KINH VIÊN GIÁC
Trích: Kinh Viên Giác lược giảng - Chương Bồ Tát Phổ Hiền; Hán ngữ: Đại Phương Quảng Viên Giác Liễu Nghĩa Kinh Đời Đường, nước Kế Tần, Sa Môn Phật Đà Đa La; Việt ngữ: Đương Đạo dịch và giảng giải; NXB. Thiện Tri Thức; 2015
?BỒ TÁT PHỔ HIỀN THƯA HỎI LÀM SAO TU HÀNH
Bấy giờ Bồ tát Phổ Hiền ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật nhiễu quanh bên phải ba vòng, quỳ thẳng chắp tay và bạch Phật rằng:
Thế Tôn đại bi, xin nói cho các Bồ tát trong hội này cùng tất cả chúng sanh đời rốt sau tu Đại thừa, được nghe cảnh giới Viên Giác thanh tịnh này, làm sao tu hành?
Bạch Thế Tôn, nếu chúng sanh biết là như huyễn thì thân tâm cũng huyễn, làm sao lại lấy huyễn để tu cái huyễn?
Còn nếu các huyễn diệt hết thì không có tâm, lấy ai để tu hành, thế thì sao lại nói tu hành như huyễn?
Với các chúng sanh chưa tu hành, ở trong sanh tử thường sống theo huyễn hóa, chưa từng biết cảnh giới như huyễn, làm sao thoát khỏi tâm vọng tưởng huyễn hóa?
Xin Đức Phật chỉ bày cho tất cả chúng sanh đời sau làm phương tiện nào, thứ lớp tu tập ra sao, khiến cho chúng sanh vĩnh viễn lìa dứt các huyễn.
Nói xong, năm vóc làm lễ sát đất, cầu thỉnh như vậy lặp lại ba lần.
? ĐỨC PHẬT KHEN NGỢI
Bấy giờ Thế Tôn bảo cùng Bồ tát Phổ Hiền:
Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Các ông có thể vì các Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau mà thưa hỏi sự tu tập tam muội Như Huyễn của Bồ tát, phương tiện thứ lớp, khiến cho chúng sanh được lìa các huyễn. Nay các ông lắng nghe, ta sẽ vì các ông nói.
Khi ấy Bồ tát Phổ Hiền hoan hỷ vâng lời dạy, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.
? HUYỄN HÓA ĐỀU NẰM TRONG DIỆU TÂM VIÊN GIÁC
Thiện nam tử! Mọi thứ huyễn hóa của tất cả chúng sanh đều sanh trong Diệu Tâm Viên Giác Như Lai, giống như hoa đốm giữa hư không ở trong hư không mà có, hoa huyễn tuy diệt mà tánh hư không chẳng hề hoại diệt.
Thức tâm huyễn hóa của chúng sanh cũng như hoa đốm kia, y theo huyễn mà diệt, tuy các huyễn diệt hết, giác tâm bất động.
Nương nơi huyễn để nói rằng Giác, thì đó cũng chỉ là huyễn. Nếu nói có Giác thì vẫn chưa lìa huyễn. Còn nói không giác thì cũng chưa khỏi huyễn.
Thế nên huyễn diệt, gọi là tánh giác chẳng động.
? PHẢI XA LÌA CÁC HUYỄN: CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
Thiện nam tử! Tất cả Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau cần phải xa lìa hết thảy cảnh tướng huyễn hóa hư vọng. Do chấp chặt cái tâm xa lìa, tâm ấy như huyễn nên cũng phải xa lìa. Cái lìa “sự xa lìa” ấy là huyễn nên cũng phải xa lìa.
Đến chỗ “không có gì để lìa” tức là trừ hết các huyễn.
Ví như lấy lửa từ hai thanh cây cọ xát nhau, lửa phát ra thì cây cháy trọn, tro bay khói hết. Dùng huyễn để tu huyễn thì cũng như vậy. Các huyễn tuy hết mà chẳng rơi vào đoạn diệt.
? NHẤT THỜI ĐỐN CHỨNG TÁNH GIÁC LÀ BIẾT HUYỄN TỨC LÌA, LÌA HUYỄN TỨC GIÁC
Thiện nam tử! Biết huyễn tức lìa, chẳng khởi phương tiện; lìa huyễn là giác, cũng không thứ lớp.
Tất cả Bồ tát chúng sanh đời sau y đây tu hành, như thế mới có thể lìa vĩnh viễn các huyễn.
? BÀI KỆ TRÙNG TUYÊN
Bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng:
Phổ Hiền ông nên biết
Mọi huyễn hoá vô minh
Vô thủy của chúng sanh
Đều sanh trong Viên Giác,
Tâm của chư Như lai.
Như hoa đốm giữa không
Y không mà có tướng
Hoa không nếu mà diệt
Hư không vốn chẳng động.
Các huyễn từ giác sanh
Huyễn diệt, giác viên mãn
Tâm Giác vốn chẳng động.
Nếu như các bồ tát
Và chúng sanh đời sau
Thường xa lìa các huyễn
Các huyễn thảy đều lìa
Như trong cây sanh lửa
Cây tiêu lửa cũng tắt
Giác tức không thứ lớp
Phương tiện cũng như vậy.