BÁT NHÃ BA LA MẬT – ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN

BỒ TÁT LONG THỌ

Trích: Luận Đại Trí Độ – Chương 27: Giải thích Bát Nhã Ba La Mật; Dịch Phạn ra Hán: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập; Dịch Hán ra Việt: HT. Thích Thiện Siêu; Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam; 1997

KINH

Đối với hết thảy pháp, tâm không trụ trước, nên đầy đủ Thiền Ba-la-mật.

LUẬN

☀️ Hỏi: Thế nào là Bát-nhã Ba-la-mật?

?️ Đáp: Chư Bồ-tát từ khi mới phát tâm cầu trí Nhất thiết chủng, ở giữa khoảng thời gian ấy tuệ biết rõ thật tướng các pháp, ấy là Bát-nhã Ba-la-mật.

☀️ Hỏi: Nếu như vậy, không nên gọi là Ba-la-mật, vì cớ sao? Vì chưa đến bên bờ trí tuệ?

?️ Đáp: Trí tuệ của Phật chứng được thật là thật Ba-la-mật. Nhân nơi Ba-la-mật ấy mà sở hành của Bồ-tát cũng gọi là Ba-la-mật; vì là trong nhân nói quả vậy. Bát-nhã Ba-la-mật ấy, ở trong tâm Phật thì đổi tên là trí Nhất thiết chủng. Bồ-tát thực hành trí tuệ cầu đến bờ kia, nên gọi là Ba-la-mật; Phật đã đến bờ kia, nên gọi trí của Phật là Nhất thiết chủng.

☀️ Hỏi: Hết thảy phiền não và tập khí Phật đã đoạn, con mắt trí tuệ thanh tịnh, nên đúng như thật chứng được thật tướng các pháp; thật tướng các pháp tức là Bát-nhã Ba-la-mật. Bồ-tát chưa diệt tận các lậu, mắt tuệ chưa thanh tịnh, làm sao có thể biết được thật tướng các pháp?

?️ Đáp: Nghĩa ấy sẽ nói rộng ở trong chương sau, nay chỉ lược nói. Như người vào biển, có người mới vào, có người tận thấu đáy nguồn, cạn sâu tuy khác mà đều gọi là vào. Phật và Bồ-tát cũng như thế. Phật thời cùng tận đáy nguồn, còn Bồ-tát chưa dứt phiền não và tập khí, thế lực ít ỏi, không thể sâu vào. Như ở trong phẩm sau có nói thí dụ: Như người ở trong nhà tối đốt đèn chiếu các vật, mỗi mỗi đều rõ ràng, lại có thêm đèn lớn nữa thì lại càng rõ hơn, thời biết bóng tối của ngọn đèn sau chiếu phá cùng với bóng tối của ngọn đèn trước chiếu phá cùng ở trong một chỗ. Ngọn đèn trước tuy cùng bóng tối ở chung, mà cũng chiếu sáng được các vật. Nếu ngọn đèn trước không có bóng tối ở chung, thời ngọn đèn sau không ích thêm gì. Trí tuệ của Phật và Bồ-tát cũng như vậy. Trí tuệ của Bồ-tát tuy cùng với phiền não và tập khí hợp một chỗ, mà vẫn có thể biết được thật tướng các pháp, cũng như ngọn đèn trước có thể soi được vật; còn trí tuệ của Phật dứt hết các phiền não tập khí và cũng biết được thật tướng các pháp; như ngọn đèn sau lại càng sáng rõ gấp bội.

☀️ Hỏi: Thế nào là thật tướng các pháp?

?️ Đáp: Mọi người đều nói đến thật tướng các pháp, tự cho là phải. Trong đây nói thật tướng là không thể phá hoại, thường trú không đổi khác, không ai làm ra được. Như trong chương sau Phật nói với Tu-bồ-đề: “Nếu Bồ-tát quán hết thảy pháp chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải khổ chẳng phải lạc, chẳng phải ngã chẳng phải vô ngã, chẳng phải có chẳng phải không v.v… cũng không tác ý về quán ấy, ấy gọi là Bồ-tát thực hành Bát-nhã Ba-la-mật. Theo nghĩa này là bỏ hết thảy quán, dứt hết thảy ngôn ngữ, lìa các tâm hành, từ xưa lại nay bất sanh bất diệt như tướng Niết-bàn. Tướng hết thảy pháp cũng như vậy, ấy là thật tướng các pháp. Như bài kệ khen ngợi Bát-nhã Ba-la-mật rằng:

“Bát-nhã Ba-la-mật,
Thật pháp không điên đảo,
Niệm, tưởng, quán đã trừ,
Đường ngữ ngôn cũng dứt.
Vô lượng tội trừ hết,
Tâm thường nhất thanh tịnh.
Người tôn diệu như vậy,
Thời thấy được Bát-nhã,
Như hư không vô nhiễm,
Vô hý, vô văn tự,
Nếu quán được như vậy,
Ấy tức là thấy Phật,
Đúng như pháp quán Phật,
Bát-nhã và Niết-bàn,
Ba điều ấy một tướng,
Đúng thật không sai khác.
Chư Phật và Bồ-tát,
Lợi ích cho tất cả,
Bát-nhã chính là mẹ,
Hay xuất sanh nuôi nấng,
Phật là cha chúng sanh,
Bát-nhã sanh ra Phật,
Bát-nhã là tổ mẫu,
Của hết thảy chúng sanh.
Bát-nhã là một pháp,
Phật nói ra nhiều tên.
Tùy sức các chúng sanh,
Lập ra danh tự khác.
Nếu người được Bát-nhã,
Tâm nghị luận đều dứt.
Như khi mặt trời mọc,
Sương sớm biến tan liền.
Oai đức của Bát-nhã,
Lay động hai hạng người:
Kẻ vô trí sợ hãi,
Người có trí hoan hỷ.
Nếu người được Bát-nhã,
Thời là chủ Bát-nhã,
Đối Bát-nhã không vướng,
Huống gì đối pháp khác.
Bát-nhã không đâu đến,
Cũng lại không đi đâu,
Người trí khắp mọi nơi,
Tìm cầu không thấy được.
Nếu không thấy Bát-nhã,
Ấy là thời bị buộc.
Nếu người thấy Bát-nhã,
Ấy cũng là bị buộc.
Nếu người thấy Bát-nhã,
Ấy thời được giải thoát.
Nếu không thấy Bát-nhã,
Ấy cũng được giải thoát.
Việc ấy rất hy hữu,
Sâu xa có đại danh,
Thí như vật huyễn hóa,
Thấy mà không thể thấy.
Chư Phật và Bồ-tát,
Thanh-văn, Bích-chi Phật,
Đạo giải thoát Niết-bàn,
Đều từ Bát-nhã được.
Ngôn thuyết là thế tục,
Vì thương xót hết thảy,
Giả danh nói các pháp,
Tuy nói mà chẳng nói.
Bát-nhã Ba-la-mật,
Thí như ngọn lửa lớn,
Bốn phía không thủ được,
Không lấy cũng chẳng lấy,
(Vô thủ diệc bất thủ).
Một chấp thủ đã xả,
Ấy gọi không thể thủ.
Không thể thủ mà thủ,
Ấy tức gọi là thủ.
Tướng Bát-nhã không hoại,
Vượt qua mọi ngôn ngữ,
Vừa không nương tựa đâu,
Ai khen được đức nó,
Bát-nhã chẳng thể khen.
Tôi nay được tán thán,
Tuy chưa khỏi đất chết,
Thì cũng đã được ra”.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ NÓI VỀ BỒ TÁT
  2. CHÁNH TƯ DUY – ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
  3. BỐN TÂM VÔ LƯỢNG – ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN