BÌNH GIẢNG 37 PHÁP TU CỦA BỒ TÁT_Pháp Tu Thứ 16

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

GARCHEN RINPOCHE

“Mặc dù kẻ mà ta chăm sóc yêu thương như con đẻ lại xem ta như kẻ thù, hãy đối xử với kẻ đó như một bà mẹ hiền yêu thương đứa con bị bệnh. Đó là pháp tu của Bồ tát.”

Chịu đựng tình huống này là cực kỳ khó nhưng nó lại hay xảy ra. Khuyết điểm là gì? Đó là sự chấp ngã. Ví dụ như một bậc phụ huynh có hai đứa con nhưng lại thương đứa này nhiều hơn đứa kia và đứa trẻ được cưng chiều nói hoặc có hành động xúc phạm đến cha mẹ mình. Điều này xảy ra rất nhiều trong cõi Luân hồi này. Áp dụng câu kệ này trong thực tế, chúng ta phải nhận biết khuyết điểm, vốn là sự chấp ngã. Một khi sự chấp ngã đang hiện hữu thì đây là một khuyết điểm cho dù cái ngã có bám luyến bất kỳ đối tượng nào đi chăng nữa. Tình yêu thương cứng rắn vẫn có thể là tình yêu thương chân thực, nhưng một khi tình yêu thương bị nhuốm các ý nghĩ như ‘Đây là con trai tôi’ và ‘Tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để mang lại lợi lạc cho nó’ thì đấy là một khuyết điểm và không mang lại ích lợi gì cả. Nó sẽ trở thành khuyết điểm chấp ngã. Kế tiếp, nếu đó không phải là chuyện con cái của con, nếu con rất yêu thương bạn con thì tình yêu thương đó vẫn bị ô nhiễm bởi sự chấp ngã khi con nghĩ rằng: ‘Đây là bạn của tôi’. Nếu sự bám luyến rất sâu nặng thì con sẽ ganh ghét những bạn khác của người này và nếu con ganh ghét như vậy, bạn con sẽ không thích. Nhưng nếu con muốn giữ người bạn đó và con không chấp ngã thì con nên nghĩ: ‘À, người này là bạn của mình. Người này càng có nhiều bạn thì càng tốt chứ sao’. Rồi nếu người này lục đục với những người bạn khác, anh ta sẽ thực sự coi trọng con. Ngược lại, nếu con ngăn không cho anh ta có thêm bạn thì điều này cũng chẳng khác gì câu nói: ‘Tôi không muốn bạn được hạnh phúc’. Chúng ta phải giữ cho mối quan hệ giữa bạn bè, người thân và bản thân mình không bị ô nhiễm bởi sự ganh ghét và khi nó khởi lên, chúng ta phải tự nhắc mình nhớ đến Bồ đề tâm và không nổi giận.

Khi con nhìn vào tình huống mô tả trong câu kệ, con sẽ tự hỏi rằng ai đã gây ra cớ sự này. Con phải hiểu được rằng việc này xảy ra vì có liên quan đến hai khuyết điểm. Thứ nhất là sự thoái chuyển Bồ đề tâm. Ngay cả khi đây không phải là người thân của con, nếu con đã có tình yêu thương mãnh liệt đối với kẻ đền đáp tình yêu thương này bằng cách hại con, và rồi sau đó con nổi giận thì con sẽ đánh mất Bồ đề tâm. Thứ hai, nếu con đi tìm nguyên nhân dẫn đến tình huống này, con sẽ thấy đấy là sự chấp ngã. Nếu con bám luyến vào cái ngã và nói: ‘Ngoài tôi ra thì anh không được kết bạn với ai khác’ thì sự ganh ghét sẽ khởi lên. Nếu lúc đó, do sự chấp ngã của mình, con ganh ghét những người bạn khác của anh ta thì con sẽ phá vỡ tình yêu thương đối với người bạn này; điều này chẳng khác gì câu nói: ‘Tôi không muốn nhận anh làm bạn với tôi’. Nếu con thực sự mong muốn anh ta làm bạn với mình thì con sẽ nói: ‘Càng nhiều bạn thì càng tốt’ và lúc đó, tình bằng hữu của con sẽ luôn hòa thuận. Đây là tình yêu thương không chấp ngã. Nếu con hiểu được điều này thì con sẽ thấy tất cả các khuyết điểm là do sự chấp ngã. Có nhiều người đã gặp tình huống khó khăn này. Tóm lại, con không nên nổi giận với bạn. Nếu con phải chia tay một người bạn mà con yêu thương thì con phải gìn giữ tình yêu thương của con đối với anh ta; tình yêu thương con dành cho anh ta là tình yêu thương của con và tình yêu thương mà anh ta có là tình yêu thương của anh ta. Do đó, hãy nghĩ rằng tình yêu thương này là Bồ đề tâm. Ngay cả khi con không còn gặp lại người bạn này nữa, con phải gìn giữ tình yêu thương và cầu cho anh ta luôn luôn hạnh phúc. Nếu con phải chia tay anh ta thì đây là nghiệp của con. Tóm lại, con phải loại bỏ sự sân hận. Điều này là cực kỳ quan trọng.

