QUAN SÁT, HIỂU VÀ ỨNG DỤNG CÁC MỐI QUAN HỆ, QUY LUẬT

Trích: “Bí Quyết Của Thành Công”; Biên dịch: Nguyễn Văn Phước, M.S. Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh

10/07/2025
65 lượt xem

Điểm chung nhất của các nhà khoa học là biết chú ý đến nguồn gốc, những quy luật và những mối quan hệ, và đấy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những thành công của các nhà khoa học lớn trên thế giới. Họ biết nhận ra những mối liên kết mà trước đó chưa ai nghĩ đến. Họ phát hiện được cái gì gắn kết với cái gì, mối liên hệ giữa chúng và xem xét ý nghĩa thực sự của những mối liên kết này.

Vậy, bạn hãy thử dành thời gian để tìm hiểu các quy luật, các mối quan hệ trong công việc, cuộc sống, trong thế giới của bạn mà trước đây, bạn chưa từng nghĩ đến. Có thể bạn sẽ phát hiện được những điều thú vị nào đó để áp dụng tốt hơn, để tạo niềm hứng khởi cho bạn trong chặng đường sắp tới.

Chẳng hạn bạn phát hiện ra một điều rằng nguyên nhân dẫn đến những thành công của bạn là ngoài sự cố gắng của bản thân, bạn còn được sự cảm thông và đồng lòng hỗ trợ của mọi người xung quanh – những người mà trước đó bạn đã đối xử rất tốt, chia sẻ rất chân thành. Từ đó bạn có thể rút ra được cho mình quy luật của sự cho và nhận trong cuộc sống hay quy luật nhân quả để từ đó định hướng cách đối nhân xử thế của bạn trong tương lai.

“Điều quan trọng không phải là bạn đang làm công việc gì mà bạn phải hiểu ý nghĩa công việc và cách thực hiện thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất. Bạn không chỉ suy nghĩ về những việc đang làm mà còn cả những việc liên quan mà bạn có thể triển khai làm được sau đó.” – George Bodrock, chuyên viên xử lý chất thải làm việc ở công ty California Ecology Farms, đã khuyên như thế sau khi ông nghiên cứu thành công quá trình sử dụng giun đất trong việc biến chất thải thành phân hữu cơ. “Công việc của tôi là xử lý chất thải. Tuy không hấp dẫn nhưng đây lại là một công việc rất quan trọng. Điều chúng ta cần hiện nay là tìm ra các kỹ thuật tự nhiên để giảm chất thải. Chúng tôi thu gom những thứ người khác bỏ đi rồi tiến hành tái chế.” – Phương pháp sử dụng giun đất là giải pháp tốt nhất đối với vấn đề chất thải hữu cơ.

George nghiên cứu thấy tính háu ăn của giun đất “như một cỗ máy vĩnh cửu”. Ông nói: “Nhân loại tạo ra các máy tính làm được hàng tỉ phép tính trong một giây, nhưng đối với vấn đề xử lí chất thải thì chẳng máy tính nào làm được. Chúng ta phải làm và phải không ngừng tìm kiếm những giải pháp hiệu quả hơn. Khi bạn làm được điều đó, bạn không chỉ làm tốt công việc mà còn làm giàu cho mình”.

Câu chuyện về sự ra đời của Starbucks café là một minh chứng về điều này. Cũng nhờ biết cách quan sát các mối liên kết và tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng mà khi chỉ mới hơn 40 tuổi, Howard Schultz đã được mệnh danh là “Ông hoàng những quán café”, chủ nhân của hàng ngàn quán café Starbucks nổi tiếng trên khắp thế giới.

Câu chuyện về những quán café của anh bắt đầu vào năm 1983. Năm đó, Schulz một mình du lịch sang Ý. Trong thời gian lang thang tại đây, anh quan sát và phát hiện ra rằng người Ý có thói quen gặp nhau uống café và trò chuyện tại một quán quen thuộc nào đó. Sau này, anh kể lại: “Nền văn hóa của người dân xứ này được thành lập tại một “Chốn thứ ba” ngoài nơi làm việc và nhà riêng. “Chốn thứ ba” này là một quán café, một nhà hàng hay một quán pizza nào đó. Tôi chưa hề thấy việc này tại Mỹ. Vậy tại sao tôi không làm như thế trên đất Mỹ.”

Thế là, sau khi trở về Mỹ, Schulz bắt tay vào thực hiện ước mơ này với tham vọng: Ở mỗi khu phố trong mỗi thành phố của nước Mỹ phải có một quán café của anh. Anh cho biết lý do: “Người Mỹ mất quá nhiều thời gian cho công việc và gia đình. Tại sao họ lại không có được một nơi chốn để gặp bạn bè?” Doanh thu của các “nơi chốn bình dị” đó giờ đây đã trên 2 tỷ đô la/ năm và thương hiệu Starbucks café giờ đây được cả thế giới biết đến.

Thành tựu trí tuệ thuộc mọi lĩnh vực được thể hiện bằng khả năng giải mã những ý tưởng, những quy luật và những mối liên kết phức tạp. Thực tế chứng minh rằng, yếu tố căn bản nhất của sự trưởng thành là độc lập quan sát các mối quan hệ để hình thành những ý tưởng và biến những ý tưởng này thành hành động thực tiễn.

– Silverman