VÔ NGÃ – THIỀN QUÁN, CON ĐƯỜNG CỦA TUỆ GIÁC

JOSEPH GOLDSTEIN & JACK KORNFIELD

Trích: Thiền Quán con đường của tuệ giác; NXB. Từ điển Bách Khoa; Công ty CP Sách Thái Hà; 2013

Tất cả các hiện tượng đều không có cái tôi.

Khi chúng ta thực hành, đặc tính thứ ba tăng trưởng trong sự hiểu biết của chúng ta là vô ngã. Tất cả các hiện tượng đều không có cái tôi. Không có một thực thể độc lập nào trong dòng sông của kinh nghiệm, không có cái tôi nào mà mọi thứ xảy ra với nó.

Mặc dù chiều sâu của sự thực về vô ngã là rất thâm thúy, chúng ta lại sớm bắt đầu kinh nghiệm nó trong sự thực hành của mình.

Đôi khi chúng ta có kinh nghiệm trong lúc hành thiền về tâm ổn định lại và trở nên tĩnh lặng và bình an, và ngay sau đó sinh khởi một nhận thức về lo lắng và sợ hãi, và bỗng nhiên nó bận rộn trở lại với những ý tưởng, ý kiến và kế hoạch. Đó là một kinh nghiệm thông thường, một điều xảy ra với hầu hết mọi người. Nhưng tại sao một tâm tĩnh lặng lại làm chúng ta sợ hãi như vậy?

Phiền não căn bản của chúng ta, thứ mà ảnh hưởng của nó thâm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống chúng ta, là niềm tin rằng có một cái tôi, một bản ngã chắc thật và độc lập khỏi mọi thứ khác.

Nhưng thực sự thì ý niệm về cái tôi chỉ được tạo nên từ tiến trình đồng nhất: “Đây là tôi. Đây là điều tôi làm. Tôi thích điều này. Tôi sẽ đi tới đó. Tôi muốn cách này” và vân vân. Nó được tạo ra hoàn toàn từ suy nghĩ và không có thực chất nào cả. Nó chỉ là bong bóng tư tưởng mà thôi.

Cách duy nhất để duy trì hiệu quả ảo tưởng về sự chắc thật của cái tôi là giữ sự nổi sóng liên tục của các suy nghĩ, kế hoạch, chương trình và nghỉ ngơi của chúng ta. Nếu chúng ta cứ giữ cho chúng xảy ra, chúng ta có thể nhanh chóng hòa lẫn tất cả chúng với nhau và điều đó dường như làm cho mọi thứ chắc thật. Nhưng khi tâm bắt đầu yên lặng lại, toàn thể cấu trúc bắt đầu tan rã, thì từ quan điểm của cái tôi thì đó là một điều kinh khủng. Điều này rất đơn giản. Khi tư tưởng bắt đầu biến mất, thì ai đang biến mất? Chính là chúng ta. Nhận thức của chúng ta về cái tôi được tạo ra bằng tiến trình tư tưởng và bởi thói quen nắm bắt của tâm.

Nếu chúng ta không bị dính mắc trong các suy nghĩ về kinh nghiệm của mình, sẽ đơn giản chỉ có kinh nghiệm trong từng giây phút: chỉ có cái nhìn, cái thấy, ngửi, nếm và xúc chạm. Tất cả là trống rỗng không có cái tôi. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta giũ sạch tư tưởng để kinh nghiệm sự trống rỗng, bởi vì tư tưởng tự chúng cũng là trống rỗng, tư tưởng hầu như là một tiến trình, từ ngữ và hình ảnh, được điều kiện hóa bởi những nguyên nhân cụ thể và kết hợp từ những yếu tố cấu thành. Chúng ta không phải làm cho mọi thứ trở nên vô ngã, bởi vì cái không là bản chất thật của chúng. Chúng ta chỉ cần kinh nghiệm mỗi giây phút một cách trực tiếp, mỗi giây phút là một biểu hiện của sự trống rỗng, bản chất không thể sở hữu của thực tại.

Chúng ta có thể tự mình nhìn thấy điều này. Khi chúng ta ngồi, thường thì như thể có ai đó bật đài lên và chúng ta không thể tắt nó đi. Thậm chí chúng ta còn không chọn được chương trình. Suy nghĩ, âm thanh, cảm giác – tất cả chúng chỉ tự sinh khởi và sau đó diệt đi. Chúng không phải là chúng ta, hay là thứ để chúng ta kiểm soát.

Điều đó cũng xảy ra đối với cảm giác trên thân thể. Chúng sinh khởi và ngay lập tức thay đổi hợp âm của mình. Chúng ta có thể bảo tâm đừng suy nghĩ nữa được không, hay bảo thân thể đừng già đi nữa? Nó có nghe chúng ta không? Tất cả những gì chúng ta nghĩ là “tôi” hay “của tôi” là một dòng các kinh nghiệm đang thay đổi, diễn ra theo các quy luật tự nhiên cụ thể, không có thực thể vĩnh viễn nào đứng sau cánh gà điều khiển màn trình diễn này. Thực ra, điều chúng ta là chính là tiến trình thay đổi này, không có gì chắc chắn hay thực sự cả.

Khi sự tỉnh giác của chúng ta phát triển trong thực hành, sự thật này trở nên ngày càng rõ ràng hơn. Chúng ta thấy tiến trình tư tưởng này chỉ là suy nghĩ, tiến trình cảm thọ chỉ là cảm thọ, tiến trình nhận thức chỉ là nhận thức, tất cả phụ thuộc vào các quy luật có điều kiện. Và ngay cả chúng ta – người quan sát, được quan sát bởi sự tỉnh giác trong một ánh sáng mới. Có những đối tượng của kinh nghiệm sinh khởi trong một giây lát cùng với một tiến trình của cái biết hay sự nhận thức, mỗi đối tượng và cái biết sinh khởi và tan rã giây phút này sau giây phút khác. Để thấy sự nhận thức theo cách này giống như việc học về các hạt photon và sau đó kinh nghiệm bản chất nguyên tử của ánh sáng. Điều này có thể thực sự được kinh nghiệm trong những mức độ tinh tế của sự thực hành.

Sự giác ngộ – điều cốt lõi của sự thực hành này – là kinh nghiệm rằng không có ai trong năm tiến trình tạo nên cuộc sống của chúng ta: thân thể, cảm thọ, tri giác, phản ứng và sự nhận thức [ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức] – không có cái gì trong chúng ta là vĩnh cửu và có thể sở hữu được. Chúng ta là bộ phận của một thác nước. Thông qua tư tưởng và ý niệm về cái tôi, thông qua thói quen và sự điều kiện hóa, chúng ta nắm chặt lấy chúng trong nhiều năm liền như thể bản thân mình, nhưng không có gì trong tiến trình đó có thể bị nắm giữ, và tất cả những sự đồng hóa với chúng là sai lầm, nguyên nhân cho đau khổ của chúng ta. Đó là màn trình diễn phi thường của ánh sáng và màu sắc, trôi qua ngay khi nó vừa mới sinh khởi. Mọi thứ thoát ra từ khoảng trống kinh ngạc, trong mỗi ngày và mỗi giây phút, thoát ra từ không có gì (nothing) và trở lại với không có gì (nothing).

Ajahn Chah thường gọi cuộc đời là “chỉ có như vậy thôi”. Chúng ta liên tục nhìn và hy vọng một điều gì mới lạ, đặc biệt sẽ tới kéo dài hay làm cho mình hạnh phúc, thực hiện những nhu cầu của mình, trả lời tất cả những câu hỏi của mình. Trên thực tế chúng ta sẽ có được cái gì? Chúng ta sẽ có thêm nhiều nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ. Đó chính là cuộc đời. Chúng ta có thể mong nó khác đi, nhưng nó chỉ có như vậy thôi.

Khi thiền sư Seung Sahn đến thăm Bodh Gaya (Bồ đề đạo tràng), ông viết một bài thơ về giác ngộ của đức Phật dưới cây Bồ đề như sau:

Một lần một người đàn ông vĩ đại ngồi dưới cây Bồ đề,
Ông nhìn thấy vì sao mai và giác ngộ,
Ông ngồi đó và hoàn toàn tin vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của mình.
Đôi khi kinh nghiệm sâu sắc về ba đặc tính này trở nên bối rối.

Chúng ta có thể thực hành được vài năm và trở nên bình an và quân bình hơn do kết quả của việc đó. Nhưng trong tâm, chúng ta nghĩ việc thực hành của mình nên phát triển hơn nữa như thế nào. Sau tất cả thời gian này, chúng ta không nên kinh nghiệm thêm nhiều yếu tố giác ngộ nữa hay chăng? Chúng ta hy vọng nhiều ân phước hay tĩnh lặng hay sự sáng suốt cơ bản, nhiều khinh an và hoan hỷ nữa.

Nhưng chúng ta đã thực sự thấy cái gì? Nhiều vô thường, nhiều trống rỗng, nhiều bất toại nguyện và đau khổ. Chúng ta thấy nó, chúng ta cảm thấy nó rõ ràng hơn, và chúng ta nghĩ có điều gì sai lầm trong sự thực hành của mình.

Thực hành là làm sâu sắc hơn sự giác ngộ về ba sự thật cơ bản này. Mỗi sự thật trong chúng ta là cánh cửa tới giải thoát, tới tự do, nếu chúng ta có thể hiểu và hoàn toàn chấp nhận nó. Ở mức độ sâu xa nhất của thiền, một giây phút của sự chấp nhận hoàn toàn một trong những cánh cửa này và của việc buông xả hoàn toàn mang chúng ta tới điều xa hơn nó, tới nơi không có điều kiện, tới Niết Bàn.

Xa hơn, khi chúng ta ngồi và những tuệ giác ban đầu sâu sắc hơn, đối với phần lớn các hành giả thì đặc tính trở nên mạnh mẽ nhất trong nhiều năm là đau khổ. Đau khổ của sự nắm bắt, sự đồng hóa, đau khổ vốn có trong cuộc đời. Để chạm vào toàn thể ngọn lửa đau khổ này với sự tỉnh giác của chúng ta là điều cuối cùng mang chúng ta tới buông xả. Chạm vào toàn thể ngọn lửa này với trái tim mình sẽ mang chúng ta tới lòng bi mẫn sâu sắc nhất. Do đó khi cảm thấy sự thực hành của mình không tốt, chúng ta phải nhìn để thấy liệu mình có đang đối diện với nhiều vô thường, mất an ninh và các khía cạnh đau đớn của cuộc đời hay không. Nếu chúng ta đang nhìn chúng rõ ràng hơn và học cách chấp nhận chúng, chúng ta đang đi đúng đường và sự thực hành của chúng ta thật ra đang tốt đẹp.

Khi chúng ta nuôi dưỡng sự tỉnh giác mạnh mẽ và trực tiếp, sự thật sẽ dể dàng đến mức bình thường chúng ta không thể tin được.

Chúng ta muốn cuộc sống của mình có nhiều hơn nữa. Chúng ta muốn kinh nghiệm của mình là trường tồn [thường], được thực hiện và cuối cùng là phù hợp với sự tưởng tượng của ta. Đối với phần lớn chúng ta, đây là mong ước sâu sắc, chân thành nhất. Chúng ta đang cố tìm sự hoàn thiện này thông qua các kinh nghiệm bên ngoài, thông qua thế giới luôn thay đổi của nhận thức và các mối quan hệ này? Trái tim ta không thể được đáp ứng thông qua sự nhận thức hay qua mối quan hệ với những thứ bên ngoài. Đó là điều không thể, vì những kinh nghiệm này là vô thường và vô ngã. Hãy nhìn nó gần hơn, cảm nhận nó trực tiếp, nhận biết về nó. Đó là điều mà tất cả các kiểu thực hành của chúng ta sẽ đưa chúng ta tới.

Ngay trong cả thực hành tâm linh, chúng ta cũng hy vọng rằng ai đó sẽ cho chúng ta thêm cái gì. Chúng ta muốn những lời dạy đặc biệt nói thầm qua tai, bí truyền sẽ mang lại sự tĩnh lặng và hoan hỷ ngay lập tức. Nhưng hy vọng này chỉ trói sự khám phá trong bản thân mình rằng sự thật cơ bản là: vô thường, khổ và vô ngã. Chỉ khi nhìn và chấp nhận ba đặt tính cơ bản của cuộc sống thì chúng ta mới sẵn sàng tìm thấy điều mà mình tìm kiếm cho trái tim mình, chỉ khi đó chúng ta mới có thể nghỉ ngơi, mới có thể thấy Phật tánh hoan hỷ và điềm tĩnh như thế nào. Kinh nghiệm này là bí mật của những lời dạy. Như T.S.Eliot nói: “Chúng ta sẽ không ngừng thám hiểm và cuối cùng của tất cả sự thám hiểm của chúng ta sẽ đi tới nơi chúng ta bắt đầu và biết địa điểm này ngay trong lần đầu tiên.”

Chúng ta đưa bản thân mình vào sự thực hành tỉnh giác mang chúng ta đến cái nhìn trực tiếp và sâu sắc về điều xây dựng nên thế giới và cuộc sống chúng ta.

Để duy trì sự khám phá ba đặc tính này, chúng ta cần niềm tin lớn lao về khả năng liên hệ trực tiếp với thế giới. Bề ngoài, chúng ta quy y vào đức Phật và Phật tánh (Buddha-nature) riêng của mình như một biểu tượng của niềm tin này. Quy y vào Phật tánh của mình là nhận thức trong tâm về khả năng toàn diện của giác ngộ, tâm Bi và tự do thật sự. Chúng ta quy y vào Pháp, nghĩa là những lời dạy và chân lý của quy luật phổ quát. Quy y vào điều thực sự là sự thật trong mỗi giây phút là sống theo quy luật này. Chúng ta đưa bản thân mình vào sự thực hành tỉnh giác mang chúng ta đến cái nhìn trực tiếp và sâu sắc về điều xây dựng nên thế giới và cuộc sống chúng ta.

Chúng ta quy y Tăng, cộng đồng những người thực hành [con đường này], và trong mối liên hệ vốn có của chúng ta với toàn bộ cuộc sống. Giải thoát bản thân mình là đóng góp vào sự giải thoát của tất cả chúng sinh mà ta biết. Niềm tin vào Tăng nuôi dưỡng nhận thức về tính thống nhất và cho phép chúng ta thực hành với nhận thức về sự bảo vệ và hướng dẫn. Hàng trăm ngàn hành giả đã đi trước chúng ta, trong mọi thời đại và mọi nền văn hóa lớn. Chúng ta gia nhập hành trình vĩ đại này trong mỗi giây phút mà chúng ta nhìn sự vật thực sự là thế nào.

Chúng ta phải có niềm tin vào bản thân mình và vào tuệ giác của kinh nghiệm bản thân. Chúng ta có sẵn sàng tin vào bản thân mình và những gì mình thấy hay không? Chúng ta có sẵn sàng tự do, buông bỏ hy vọng và mong đợi của mình và nhìn điều gì là sự thật hay không? Chúng ta không thể dựa vào lời nói lại của những người khác. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển sự thực hành. Không dể để nương tựa, để tin tưởng bản thân mình. “Phải có ai đó biết rõ hơn chứ. Làm sao tôi có thể tin vào tâm đầy rối loạn, tham lam hay sân hận của mình được?” Chúng ta sợ nhìn vào sự thật. Chúng ta sợ những khoảng tối của mình. Đôi khi chúng ta cảm thấy rằng nếu mình không giấu kín tất cả những gì xấu xa trong tầm kiểm soát, thì chúng ta sẽ bị tràn ngập bởi nó. Chúng ta tưởng tượng rằng sự thanh tịnh sẽ được tìm thấy ở đâu đó.

Nhưng hãy nhìn vào vấn đề này một cách cô đọng. Nếu không trực tiếp đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống, thì chúng ta sẽ phải tiếp tục trốn chạy nữa phải không? Chúng ta có thể thực sự học hỏi để tìm ra tâm Bi như thế nào nếu không chịu đương đầu với những tham lam và sợ hãi, dính mắc, buồn tủi và đau đớn sâu xa nhất của mình? Tất cả những tính cách mà chúng ta đánh giá khắc nghiệt đến từ đâu? Chúng đến từ nhận thức không hoàn thiện, từ sự đói khát và thèm muốn mà chúng ta đã nói trước đây. Cảm giác về sự bất toàn này là cơ sở cho sự nhận thức sai lầm [vô minh] căn bản rằng có một cái tôi tồn tại độc lập. Chúng ta đói khát thỏa mãn bản ngã, trao cho nó sự dể chịu. Chúng ta phản ứng với sự sợ hãi và thù địch khi nó bị đe dọa hay không có được điều nó muốn. Hết lần này đến lần khác, phản ứng có điều kiện này lại tiếp tục. Nhưng điều này không phải là cái tôi thực sự của chúng ta. Chúng sinh khởi dựa trên sự vô minh về tính độc lập của chúng ta, và do đó chúng ta tìm kiếm sự an ninh dựa trên sự vô minh này.

Khi chúng ta cởi mở để tin tưởng vào sự vật như chúng là – vô thường, bất toại nguyện, vô ngã – thì có thể có một mối liên hệ tổng thể mới.

Khi chúng ta cởi mở để tin tưởng vào sự vật như chúng là – vô thường, bất toại nguyện, vô ngã – thì có thể có một mối liên hệ tổng thể mới. Chúng ta cần sự can đảm và niềm tin để nhìn vào điều này thật sâu sắc. Chúng ta có thể thấy và cởi mở đối với ba đặc tính này trong cuộc sống của mình, trong mọi khía cạnh của sự thực hành của mình. Bằng cách nhìn thấy chúng, chúng ta thức tỉnh. Không có cái tôi nào để nắm giữ. Chúng ta không tách biệt, và không có điều gì về chúng ta có thể bị nắm giữ chặt chẽ. Khi chúng ta dừng trốn chạy khỏi điều đang hiện hữu như nó là trong từng mỗi giây phút, tình thương yêu chăm sóc dành cho bản thân mình và người khác có thể trôi chảy thông suốt. Thông qua sự chú tâm của chúng ta, sự đói khát và vô minh vốn che mờ sự thật sẽ bị xua tan, và bản chất thật của chúng ta sẽ tự hiển lộ một cách tự nhiên và tuyệt diệu. Nếu cởi mở bản thân mình để chấp nhận sâu sắc vô thường, bất toại nguyện và bản chất mong manh của mọi sự, thì chúng ta đi tới một kiểu hoàn thiện. Không có điều nào bị che giấu hay không biết mình bị che giấu khỏi cái gì. Không có sự mệt mỏi của việc duy trì sự giả bộ.

Không có sự tuyệt vọng của những nhu cầu vô hạn. Chính tại nơi đây sẽ sinh khởi sự chấp nhận và trí tuệ mà chúng ta đã từng ngưỡng mộ trong nhiều người trí tuệ khác. Và rất tự nhiên sinh khởi một trái tim yêu thương và bi mẫn. Tất cả điều này là sự biểu lộ trực tiếp của một cuộc sống hài hòa với những sự thật đơn giản này.

—*—
BÀI TẬP
QUAN SÁT SỰ KHÓ CHỊU TRONG CÁC PHẢN ỨNG CÓ ĐIỀU KIỆN CỦA CHÚNG TA

Bạn hãy dành ra nửa ngày để quan sát sự sinh khởi của sự khó chịu và đau đớn trong cuộc sống hằng ngày và quan sát phản ứng của bạn đối với nó. Quan trọng là bạn hãy làm bài tập này mà không có phán xét hay chút nỗ lực muốn thay đổi bản thân nào. Nhiệm vụ là quan sát đơn thuần và hiểu điều bạn thấy.

Bắt đầu với điều đầu tiên vào buổi sáng, quyết định chú tâm mỗi khi bạn thay đổi tư thế. Nhận biết mỗi lần bạn đứng dậy, ngồi xuống, di chuyển tay hay chân, hay đi từ nơi này tới nơi khác Đặc biệt hãy ghi nhận khi bạn đang chuyển động để phản ứng lại với sự khó chịu hay đau đớn, để xoa dịu cơn đói, để gãi ngứa, để tránh sự nhàm chán hay cô đơn, để thư giãn sự mệt nhọc, để duỗi một cơ bắp bị chuột rút. Cố gắng không thay đổi tư thế hay di chuyển mà không quan sát nguyên nhân trước. Cố gắng nhận biết nhiều hơn thay vì chỉ biết mong muốn như là “Tôi muốn có thứ gì để ăn”, và hãy ghi nhận cả cơn đói nhức nhối gây ra mong muốn ăn này. Nhận thức có bao nhiêu mong muốn và chuyển động sinh khởi để phản ứng lại với năng lượng và tần suất của sự khó chịu và đau đớn trong đời sống hàng ngày. Nghiên cứu khía cạnh này của đặc tính bất toại nguyện. Hãy để sự nhận biết nhẹ nhàng và tinh tế, hiểu về đau khổ đang tự bộc lộ và nhận thức về nó với sự mềm mại và cởi mở thực sự.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÁNH NIỆM THÂN VÀ TÂM

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP