CÓ THỂ TRÁNH ĐƯỢC QUẢ BÁO CỦA TỘI LỖI ?

Trích: Ngày Hôm Nay Mang Tên Hạnh Phúc; Anh Vũ dịch; Công ty Cổ phần Sách Thái Hà; NXB. Lao Động-Hà Nội

21/05/2025
49 lượt xem

Con người nếu như nhắc đến “nghiệp” thì sẽ lập tức liên tưởng đến “tội”. Câu nói “nhiều nghiệp” được dùng đồng nghĩa với “nhiều tội”. Thế nhưng nghiệp không phải chỉ biểu hiện cho tội. Thực ra, từ “nghiệp” có ý nghĩa vô cùng đơn giản. Nghiệp chính là hành vi. Hành động, lời nói, suy nghĩ, tất cả đều tạo thành nghiệp và trong đó ẩn chứa một nguồn năng lượng, sức mạnh nào đó. Đó gọi là nghiệp lực. Nghiệp lực tiềm ẩn trong con người ta và đến khi gặp được nhân duyên của mình sẽ đem lại kết quả ứng với người ta gặp. Hay hiểu theo cách khác, mọi hành động, hành vi ta làm không biến mất hoàn toàn mà sẽ đưa đến những kết quả sau đó ứng với những hành vi đó. Trong Phật giáo, điều đó gọi là quy luật nhân quả báo ứng, hay quy luật nghiệp nhân quả báo.

 

Nếu nghĩ theo hướng đơn giản thì tư tưởng nghiệp là quy luật cân bằng nguồn năng lượng bình đẳng của vũ trụ. Cuộc đời này lúc nào cũng là một “thế giới với đầy những chân lí”. Cảm giác bình đẳng tuyệt đối, điều hòa, cân bằng được tạo nên, tất cả mọi sự tồn tại trên cõi đời này đều được hình thành dựa trên nguyên tắc giống nhau không hề có sự phân biệt. Đấy không phải là sự thiên vị hay dành sự ưu việt cho bất cứ một đối tượng cụ thể nào mà là quy luật bình đẳng tuyệt đối áp dụng cho mọi vật thể. Trong Phật giáo, thế giới của chân lí được gọi là pháp giới. Đây không đơn thuần chỉ là thế giới thường mà là thế giới của tồn tại và chuyển động của mọi chân lí.

 

Nghiệp là một phạm trù vô cùng quan trọng để giải thích cho pháp giới. Hãy cùng thử xem những ví dụ về nghiệp sau đây.

 

Thế giới mà ta đang sống vẫn diễn ra những điều bất công. Nhiều người lừa đảo hay làm toàn việc xấu vẫn cứ sống sung túc, trong khi có những người hiền lành chất phác lại mãi không thoát khỏi cái nghèo. Có những người lừa đảo, cướp giật thậm chí còn la làng thì có những người dù có bị lừa đảo cũng không thể hé răng nửa lời mà vẫn phải uất ức chịu đựng. Nếu sự thật là thế giới này bất công như những gì nó thể hiện ra ngoài, nếu như không có bất cứ điều gì có thể thay đổi khiến những điều bất công trở nên công bằng hơn thì thế gian này không thể được coi là thế giới của chân lí, không thể coi là pháp giới được.

 

Tư tưởng nghiệp chính là lời đáp, sẽ đưa đến những nhân quả dồn tụ lại trong quá khứ và tương lai về hiện thực đầy những điều bất bình và bất công này. Thiện nhân thiện quả, ác nhân ác quả là cách giải thích về nghiệp đơn giản nhất, có nghĩa là những người làm điều ác nhất định gặp kết cục xấu, những người làm điều thiện sẽ gặp những điều may mắn tốt lành. Chân lí ấy không có ngoại lệ. Chỉ có điều là bao giờ mới gặp quả báo thôi, và cho dù có muộn đi chăng nữa thì nhất định quả báo sẽ tìm đến. Trong kinh Pháp Cú có câu: “Không trên trời giữa biển. Không lánh vào động núi. Không chỗ nào trên đời. Trốn được quả ác nghiệp”.

 

Phải đến khi nào ta nhận được quả từ nghiệp ta gây ra thì đó mới là kết thúc. Những người lừa đảo, cướp giật dù cho hiện tại có đang sống tốt thì đến khi ác nghiệp tích tụ sẽ phải nhận đủ những thống khổ do những gì mình gây ra. Những người làm việc thiện dù cuộc sống bây giờ còn khó khăn nhưng sau này sẽ nhận được điều tốt lành. Về điều răn này, kinh Pháp Cú có câu: “Người ác thấy là hiền. Khi ác chưa chín muồi. Khi ác nghiệp chín muồi. Người ác mới thấy ác. Người hiền thấy là ác. Khi thiện chưa chín muồi. Khi thiện được chín muồi. Người hiền thấy là thiện”.

 

Làm sao mà điều ấy có thể xảy ra? À không, so với câu hỏi làm sao điều ấy có thể xảy ra thì câu hỏi làm thế nào để điều ấy không xảy ra có lẽ là phù hợp hơn. Theo đúng quy luật bình đẳng và cân bằng năng lượng của vũ trụ này, nếu người A lừa của người B một triệu won thì giữa hai người sẽ nảy sinh một nguồn năng lượng lệch. Người A nhận được một triệu won theo một cách bất chính, còn người B mất một triệu won. Thế nhưng đừng quá lo lắng về điều đó. Pháp giới vũ trụ này luôn luôn vận hành theo xu hướng cân bằng mọi nguồn năng lượng. Đấy là nhiệm vụ của pháp giới. Nếu lỡ như ở kiếp này, sự cân bằng của nghiệp không thể giải quyết thì vũ trụ chắc chắn sẽ sắp đặt để hai người gặp lại nhau ở kiếp sau. Vũ trụ sẽ sắp đặt để nguồn năng lượng giữa hai người ấy trở lại cân bằng chính từ tàn dư của kiếp trước. Và rồi sẽ xảy ra việc người A bị người B lấy đi món đồ tương đương hay phải trả lại đúng một triệu won đó.

 

Lạ lùng thay, ta sống trên đời này chẳng phải đối lúc có cảm giác ghét bỏ người nào đó ngay từ ánh nhìn đầu tiên, nhưng lại yêu quý và muốn giúp đỡ người nào đó vô điều kiện sao? Đó vừa là sự vận hành một cách khăng khít, vừa là cách để tạo nên thế giới này của vũ trụ để cân bằng lại nghiệp. Ta nghĩ một sự việc này là ngẫu nhiên xảy ra hay sự gặp gỡ một người nào đó là được tạo hóa sắp đặt vụng về nhưng tất cả mọi sự việc, mọi kì duyên này đều là một mắt xích nằm trong tổng thể của vũ trụ đã an bài. Và nếu giải thích một cách ngắn gọn thì nó chính là nghiệp báo, nhân quả báo ứng.

 

Nếu là người tiếp cận chút ít với Phật giáo thì đến đây sẽ thấy thắc mắc. Rõ ràng trong Phật giáo nói rằng nghiệp chướng sẽ tiêu tan nếu tu dưỡng nhưng ở đây lại nói ngược lại, vậy giữa hai điều dạy trên chẳng phải có sự nhầm lẫn hay sao? Nghiệp chướng có thể tiêu tan, hay là trước khi phải nhận nghiệp chướng, đó đã là cái nghiệp tồn tại sẵn đẩy mãi mãi không thể biến mất? Và phải chăng dù có làm nhiều việc thiện đến đâu thì những tội lỗi gây ra trong quá khứ cũng không thể cân bằng lại được Như vậy, những người gây ra những tội tày đình dù có sống lương thiện đến đâu thì sớm muộn cũng sẽ nhận lấy quả báo, chẳng thà cứ thể phó thác cho số mệnh, đâu cần cố gắng làm việc thiện để làm gì, có phải thế chăng?

 

Về điều này Phật tổ trả lời rằng đó là quy luật “tỉ lệ của nước muối”. Một nắm muối nếu bỏ vào một chén nước thì nước trong chén ấy sẽ rất mặn không thể uống được nhưng cũng nắm muối ấy nếu bỏ vào chậu nước thì nước trong chậu vẫn có thể uống. Lượng muối bỏ vào chén và bỏ vào chậu là như nhau nhưng lượng nước là khác nhau nên một bên vẫn là nước uống được còn một bên không thể uống. Lượng nước lớn có thể trở thành cam lộ hòa tan những mâu thuẫn như nắm muối đó, thêm vào đó chút rau củ, gia vị, thậm chí có thể trở thành một nồi canh đậm đà ngon miệng. Ác nghiệp đúng là phải nhận nhưng có thể có nhiều cách nhận khác nhau.

