SỨC MẠNH CỦA HIỆN TIỀN PHI THỜI GIAN

ECKHART TOLLE

Trích: Sức Mạnh Của Hiện Tiền Phi Thời Gian-The Power Of Now; Hồ Kim Chung - Minh Đức; Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh 2005

CÁC MƯU CHƯỚC CỦA TÂM TRÍ NHẰM NÉ TRÁNH CÁI BÂY GIỜ

☘ Đánh mất cái bây giờ: ảo tưởng cốt lõi

“Dù cho tôi có hoàn toàn chấp nhận rằng thời gian nói cho cùng chỉ là ảo tưởng, thì có gì khác biệt xảy ra cho cuộc sống tôi đâu? Tôi vẫn phải sống trong một thế giới hoàn toàn bị thống trị bởi thời gian”.

Thừa nhận ở bình diện tâm trí chỉ là một tín nhiệm khác, nên sẽ không tạo ra nhiều khác biệt cho cuộc sống của bạn. Để nhận biết sự thật này, bạn cần phải sống với nó. Khi mỗi tế bào trong cơ thể bạn hiện trú toàn triệt đến mức nó cảm thấy rung động cùng với sự sống; và khi bạn cảm thấy sự sống ấy từng khoảnh khắc như niềm vui của Bản thể hiện tiền, lúc ấy có thể nói rằng bạn thoát khỏi sự ràng buộc của thời gian.

Nhưng tôi còn phải thanh toán các hoá đơn chi tiêu vào ngày mai, và tôi vẫn sẽ già cỗi và chết đi giống y như mọi người khác. Vậy làm sao có thể nói tôi thoát khỏi thời gian cho được?

Các hoá đơn chi tiêu phải thanh toán vào ngày mai không phải là vấn đề. Sự tan hoại xác thân không phải là vấn đề. Đánh mất cái Bây giờ mới là vấn đề, hay đúng hơn là ảo tưởng cốt lõi, nó biến đổi một tình huống, một biến cố, hay một xúc cảm đơn thuần thành một vấn đề cá nhân và thành nỗi đau khổ. Đánh mất đi cái Bây giờ chính là mất đi Bản thể hiện tiền.

Thoát khỏi thời gian chính là thoát khỏi nhu cầu tâm lý về quá khứ nhằm củng cố tự ngã của bạn và về tương lai nhằm thỏa mãn Cái Tôi ấy của bạn. Nó tượng trưng cho sự chuyển hoá sâu sắc nhất mà bạn có thể hình dung được. Trong các trường hợp hiếm hoi, sự chuyển hoá ý thức này diễn ra một cách khốc liệt và căn cơ, một lần cho mãi mãi. Khi ấy, sự chuyển hoá thường xảy ra thông qua sự vâng phục triệt để giữa cơn thống khổ tột cùng. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều phải nỗ lực hướng đến.

Lần đầu tiên khi bạn thoáng cảm nhận qua trạng thái ý thức phi thời gian, bạn bắt đầu di chuyển qua lại giữa hai chiều kích thời gian và hiện tiền. Trước hết, bạn biết rõ mình hiếm khi thực sự chú ý đến cái Bây giờ biết nhường nào. Thế nhưng, biết rằng bạn không trụ ở hiện tại đã là một thành công lớn lao rồi: Biết được như thế chính là hiện trú vậy – cho dù khởi thủy nó chỉ kéo dài được vài giây trước khi bạn lại để mất nó đi. Sau đó, nhờ lặp đi lặp lại nhiều lần, bạn quyết định đặt trọng tâm ý thức vào khoảnh khắc hiện tại thay vì vào quá khứ hoặc tương lai; và bất cứ khi nào nhận thấy mình đánh mất cái Bây giờ, bạn đều có thể lưu trú ở đó không chỉ trong vài giây, mà trong những khoảng thời gian kéo dài hơn nếu xét một cách phiến diện theo thời gian đồng hồ. Cho nên, trước khi bạn ổn định vững chắc trong trạng thái hiện trú, tức là trước khi bạn tỉnh thức hoàn toàn, bạn xê dịch tới lui trong một thời gian giữa trạng thái ý thức tỏ ngộ và trạng thái ý thức mê muội, giữa trạng thái hiện trú và trạng thái đồng hoá với tâm trí. Bạn đánh mất cái Bây giờ, rồi bạn quay trở lại với nó, hết lần này đến lần khác. Sau cùng, hiện trú trở thành trạng thái chiếm ưu thế.

Đối với hầu hết mọi người, kinh nghiệm hiện trú hoặc không bao giờ xảy ra hoặc chỉ xảy ra tình cờ và ngắn ngủi vào những dịp hiếm hoi mà họ tuyệt không hề biết rõ nó là gì. Nói chung, họ đều không lần lượt ở trạng thái ý thức tỏ ngộ và trạng thái ý thức mê muội, mà chỉ trải qua những trạng thái ý thức với mức độ mê muội khác biệt nhau.

☘ Trạng thái mê muội bình thường và trạng thái mê muội sâu sắc

“Ông muốn ám chỉ điều gì khi nói đến các mức độ ý thức mê muội khác biệt nhau?”

Như bạn đã biết, trong lúc ngủ bạn không ngừng di chuyển giữa các giai đoạn ngủ không có giấc mơ và tình trạng nằm mộng. tương tự, trong lúc tỉnh ngủ hầu hết mọi người chỉ chuyển dịch giữa trạng thái ý thức mê muội bình thường và trạng thái mê muội sâu sắc. Cái tôi gọi là ý thức mê muội bình thường (ordinary unconsciousness) chính là trạng thái bị đồng hoá với các tiến trình suy nghĩ và cảm xúc, các phản ứng, dục vọng và ác cảm của bạn. Nó là trạng thái thường phàm của hầu hết mọi người. Trong trạng thái đó, bạn bị điều khiển bởi tâm trí vị ngã, và bạn không nhận biết Bản thể hiện tiền. Nó là trạng thái tuy không đau đớn hay bất hạnh sâu sắc, mà hầu như liên tục khó chịu, bất mãn, buồn chán, hay bất an ở mức độ thấp – một dạng nhiễu loạn ở hậu trường. Có lẽ bạn không nhận ra tình hình này bởi vì nó choán phần rất lớn trong cuộc sống “bình thường”, giống như bạn không nhận biết được tiếng ồn liên tục không to lắm làm nền trong không gian sinh hoạt thường ngày, như tiếng rầm rì của chiếc máy điều hòa không khí chẳng hạn, cho đến khi nó ngưng bặt. Khi tiếng ồn này đột nhiên ngưng bặt, bạn cảm thấy nhẹ nhõm hẳn lên. Nhiều người lợi dụng rượu, ma tuý, tình dục, thức ăn, công việc, vô tuyến truyền hình, hay thậm chí mua sắm làm thuốc gây mê trong nỗ lực bất thức nhằm xua đi nỗi khó chịu căn bản này. Trong trường hợp ấy, một hoạt động lẽ ra rất thú vị mà nếu được sử dụng đều đặn sẽ trở thành hoạt động hằn sâu tính chất cưỡng chế hoặc say nghiệm, và tất cả hậu quả gặt hái được sẽ là sự khuây khỏa bệnh hoạn và cực kỳ ngắn ngủi.

Sự khó chịu của trạng thái ý thức mê muội bình thường sẽ biến thành đau khổ có tính mê muội sâu sắc – tức là trạng thái đau khổ hay bất hạnh dữ dội hơn và hiển nhiên hơn – khi mọi việc “hoá ra tệ hại”, khi tự ngã bị đe doạ hay khi gặp phải thách thức, đe dọạ, hoặc mất mát, dù thực sự hay tưởng tượng, trong hoàn cảnh sống của bạn, hay khi có sự xung đột trong mối quan hệ thân thiết của bạn. Đây là một phiên bản tăng cường của trạng thái ý thức mê muội bình thường, sự khác biệt ở đây không phải về chủng loại mà về mức độ.

Trong trạng thái mê muội bình thường, sự phản kháng hoặc chối bỏ theo thói quen đối với cái đang là gây ra sự khó chịu và bất mãn mà hầu hết mọi người đều chấp nhận như là cuộc sống bình thường. Khi sự phản kháng này được khuếch đại lên do một thử thách hay đe dọa nào đó đối với tự ngã, nó sẽ gây ra tâm lý cực kỳ tiêu cực như giận dữ, khiếp hại, hiếu chiến, hay gây gổ, u uất, và vân vân. Trạng thái mê muội sâu sắc thường có nghĩa là cái quầng chứa nhóm đau khổ đã bị kích hoạt, và bạn bị đồng hóa với nó. Sự bạo hành sẽ không thể xảy ra nếu không có trạng thái mê muội sâu sắc. Nó cũng có thể dễ dàng xảy ra bất kỳ lúc nào và bất cứ nơi đâu mà một đám đông con người hay thậm chí cả một dân tộc cùng tạo ra một trường năng lượng tiêu cực tập thể.

Dấu hiệu hay thước đo tốt nhất phản ảnh mức độ tỉnh thức của bạn chính là cách ứng phó với các thử thách xảy ra cho cuộc sống của bạn. Trải qua các thử thách đó, một người vốn đã mê muội thường có khuynh hướng trở nên càng mê muội sâu sắc hơn, mộ người tỉnh thức lại càng tỏ ngộ hơn. Bạn có thể lợi dụng một thử thách để đánh thức bản thân, hoặc bạn có thể để mặc cho nó kéo bạn vào cơn mê ngủ càng sâu hơn. Giấc mơ của người ở trạng thái mê muội bình thường lúc ấy sẽ biến thành cơn ác mộng.

Nếu bạn không thể trụ ở hiện tiền ngay cả trong các tình huống bình thường, như khi bạn ngồi một mình trong phòng, đi dạo trong rừng, hay lắng nghe ai đó nói chuyện chẳng hạn, thì bạn nhất định sẽ không tỉnh thức khi gặp phải sự việc gì đó “hoá ra tệ hại”, hay khi bạn phải giáp mặt với những con người khó chịu hay tình hình khó khăn, đối mặt với sự mất mát hay đe doạ mất mát. Bạn sẽ bị chiếm lĩnh, bị chế ngự bởi một phản ứng, mà rốt cuộc luôn luôn là một dạng sợ hãi nào đó, rồi bị cuốn hút vào trạng thái mê muội sâu sắc. Những thách thức đó trắc nghiệm trạng thái ý thức của bạn. Chỉ bằng cách đối phó với các thách thức đó, bạn và những người khác sẽ biết bạn đang ở trong trạng thái ý thức nào; chứ khả năng ngồi im lặng nhắm mắt được bao lâu hay những quán tưởng trong lúc ngồi thiền không thể là phản ảnh đáng tin cậy về trạng thái ý thức của bạn.

Cho nên điều cốt yếu là bạn càng phải tỉnh thức nhiều hơn trong các tình huống bình thường của cuộc sống khi mà mọi việc đang diễn ra tương đối trơn tru. Bằng cách này, bạn tăng thêm sức mạnh trụ ý ở hiện tiền. Nó tạo ra một trường năng lượng có tần số rung động cao bên trong người và chung quanh bạn. không tình trạng mê muội nào, không tâm lý tiêu cực nào, không bất hòa nào, hay không bạo lực nào có thể xâm nhập và tồn tại được trong trường năng lượng đó, giống như bóng tối không thể tồn tại được khi có sự hiện diện của ánh sáng.

Khi học cách làm chứng nhân quan sát các ý nghĩ và xúc cảm của mình, vốn là phần thiết yếu trong tình trạng hiện trú, bạn có thể ngạc nhiên khi lần đầu tiên bạn nhận thức được tình hình “nhiễu loạn” ở hậu trường của trạng thái ý thức mê muội bình thường, và nhận ra được mình hiếm khi cảm thấy thực sự dễ chịu trong lòng biết là dường nào. Ở bình diện tư duy, bạn sẽ thấy vô vàn phản kháng dưới hình thức phán xét, bất mãn, và toan tính đào thoát khỏi cái Bây giờ. Còn ở bình diện xúc cảm, bạn sẽ âm thầm thấy khó chịu, căng thẳng, buồn chán hay bất an. Cả hai đều là các khía cạnh của tâm trí trong phương thức phản kháng quen thường của nó.

☘ Giải trừ trạng thái mê muội bình thường

“Vậy làm sao chúng ta mới có thể thoát khỏi tai ương này?”

Hãy hiểu rõ nó. Hãy quan sát vô vàn cách thức qua đó nỗi băn khoăn, bất mãn, và căng thẳng nảy sinh bên trong bạn thông qua sự phán xét, phản kháng vô bổ đối với cái đang là, và sự chối bỏ cái Bây giờ. Bất cứ mê lầm bất thức nào cũng đều tan biến đi khi nó được ánh sáng ý thức chiếu rọi vào. Một khi bạn biết cách giải trừ trạng thái mê muội bình thường, thì ánh sáng hiện trú của bạn sẽ chiếu soi rực rỡ, và sẽ rất dễ dàng giải quyết trạng thái mê muội sâu sắc vất kỳ lúc nào bạn cảm nhận được lực kéo trọng trường của nó. Tuy nhiên, trạng thái mê muội bình thường lúc ban sơ có thể không dễ dàng phân biệt được, bởi vì nó rất bình thường.

Hãy tạo thói quen rà soát tình trạng xúc cảm tư duy thông qua biện pháp quan sát bản thân: “Tôi có thấy dễ chịu ở khoảnh khắc này không?” là câu hỏi tốt để bạn thường xuyên tự vấn mình. Hoặc giả bạn có thể hỏi: “Cái gì đang diển ra bên trong tôi vào lúc này?”. Ít ra cũng nên quan tâm đến những gì đang diễn ra bên trong bạn chẳng kém gì những gì đang xảy ra bên ngoài. Nếu bạn dàn xếp bên trong ổn thỏa, thì bên ngoài cũng sẽ đâu vào đấy cả. Thực tại chủ yếu ở bên trong, còn bên ngoài là thứ yếu. Nhưng đừng vội trả lời ngay các câu hỏi này. Hãy hướng chú ý của bạn vào bên trong. Tâm trí bạn đang nảy sinh loại ý nghĩ nào? Bạn cảm thấy điều gì? Hãy hướng chú ý vào bên trong cơ thể bạn. Có bất cứ căng thẳng nào không? Một khi bạn nhận thấy mức độ bất an, nhiễu loạn hậu trường đã xuống thấp, hãy quan sát xem bạn đang tránh né, đối kháng, hay chối bỏ sự sống theo lối nào – qua việc chối bỏ cái Bây giờ. Con người mù quáng phản kháng khoảnh khắc hiện tại theo nhiều phương chước khác nhau. Tôi sẽ cống hiến cho bạn vài thí dụ. Nhờ thực hành, sức mạnh tự quan sát bản thân, sức mạnh rà soát trạng thái nội tại của bạn sẽ trở nên tinh nhuệ.

☘ Thoát khỏi bất hạnh

Bạn có bực bội với việc mình đang làm không? Nó có thể là công ăn việc làm của bạn, hoặc giả có thể bạn đã chấp thuận làm việc gì đó và bạn đang thực hiện nó, nhưng một phần trong người bạn thấy bực dọc và phản kháng lại nó. Phải chăng bạn đang ôm ấp nỗi bực dọc không nói nên lời đối với người thân cận với bạn? Bạn có nhận thức được rằng năng lượng vì vậy tỏa ra từ bạn gây ra hậu quả tác hại do bạn thực sự gây ô nhiễm cho bản thân cũng như cho những người chung quanh bạn không? Hãy rà soát kỹ bên trong người bạn để xem thậm chí có còn sót lại một dấu vết bực dọc, miễn cưỡng nhỏ nhất nào không nếu có, hãy quan sát nó ở cả hai bình diện tư duy và xúc cảm. Tâm trí của bạn đang nảy sinh những ý nghĩ gì xung quanh hoàn cảnh này? Sau đó, hãy quan sát xúc cảm, để xem cơ thể bạn có phản ứng gì đối với các ý nghĩ đó. Hãy cảm nhận các xúc cảm ấy. bạn cảm thấy dễ chịu hay khó chịu? Phải chăng nó là một luồng năng lượng bạn thực sự chọn lựa để hiện hữu bên trong bạn? Bạn có chọn lựa không?

Có lẽ bạn đang bị lợi dụng, có lẽ hoạt động bạn đang tham gia vào thật là tẻ nhạt, có lẽ ai đó thân cận với bạn quả là không thực thà, hay nổi cáu, hoặc vô ý thức, nhưng tất cả đều không đáng có. Dù các ý nghĩ và xúc cảm của bạn về tình huống này có biện minh được hay không cũng không quan trọng. Sự thật là bạn đang phản kháng đối với cái đang là. Bạn đang biến khoảnh khắc hiện tại thành kẻ thù. Bạn đang gây ra bất hạnh, xung đột giữa nội tâm và ngoại giới. Sự bất hạnh của bạn đang không chỉ gây ô nhiễm cho bản thể nội tại của riêng bạn và những người chung quanh, mà còn cho linh hồn của tập thể nhân loại, trong đó bạn là một bộ phận không thể tách rời. Sự ô nhiễm hành tinh này chỉ là phản ảnh bên ngoài của sự ô nhiễm linh hồn bên trong hàng triệu triệu cá nhân mù quáng không nhận lấy trách nhiệm đối với không gian nội tâm của họ.

Hoặc ngưng dứt việc bạn đang làm, bày tỏ với những người có liên quan và trình bày toàn bộ cảm nghĩ của bạn; hoặc buông bỏ ý nghĩ tiêu cực mà tâm trí bạn đã tạo ra quanh tình huống ấy, và ý nghĩ tiêu cực không phục vụ cho bất cứ mục đích nào ngoại trừ tăng cường thêm cảm nhận giả tạo về Cái Tôi. Nhận ra được sự vô nghĩa của nó mới là quan trọng. Thực ra, trong hầu hết các trường hợp nó làm cho bạn bị vướng mắc, ngăn cản sự thay đổi thực sự. Bất cứ việc gì được thực hiện bằng năng lượng tiêu cực sẽ bị nó làm nhiễm bẩn, và lâu ngày sẽ gây thêm đau khổ, thêm bất hạnh cho bạn. Ngoài ra, bất cứ tình trạng nội tâm tiêu cực nào cũng hay lây lan: Sự bất hạnh lan rộng dễ dàng hơn so với một căn bệnh thể xác. Theo luật cộng hưởng nó khởi động và nuôi dưỡng sự tiêu cực tiềm ẩn ở những người khác, trừ phi họ miễn nhiễm – tức là trừ phi họ tỉnh thức cao độ.

Bạn đang gây ô nhiễm thế giới hay đang quét sạch đống rác rưởi? Chính bạn chứ không ai khác chịu trách nhiệm đối với không gian nội tâm của mình, giống như bạn chịu trách nhiệm đối với hành tinh này vậy. Bên trong ra sao, bên ngoài thế ấy: Nếu nhân loại rửa sạch ô nhiễm bên trong, thì họ cũng sẽ ngưng gây ô nhiễm ngoại giới.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. NIỀM VUI TỰ TẠI
  3. QUÁ KHỨ KHÔNG THỂ “SỐNG DẬY” KHI BẠN THỰC SỰ CẢM NHẬN ĐƯỢC HIỆN TẠI

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH