HH. DALAI LAMA XIV
Trích: Để sống đời sống có ý nghĩa; Nguyên Hảo dịch Việt; NXB. Phương Đông; 2010
Trong một bộ Kinh về Bát Nhã, Đức Phật nói ra lời sâu xa sau đây:
“Trong tâm, tâm không được tìm thấy, bản tánh của tâm là ánh sáng thuần khiết.”
Để hiểu những mức độ của ý nghĩa trong câu Kinh nầy, bạn cần nhận ra tâm là gì, phân tích bản tánh sâu xa của nó, và khảo sát những kết quả tốt và xấu xảy ra như thế nào. Chúng ta hãy khảo sát những phần khác nhau của câu này.
1. Hai chữ “trong tâm” liên quan tới cái gì là tâm – bản tánh trong sáng và hiểu biết của nó. Trong Chương 7 nói về thiền định, chúng ta đã đề cập về bản chất sáng láng và hiểu biết của tâm và, mặc dù nó hiện hữu trong từng khoảnh khắc của tâm, muốn nhận thấy nó(Tâm), cần phải không dính mắc vào những niệm tưởng đã xảy ra và không khởi lên những niệm tưởng mới.
2. Khi Đức Phật nói “tâm không được tìm thấy”, là nói tánh sáng láng và hiểu biết không phải là bản tánh sâu xa nhất và sau cùng của tâm. Nhưng bản chất tối hậu của tâm là “ánh sáng thuần khiết” (tịnh quang), sự rỗng không về hiện hữu cố hữu.
Bạn có thể nghĩ rằng Đức Phật đang nói rằng tâm không hiện hữu, nhưng không phải như vậy. Tôi, với cương vị một người giải thích, đang giải thích câu nầy qua sự làm việc của chính tâm tôi, và bạn, người đọc, đang đọc qua sự làm việc của tâm bạn. Chúng ta luôn luôn sử dụng tâm, và nó luôn luôn đúng với chúng ta, nhưng chúng ta không biết rõ về nó. Như vậy, mặc dù khó nhận ra được tâm, nó có hiện hữu và được phân chia để thấy đó có phải là bản tánh thâm sâu của chính nó hay không.
Chúng ta thấy rõ ràng rằng tâm có hiện hữu, nhưng nó không được thiết lập bằng bản tánh tối hậu và nền tảng của chính nó, thế thì nó hiện hữu như thế nào? Bản tánh sâu xa của nó chỉ là sự rỗng không về hiện hữu cố hữu của chính nó. Điều nầy có nghĩa là những sự bất tịnh làm nhiễm ô tâm thức – như ngu si, tham lam và thù hận – chỉ là giả tạm, và vì vậy ở ngoài tâm. Khi những sự ô trược nầy được hiểu chỉ là ở bề mặt, không phải là tánh chất nền tảng của tâm, chúng ta sẽ thấy bản tánh sâu xa của tâm là ánh sáng thuần khiết, là tánh Không.
NHIỄM Ô CHỈ Ở TRÊN BỀ MẶT, BẢN TÁNH CỦA TÂM LÀ ÁNH SÁNG THUẦN KHIẾT
Các Kinh điển Phật giáo giải thích bằng nhiều cách câu “Nhiễm ô chỉ ở trên bề mặt, bản tánh của tâm là ánh sáng thuần khiết.” Tuy nhiên không phải Đức Phật đã nói về một điều mơ hồ để người ta có thể giải thích tùy tiện. Thật sự, nó có những nghĩa đen và nghĩa bóng khác nhau. Trong Mật Giáo Tối Thượng, có nhiều cách phơi bày ý nghĩa của câu giáo lý khó hiểu. Người ta có thể giải thích nghĩa đen, nghĩa tổng quát, nghĩa bóng và nghĩa cứu cánh của nó.
Để là rõ lời của Đức Phật, “Nhiễm ô chỉ ở trên bề mặt, bản tánh của tâm là ánh sáng thuần khiết.”, trong sự kết hợp với Mật Giáo, tôi sẽ trích Mật Pháp Dãy Mầu Nhiệm là một phần trong Tụng Niệm Tên Mật Pháp Văn Thù:
Đức Phật toàn hảo xuất hiện từ ‘A’
‘A’ là chữ tối thượng trong các chữ
Bằng bốn cách giải thích được nêu ra ở trên, tôi sẽ đưa ra giải thích tổng quát của câu nầy. Chữ “A” là một tiểu từ phủ định trong Phạn ngữ. Nó chỉ cho sự rỗng không, là sự vắng mặt, hay phủ định, của sự hiện hữu cố hữu. Khi Mật Pháp Dãy Mầu Nhiệm nói rằng: “Đức Phật toàn hảo xuất hiện từ ‘A’,” có nghĩa là các Đức Phật xuất hiện từ tánh Không, hoặc nói cách khác, các Đức Phật xuất hiện từ thiền định tánh rỗng không về hiện hữu cố hữu. Từ thiền định, các sự nhiễm ô tiêu tan trong thực tại (tánh rỗng không về hiện hữu cố hữu). Tánh Không, được tượng trưng bằng chữ ‘A’, là một chủ đề tối thượng, và vì vậy Mật Pháp Dãy Mầu Nhiệm nói “ ‘A’là chữ tối thượng trong các chữ”.
Cũng vậy, từ quan điểm Mật Pháp Yoga Tối Thượng, chữ ‘A’ đề cập đến giọt không thể hủy hoại trong đó một thân Phật được đạt đến. Trong Mật Pháp Yoga Tối Thượng, Phật Tánh hiện ra từ sự tập trung vào giọt không thể hủy hoại đó. Thân tối hậu của Đức Phật có bản tính của giọt không thể hủy hoại. Điều nầy giải thích thêm về câu Đức Phật toàn hảo hiện ra từ chữ ‘A’.
Giọt không thể hủy hoại là gì? Đó là sự hợp nhất của luồng khí rất vi tế với tâm rất vi tế. Tâm biết các đối tượng, nơi đó khí, hay năng lượng bên trong, tạo ra ý thức để giao kết với các đối tượng. Vì vậy, với một sự hợp nhất của khí và tâm, tạo ra những đổi thay trong tâm thức.
TÂM VÔ THỦY
Thức không thuộc vật lý. Nó không có màu sắc hay hình dáng hay tính chướng ngại của các vật thuộc vật chất. Thực thể của nó là thuần ánh sáng và hiểu biết, và khi nó gặp một số điều kiện nào đó (như khi một đối tượng hiện diện và khả năng nhận biết hoạt động một cách thỏa đáng), nó phản ánh đối tượng đó. Việc tâm thay đổi từ lúc nầy qua lúc khác, và hiện ra dưới nhiều dạng khác nhau, chứng tỏ rằng tâm vận hành dưới ảnh hưởng của nhân và quả.
Một tâm khởi lên phụ thuộc vào tâm trước cùng loại đòi hỏi có sự liên tục từ vô thủy của tâm. Nếu sự sinh ra của tâm không cần dựa vào những khoảnh khắc trước của tâm nhưng chỉ được tạo ra một cách không lý do, thì tâm có thể được sinh ra bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào, việc đó vô lý. Tương tự, nếu thức không được sinh ra một cách liên tục từ sự tồn tại trước của thức nhưng được sinh ra từ một thứ thuộc vật lý, dù luôn luôn được sinh ra hoặc nó không bao giờ được sinh ra, cũng vô lý. Điều này chứng tỏ rằng thức là một sự liên tục của sự tồn tại trước đó của thức.
Bởi vì thức có nền tảng từ một khoảnh khắc trước của thức, không thể có khởi điểm của giòng liên tục của nó. Không có điểm khởi đầu của thức, và không có điểm chấm dứt cho nó. Sự liên tục nầy cho phép tâm có thể chuyển hóa vào những trạng thái tốt hơn. Khi sự liên tục về tinh thần được kết hợp với những trạng thái bất tịnh, kinh nghiệm của chúng ta bị giới hạn trong thế giới của sinh tử luân hồi. Khi sự liên tục tinh thần vượt ra ngoài những trạng thái bất tịnh, chúng ta có thể đạt được niết bàn. Theo cách đó, tất cả mọi hiện tượng (các pháp) đều là giả tạo hoặc là trò đùa của tâm. Hiện tượng không trong sạch của luân hồi là trò đùa của tâm không trong sạch; hiện tượng trong sạch của niết bàn là trò đùa của tâm trong sạch.
NHỮNG TRẠNG THÁI SAI LẦM CỦA TÂM NƯƠNG TỰA TRÊN VÔ MINH
Vì “Trong tâm, tâm không được tìm thấy, bản tánh của tâm là ánh sáng thuần khiết” những trạng thái không trong sạch như sự ham muốn và lòng ganh ghét không phải là thành phần trong bản tánh của tâm và phải được sinh ra từ vô minh – một ý thức nhận thức sai lầm rằng có một sự hiện hữu cố hữu – hoặc trong khoảnh khắc hiện tại hoặc từ một nguồn có trước. Tất cả những trạng thái sai lầm của tâm có nguồn gốc là ý thức sai lầm. Vô minh là một hình thức của ý thức sai lầm về đối tượng hướng đến; nó sai lầm về nó; nó không có một nguồn gốc nhận thức có giá trị.
Một nhận thức sai lầm về một nhận thức có nền tảng giá trị nắm bắt các hiện tượng (pháp) theo những cách khác nhau, vì vậy cái nầy loại trừ cái kia. Với sự tu tập , khi dần dần quen thuộc với những thái độ đúng thì những trạng thái sai lầm của tâm giảm bớt một cách tự nhiên cho đến khi hoàn toàn bị dập tắt.
Hệ thống giáo lý Phật Giáo đặt nền tảng trên sự mâu thuẫn tự nhiên. Chúng ta muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ. Sự đau khổ mà chúng ta tìm cách để tiêu diệt chủ yếu bắt nguồn từ những thái độ tinh thần, và bởi vì nguồn gốc của sự đau khổ về tinh thần là những phiền não tác động trực tiếp hay gián tiếp, chúng ta phải coi có những sức mạnh nào đối nghịch với chúng hay không. Ví dụ, biết giận hờn sinh ra đau khổ, thì chúng ta phải tìm một sức mạnh ngược lại. Với giận hờn thì đó là tình thương và lòng trắc ẩn. Mặc dù giận hờn, và tình thương, và lòng trắc ẩn đều là ý thức, chúng có những đường lối trái ngược để tiếp cận với cùng một đối tượng. Sự nhận thức của chúng trái ngược nhau. Tương tự , nếu một căn phòng quá nóng, không có cách nào để giảm khí nóng nhưng có thể đem khí lạnh vào. Giống như nóng và lạnh đối ngược nhau, những trạng thái tinh thần cũng có tịnh và bất tịnh đối ngược nhau. Khi phát triển cái này thì cái kia giảm đi. Vì vậy, chúng ta có thể tẩy trừ những trạng thái sai lầm của tâm. Có thuốc để chữa trị.
CHÂN LÝ TƯƠNG ĐỐI VÀ CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI
Tâm tự nó là một chân lý giả lập; thực tại của tâm, sự rỗng không về hiện hữu cố hữu, là chân lý cứu cánh của nó. Hai chân lý nầy được bao hàm trong một thực thể không thể phân chia. Vì có một sự hợp nhất giữa hai chân lý giả lập và cứu cánh của tâm, nên có một sự hợp nhất giữa hai chân lý đối với mỗi và mọi đối tượng. Hình tướng của nó là chân lý giả lập; và tánh rỗng không về hiện hữu cố hữu là chân lý cứu cánh của nó.
Thực tại cứu cánh được biết qua lý luận về duyên khởi. Ví dụ, tâm là một thực thể hiện ra một cách tùy thuộc, tâm không có sự hiện hữu cố hữu. Khi hiểu tánh Không qua lý luận về duyên khởi, bạn nhận ra rằng tất cả mọi hiện tượng (pháp) là những tập hợp của duyên khởi và tánh Không; sắc tướng và tánh Không được nhận thấy là hài hòa với nhau.
Sự hiện khởi một cách tùy thuộc của các hiện tượng giả lập tạo khung cảnh cho giáo pháp về từ bi – được gọi là “con đường rộng lớn,” vì số lượng lớn về các sự thể hiện như vậy. Tánh rỗng không về hiện hữu cố hữu của các hình tướng tạo nền tảng cho giáo pháp “con đường thâm sâu,” vì tánh Không là bản tánh tối hậu của hiện tượng – an tịnh, vượt ngoài khái niệm, và một vị. Qua việc tu tập thiền quán về hai con đường nầy – từ bi và trí huệ thâm sâu về tánh Không – trong một đường lối không phân ly, những trạng thái sai lầm của tâm trong chuỗi tồn tại liên tục nơi bạn dần dần chuyển hóa. Chúng từ từ được tẩy trừ, và những đức tính tuyệt vời của tâm và thân của một Đức Phật xuất hiện.
Phật Tánh đạt được qua sự tu tập kết hợp giữa từ bi (động cơ thúc đẩy) và trí huệ. Tuy nhiên, từ bi và trí huệ có những ảnh hưởng tương ứng lên Phật Tánh. Kết quả của sự tu tập từ bi là các Sắc Thân (thân hình tướng) của một Đức Phật hiện hữu để thực hiện trọn vẹn hạnh phúc cho những chúng sanh khác. Kết quả của sự tu tập trí huệ là Chân Thân (Pháp Thân) của một Đức Phật, là sự hiện thực trọn vẹn sự phát triển bản thân. Đâu là những hình tướng chính của từ bi (động cơ thúc đẩy) và trí huệ? Từ bi là khuynh hướng hướng về người khác để giác ngộ, được thúc đẩy bằng tình thương và lòng trắc ẩn, và hướng đến việc tu tập những hạnh như bố thí, trì giới và nhẫn nhục. Hình thức chính của trí huệ là một ý thức sáng suốt nhận thấy được tánh rỗng không về hiện hữu cố hữu.
Nền tảng của Phật Giáo có ba phương diện. Căn bản là hai chân lý (hai đế), giả lập và cứu cánh. Từ hai chân lý nầy con đường đạo hiện ra với hai tác nhân song đôi là từ bi (động cơ thúc đẩy) và trí huệ, mỗi tác nhân liên hệ với chân lý tương ứng. Quả , hay kết quả của cuộc hành trình trên đường đạo, là sự thực hiện của hai thân – Sắc Thân và Pháp Thân của một Đức Phật. Để gom tất cả những điều nầy với nhau, trên nền tảng của hai chân lý – giả lập và cứu cánh – tu tập hai đức tính của con đường đạo từ bi và trí huệ – để đạt đến kết quả là Sắc Thân và Pháp Thân của một vị Phật.
TÓM TẮT NHỮNG TU TẬP HẰNG NGÀY
1. Nhận ra bản chất sáng láng và hiểu biết của tâm, không bị niệm tưởng che mờ.
2. Thường xuyên thăm dò bản tánh sâu xa của tâm để khám phá ra sự vắng bóng của hiện hữu cố hữu, sự rỗng không của nó, bằng cách tư duy về sự tùy thuộc của tâm vào các nguyên nhân và điều kiện và vào các thành phần của nó – bao hàm sự việc rằng bất cứ khoảng thời gian nào đi qua trong tâm cũng tùy thuộc vào những thành phần trước và sau của khoảng thời gian đó.
3. Cố gắng nhận ra sự tương hợp giữa sự thể hiện ra bên ngoài của tâm với sự rỗng không về hiện hữu cố hữu của nó, nhìn xem hai cái nầy nương tựa lẫn nhau như thế nào.