NHỮNG ĐIỀU MÀ GIÁO DỤC NÊN LÀM

INAMORI KAZUO

Trích: Cách sống - Từ bình thường trở nên phi thường; Phạm Hữu Lợi dịch; NXB. Lao động - Xã hội; Công ty CP Sách Thái Hà; 2017

Inamori Kazuo (sinh năm 1932) là một doanh nhân thành đạt không chỉ ở Nhật Bản. Ông tốt nghiệp Khoa Kỹ thuật Công nghiệp Đại học Kagoshima. Năm 1959, ông thành lập công ty cổ phần Kyoto Ceramic (hiện nay là Kyocera).

Năm 1984, ông thành lập công ty DDI (hiện nay là KDDI) với cương vị Chủ tịch. Từ năm 2001, ông trở thành cố vấn tối cao. Năm 1984, ông trích 200 tỷ Yên (khoảng 200 triệu USD) từ tài sản riêng để thành lập Quỹ Inamori và Giải thưởng Quốc tế Kyoto. Giải thưởng Quốc tế Kyoto được đánh giá không thua kém Giải thưởng Nobel, hàng năm tổ chức khen thưởng những người có thành tích cống hiến cho sự phát triển và tiến bộ xã hội. Năm 1989, ông lập trường tư thục Seiwa để đào tạo các nhà quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời ông giữ chức Hiệu trưởng.

Năm 2003, ông là người Nhật Bản đầu tiên được trao giải thưởng lòng bác ái của Quỹ Canergie (Mỹ).

Năm 2010, ở tuổi 78, ông nhậm chức Chủ tịch hội đồng quản trị hãng Hàng không quốc gia Nhật Bản JAL theo đề nghị của chính phủ Nhật Bản, và giúp vực dậy hãng hàng không này từ chỗ đã bị phá sản được quay trở lại niêm yết trên sàn giao dịch số một của thị trường chứng khoán Tokyo chỉ trong vòng hai năm sau đó.

Những triết lý nhân sinh sâu sắc, những hành động và suy nghĩ thấm đượm tinh thần hy sinh vì mọi người được ông đem vào áp dụng trong môi trường kinh doanh khốc liệt, đã giúp ông thành công và truyền cảm hứng cho một bộ phận không nhỏ các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp đất nước Nhật Bản.

Bài viết dưới đây trình bày quan điểm của ông về cách thức giáo dục cần phải làm để đóng góp vào việc xây dựng một nền tảng đạo đức cho các thế hệ tương lai. Một điều cũng vô cùng bức thiết đối với hiện trạng giáo dục hiện nay tại Việt Nam.

Trân trọng kính mời quý độc giả cùng đọc và suy ngẫm.

—– ???—–

BÂY GIỜ LÀ LÚC PHẢI CHUYỂN SANG GIÁO DỤC NHÂN CÁCH TRÊN NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC

Vì sao chúng ta đánh mất những nguyên tắc đạo đức căn bản? Vì sao chúng ta lãng quên lòng vị tha, lãng quên tinh thần mình vì mọi người? Câu trả lời thật dễ dàng. Vì người lớn đã không dạy những điều đó cho con trẻ.

Đã 60 năm kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, đa số những người Nhật Bản hiện đang sống đều không được dạy về những nguyên tắc đạo đức căn bản. Tôi biết rõ điều này vì tôi thuộc thế hệ được giáo dục trước Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Sau chiến tranh, người ta hiểu một cách tuỳ tiện, suy diễn quá đà về lòng tự tôn và tính tự chủ, người ta chỉ dạy về tự do còn về bổn phận và nghĩa vụ của con người thì hầu như không dạy. Có thể nói, chúng ta đã làm rất qua loa đại khái việc dạy trẻ em học các quy tắc tối thiểu nhất, cần thiết nhất để sống trong cộng đồng, trong xã hội, những đạo lý đương nhiên phải có ở con người.

Từ xa xưa, hai tôn giáo lớn của nhân loại là Phật giáo và Thiên Chúa giáo đã dạy con người triết lý nhân ái làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Những lời răn dạy của các tôn giáo đã từng trở thành đạo đức, quy tắc ứng xử trong cuộc sống của con người.

Ngay cả những quan niệm do tín ngưỡng dân gian mang lại – người nào dù có lén lút làm điều xấu thì Thần Phật cũng thấy và người đó sẽ phải hứng chịu hậu quả, ngược lại, Thần Phật cũng không làm ngơ đối với những người làm điều nhân đức, dẫu điều nhân đức đó người khác không hề hay biết – cũng khiến người ta phải suy nghĩ về “điều gì là đúng với đạo làm người”.

Thế nhưng, Nhật Bản hiện nay do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật nên đã xem nhẹ, thậm chí coi thường vai trò của tôn giáo, đồng thời bỏ quên cả đạo đức, luân lý, triết học, nhân sinh quan – những điều cơ bản thể hiện hình ảnh cao đẹp vốn có của con người.

Nhà triết học Nhật Bản Umehara Takeshi từng nói: “Ở đâu thiếu vắng đạo đức thì ở đó thiếu vắng tôn giáo, ở đâu đạo đức xuống cấp thì ở đó tôn giáo đã bị tha hoá”. Suy nghĩ của tôi cũng như vậy.

Đặc biệt là trong xã hội Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, từ chỗ muốn xoá bỏ việc hạn chế tự do tư tưởng mà hạt nhân là “thần đạo – tôn giáo quốc gia” tồn tại từ trước chiến tranh, người ta lại có xu hướng loại bỏ luôn cả việc học luân lý, đạo đức trong nhà trường và cuộc sống hàng ngày.

Gần đây, Bộ Giáo dục Nhật Bản đề xướng “Chương trình giáo dục tổng hợp”. Tôi cũng không thấy trong đó chương trình giáo dục nhân cách dựa trên nền tảng đạo đức. Chương trình của Bộ Giáo dục quá thiên về “giáo dục cá tính” mà xem nhẹ việc dạy các quy tắc đạo đức tối thiểu phải có đối với mỗi người. Ngay cả ở các lớp mẫu giáo, nhà trẻ, người ta cũng giương cao khẩu hiệu “Tự do trong giáo dục” mà không cần để ý xem con trẻ thiếu thốn về đời sống tinh thần ra sao. Nếu vậy, cho đến khi trưởng thành, trở thành người lớn, chúng sẽ không có cơ hội để học các quy tắc ứng xử tối thiểu trong cuộc sống.

Tôi cho rằng, cùng với việc rèn luyện thể chất và trí não, nhà trường phải tạo cơ hội để trẻ em học và suy nghĩ về lẽ sống của con người ngay từ khi chúng còn ở độ tuổi thiếu niên.

Không những thế, giáo dục nhà trường còn phải có vai trò hướng dẫn các em có cách nhìn nhận đúng đắn về các ngành nghề trong xã hội.

Hiện nay, ở Nhật Bản người ta chia học sinh thành hai loại: học được và không học được; ưu ái các em học được dẫn đến quan niệm lệch lạc trong giới trẻ, coi khinh lao động chân tay. Người ta chỉ coi trọng kết quả học tập sách vở. Học giỏi sẽ trở thành quan chức nhà nước, sẽ được vào làm việc ở các công ty lớn. Trong khi đó, người ta lại bỏ rơi các em có khả năng hòa đồng với mọi người.

Để điều chỉnh tình trạng này, tôi cho rằng cần phải đưa chương trình hướng nghiệp vào dạy trẻ em từ bậc tiểu học. Trên khắp thế giới, những nền văn minh được hình thành là nhờ biết bao con người làm việc quên mình trong các lĩnh vực khác nhau và trong xã hội có vô vàn ngành nghề để các em sau này lựa chọn phù hợp với khả năng của mình. Từ đó, nhà trường sẽ hướng dẫn các em tìm hiểu về các ngành nghề khác nhau và những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống… Tức là những giờ giảng tri thức ứng dụng phải được đưa vào chương trình giáo dục hướng nghiệp.

Tôi đã nói về những người thợ mộc tài giỏi tham gia vào quá trình xây dựng và trùng tu đền đài miếu mạo. Và không chỉ riêng họ, dù làm bất cứ nghề gì, một khi đã đam mê công việc thì cũng đồng nghĩa với việc rèn luyện kỹ năng, tu dưỡng tính tình, nâng cao nhân cách. Giáo dục về ý nghĩa của lao động, về cách nhìn nhận đúng đắn những ngành nghề trong xã hội chính là đóng góp to lớn của ngành giáo dục đối với việc xây dựng nền tảng đạo đức cho các thế hệ tương lai.

HỌC CÁCH SỐNG TRI TÚC TỪ THẾ GIỚI THIÊN NHIÊN

Vậy thì, nền tảng tư duy mới đòi hỏi chúng ta phải sống như thế nào? Ngay từ bây giờ nền tảng tư duy ấy phải quán triệt trong cung cách sống của người Nhật, nói gọn lại trong một câu, có lẽ là “Phải biết thế nào là đủ”. Ngoài ra, đó là những hành động vị tha, biết nghĩ đến người khác trên cơ sở lòng nhân ái, đức khiêm nhường mà cách nhìn nhận “tri túc” – bấy nhiêu là đủ – mang lại.

Mô hình cách sống “tri túc” vốn đã có ở thế giới tự nhiên. Hệ sinh thái tự nhiên luôn cân bằng. Toàn bộ thế giới động thực vật nằm trong chuỗi mắt xích sinh tồn mang tính cân bằng và khép kín như vậy.

Nhưng, khác với loài người, các loài động thực vật không tự phá vỡ chuỗi mắt xích sinh tồn của trái đất. Nếu động vật ăn sạch sành sanh các loài thực vật với lòng tham vô độ thì chuỗi sinh tồn sẽ bị đứt. Khi đó, không chỉ bản thân chúng mà sự sinh tồn của các loài sinh vật khác cũng bị nguy hiểm. Vì vậy, bản năng điều độ, không ăn quá mức cần thiết, đã có sẵn ở chúng.

Ngay cả loài thú ăn thịt khi đã no bụng cũng không tiếp tục săn mồi. Đó là bản năng, đồng thời cũng là cách sống “tri túc” mà tạo hóa đã ban cho chúng. Chính nhờ biết cách sống “tri túc” nên thế giới tự nhiên mới có thể tồn tại trong sự cân bằng và ổn định. Chẳng phải là con người cũng cần phải học cung cách “điều độ” của muôn loài trong thế giới tự nhiên đó sao?

Con người là chủ nhân trong thế giới tự nhiên và hiểu rõ quy luật của tự nhiên. Bản thân con người cũng sống trong chuỗi mắt xích sinh tồn ấy.

Nhưng sau đó, chỉ có con người có khả năng thoát ra ngoài chuỗi mắt xích tự nhiên, đồng thời con người cũng đánh mất cung cách cùng tồn tại và chung sống với các loài sinh vật khác trên trái đất.

Trong thế giới tự nhiên, trí lực và “lý tính cao độ” chỉ có ở con người. Nó đã tạo ra nguồn lương thực dồi dào và vô vàn sản phẩm công nghệ từ những phát minh sáng chế kỹ thuật có hiệu quả cao. Nhưng, trí lực và “lý tính cao độ” ở con người đã biến thành sự ngạo mạn. Con người muốn thống trị tự nhiên bằng lòng tham vô đáy. Lòng tham gây áp lực lên mọi suy nghĩ và hành động. Đã có lại muốn có thêm. Đã giàu lại muốn giàu nữa. Bức tường “tri túc” bị đánh sập. Và cuối cùng,
điều đó đang đe dọa cả trái đất – nơi trú ngụ của chính con người.

NỀN VĂN MINH VỊ THA SẼ NỞ HOA KHI CON NGƯỜI TỈNH NGỘ

Để không bị chết chìm cùng con thuyền sinh thái thì không có cách nào khác là chúng ta phải lấy lại sự điều độ: Không đòi hỏi hơn những gì cần thiết. Chúng ta phải làm sao để trí lực và lý tính mà tạo hóa đã ban cho con người trở thành sự hiểu biết đúng đắn, sáng suốt. Chúng ta phải học cách làm chủ dục vọng của chính chúng ta. Nói cách khác, chúng ta cần phải sống với quan điểm “tri túc” – biết đủ.

Nếu không có quan điểm “tri túc” – biết đủ với những gì đã có – thì chúng ta cũng chẳng thể cảm thấy thỏa mãn ngay cả khi đã có trong tay những thứ mà chúng ta muốn có thêm nữa.

Chúng ta phải từ bỏ việc điên cuồng theo đuổi sự giàu có kinh tế không có điểm dừng. Cái mà chúng ta cần tìm phải là làm sao để tất cả nhân loại có được cuộc sống sung túc về mặt tinh thần chứ không phải sự giàu có về vật chất.

Cái mà chúng ta cần là cách sống “tri túc” như lời dạy của Lão Tử: “Kẻ biết đủ là kẻ hạnh phúc”. Cũng có câu cách ngôn nói rằng: Con người khi chưa có được cái gì thì thèm muốn có được cái đó. Nhưng chúng ta cần phải suy nghĩ, phải sống theo phương châm: Cuộc sống con người ổn định và hạnh phúc chính là nhờ biết đủ và biết dừng lại đúng lúc.

Nói cụ thể hơn tức là, ta phải sống với tấm lòng sao cho ham muốn thỏa mãn chỉ ở mức độ vừa phải, dẫu có hơi thiếu một chút cũng hài lòng. Những hoa trái phúc lạc của tự nhiên chúng ta nên sẻ chia, chung hưởng với mọi người và với muôn loài. Cho dù có ý kiến phản bác rằng “Sự việc không dễ như thế đâu”, hoặc “Cuộc sống thực không đẹp đẽ như tranh vẽ” thì tôi vẫn tin chắc rằng: Cách nghĩ, cách sống minh triết như vậy chắc chắn sẽ cứu được Nhật Bản và rộng ra nữa, chắc chắn sẽ cứu được thế giới.

Nhưng tôi muốn lưu ý rằng cách sống “tri túc” không phải là cách sống an phận hay tự mãn, tự hài lòng với hiện tại, không muốn hay không dám chấp nhận những điều mới mẻ. Nó cũng không phải là cách sống trì trệ, thụ động, không có năng lực sáng tạo.

Để các bạn dể hình dung, tôi lấy ví dụ từ kinh tế: Tổng sản phẩm quốc nội GDP có thể không thay đổi, nhưng nội dung các hoạt động kinh tế tạo ra nó liên tục thay đổi. Những lĩnh vực sản xuất và dịch vụ không phù hợp sẽ mất dần, thay vào đó là sự ra đời của các lĩnh vực mới, các ngành nghề mới trong quá trình phát triển.

Đối với con người, đó cũng là cách sống tràn đầy sinh lực và sáng tạo, luôn đào thải cái cũ, tiếp nhận cái mới một cách lành mạnh, và những ý tưởng mới luôn nảy sinh trong quá trình sống.

Nếu thực hiện được điều đó thì chúng ta có thể bước trên con đường hòa hợp, thực hiện được khẩu hiệu tưởng chừng như chỉ là ảo vọng: Chuyển từ giai đoạn trưởng thành sang giai đoạn chín muồi. Chuyển từ cạnh tranh sang cùng nhau chung sống, cùng nhau tồn tại.

Không biết chừng, khi đó sẽ xuất hiện một nền văn minh mới dựa trên nền tảng của ĐỨC, của lòng vị tha. Nếu như nền văn minh hiện tại được xây dựng trên cơ sở dục vọng của con người muốn chinh phục tự nhiên, muốn thỏa mãn cá nhân thì có lẽ nền văn minh dựa trên lòng vị tha, lòng nhân ái – muốn cống hiến cho cộng đồng, muốn đem lại hạnh phúc cho người khác – sẽ khai hoa kết quả trong thời đại mới.

Nền văn minh đó có hình thái ra sao, có nội dung thế nào, bản thân tôi cũng chưa thật sự hiểu rõ. Biết đâu nó cũng chỉ là giấc mơ không tưởng, giống như một bức tranh đẹp được vẽ trong tâm trí mà thôi?

Nhưng tôi muốn nói đi nói lại điều này:

Nỗ lực để đạt được còn quan trọng hơn việc đạt được.

Nhân cách và tâm hồn chúng ta sẽ được mài giũa trong những nỗ lực ấy.

Nhân cách và tâm hồn chúng ta càng cao thượng và đẹp đẽ bao nhiêu thì chắc chắn con đường đi tới xã hội “vị tha”, xã hội “tri túc”, sẽ càng gần lại bấy nhiêu.

Cách sống, Từ bình thường trở thành phi thường - Inamori Kazuo

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO – CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
  2. TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC LÀ MỘT LOẠI MỸ ĐỨC, CŨNG LÀ THỂ HIỆN CỦA TRÍ TUỆ

Bài viết khác của tác giả

  1. MƯỜI HAI QUAN NIỆM KINH DOANH TUỔI 20 NÊN BIẾT
  2. CHÍNH VÌ SỐNG MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN, CON NGƯỜI MỚI GẶP PHẢI GIAN NAN
  3. GẶP GỠ “NGƯỜI THẦY CỦA VẬN MỆNH”

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH