TÂM RỘNG MỞ – ĐẾN HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC

GYALWANG DRUKPA XII

Trích: Hạnh phúc tại tâm – Bí quyết sống hạnh phúc; Drukpa Việt Nam biên dịch; NXB. Tôn Giáo; 2014

? GIẢI PHÓNG TÂM KHỎI NHỮNG DANH NGÔN KHÁI NIỆM

Thiếu chánh niệm, tâm ta bám chấp vào đủ mọi thứ, khiến chúng ta rối trí, lo âu và không thể suy nghĩ một cách tự do khoáng đạt.

Lấy ví dụ, chúng ta có những cách đo lường riêng theo từng vùng và khu vực khác nhau. “Khoảng cách đó tính theo dặm Anh là bao nhiêu?” hoặc “Bạn có thể cho tôi biết trọng lượng tính theo đơn vị cân Trung Quốc là bao nhiêu so với cân Việt Nam?” Tương tự như vậy, chúng ta thích chia chẻ thời gian thành những đơn vị có thể đo đếm như giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm – nhưng ngay lúc này đây, thời gian vẫn trôi đi theo cách của nó bất kể chúng ta gọi nó là gì. Hạnh phúc cũng vậy, chúng ta sẽ không bao giờ định nghĩa được chính xác thế nào là hạnh phúc mặc dù luôn tìm cách mô tả nó.

Khi bị mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực về bản thân như đã mô tả ở phần trên, chẳng hạn như cho rằng mình phải hoàn hảo trước khi dám mơ về hạnh phúc, chúng ta không chỉ tự chuốc lấy thất vọng mà còn có xu hướng bới móc những khiếm khuyết của người khác nhằm che đậy sự thiếu tự tin nơi chính mình.

Khi quá khắt khe với chính mình, chúng ta cũng sẽ có xu hướng thích chỉ trích người khác. Chúng ta tự cho rằng mình am hiểu thế nào là công bằng và lẽ phải, nhưng người khác lại xem đó là tư duy phán xét và đòi hỏi thái quá. Cùng một hành vi nhưng có những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau bởi mỗi người đang tạo nên các tiêu chuẩn ứng xử, tư duy theo một cách khác nhau.

? PHÁ BỎ ẢO TƯỞNG

Khi hiểu chúng ta tạo ra những định kiến dựa trên kinh nghiệm và nhận thức của bản thân, chúng ta sẽ nhận ra mình không cần bám chấp vào các khái niệm hoặc thủ thế khi lắng nghe những quan điểm khác biệt. Việc tôi thấy ai đó là hoàn hảo và bạn không đồng tình với điều đó cũng là chuyện bình thường. Tại sao chúng ta phải giận dữ với nhau? Hãy tôn trọng sự khác biệt và biết linh hoạt, cảm thông để thuận theo hoàn cảnh. Tốt hơn hết chúng ta hãy bỏ qua những chấp nhặt nhị nguyên để kết mối thâm giao, chuyện trò vui vẻ.

Hiểu được điều này, chúng ta sẽ thấy khác biệt không còn là vấn đề. Chúng ta tự giải phóng bản thân khỏi những khái niệm đối đải “ta” – “người”. Đây là phương pháp giúp cắt đứt xiềng xích trói buộc của bản ngã và giải phóng tâm mình.

? XÓA BỎ ĐỊNH KIẾN

Hãy nghe tâm sự của Lee – một người đã đưa Phật pháp vào thực hành trong nhịp sống hối hả mỗi ngày và quan sát xem cuộc sống của anh thay đổi ra sao:

Sau khi tham gia một khóa tu tại Hồng Kông cách đây gần 7 năm, tôi còn nhớ như in lời dạy của Đức Pháp Vương về “xóa bỏ định kiến”, huấn từ này luôn vang lên trong tâm mỗi khi tôi thấy bế tắc trước những khó khăn cuộc sống. Nếu biết buông xả, chúng ta luôn có khả năng nhìn nhận khía cạnh tích cực của vấn đề. Tôi thấy bài pháp này có sức ảnh hưởng lớn khi chúng ta đang có quá nhiều quan niệm cứng nhắc về bản thân, chưa kể những gì xã hội áp đặt thêm cho ta qua vô số định kiến khác nhau. Nhận ra điều này giúp tâm tôi biến chuyển nhiều bởi chính những định kiến về bản thân đã tạo ra bao trở ngại dưới danh nghĩa “tôi và cái của tôi” trong cuộc sống hằng ngày, đồng thời gây đau khổ và phiền não không chỉ cho chính mình mà cho cả những người thân yêu của tôi nữa.

Tại công sở, chúng ta cũng có nhiều định kiến cứng nhắc về công việc nhưng lại không chịu dành thời gian để lắng nghe đồng nghiệp và rộng lòng đón nhận sự khác biệt. Trên thực tế, chúng ta nên cởi mở học cách nhìn thấy khía cạnh tích cực của các góp ý nhận xét và học hỏi từ mọi tình huống phát sinh. Khi vui vẻ làm việc, chúng ta tỏa ra nguồn năng lượng tích cực truyền cảm hứng tới các cộng sự trong nhóm. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, năng lượng khi được cộng hưởng như vậy sẽ tác động tốt đến bầu không khí cơ quan. Khi đó, chúng ta có thể dễ dàng thực hiện mọi công việc với tâm cảm hứng, thư thái, khinh an. Cùng với điều này là trí tuệ hiểu biết không còn khái niệm “tôi” mà chỉ có “chúng ta”!

Bất cứ khi nào bế tắc, tôi lại nhắc mình về phương châm “sống trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại”, do nhận ra chúng ta luôn suy tư về tương lai, lo lắng không cần thiết về mọi việc hoặc bất cứ điều gì phát khởi trong tâm, để rồi bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá và lại trở nên giận dữ, ức chế. Tôi hít thở thật sâu và kiểm tra xem liệu mình có đang thực hành “xóa bỏ định kiến” và khi đó tôi sẽ cảm thấy như trẻ lại và tiếp tục làm việc vui vẻ trong từng khoảnh khắc.

? TÂM RỘNG MỞ MANG ĐẾN HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC

Chúng ta nên trải nghiệm hạnh phúc đích thực ngay lúc này. Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn bắt gặp những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi – cảm giác ngon miệng khi ăn một miếng bánh, thứ hạnh phúc gắn liền với sự thỏa mãn các giác quan, hay như vượt qua một kỳ thi, hoàn thành một chặng đua, diễn thuyết thành công… Sự hạnh phúc ấy có thật nhưng không bền vững. Đó là loại hạnh phúc bên ngoài, có thể đến rồi lại nhanh chóng tan biến.

Chúng ta cần thấu hiểu tâm – động cơ, nhu cầu những mong muốn của mình. Chẳng hạn, chúng ta có thể suy ngẫm xem liệu mình có đang tiêu dùng quá nhiều hay không? Tại sao chúng ta liên tục thèm muốn và tìm mua những món đồ mới mà thực sự mình không cần tới? Đó là những thú vui giả tạm, chấp và khiến tâm ta luôn lăng xăng bận rộn. Dĩ nhiên, tạm thời chúng ta có thể cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn đôi chút từ việc hưởng thụ tiện nghi, nhưng vấn đề là nếu cứ cố gắng tìm kiếm sự thoải mái thông qua “các đối tượng bên ngoài” như thế, chúng ta rất dễ có xu hướng cần nhiều hơn nữa để duy trì cảm giác dễ chịu ấy. Tủ quần áo của chúng ta đầy những thứ mà có khi mình chẳng bao giờ mặc tới, chúng ta bỏ phí đồ ăn thừa. Đôi khi có cảm giác như thể chúng ta đã thay thế “tình cảm” bằng “vật chất” từ bao giờ.

Thật ra không có gì sai trái khi chúng ta muốn có những đồ vật đẹp đẽ, ăn mặc hấp dẫn, bảnh bao. Nhưng khi quá quyến luyến những đồ vật sở hữu ấy hoặc coi chúng là những thứ tạo nên giá trị bản thân, chúng ta có nguy cơ nuôi dưỡng sự bất mãn chứ không phải hạnh phúc đích thực. Chúng ta bị mắc kẹt trong vòng xoáy phải ra sức tích trữ nhiều hơn trong khi chúng ta thậm chí có thể sống hạnh phúc hơn khi có ít đi.

Chắc các bạn cũng đã nghe tới điều này nhiều lần, trước lúc lâm chung, chẳng mấy ai quan tâm nhiều tới tài sản của mình. Do vậy, mỗi khi ngẫm lại xem mình đã sống ra sao và muốn ưu tiên điều gì trong quỹ thời gian quý báo của đời người, hãy cân nhắc mức độ “đam mê” của bạn đối với tiêu dùng và tự hỏi tự nó có đem lại cho bạn niềm hạnh phúc như các mối quan hệ yêu thương trong cuộc sống hoặc cảm giác mãn nguyện khi hoàn thành công việc hay không.

Hạnh phúc đích thực sâu sắc, bền lâu và luôn hiện hữu, chỉ có điều chúng ta chưa nhận ra. Chúng ta rất dễ xem hạnh phúc này như điều gì đó có thể trải nghiệm trong tương lai còn ngay lúc này thì chưa sẵn sàng đón nhận nó. Đừng nghĩ rằng bạn phải phấn đấu rất nhiều để kiếm tìm thứ hạnh phúc ấy; bạn có thể nếm hương vị nó ngay bây giờ. Rất nhiều người lầm tưởng rằng cuộc sống hẳn phải là một cuộc hành trình đầy gian nan và bạn sẽ đạt được hạnh phúc khi tới đích. Tại sao chúng ta lại không hân hưởng từng phút giây của cuộc hành trình, tại sao lại không an lạc trong từng bước chân? Đây là cơ hội để bạn được hạnh phúc, ngay phút giây này, trong từng khoảnh khắc cuộc đời.

Hạnh phúc tại tâm - Bí quyết sống hạnh phúc

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LUYỆN TÂM – LÀM CHỦ CUỘC ĐỜI
  2. QUAN NIỆM CỦA PHẬT GIÁO VỀ CUỘC ĐỜI VÀ HẠNH PHÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ TÔN TRỌNG
  2. QUÁN SÁT TÂM MÌNH
  3. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH