GIÁO HUẤN VỀ BẢN TÂM

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Những Lời Khai Thị Từ Bậc Tôn Quý; Trung tâm Drikung Dharma Surya biên tập năm 2013 và giữ mọi bản quyền

Một trăm học giả và một ngàn hành giả có thể phát biểu đủ điều tất cả những gì họ muốn nói về bản tâm theo ý của họ. Nhưng [tựu trung] tất cả có thể được tóm gọn qua giáo huấn sau đây của ngài Jigme Lingpa, ‘Tâm không bao giờ được xa lìa lòng từ ái và bi mẫn. Lòng từ ái và bi mẫn không bao giờ được xa lìa tánh Không. Và chánh niệm tỉnh giác không bao giờ được xa lìa tánh Không’. Đó là những giáo huấn cốt tủy.

Đại Sư Garchen Rinpoche hoằng Pháp tại chùa Tây Tạng Tự (Bình Dương) 07/2017

Đại Sư Garchen Rinpoche hoằng Pháp tại chùa Tây Tạng Tự (Bình Dương) 07/2017

Sinh trưởng tại miền Đông Tây Tạng vào sáng sớm ngày 25 của tháng thứ Nhì, năm Hỏa Ngưu (1937), Đạo sư Garchen Rinpoche thứ 8 đương thời là hóa thân của một hành giả thâm chứng đã từng sống trong thế kỷ thứ 12 có tên là Gar Chodingpa là một trong các đệ tử tâm truyền của Đức Kyobpa Jigten Sumgon Rinpoche, sơ tổ của dòng Drikung Kagyu, vốn được chân truyền từ đại dịch giả – học giả Marpa Lotsawa và đại thi hào – hành giả Milarepa. Đại sư Garchen Rinpoche, nổi tiếng với sự chứng ngộ cao thâm, với lòng từ ái và bi mẫn quảng đại, rất được kính trọng không những bởi các đại sư và đệ tử của dòng Drikung mà còn cả của các dòng phái khác.

Bài viết dưới đây được trích từ quyển sách “Những lời khai thị từ bậc tôn quý“, tổng hợp 108 bài pháp đặc biệt đầy trí huệ về các giáo huấn cốt tủy của Đức Phật liên quan đến Ba mươi bảy pháp hành Bồ tát đạo, luật nhân quả không sai chệch và các thực hành tối hậu về Bồ đề tâm tương đối và Bồ đề tâm viên mãn.

—– ??? —–

KHAI THỊ SỐ 72

PHẬT TÁNH

Chúng ta phải hiểu rằng Phật tánh và Phật huệ luôn sẵn có trong tâm thức chúng ta. Điều này tuy được giảng giải cặn kẽ bởi nhiều đạo sư và đại học
giả nhưng lại rất đơn giản. Chính tánh giác đó đang tham gia vào mọi hoạt động thế tục hay đạo pháp. Đó chính là cái đang nghĩ rằng ‘
Mình phải làm cái này, cái kia, phải đi đây, đi đó’ hoặc ‘các nhà khoa học chế tạo máy bay và cải thiện thế giới đang làm cái này, cái kia.’ Chúng ta phải nhận biết tánh giác đó, cái tánh giác vốn đang tham gia vào tất cả các hoạt động và làm ra tất cả các thứ đó.

Nếu chúng ta cỡi con ngựa chấp ngã và hòa tâm mình với sự chấp ngã thì càng ngày chúng ta sẽ chỉ càng tuột sâu xuống cõi luân hồi và chúng ta sẽ phải tiếp tục lang thang trong cõi luân hồi. Nhưng nếu chúng ta cỡi con ngựa từ ái và bi mẫn thì càng ngày chúng ta sẽ càng thể nhập phẩm tánh giác ngộ của Đức Phật: Hóa thân, Báo thân và Pháp thân – chúng ta sẽ đi đến giác ngộ viên mãn.

Hãy lấy cái cây lớn làm một ví dụ khác. Phần dưới thấp – phần rễ tượng trưng cho các cõi thấp, sự chấp ngã và các khổ đau do chấp ngã mang lại. Nếu có sự chấp ngã thì chúng ta sẽ luôn luôn trú ngụ ở phần dưới cây. Nhưng nếu chúng ta phát tâm vị tha thì chúng ta sẽ được lên phần trên của cây – cành, lá, tán cây, hoa, quả, v.v… Chỉ có một cái cây duy nhất, một bản thể duy nhất nhưng nếu chúng ta trú ngụ ở phần dưới thì chúng ta sẽ gặp nhiều khổ đau và chướng ngại do tâm chấp ngã sinh ra; nhưng nếu chúng ta lên phía trên, chúng ta sẽ mang lại lợi lạc cho những người khác và hạnh phúc cho chính chúng ta. Nền tảng ấy, bản thể chỉ là một thứ duy nhất – đó chính là Phật tánh.

KHAI THỊ SỐ 73

GIÁO HUẤN VỀ BẢN TÂM

Một trăm học giả và một ngàn hành giả có thể phát biểu đủ điều tất cả những gì họ muốn nói về bản tâm theo ý của họ. Nhưng [tựu trung] tất cả có thể được tóm gọn qua giáo huấn sau đây của ngài Jigme Lingpa, ‘Tâm không bao giờ được xa lìa lòng từ ái và bi mẫn. Lòng từ ái và bi mẫn không bao giờ được xa lìa tánh Không. Và chánh niệm tỉnh giác không bao giờ được xa lìa tánh Không’. Đó là những giáo huấn cốt tủy.

KHAI THỊ SỐ 74

HÃY THUẦN DƯỠNG TÂM THỨC CỦA CHÍNH MÌNH

Hiểu rõ về nghiệp quả, thầy đã không bị chi phối bởi khổ đau chiến tranh. Thầy đã có thể chịu đựng và tạo dựng hạnh phúc cho tương lai. Qua sự hiểu biết về nghiệp quả, thầy đã đạt được sự độc lập và hiện đang cảm thấy hạnh phúc trong mọi lúc. Hiểu được rằng nghiệp quả nằm ở ngay trong tâm thức là điều quan trọng nhất.

Đức Phật đã dạy rằng: ‘Hãy hoàn toàn thuần dưỡng tâm thức của chính minh. Đây là giáo huấn của Đức Phật.’ Đức Phật không dạy rằng: ‘Hãy hoàn toàn thuần dưỡng tâm thức của những người khác’. Chúng ta phải tịnh hóa tâm thức của chính mình. Khi con tịnh hóa tâm thức của mình, con phải bắt đầu với những người đang gần gũi con hằng ngày, với gia đình, bạn bè, … Thầy vô cùng hy vọng rằng tất cả các con ghi nhớ điều này trong lòng và phát khởi tâm từ ái và bi mẫn cho nhau. Hãy phát khởi tâm yêu thương đối với cha mẹ, thầy cô, đất nước của mình rồi phát triển tình yêu thương này đến tất cả các chúng sinh. Sau này khi chúng ta lìa đời, cho dù có dành dụm được hàng triệu đô la thì cũng chẳng có ích gì. Lúc đó, chỉ có tâm yêu thương là quan trọng. Tâm này sẽ theo chúng ta suốt tất cả các đời kiếp. Do đó, thầy rất hy vọng các con duy trì được tâm yêu thương này.

Tuy rằng thầy không thể hiện diện bằng xương, bằng thịt bên con hôm nay nhưng tâm thầy vẫn kề cận bên con. Thầy cầu nguyện cho tất cả các con phát khởi được tình yêu thương và có được con tim từ bi. Chúng ta đang tham dự khóa nhập thất Nyungne ở [tiểu bang] Arizona này vì hòa bình và hạnh phúc trên thế giới, để cho chúng sinh có thể sống hòa hợp, không chiến tranh, để cho tất cả chúng sinh có thể phát khởi được tâm từ ái và bi mẫn và nhờ đó, vượt thoát được mọi khổ đau.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC
  2. HIỂU BIẾT PHẬT TÁNH
  3. TÌNH YÊU THƯƠNG, NGUỒN GỐC CỦA HẠNH PHÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
  2. SÂN GIẬN
  3. NHỮNG HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU

Bài viết mới

  1. KRISHNAMURTI VỀ Ý NGHĨ
  2. TẠI SAO CON NGƯỜI CẦN HÀNH ĐỘNG CHÍNH TRỰC?
  3. BẢN NGÃ KHÔNG LÀ GÌ KHÁC NGOÀI TRẠNG THÁI Ý THỨC