Bồ đề tâm là tình yêu thương. Con nghĩ rằng cảm xúc mà con dành cho vợ hay con của mình là tình yêu thương. Đây là tình yêu thương nhưng lại là tình yêu mà tôi mang đến cho họ, chi phí mà tôi phải bỏ ra là hạnh bố thí. Không làm tổn hại họ là hạnh trì giới. Không khởi sân hận đối với họ, cho dù họ có gây khó cho tôi, là hạnh nhẫn nhục’. Nếu con xem đây là việc thực hành các hạnh bố thí, trì giới và nhẫn nhục thì con sẽ không nổi giận đối với con cái của mình cho dù nó có có gây khó cho con. Con phải nghĩ rằng: ‘Cho dù nó có mang lại lợi ích cho tôi hay không thì nó cũng là phương tiện hỗ trợ cho tôi tu tập tốt’. Làm được như vậy thì lợi lạc sẽ đến với con vì ở đây không có sự chấp ngã. Rồi tình yêu thương trong tâm con sẽ thanh tịnh, như thực phẩm thanh tịnh vậy. Ngay khi con nghĩ rằng ‘Cái này là của tôi’, ngay khi mà cái tôi khởi lên, mọi thứ đều bị nhiễm độc. Điều này cũng đúng cho các giới hạnh gốc của con. Vì thế chúng ta khấn nguyện ‘Nguyện cho con đạt giác ngộ vì lợi ích của toàn bộ chúng sinh’ khi bắt đầu [thực hành Pháp]. Khi còn nghĩ ‘Ta phải đạt giác ngộ’ thì con còn thuộc về Biệt giải thoát thừa . Rồi khi tâm con đã được tịnh hóa (Tiếng Tạng gọi là Sang, âm tiết thứ nhất của từ Sang gye hay Phật) và con chứng ngộ được vô ngã thì con vẫn chưa thể trở thành ‘vô lượng’ (âm tiết thứ hai – gye). Con sẽ giống như vị Thanh văn Biệt giải thoát thừa , là người đã đạt quả vị A La Hán nhưng vẫn chưa được hoàn toàn giải thoát. Tóm lại, chư vị này đã chứng ngộ được vô ngã nhưng chưa sở đắc sự ‘vô lượng’ bởi vì họ chưa có tâm Bồ đề bao la. Lúc đầu khi chúng ta phát khởi Bồ đề tâm bằng cách quán tưởng ‘Tất cả chúng sinh – mẹ hiền, vô lượng như hư không, là đàn con của ta’ thì chúng ta phát khởi một ý nguyện cao cả. Khi ý nguyện này đã được trưởng dưỡng và rồi đến khi con chứng ngộ được tánh Không thì con sẽ trở thành vừa ‘bao la’ (gye), vừa thanh tịnh (sang). Rồi con sẽ có năng lực mang lại lợi lạc đến cho chúng sinh như công dân làm việc để tổ quốc mình được giàu mạnh vậy. Khi con chứng ngộ được ý nghĩa của tánh Không hay sự vô ngã thì sự chấp ngã sẽ tàn úa như đóa hoa khô.

Sự chấp ngã là tai hại và tình yêu thương thanh tịnh là không thể nghĩ bàn. Nếu con nghĩ về gia đình của mình thì con sẽ thấy chẳng có chúng sinh nào mà chẳng từng là người thân của con trong tiền kiếp. Một khi con xác quyết được rằng chúng ta đã từng là cha mẹ hay người thân của nhau, con sẽ thấy mọi người đều như nhau cho dù họ có phải là bạn của con hay không. Con sẽ yêu thương tất cả mọi người. Đây thực sự là một giáo huấn tối thượng.

Chuyển Việt ngữ: Tiểu Nhỏ (Konchog Kunzang Tobgyal) và Trần Lan Anh (Konchog Sherab Dronma), 2014.
Ảnh: Garchen Rinpoche

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÔNG HẠNH – NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP
  2. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  3. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH