NỀN GIÁO DỤC NHẬT BẢN, NỀN GIÁO DỤC ÂU MỸ

YOSHITAKA KITAO

Trích: Nhân Sinh Duy Tân
Dịch Giả: Hồng Ngọc
Nhà Xuất Bản Thế Giới, Năm 2016

Yoshitaka Kitao là người đứng đầu một tập đoàn tài chính lớn tại Nhật Bản – SBI Holding. Ông cũng là thành viên HĐQT công ty toàn cầu phần mềm bảo mật Trend Micro. Ông thích viết, về nhân sinh, về các sự kiện, về hoàn thiện bản thân.

——-*——-

Hệ Thống 6 – 3 – 3 – 4 Là Một Hệ Thống Ngớ Ngẩn.

Ông Kubota Ryo, CEO của Công ty Acucela, cách đây 1 năm từng viết trên twitter của mình rằng, “Tôi cảm thấy nguồn gốc của sự sáng tạo trong tôi là do nhận được sự giáo dục từ hai nền giáo dục rất khác nhau là Nhật Bản và Hoa Kỳ”.

Tiếp nối dòng tweet phía dưới, ông nói, “Điều tôi cảm thấy thật tốt khi được học trong nền giáo dục Nhật Bản là tầm quan trọng của việc chính xác tới từng chi tiết nhỏ. Thêm vào đó, tôi đã được rèn luyện một khả năng cần thiết cho việc phát huy khả năng sáng tạo của mình khi học tại Nhật Bản, đó là thiết lập và tôn trọng các loại khung, khuôn mẫu (Cả những chiếc khung vượt quá mọi khuôn khổ từ trước đến giờ với ý nghĩa chưa từng có tiền lệ)”.

Tôi hoàn toàn đồng cảm với những kiến giải này của ông Kubota về giáo dục nhưng mặt khác, khi thử đem so sánh nền giáo dục Nhật Bản và nền giáo dục Âu Mỹ thì trong khi nền giáo dục Nhật Bản chú trọng tính đồng dạng, đồng nhất thì ở Âu Mỹ , họ cho rằng việc giáo dục theo cách đồng dạng, đồng nhất sẽ dẫn tới sự thiếu công bằng với mỗi cá nhân.

Nói cách khác, những học sinh có năng lực, có tài năng thì có quyền chuyển sang giai đoạn tiếp theo sau khi kết thúc sớm một giai đoạn nào đó. Xâm hại quyền lợi này, yêu cầu tất cả mọi người đều phải làm những việc giống nhau chính là cách thức của Nhật Bản, ngược lại, hỗ trợ khả năng của những học sinh đó, giúp chúng phát triển thêm là cách làm của các nước Âu Mỹ. Tôi cho rằng điều này bắt nguồn từ quan điểm giáo dục của người Do Thái.

Tác giả phản đối kịch liệt chế độ giáo dục đồng nhất của Nhật Bản. Ông cho rằng đây là một điều hết sức vô lý. Ví dụ, một học sinh giỏi toán học, vật lý và hóa học lại phải tiêu tốn rất nhiều thời gian vào các lĩnh vực hoàn toàn không liên quan như điển cố, Hán văn. Nếu em đó không muốn học những môn nào khác ngoài những môn học giỏi thì việc này sẽ gây nhiều khó khăn cho em. Liệu có phải chúng ta đang lãng phí thời gian của trẻ em trong khi chúng có thể dành thời gian này cho những môn học yêu thích và tiến bộ thêm? Việc này đã và đang diễn ra một thời gian rất dài.

Đất nước Nhật Bản rất giỏi trong việc cải cách nhưng phải chăng đang dần trở thành một quốc gia có ít những điều do mình tạo ra bởi chính hậu quả phát sinh từ nền giáo dục vừa được nói đến ở trên? Nếu Nhật Bản không thay đổi một cách cơ bản nền giáo dục chi phối, liên quan tới mọi thứ, cả tính sáng tạo, tính đổi mới, tôi lo sợ rằng Nhật Bản không thể tái sinh thành một quốc gia sáng tạo, đổi mới.

Hơn nữa, trong những người nhận giải Nobel Vật lý, Nobel Hóa học, thì thấy có người Nhật Bản, có người nước ngoài, nhưng một sự thật là phần đông trong số đó sau khi tốt nghiệp đại học thì sang Mỹ lấy bằng tiến sĩ với tư cách nghiên cứu sinh hay ở lại trong một thời gian dài tham gia các hoạt động nghiên cứu.

Quả nhiên là nước Mỹ không quan tâm tới quốc tịch. Nếu là người có tài thì sẽ được tiếp nhận các thử thách. Hơn nữa, nếu người nào đó có ý định khởi nghiệp thì công ty của người đó có thể được hỗ trợ đầy đủ về mặt tài chính, bên cạnh sự giúp đỡ từ chính phủ, các tổ chức địa phương, còn có thể nhận được tiền từ các nhà đầu tư thiên thần hay nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.

Ngoài ra, tiến sĩ Kato Hidetoshi đã chỉ ra, ở Nhật, “Từ năm 1950 đến năm 1970, thời đại của những vụ mâu thuẫn giữa các trường học thì thuật ngữ “hợp tác giữa trường học và các ngành sản xuất” thường mang ý nghĩa không tốt. Mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và giới sản xuất là rất xấu. Chưa cần lấy Thung lũng Silicon làm ví dụ thì việc hợp tác giữa các trường đại học với giới sản xuất ở Mỹ vốn đã là đương nhiên rồi, khác hoàn toàn so với Nhật Bản”.

Bởi vậy, để có thể thay đổi hoàn toàn hệ thống giáo dục Nhật Bản vốn chỉ đơn thuần bắt học sinh theo học một lối đồng nhất thì cần phải sớm đánh giá xem, “Tài năng của đứa trẻ này là gì? Nên dạy dỗ nó như thế nào?”, sau đó là tới việc chuyển đổi hệ thống giáo dục nhằm phát triển cá tính và tài năng của mỗi trẻ.

Cuối cùng, thêm một điều nữa. Hôm trước, tôi cũng đã chỉ ra trong bài viết “Nhìn lại hệ thống giáo dục 6 – 3 – 3 – 4”, cách suy nghĩ cơ bản của tôi là để tạo nên những người giỏi trong một lĩnh vực nào đó cần cho họ nền giáo dục cao hơn xung quanh lĩnh vực đó từ sáng đến tối. Bởi vậy, nên để học sinh có thể tự chọn các lĩnh vực theo học, để có thể tiến bộ, để có thể vượt cấp trong lĩnh vực đó.

Một đứa trẻ 3 tuổi có IQ trên 160, có năng lực đọc hiểu của một học sinh lớp 5, có lẽ là một trường hợp vô cùng hiếm gặp nhưng ít nhiều cũng nên trao cơ hội cho những học sinh ở cấp tiểu học và trung học cơ sở chỉ cần 5 năm và 2 năm là đủ hay những người có khả năng không đến 3 năm trung học phổ thông đã có thể học tiếp lên đại học.

Tôi cho rằng để phát hiện sớm tài năng ở mỗi cá nhân, nuôi dưỡng, đào tạo nên thiên tài trong nhiều lĩnh vực, Nhật Bản cần nghiêm túc giải quyết các vấn đề, sớm phá bỏ hệ thống 6 – 3 – 3 – 4 ngớ ngẩn, để những điều như vượt cấp được diễn ra tất yếu, sau đó, những người học vượt cấp có thể thực hiện nghiên cứu ở nước ngoài nhờ việc du học.

Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là việc nuôi dưỡng tài năng của trẻ em trong môi trường công phu và liên ngành để các em được học từ cách làm người, học trên phương diện tình cảm rồi mới mở rộng phạm vi giáo dục.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIÁ TRỊ CON NGƯỜI
  2. GIÁO DỤC
  3. DALAI LAMA NÓI VỀ GIÁO DỤC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP