MẮT TỪ TRÔNG CHÚNG SANH

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Nguồn: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 257

Tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm chùa Linh Ứng, Đà Nẵng

Tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại chùa Linh Ứng, Bãi Bụt Sơn Trà, Đà Nẵng, với chiều cao 67m và trong lòng có 17 tầng, mỗi tầng thờ 21 Đức Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau gọi là “Phật Trung Hữu Phật”. Trên mão tượng Quan Âm có tượng Phật Tổ cao 2m.

“Sau khi Như Lai diệt độ, người thiện nam thiện nữ nào muốn vì bốn chúng mà nói kinh Pháp Hoa này thì phải nói như thế nào? Người ấy phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai, rồi mới nên vì bốn chúng rộng nói kinh này.

Nhà Như Lai chính là tâm đại từ bi với tất cả chúng sanh. Y Như Lai là tâm nhu hòa nhẫn nhục. Tòa Như Lai là tất cả pháp Không. An trụ trong đây rồi dùng tâm không biếng trễ vì các Bồ-tát và bốn chúng rộng nói kinh Pháp Hoa này”. (Phẩm Pháp sư, thứ 10)

Sinh hoạt của Phật, nhà, y áo và chỗ ngồi của Phật là trí huệ và từ bi. Chỗ ở của Phật là pháp giới Pháp Hoa, và muốn vào chỗ trú ngụ của Phật thì phải có hai yếu tố chính của Đại thừa là trí huệ tánh Không và đại từ đại bi. Hơn nữa, nhà Như Lai hay pháp giới Pháp Hoa là cái đã có sẵn, chỉ việc đủ trí huệ và từ bi là được vào.

Trong bốn hạnh an lạc của Bồ-tát, hạnh nào cũng có từ bi. Ở đây chỉ trích ra bài kệ của hạnh thứ ba:

Nếu muốn nói kinh này

Phải bỏ bệnh kiêu mạn

Nịnh dối, tâm tà ngụy

Thường tu hạnh chất trực.

 Chẳng có khinh miệt người

Cũng chẳng hý luận pháp

Chẳng khiến người nghi ngại

Rằng ngươi chẳng thành Phật.

 Phật tử ấy nói pháp

Thường nhu hòa hay nhẫn

Từ bi với tất cả

Chẳng sanh tâm biếng trễ.

 Đại Bồ-tát mười phương

Thương chúng sanh, hành đạo

Phải sanh tâm cung kính

Đó là đại sư ta.

 Với chư Phật Thế Tôn

Sinh tưởng cha vô thượng

Phá tan tâm kiêu mạn

Thuyết pháp không chướng ngại.

 Pháp thứ ba như thế

Người trí cần giữ gìn

Nhất tâm hạnh an lạc

Vô lượng chúng cung kính.

(Phẩm An lạc hạnh, thứ 14)

 Thường tụng đọc bài kệ này, chúng ta sẽ thể nghiệm được từ bi trong nhiều khía cạnh của nó, với người dưới và với người trên, những chướng ngại ngăn che tâm từ bi tỏa sáng, để sinh hoạt của chúng ta là “từ bi với tất cả”.

Tâm từ bi của Phật trùm khắp pháp giới, đó cũng là nhà Như Lai:

Nay ba cõi này

Đều là của ta

Tất cả chúng sanh

Đều là con ta.

(Phẩm Thí dụ, thứ 3)

Ba cõi đều là của ta, tất cả chúng sanh đều là con của ta. Của ta nghĩa là của tâm từ bi trùm khắp. Thế giới này là của tâm từ bi. Tâm từ bi ấy là vô duyên từ bi, đồng thể từ bi. Tâm từ bi chính là pháp giới Pháp Hoa.

Không chỉ trong kinh Pháp Hoa, mà ở những kinh khác, Bồ-tát Quán Thế Âm là đại diện cho tâm từ bi của Đại thừa. Tâm từ bi của Bồ-tát Quán Thế Âm không chỗ nào không có:

Mười phương các cõi nước

Không đâu chẳng hiện thân

(Phẩm Phổ môn, thứ 25)

Bồ-tát Quán Thế Âm là cái thấy (quán) của trí huệ và từ bi. Nơi Bồ-tát, trí huệ và từ bi hợp nhất, đâu có trí huệ thì ở đó có từ bi, và đâu có từ bi, chỗ đó là trí huệ. Trí huệ và từ bi là một, một ánh sáng thanh tịnh, một mặt trời phá các tối, một ánh sáng chiếu khắp thế gian.

