để học hỏi. Chính từ các “khó khăn, sai lầm và phạm lỗi” mà chúng ta thực sự được học hỏi. Sống là làm một chuỗi sai lầm. Hiểu được điều này có thể làm chúng ta thoải mái và có lòng tha thứ nhiều hơn đối với mình và đối với người khác – chúng ta có thái độ thoải mái hơn đối với các khó khăn của cuộc đời.

Nhưng bình thường chúng ta phản ứng ra sao? Khi các khó khăn xuất hiện trong cuộc đời, chúng ta phản ứng bằng sự than trách, thất vọng, hay thất bại, rồi chúng ta tìm cách khắc phục các tình cảm này, loại bỏ chúng càng nhanh càng tốt, để trở về với một cái gì dễ chịu hơn.

Khi chúng ta bình tâm lại trong thiền niệm, tiến trình đối diện với các khó khăn của chúng ta sẽ trở nên rõ nét hơn. Nhưng thay vì phản ứng bằng sự trách móc, bây giờ chúng ta có cơ hội nhìn các khó khăn của chúng ta và xem chúng phát sinh như thế nào. Có hai loại khó khăn. Một số rõ ràng là các vấn đề phải giải quyết, các tình huống phải có hành động từ tâm và đáp ứng trực tiếp. Nhưng đa số là các vấn đề chúng ta tự tạo ra cho mình bằng cách đấu tranh để làm cho cuộc đời khác với cách nó đang diễn ra hay trở nên bị mắc kẹt trong các quan điểm của chính mình khiến chúng ta không nhìn thấy phạm vi rộng lớn hơn, khôn ngoan hơn.

Thường chúng ta nghĩ các khó khăn của mình là lỗi của những cái bên ngoài chúng ta. Benjamin Franklin biết điều này khi ông nói:

Cái nhìn hạn hẹp về các mối hy vọng và sợ hãi của chúng ta trở thành thước đo cuộc đời của chúng ta, và khi các hoàn cảnh không phù hợp với quan điểm của chúng ta, chúng trở thành các khó khăn của chính chúng ta.

Một nhà văn Phật giáo mà tôi quen biết đã bắt đầu hành thiền với một thiền sư Tây Tạng nhiều năm trước. Nhà văn này không biết nhiều về thiền niệm, nhưng sau khi được một ít hướng dẫn mở đầu, ông kết luận rằng mình phải đi tìm giác ngộ. Ông đến một cái chòi trên núi Vermont và mang theo một ít sách về suy niệm và đủ lương thực trong sáu tháng. Ông nghĩ rằng sáu tháng có lẽ sẽ cho ông nếm cảm được giác ngộ. Khi ông bắt đầu tịnh thiền, ông vui hưởng cảnh rừng núi và cô tịch, nhưng chỉ sau ít ngày ông bắt đầu cảm thấy điên lên bởi vì khi ông ngồi thiền suốt này, đầu óc ông không ngưng nghỉ chút nào. Nó không những suy nghĩ, lên kế hoạch và nhớ lại liên tục, mà tệ hơn nữa, nó còn liên tục hát các bài hát.

Người đàn ông này đã chọn một chỗ có cảnh đẹp để “giác ngộ”. Cái chòi nằm ở ngay bờ một con suối thơ mộng. Tiếng nước chảy róc rách nghe rất vui tại hôm đầu, nhưng hôm sau nó bắt đầu thay đổi. Mỗi khi ông ngồi xuống và nhắm mắt lại, ông thường nghe tiếng suối chảy và ngay lập tức ông hòa giọng với nó, tâm trí ông bắt đầu chơi những bài hành khúc như “Stars and Stripes Forever” và “The Star-Spangled Banner”. Có một lúc tiếng suối nghe tệ đến nỗi ông ngưng suy niệm, đi xuống suối và bắt đầu vần các tảng đá xung quanh để xem ông có thể làm nó chơi một điệu nhạc khác hay không.

Những gì chúng ta làm trong đời mình thường không khác gì. Khi các khó khăn xuất hiện, chúng ta vội phóng các thất vọng của mình vào chúng như thể chính cơn mưa, trẻ con, thế giới bên ngoài là những cái làm chúng ta khó chịu. Chúng ta tưởng tượng rằng mình có thể thay đổi thế giới và trở nên hạnh phúc. Nhưng không phải lăn các tảng đá đi sẽ làm chúng ta thấy hạnh phúc và giác ngộ, mà là phải biến đổi mối quan hệ của chúng ta với chúng. Truyền thống Phật giáo Tây Tạng dạy tất cả các thiền sinh mới học thực hành phương pháp gọi là Biến Khó Khăn thành Đường Đi. Phương pháp này bao gồm việc ý thức chấp nhận các đau khổ không mong muốn, các buồn phiền của cuộc đời, các đấu tranh trong chúng ta và ngoài thế giới, và sử dụng chúng làm cơ sở nuôi dưỡng lòng kiên nhẫn và từ tâm của chúng ta, làm chỗ để phát triển sự tự do hơn và tính Phật đích thực của chúng ta. Các khó khăn được coi là có giá trị rất lớn đến nỗi có một kinh nguyện của Tây Tạng được đọc trước mỗi bước thực hành để xin các điều đó:

Xin ban cho tôi các khó khăn và đau khổ thích hợp trong hành trình này, để tôi thực sự được tâm giác ngộ và việc thực hành giải phóng và từ tâm đối với mọi người được hoàn thành thực sự.

Trong tinh thần này, nhà thơ người Ba Tư, Rumi, viết về một linh mục đã cầu nguyện cho những kẻ trộm cướp trên đường phố. Tại sao?

Bởi vì họ đã cho tôi các ân huệ quá lớn.
Mỗi lần tôi quay lại phía những vật họ muốn tôi xô vào họ.
Họ đánh tôi và bỏ tôi lại trên đường, và tôi còn hiểu được rằng, điều họ muốn không phải là điều tôi muốn.
Những ai mà bất cứ vì lý do gì làm cho bạn trở về với tinh thần, hãy biết ơn họ.
Hãy lo ngại những kẻ ban cho bạn sự thoải mái ngọt ngào khiến bạn rời xa việc cầu nguyện.

Rất thường xuyên hầu như những gì nuôi dưỡng tinh thần chúng ta lại là cái đưa chúng ta đối diện với các giới hạn và các khó khăn lớn nhất của chúng ta. Milarepa là một thiền giả Tây Tạng nổi tiếng mà thời còn trẻ ông đã từng làm hại nhiều người bằng việc sử dụng năng lực tâm linh của ông. Nhưng về sau, khi ông đến với một thiền sư chân chính, thiền sư này bắt ông lao động vất vả nhiều năm mà không hề sử dụng quyền lực của ông, ông phải dùng tay dựng rồi phá ba căn nhà lớn bằng đá, mỗi lần từng tảng đá một. Trong nỗ lực này, ông đã học được lòng kiên nhẫn, khiêm tốn và biết ơn. Chính các khó khăn này đã chuẩn bị cho ông để đón nhận và hiểu các giáo huấn cao siêu nhất.

Thầy dạy của tôi là Achaan Chah gọi đây là “luyện tập chống lại hạt sỏi”, hay “đối diện với các khó khăn của chính mình”. Khi cảm thấy các tu sĩ đã sẵn sàng, thầy thường sai các tu sĩ nhát gan tới niệm thiền ở nghĩa địa suốt đêm, và những ai buồn ngủ được giao nhiệm vụ đánh chuông báo thức lúc 3 giờ sáng tại khắp tu viện.

Tuy nhiên, cả khi không tìm kiếm chúng hay nhận các nhiệm vụ đặc biệt, chúng ta cũng có đủ các khó khăn! Để thực hành, chúng ta cần có lòng dũng cảm to lớn. Don Juan gọi đó là việc trở thành một chiến binh tinh thần và nói rằng:

Chỉ khi là một chiến binh [tinh thần], người ta mới có thể chịu đựng được con đường tri thức. Một chiến binh không thể phàn nàn hay nuối tiếc điều gì. Đời họ là một chuỗi thách đố vô biên và các thách đố không thể nào là tốt hay xấu. Thách đố chỉ là thách đố. Sự khác biệt cơ bản giữa một người thường và một chiến binh là ở chỗ người chiến binh chấp nhận mọi sự như là thách đố, còn người thường coi mọi sự là một phúc lành hay là một lời nguyền rủa.

Mỗi cuộc đời đều có những thời kỳ hay hoàn cảnh quá khó khăn đòi hỏi chúng ta phải có tinh thần dũng cảm. Đôi khi chúng ta đối diện với đau đớn hay bệnh tật của một đứa con hay một người cha người mẹ mà chúng ta rất yêu thương. Đôi khi là một mất mát chúng ta phải đối diện trong sự nghiệp, gia đình, hay công việc kinh doanh Đôi khi đó chỉ là tình trạng cô đơn hay hoang mang hay nghiện ngập hay sợ hãi của chính mình. Đôi khi chúng ta buộc phải sống với những hoàn cảnh đau buồn hay những con người khó tính.

Trong khó khăn, chúng ta có thể học được sức mạnh thực sự của việc hành thiền của chúng ta. Những lúc ấy, sự khôn ngoan mà chúng ta đã vun trồng và chiều sâu tình yêu và lòng tha thứ của chúng ta là nguồn lực chính của chúng ta. Việc suy niệm, thực hành, cầu nguyện vào những lúc ấy có thể giống như đổ dầu xoa dịu cơn đau của lòng chúng ta. Các sức mạnh ghê gớm của tham sân si mà chúng ta gặp có thể đối đầu với lòng can đảm cũng ghê gớm của chúng ta.

Sức mạnh tâm hồn như thế bắt nguồn từ việc chúng ta biết rằng nỗi đau mà mỗi người chúng ta phải chịu là một phần của nỗi đau lớn hơn mà mọi người đều phải chịu. Nó không phải chỉ là nỗi đau “của chúng ta” mà là nỗi đau tuyệt đối, và nhận ra được nó sẽ làm thức tỉnh lòng từ tâm của chúng ta. Mẹ Teresa gọi đó là “gặp Đức Kitô cải trang trong thân phận đau khổ”. Giữa những khó khăn tồi tệ nhất, bà nhìn thấy sự an bài của Thiên Chúa, và khi phục vụ người nghèo đang hấp hối, bà khám phá ra lòng thương xót của Chúa Jesus.

Thái độ này cho thấy một sự tự do to lớn biết bao. Nó là sức mạnh trái tim của chúng ta để đối diện mọi hoàn cảnh khó khăn và biến nó thành những cơ hội vàng. Đây là kết quả của hành thiền đích thực. Sự tự do và tình thương ấy chính là sự thành đạt của đời sống tâm linh, là mục tiêu thực sự của nó. Đức Phật nói:

Cũng như các đại dương chỉ có một vị mặn của muối, cũng chỉ có một vị cơ bản duy nhất cho mọi giáo huấn của Đạo, đó là vị của tự do.

Tự do này phát sinh từ khả năng chúng ta biết làm việc với mọi năng lượng hay khó khăn xảy đến. Đó là tự do khôn ngoan đi vào mọi lĩnh vực của thế giới này, các lĩnh vực đẹp và đau khổ, các lĩnh vực của chiến tranh và hòa bình. Chúng ta có thể tìm thấy sự tự do ấy không phải ở đâu khác mà là ở đây và bây giờ trong chính cuộc đời này. Chúng ta cũng không phải đợi tới những lúc khó khăn cùng cực mới cảm nghiệm tự do này. Thực vậy, nó được chúng ta vun trồng ngày qua ngày trong đời sống chúng ta. Nhà thơ Rumi diễn tả điều này như sau:

Tinh thần và thân xác mang những gánh nặng khác nhau và cần có những sự chú ý khác nhau. Chúng ta quá thường xuyên quàng các túi yên lên vai Chúa Jesus và thả lỏng cho con lừa chạy rỗng trên đồng cỏ.

Sự trưởng thành mà chúng ta có thể phát triển khi đối diện với các khó khăn của chúng ta được minh hoạ bởi câu chuyện cổ về một cây độc. Khi mới phát hiện ra cây độc, một số người chỉ thấy mối nguy hiểm của nó. Phản ứng tức thời của họ là, “Chúng ta hãy chặt cây này đi trước khi nó làm hại chúng ta. Chúng ta hãy chặt nó đi trước khi có ai ăn phải trái độc của nó”. Điều này rất giống với phản ứng ban đầu của chúng ta trước các khó khăn nảy sinh trong cuộc đời, khi chúng ta gặp sự tấn công, cưỡng bức, tham lam, hay sợ hãi, khi chúng ta đối diện với sự căng thẳng, mất mát, xung khắc, trầm cảm hay buồn khổ nơi chúng ta hay nơi người khác. Phản ứng ban đầu của chúng ta là tránh chúng và nói, “Các chất độc này làm hại chúng ta. Chúng ta hãy nhổ nó lên; hãy loại trừ nó. Chúng ta hãy chặt nó đi”.

Một số người khác từng đi xa hơn trong hành trình tâm linh, phát hiện ra cây độc này và không phản ứng bằng cách tránh xa nó. Họ biết rằng mở ra cho cuộc đời cần phải có một lòng thương cảm sâu sắc đối với tất cả những gì xung quanh ta. Biết rằng cây độc là một phần của chúng ta, họ nói, “Chúng ta đừng chặt nó đi. Ngược lại, hãy có lòng thương cảm cả với cây độc này”. Vì vậy với lòng nhân hậu họ rào giậu xung quanh cây để những người khác không trúng độc của nó mà cây thì vẫn có sự sống. Phương pháp thứ hai này cho thấy một bước chuyển đổi sâu xa về mối tương quan đi từ phán xét và sợ hãi sang từ tâm.

Một hạng người thứ ba đã đi sâu hơn nữa trong đời sống tâm linh, cũng nhìn thấy cây này. Vì họ đã có nhiều tầm nhìn hơn, họ nhìn cây và nói, “Ồ, một cây độc. Rất tốt! Đúng là cái mình đang tìm”. Người này hái trái cây độc, tìm hiểu các thuộc tính của nó, pha trộn nó với các vật liệu khác và sử dụng chất độc làm một thuốc chữa bệnh linh hiệu và chữa trị các bệnh tật của thế giới. Nhờ tôn trọng và hiểu biết, họ nhìn thấy một cách ngược hẳn với đa số người khác và tìm thấy giá trị trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Chúng ta đã phản ứng ra sao trước sự thất vọng và các trở ngại trong cuộc đời? Chúng ta đã dùng chiến lược nào cho các khó khăn và mất mát của chúng ta? Chúng ta còn phải tìm thấy tinh thần tự do, từ tâm hay hiểu biết nào giữa các khó khăn này?

Trong mọi khía cạnh cuộc đời, cơ may đổi rơm thành vàng nằm sẵn trong tâm chúng ta. Điều chúng ta cần là một sự chú tâm kính trọng, lòng sẵn sàng học hỏi từ những khó khăn. Thay vì đấu tranh, khi chúng ta nhìn thấy bằng cặp mắt khôn ngoan, các khó khăn có thể trở thành một vận may cho chúng ta.

Khi cơ thể chúng ta bị bệnh, thay vì chiến đấu chống lại căn bệnh, chúng ta có thể lắng nghe các thông tin nó nói với chúng ta và sử dụng các thông tin ấy để chữa lành. Khi con cái chúng ta khóc hay kêu ca, thay vì bắt chúng im, chúng ta có thể lắng nghe xem nhu cầu sâu xa của chúng là gì. Khi chúng ta gặp khó khăn với một khía cạnh nào đó của người yêu hay đối tác của chúng ta, chúng ta có thể tìm hiểu xem chúng ta xử lý phần ấy trong bản thân chúng ta như thế nào. Các khó khăn hay yếu đuối thường có thể dẫn chúng ta tới chính điều mà chúng ta cần học.

Thường thường từ những vẻ yếu đuối bên ngoài, chúng ta có thể học được một cách gì đó mới mẻ. Những việc chúng ta làm thành thạo, trong đó chúng ta phát triển lòng tự tin, có thể trở thành thói quen và đưa chúng ta tới một ý thức an toàn giả tạo. Đó không phải là chỗ mà đời sống tâm linh của chúng ta mở ra tốt nhất. Trong khi sức mạnh của chúng ta là ở chỗ suy nghĩ về sự vật một cách cẩn thận, thì các tư tưởng của chúng ta không phải là thầy dạy tâm linh tốt nhất cho chúng ta.

Trong khi chúng ta quen đi theo các tình cảm mạnh, thì các tình cảm không phải là chỗ tốt nhất để chúng ta học hỏi. Chỗ mà chúng ta có thể mở ra trực tiếp nhất cho cuộc đời là chỗ mà chúng ta làm không giỏi, chỗ mà chúng ta phải đấu tranh và dễ bị tổn thương. Các chỗ này luôn luôn muốn chúng ta nhượng bộ và để nó diễn ra tự nhiên: Khi chúng ta để mình trở nên dễ tổn thương, thì các điều mới có thể phát sinh nơi chúng ta. Khi liều mình chọn cái không biết, chúng ta có được một ý thức về chính sự sống. Và điều đáng lưu ý nhất là, cái mà chúng ta tìm kiếm thì thường đang hiện diện ngay tại đây, bị chôn vùi dưới các vấn đề và chính sự yếu đuối.

☀️ SUY NIỆM: SUY TƯ VỀ SỰ KHÓ KHĂN

Bạn hãy ngồi yên, cảm nhận nhịp độ hơi thở của bạn, để mình trở nên bình thản và dễ cảm thụ. Rồi nghĩ đến một khó khăn mà bạn gặp trong khi thực hành tâm linh hay ở bất cứ thời điểm nào trong đời bạn. Khi bạn cảm nhận khó khăn này, hãy để ý xem nó ảnh hưởng thế nào đối với thân thể, tim và tinh thần bạn. Cảm nhận nó một cách kỹ lưỡng, bắt đầu tự hỏi mình một ít câu hỏi, lắng nghe các câu trả lời bên trong.

Cho tới nay tôi đã xử lý khó khăn này như thế nào?
Tôi đã chịu đau khổ ra sao do câu trả lời và phản ứng của chính tôi?
Vấn đề này đòi hỏi tôi làm gì?
Đau khổ nào không thể tránh khỏi, và tôi có khả năng chấp nhận?
Nó có thể dạy tôi bài học lớn nào?
Vàng, hay giá trị nào tiềm ẩn trong tình huống này?

Khi sử dụng suy tư này để xem xét các khó khăn của bạn, sự hiểu biết và cởi mở sẽ đến từ từ. Hãy dùng thời giờ của bạn. Giống như với mọi loại suy niệm khác, có thể rất ích lợi nếu bạn lặp đi lặp lại nhiều lần, mỗi lần hãy lắng nghe các câu trả lời sâu hơn từ thân thể, tim và tinh thần bạn.

☀️ SUY NIỆM: NHÌN MỌI VẬT NHƯ ĐÃ ĐƯỢC GIÁC NGỘ

Một sự suy tư truyền thống giỏi (và đôi khi khôi hài) có thể được sử dụng để thay đổi tương quan của chúng ta đối với các khó khăn. Hình ảnh của sự suy niệm này có thể được phát triển dễ dàng và đưa vào cuộc sống hằng ngày. Hãy hình dung hay tưởng tượng trái đất này đầy các Phật, mỗi một sinh vật mà bạn gặp đều được giác ngộ, trừ một người – chính bạn! Hãy tưởng tượng tất cả đang đứng ở đây để dạy bạn. Bất cứ ai bạn gặp đều hành động chỉ vì mục đích làm lợi cho bạn, cung cấp đúng các lời giảng dạy và các khó khăn cần để được giác ngộ.

Hãy cảm nhận họ cung cấp cho bạn các bài học gì. Trong lòng bạn, hãy cảm ơn họ vì điều này. Trong cả ngày hay cả tuần, tiếp tục phát triển hình ảnh về các thầy dạy giác ngộ này xung quanh bạn. Hãy để ý xem nó làm thay đổi thế nào toàn thể viễn cảnh cuộc đời bạn.
—☘️🍂☘️—

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  2. TÔI CÓ BIẾT YÊU THỰC SỰ KHÔNG
  3. CHỮA LÀNH TINH THẦN

Bài viết mới

  1. SỐNG CUỘC ĐỜI MÌNH
  2. BẢY BÍ QUYẾT SỐNG HẠNH PHÚC
  3. BỐN KHÍA CẠNH CỦA TÌNH THƯƠNG ĐÍCH THỰC