 

Giống như vậy, dù có gây nên ác nghiệp trong quá khứ thì cũng không nhất định phải nhận lấy điều xấu theo những giáo lí mang tính máy móc, cực đoan. Dù có làm việc xấu nhưng sau đó làm nhiều việc tốt thì quả báo cho hành động xấu cũng có thể sẽ không xảy ra. Nói cách khác, việc tạo nghiệp không phải là yếu tố quyết định nhất điều phối cuộc sống của ta mà là bây giờ, ở giây phút này, ta tự thay đổi và cải thiện vận mệnh, cuộc sống của mình theo ý chí của chính bản thân. Chính vì thế Phật giáo không phải là thuyết vận mệnh hay số mệnh mà là thuyết nghiệp báo, thuyết nghiệp nhân. Thuyết nghiệp báo khác hoàn toàn với thuyết vận mệnh hay số mệnh.

 

Để hiểu thêm nữa, ta cũng xem một ví dụ khác. Coi như ta đã từng nhục mạ một người nào đó ở kiếp trước: “Loại như mày nên chết đi còn hơn”. Khẩu nghiệp như này chắc chắn sẽ để lại nghiệp lực, có thể sang kiếp sau ta sẽ phải chịu những lời thậm tệ ấy. Thế nhưng tùy theo những việc tốt mà ta làm trước đó mà quả báo có thể có muôn vàn khác biệt.

 

Ví dụ như kiếp này ta sinh ra đời và làm nhiều việc tốt thì cuộc đời của ta cũng tươi vui và sáng lạn, khí lực và vận mệnh của ta cũng tươi sáng. Nếu là người không ngừng tu dưỡng thì dù có bị thóa mạ hay đe nạt cũng sẽ có sức mạnh của sự tu dưỡng bên để trong chiến thắng các tác nhân bên ngoài. Thêm nữa, nhờ phước lành của việc làm thiện mà cũng sẽ có những người bạn luôn sát cánh động viên và an ủi ta.

 

Thế nhưng ngược lại, ở kiếp này, nếu là người xấu luôn gây điều ác nghiệt thì hiển nhiên xung quanh người ấy lúc nào cũng sẽ u tối, khí lực mờ đục và yếu ớt. Đối với những người mềm yếu, nếu như nói với họ rằng “Loại như mày nên chết đi”, lời mắng nhiếc ấy có thể có ảnh hưởng vô cùng xấu đến họ, trong trường hợp xấu nhất còn có thể khiến họ tự sát. Cùng gieo một nghiệp nhưng tùy vào từng hoàn cảnh, tùy vào nhân duyên ta gặp mà quả báo ta nhận được sẽ có sự khác nhau.

 

Nghiệp không phải là nhân quả có thể tính toán máy móc. Chính vì thế dù là người có gây nhiều ác nghiệp và tội lỗi như thế nào chăng nữa thì cũng không nên ám ảnh quá nhiều. Không nhất thiết phải để mình bị nhốt trong ý thức tội lỗi rồi hủy hoại cả cuộc đời còn lại của mình. Trong kinh Thiên Thủ có câu: “Tội lỗi không phải có từ lúc sinh ra, mà nảy sinh tùy theo tâm của mình, nếu tiêu tan cái tâm bị trói buộc trong tội lỗi thì lúc ấy tội sẽ được hóa giải. Và nếu như tội cũng như ý thức về tội lỗi trở về không thì đó mới chính là sự sám hối chân thành nhất”.

 

Đừng vì trói buộc bởi tội trong quá khứ mà hủy hoại hiện tại. Theo cách mà ta sống đúng với cái tâm ở hiện tại mà những tội lỗi cũng tan biến hoặc có thể nhận quả báo theo một cách khác. Việc ta phải làm là cố gắng sống tốt ở hiện tại. Khi điều tốt đẹp ở hiện tại xảy đến cũng là lúc mà tội nghiệp trong quá khứ biến mất về con số không.