LÀM CHỦ CÔNG TY VÀ LÀM CHỦ QUỐC GIA

Trích: Đúng Việc – Một Góc Nhìn Về Câu Chuyện Khai Minh; NXB. Tri Thức, tái bản 2021

06/07/2025
25 lượt xem

Có rất nhiều tài liệu, sách giáo dục công dân, hiến pháp của các quốc gia… đã bàn về vấn đề này. Để góp phần “bình dân hóa” đề tài nghe có vẻ rất to tát và khó hiểu này, chúng ta sẽ tiếp cận khái niệm này một cách gần gũi với cách mà người Việt Nam thường liên tưởng khi nhắc đến hai chữ “làm chủ”: Đó là thử so sánh việc làm chủ một đất nước với việc làm chủ một doanh nghiệp.

Tất nhiên, việc làm chủ một doanh nghiệp thì không giống với việc làm chủ một quốc gia, dù rằng, về nguyên lý, hai việc “làm chủ” này có không ít điểm tương đồng. Và chúng ta cũng biết rằng, khoa học quản trị quốc gia đã có từ lâu đời và hoàn chỉnh hơn rất nhiều so với khoa học quản trị doanh nghiệp. Do vậy, theo lẽ thường thì cần học hỏi cách quản trị quốc gia để biết cách quản trị doanh nghiệp.

Nhưng những quốc gia mà khoa học quản trị quốc gia còn khá xa lạ với đa số dân chúng thì việc tìm hiểu quản trị quốc gia bắt đầu từ việc tìm hiểu quản trị doanh nghiệp (một khái niệm đã tương đối phổ biến trong xã hội) cũng là một cách tiếp cận khá thú vị.

Hãy thử hình dung một câu chuyện như sau:

Công ty cổ phần A có 1.000 cổ đông và 2.000 nhân viên. Trong đó ban giám đốc gồm 10 người và 10 người này chỉ nắm giữ 10% số cổ phần của công ty. Vậy ai là người chủ của công ty này và họ thực hiện quyền làm chủ của mình bằng cách nào?

Trong ví dụ trên, người chủ thực sự của công ty A chính là 1.000 cổ đông (những người nắm giữ 90% cổ phần của công ty), dù họ không trực tiếp làm việc ở đó và họ cũng không quản lý công ty, còn ban giám đốc 10 người chỉ là những người đi làm thuê cho 1.000 cổ đông của công ty A này (vì họ chỉ nắm giữ 10% số cổ phần).

Thoạt tiên ta nghĩ rằng, 1.000 cổ đông (người chủ công ty) này sẽ chỉ kiểm soát được công ty của mình một cách chặt chẽ nhất khi họ trực tiếp tham gia điều hành nó. Nhưng trên thực tế, ngay cả với những công ty có quy mô nhỏ hơn công ty A rất nhiều thì việc tất cả các cổ đông cùng tham gia vận hành là không khả thi, vì như ngạn ngữ phương Tây nói thì “quá nhiều đầu bếp sẽ làm hỏng món súp”, còn ông bà ta cũng đã từng đúc kết rằng “lắm thầy nhiều ma”! Thực tế cho thấy, không ít trường hợp người có tiền thì không đủ khả năng quản lý công ty và người có khả năng quản lý công ty thì lại không có đủ tiền để sở hữu toàn bộ công ty, nên buộc hai bên (bên có tiền vốn và bên có khả năng quản lý) sẽ phải hợp tác với nhau theo cơ chế như công ty A nếu họ muốn hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Vậy khi có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý trong một công ty như công ty A, các cổ đông (hàng ngàn người) sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ “làm chủ” của họ bằng cách nào?

Họ làm chủ công ty tức là họ có quyền định đoạt số phận công ty đó, nhất là quyền thiết kế guồng máy vận hành và cách thức kiểm soát guồng máy đó, quyền về chọn đội ngũ lãnh đạo, quyền về tài chính, quyền quyết định hướng phát triển của công ty… Cụ thể như sau:

(1) Thiết kế “guồng máy” vận hành doanh nghiệp

Cơ quan đại diện cho tất cả các cổ đông là Đại hội đồng cổ đông. Do vậy, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất trong công ty cổ phần, quyết định tất cả những vấn đề căn cơ nhất, đặc biệt là quyết định về cách thức thiết kế, tổ chức guồng máy vận hành doanh nghiệp và cách thức kiểm soát guồng máy đó. Cách thức thiết kế guồng máy vận hành doanh nghiệp và cách thức kiểm soát guồng máy đó được quy định rõ trong Điều lệ công ty.

Điều lệ này, khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua một cách hợp lệ và phù hợp với luật pháp liên quan, sẽ là cơ sở quan trọng nhất cho toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp và sẽ là những quy tắc và quy định ràng buộc để quản lý và điều hành công ty. Điều lệ công ty do “ông chủ” ban hành nên tất nhiên các quy định trong bản Điều lệ này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, hợp lệ và hợp lý của “ông chủ”, tránh cho các chủ thể khác có liên quan của công ty có cơ hội làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của “ông chủ”.

(2) Chọn lãnh đạo cấp cao để vận hành “guồng máy” đó

Đại hội đồng cổ đông bầu chọn ra Hội đồng quản trị, là những người họ tin cậy là có đủ khả năng thay mặt họ để dẫn dắt doanh nghiệp. Hội đồng quản trị chính là cơ quan thường trực của Đại hội đồng cổ đông, có quyền nhân danh những người chủ sở hữu của công ty để ra quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty mà họ được giao phó. Đại hội đồng cổ đông cũng có quyền bãi nhiệm Hội đồng quản trị nếu không còn tin tưởng về năng lực, phẩm chất hay sự phù hợp của những người trong Hội đồng này.

Tương tự như vậy, Hội đồng quản trị có thể tiếp tục chọn ra một Tổng giám đốc để giúp mình trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Nếu như Hội đồng quản trị là đại diện của chủ sở hữu thì Tổng giám đốc là người đại diện cho công ty về đối nội và đối ngoại, có toàn quyền điều hành công ty theo Điều lệ công ty mà Đại hội đồng cổ đông thông qua và các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị. Tổng giám đốc nếu làm không tốt, không được tin tưởng hay không còn phù hợp cũng có thể bị Hội đồng quản trị bãi nhiệm bất kỳ lúc nào, trừ khi Điều lệ công ty có quy định khác.

(3) Đưa ra cơ chế để kiểm soát quyền lực của lãnh đạo

Để ngăn chặn và hạn chế khả năng những người được giao quyền lãnh đạo sẽ lạm dụng nó để trục lợi cho bản thân, gây hại cho công ty, gây tổn thất cho người sở hữu, ngoài các cơ chế kiểm soát, Đại hội đồng cổ đông còn trực tiếp bầu ra Ban kiểm soát. Ban kiểm soát này là một phần trong cơ chế kiểm soát quyền lực của guồng máy quản lý cấp cao của doanh nghiệp.

Ban kiểm soát được Đại hội đồng cổ đông cho phép công ty trả tiền công, có nhiệm vụ kiểm soát tất cả những hoạt động của Hội đồng quản trị và thậm chí của cả guồng máy quản lý công ty. Nếu phát hiện Hội đồng quản trị có hành vi sai trái, Ban kiểm soát sẽ báo cáo Đại hội đồng cổ đông để cơ quan này xử lý, kể cả cách chức, miễn nhiệm Hội đồng quản trị. Để đảm bảo tính khách quan trong công tác giám sát, Ban kiểm soát có vị thế khá cao và tương đối độc lập với Hội đồng quản trị chi phối và kiểm soát). Họ cũng không nhất thiết phải là cổ đông hay người lao động của công ty. Có thể nói một cách ví von làm, nếu ví Hội đồng quản trị là “vỏ quýt dày” thì Ban kiểm soát sẽ được Đại hội đồng cổ đông xem như “móng tay nhọn”.

Đến lượt mình, Hội đồng quản trị cũng có thể “đẻ” ra một Ban kiểm soát con để giám sát các hoạt động của Tổng giám đốc và Ban điều hành của công ty, trong đó có hai hoạt động quan trọng là hoạt động tài chính và việc thực thi chiến lược, nghị quyết của Hội đồng quản trị… Ví dụ, Hội đồng quản trị quyết năm nay chỉ đầu tư vào du lịch mà Tổng giám đốc lại ôm tiền đầu tư chứng khoán thì lúc đó Ban kiểm soát phải tuýt còi, và báo cáo Hội đồng quản trị ngay.

Ngoài Ban kiểm soát thì còn nhiều cơ chế và cách thức khác để kiểm soát quyền lực và ràng buộc trách nhiệm của Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (chẳng hạn nguyên tắc giải trình, công khai, minh bạch…) nhằm bảo đảm rằng những người quản lý và lãnh đạo công
ty luôn làm hết mình cũng như không thể làm những điều có thể gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, hợp lý của cổ đông và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trên đây là cách mà những người chủ của một công ty cổ phần thường dùng để kiểm soát doanh nghiệp mà mình sở hữu nhưng lại không tham gia quản lý công ty, cũng không “ngồi” trong công ty.

Dù sự so sánh giữa việc làm chủ một công ty và việc làm chủ một đất nước khá khập khiễng nhưng khi soi rọi những nguyên tắc nói  trên (nguyên tắc người làm “ông chủ” nhưng lại không điều hành, còn người làm điều hành thì lại không làm “ông chủ”) dưới góc độ quản lý quốc gia, có thể dễ dàng nhận thấy không ít điểm tương đồng thú vị.

Nếu xem quốc gia tương ứng với công ty, thì người dân chính là “ông chủ”, là những “cổ đông” của “công ty quốc gia” này. Và ba đầu việc quan trọng bậc nhất mà những “cổ đông công dân” này cần làm để thực hiện quyền và trách nhiệm “làm chủ” của mình (cũng như để bảo vệ các quyền và lợi ích hiển nhiên của mình) sẽ được thể hiện như sau:

(1) Thiết kế guồng máy vận hành quốc gia

Nếu như với doanh nghiệp, Điều lệ công ty là “bản thiết kế” thì với quốc gia, bản Điều lệ đó chính là Hiến pháp, là thiết kế guồng máy vận hành quốc gia (nhà nước, hệ thống chính trị) và những cách thức nhằm kiểm soát quyền lực của các cơ quan, người lãnh đạo trong guồng máy đó để bảo vệ quyền và lợi ích của “ông chủ” (nhân dân).

Hiến pháp của quốc gia chỉ có giá trị khi do người dân trực tiếp phúc quyết hay phê chuẩn và chỉ nhân dân mới có quyền lập hiến (cũng như Điều lệ công ty do Đại hội đồng cổ đông thông qua và chỉ có Đại hội đồng cổ đông mới có quyền thông qua Điều lệ công ty và không trao quyền này cho bất kỳ ai khác). Nói cách khác, nhân dân là chủ thể duy nhất của quyền lập hiến. Nhân dân có thể trực tiếp phúc quyết Hiến pháp hoặc nhân dân sẽ bầu ra một quốc hội với một chức năng duy nhất là soạn lập Hiến pháp để nhân dân phê chuẩn và quốc hội này sẽ giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ, còn gọi là quốc hội lập hiến. Nghĩa là quốc hội lập hiến (làm ra và ban hành hiến pháp) sẽ khác với quốc hội lập pháp (làm ra và ban hành luật pháp).

Thử hình dung, nếu như Điều lệ công ty do Hội đồng quản trị hay Tổng giám đốc soạn thảo và ban hành thì Điều lệ này sẽ không có mấy ý nghĩa. Bởi lẽ, ai sẽ tin vào một bản Điều lệ mà trong đó chứa đựng những quy định do mình ban hành ra để quản lý chính mình? Tương tự như vậy, một bản hiến pháp không tuân thủ những nguyên tắc ra đời như đã nói ở trên sẽ không đúng bản chất để được gọi là “hiến pháp”, vì thế cũng không có giá trị lắm. Và một khi hiến pháp không có giá trị lắm thì luật pháp do nhà nước ban hành cũng không thực sự tốt cho người dân (dù những luật đó không vi hiến). Bởi lẽ, những luật pháp này thể hiện ý chí của nhà cầm quyền nhiều hơn là ý chí của người dân. Chẳng hạn, ở một số quốc gia, hiến pháp thực chất là do quốc hội lập pháp làm ra và ban hành. Nhưng quốc hội lập pháp lại là một nhánh quyền lực của nhà nước nên những bản hiến pháp như vậy sẽ không thực đúng với bản chất của hiến pháp. Sẽ khó có thể tin cậy được rằng những bản hiến pháp đó sẽ bảo vệ quyền và lợi ích của người dân một cách tốt nhất; Bởi con người thường có xu hướng thiên vị cho bản thân mình, người nào ban hành luật thì luật đó sẽ ngả về phía họ (dân ban hành thì sẽ có xu hướng bảo vệ quyền và lợi ích của dân nhiều hơn, nhà nước ban hành thì sẽ có xu hướng bảo vệ quyền, lợi ích cho nhà nước và cho lãnh đạo nhà nước). Đó cũng chính là lý do mà trong một công ty, bản Điều lệ nhất thiết phải do Đại hội đồng cổ đông thông qua và ban hành chứ không phải do Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hay Ban giám đốc ban hành.

(2) Chọn lãnh đạo để vận hành guồng máy đó

Người dân lựa chọn người để vận hành guồng máy quốc gia (chọn lãnh đạo và đại diện của mình trong hệ thống nhà nước các cấp) thông qua bầu cử (bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu). Tùy theo Hiến pháp của quốc gia quy định mà cử tri có thể bầu ra Quốc hội/ Nghị viện, Chính phủ, Tổng thống/ Thủ tướng và Tòa án, Viện kiểm sát ở cấp quốc gia, cũng như bầu ra người lãnh đạo, đại diện mình ở cấp địa phương. Nhìn dưới một góc độ nào đó, có thể thấy Quốc hội/ Nghị viện, Chính phủ, Tổng thống/ Thủ tướng và Tòa án, Viện kiểm sát của một quốc gia cũng có một vài điểm tương tự như Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và Ban kiểm soát của một công ty cổ phần. Nhân dân (cổ đông, công dân) phải có quyền bầu chọn ra lãnh đạo trong hệ thống nhà nước nói trên, và việc bầu chọn này phải tuân theo hiến pháp (tất nhiên, hiến pháp này phải là “hiến pháp đúng nghĩa”!). Nếu nhân dân không có quyền này, hoặc có quyền này nhưng chỉ là “giả hiệu” thì có thể hiểu rằng: Tuy nhân dân mang danh nghĩa là “ông chủ” của đất nước thật, nhưng quyền “làm chủ” đất nước chỉ là giả. Giống như, tôi là chủ của căn nhà (có giấy tờ hợp pháp hẳn hoi) nhưng tôi lại không có quyền gì với căn nhà của mình, thậm chí người ta vào ở trong nhà mình mà mình không muốn hay người ta đuổi mình ra đường thì mình cũng không làm gì được.

Theo Jeane Kirkpatrick, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, một cuộc bầu cử chỉ thực sự phản ánh quyền lựa chọn của công dân và không là “bầu cử hình thức” khi nó đáp ứng bốn tiêu chí sau đây:

Tính cạnh tranh: có nhiều bên xứng đáng tham gia tranh cử và các bên được bình đẳng trong quá trình tranh cử, được tự do ngôn luận, được sử dụng các phương tiện truyền thông để vận động tranh cử mà không bị hạn chế hay kiểm soát.

Tính định kỳ: sau một thời gian nhất định, các lãnh đạo phải được cử tri xem xét và quyết định có ủy nhiệm cho tiếp tục nắm giữ chức vụ hay không.

Tính đại diện: một chính phủ chỉ do một nhóm nhỏ nào đó bầu ra không thể được coi là một chính phủ dân chủ. Chẳng hạn, phụ nữ hay người da màu ở các quốc gia đã và đang phải đấu tranh để giành  quyền bầu cử cho mình, bởi làm sao có thể kỳ vọng chính phủ sẽ thực sự quan tâm đến quyền lợi của phụ nữ hay người da màu nếu như việc bầu ra chính phủ đó không có sự tham gia lựa chọn của chính họ.

Tính chung cuộc: các lãnh đạo được bầu ra có thể dựa vào Hiến pháp để thực thi quyền và nghĩa vụ của mình.

(3) Đưa ra cơ chế để kiểm soát quyền lực của lãnh đạo

Nếu như trong một công ty, cơ chế giám sát được đảm bảo qua hoạt động của Đại hội đồng cổ đông và việc phân chia quyền lực giữa Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban Giám đốc thì trong một quốc gia theo chế độ pháp quyền, quyền lực nhà nước sẽ được phân thành ba nhánh: quyền lập pháp (làm ra luật), quyền hành pháp (thực thi luật) và quyền tư pháp (chế tài luật).

Ba cơ quan này được tổ chức độc lập, song song với nhau, kiểm soát và đối trọng lẫn nhau (check and balance). Không có cá nhân hay tổ chức nào được nắm toàn bộ ba quyền lực hay hai trong ba quyền lực nhà nước nói trên để đảm bảo tạo lập một thể chế (một guồng máy vận hành quốc gia) mà ở đó các quyền và lợi ích mặc định của người dân, cũng như sự tự do của công dân được tôn trọng và bảo vệ. Cụ thể là:

– Quyền lập pháp được trao cho Quốc hội/ Nghị viện gồm các đại biểu/ nghị sĩ.

– Quyền hành pháp được trao cho chính phủ, thường do Tổng thống/ Thủ tướng đứng đầu.

– Quyền tư pháp được trao cho các tòa án và chỉ xử án dựa trên pháp luật.

Montesquieu – nhà tư tưởng chính trị lỗi lạc người Pháp, cha đẻ của thuyết “tam quyền phân lập” này từng viết trong tác phẩm Tinh thần pháp luật của ông như sau:

“Khi mà quyền lập pháp và hành pháp nhập lại trong tay một người hay một Viện Nguyên lão thì sẽ không có gì là tự do nữa, vì người ra sợ rằng chính ông ta hoặc Viện ấy chỉ đặt ra những luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nếu quyền tư pháp không tách rời quyền lập pháp vi hành pháp. Nếu quyền tư pháp được nhập với quyền lập pháp, thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống, quyền tự do của công dân; quan tòa sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì quan tòa sẽ có sức mạnh của kẻ đàn áp. Nếu một người hay một tổ chức của quan chức, hoặc của quý tộc, hoặc của dân chúng, nắm cả ba thứ quyền lực nói trên thì tất cả sẽ mất hết”.