Chân quán, thanh tịnh quán

Trí huệ quán rộng lớn

Bi quán và từ quán

Thường nguyện, thường chiêm ngưỡng.

 Quang thanh tịnh không vết

Huệ nhật phá các tối

Hay trừ nạn khói lửa

Sáng kháp, chiếu thế gian.

(Phẩm Phổ môn, thứ 25)

Từ bi ấy là ánh sáng thanh tịnh không vết dơ, sự sáng khắp ấy chiếu toàn thế gian, “không đâu chẳng hiện thân”. Từ bi trùm khắp ấy biến thế gian thành tâm từ bi của Bồ-tát. Phẩm của Bồ-tát Quán Thế Âm có tên là Phổ môn, có nghĩa là cửa mở ở khắp cả, cửa mở vào khắp cả. Phổ môn có nghĩa là cửa từ bi ở khắp cả, mở vào từ bi khắp cả.

Từ bi ấy hay Bồ-tát Quán Thế Âm là tất cả công đức, là biển vô lượng trùm khắp tất cả mọi thế giới. Hẳn là chúng ta cũng đang ở trong biển đại từ đại bi ấy:

Đủ tất cả công đức

Mắt từ trông chúng sanh

Biển vô lượng phước tụ

Bởi thế, nên đảnh lễ.

       (Phẩm Phổ môn, thứ 25)

Từ bi ấy không có trung tâm mà đâu cũng là trung tâm, là đại dương bao la, không có hiện hữu nào có thể ở ngoài. Đại dương từ bi đang trùm phủ mọi thế giới, mọi chúng sanh, mọi thực thể hữu tình cũng như vô tình. Chính vì đại dương từ bi vô lượng này nên kinh nói bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu mà niệm danh hiệu Bồ-tát là được đáp ứng ngay.

Từ bi ấy hiển hiện nơi con mắt, nơi quán (nhìn thấy, trông). Con mắt nhìn thế gian (quán thế): Mắt từ trông chúng sanh. Và con mắt từ bi ấy là cửa ở khắp cả, cửa mở vào khắp cả (phổ môn). Cho nên một trong những hình tượng của Bồ-tát Quán Thế Âm có ngàn mắt ngàn tay (Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm). Cho nên bất cứ lúc nào chúng ta, dù chỉ một phần nhỏ, “mắt từ trông chúng sanh” là chúng ta đang tương ưng với mắt Quán Thế Âm.

Để đi vào pháp giới Pháp Hoa, trụ trong pháp giới ấy như Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng ta cần nhìn mọi sự và người khác bằng “mắt từ trông chúng sanh”. Trong mắt từ, sự vật, thế giới, chúng sanh được chuyển hóa thành sự biểu lộ của tâm từ bi. Tất cả mọi sự là hiện thân của tâm từ bi: “Mười phương các cõi nước, không đâu chẳng hiện thân”.

Khi nào chúng ta nhìn một sự vật, một cái cây, một đám mây, một con người bằng “mắt từ trông chúng sanh”, khi ấy, chúng ta bắt đầu đi vào pháp giới Pháp Hoa hay tâm từ bi của Quán Thế Âm. Khi ấy chúng ta thấy sự vật, con người, thế giới không còn là sự vật, con người, thế giới, mà chính là tâm từ bi của Quán Thế Âm, cũng là tâm từ bi của chư Phật.

Chính mắt từ trông chúng sanh biến mọi sự, mọi người thành thiêng liêng và thanh tịnh. Tâm từ bi biến thế giới ta-bà này thành tịnh độ hay pháp giới Pháp Hoa.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÀM ĂN SINH SỐNG VÀ SỰ NGHIỆP TRONG KINH PHÁP HOA 
  2. BỐN DIỆU ĐỨC VÔ TÁC KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
  3. TÁNH KHÔNG TRONG KINH PHÁP HOA

Bài viết khác của tác giả

  1. TU QUÁN
  2. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
  3. KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