LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ NÓI VỀ BỒ TÁT

BỒ TÁT LONG THỌ

? KINH:

Lại có hàng Bồ tát.

? LUẬN:

✨ Hỏi: Vì sao nói đến các chúng Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di trước rồi mới nói đến Bồ tát?

✨Đáp: Bồ tát tuy kế sau Phật, nhưng vì muốn độ chúng sanh nên còn lưu hoặc, để hòa nhập với nếp sống của họ. A la hán tuy còn ít trí tuệ nhưng đã lậu tận. Bồ tát tuy nhiều trí tuệ mà còn lưu phiền não, chưa tận đoạn. Vậy nên tại hội Bát nhã này nói đến các vị A la hán trước.

Phật pháp có hai loại: Đó là:

  • Bí mật pháp.
  • Hiển thị pháp.

Về phần Hiển thị Pháp, thì A la hán là phước điền, vì đã lậu tận. Về Bí mật pháp thì Bồ tát đã được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Tuy đã đoạn phiền não rồi, nhưng vì lợi ích chúng sanh, Bồ tát vẫn còn phải lưu hoặc để giáo hóa chúng sanh. Bồ tát phương tiện thị hiện vào 5 đạo chúng sanh, thọ các dục lạc, chỉ nhằm dẫn đạo chúng sanh ra khỏi phiền não.

✨ Hỏi: Xuất gia Bồ tát ở trong chúng Tỷ kheo và Tỷ kheo ni, còn tại gia Bồ tát ở trong hai chúng Ưu bà tắc và Ưu bà di. Nay còn riêng nói làm gì nữa?

✨ Đáp: Tuy Bồ tát có ở trong cả 4 Chúng rồi, thế nhưng cũng phải riêng nói. Vì sao? Vì trong hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật còn có vị cầu sanh làm người, làm trời, có vị lại chỉ cầu trú ở Niết Bàn an lạc. Các vị này chẳng phải là Bồ tát, vì chẳng phát tâm nguyện thành Phật.

Lại nữa, Bồ Tát đã được Vô Sanh Pháp Nhẫn, đã ra khỏi ba cõi, nên không còn ở trong số chúng sanh nữa. Chỉ vì lợi ích chúng sanh, mà Bồ tát thị hiện làm thân chúng sanh. Trong kinh Ba La Diên có ghi bài kệ của Ưu Ba Thi Nan hỏi Phật như sau:

Đã sạch kiết sử, sanh nữa chăng?
Đã vĩnh diệt rồi, sanh nữa chăng?
Có vào Niết Bàn thường trú chăng?
Nguyện đấng Đại Trí chỉ dạy cho.

Phật dung kệ đáp lại rằng:

Tịch diệt ấy chẳng thể nghĩ bàn,
Phá sạch Nhân duyên cùng Danh tướng,
Vượt ngoài ngữ ngôn cùng văn tự.
Hết thảy tận diệt như lửa tắt.

Bồ Tát đã phá sạch hết thảy pháp tướng, đã được pháp thân, nên trong các kinh Đại thừa thường nói riêng về Bồ Tát mà không xếp Bồ tát chung với 4 chúng Thanh Văn.

✨ Hỏi: Vì sao trong các kinh Thanh Văn không nói về Bồ Tát, mà trong các kinh Đại thừa lại nói về Bồ Tát và Thanh Văn?

✨ Đáp: Vì muốn biện thuyết về cả hai thừa Bồ Tát và Thanh Văn.

Ví như:

– Thanh Văn chỉ lợi ích cho riêng mình, Bồ Tát lợi ích cho tất cả.

-Thanh Văn thừa chỉ nói đến Ngã Không, Bồ Tát thừa nói đến Ngã Không lẫn Pháp Không.

Còn biết bao nhiêu sự khác biệt giữa hai thừa này nên các kinh Đại thừa thường nói về cả hai chúng Thanh Văn và Bồ Tát. Như bài kệ thuyết:

Vào được Pháp Đại thừa
Pháp chân thật lợi ích,
Dẫn đến đạo Vô thượng
An lạc cho tất cả.

Vào được Pháp Đại thừa
Từ bi với muôn loài
Đem đầu mắt bố thí,
Như vức bỏ vỏ cây.

Vào được Pháp Đại thừa
Thọ trì Thanh Tịnh giới,
Như trâu đen mến đuôi,
Chẳng hề tiếc thân mạng.

Vào được Pháp Đại thừa
Thường hành Vô Thượng Nhẫn
Dù cho mất thân mạng,
Cũng xem như cỏ rác.

Vào được Pháp Đại thừa
Tinh tấn không mệt mỏi,
Hành đạo không ngưng nghỉ,
Như người tát biển lớn.

Vào được Pháp Đại thừa
Rộng tu vô lượng hạnh,
Thần thông cùng Thánh đạo
Thanh tịnh và tự tại.

Vào được Pháp Đại thừa
Phân biệt rõ các pháp,
Trí kim cương bất hoại,
Đầy đủ hạnh công đức.

Trí huệ chẳng thể bàn,
Tâm Từ bi vô lượng,
Chẳng rơi về Nhị pháp,
Xem muôn pháp bình đẳng.

Những xe lừa, ngựa, voi,
Tuy đồng mà vẫn khác
Bồ Tát và Thanh Văn
Đại, tiểu cũng như vậy.

Lấy Từ Bi làm trục
Trí Huệ làm bánh xe,
Tinh Tấn làm dây cương,
Đi trên đường Giới Định.

Lấy Nhẫn Nhục làm giáp,
Lấy Tổng Trì làm yên,
Ngồi xe Ma Ha Diễn,
Độ hết thảy chúng sanh.

Trích “Luận Đại Trí Độ”
Tạo luận: Bồ Tát Long Thọ
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BÁT NHÃ BA LA MẬT – ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
  2. CHÁNH TƯ DUY – ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
  3. BỐN TÂM VÔ LƯỢNG – ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH