TỪ TỰ DO ĐẾN TỰ DO

ĐƯƠNG ĐẠO

Trích: Thực tại thiền - Những bước chân trong rừng thiền Việt Nam; Thiện Tri Thức , 2003

 

Đạo Phật Việt Nam thường được cho là có tính cách nhập thế. Nhập thế là một tính cách chung của Đại thừa, nhưng cũng tùy theo mỗi nước mà được vận dụng theo những tính cách khác nhau. Ở nước ta, hạnh Bát Nhã thường được nhấn mạnh, như trong Lục Độ Tập Kinh (theo sự nghiên cứu của học giả Lê Mạnh Thát thì kinh này là cuốn kinh xưa nhất của Việt Nam) của Khương Tăng Hội ở thế kỷ thứ 3, nói về Sáu Độ, tức Sáu Ba la mật, tức là các hạnh do Trí Huệ Bát Nhã dẫn đường. Chúng ta cũng thấy kinh Kim Cương, một kinh nói về Trí Huệ Bát Nhã thể hiện qua hành động (bố thí, nhẫn nhục,… độ sanh, trang nghiêm cõi Phật…) hoặc kinh Pháp Hoa, là những kinh được truyền vào rất sớm và được các Thiền sư chú trọng đặc biệt từ thời khởi đầu cho đến tận ngày nay. Một điều đáng ghi nhận nữa là có một số ít những Thiền sư Việt Nam không phải là người xuất gia mà là cư sĩ như Huệ Trung thượng sĩ, Trần Thái Tông, Lý Thánh Tông (với phái Thiền Thảo Đường)…

Sau đây chúng ta đọc một bài thơ của vua Trần Thánh Tông, người đã cùng con là vua Trần Nhân Tông lãnh đạo hai cuộc chiến tranh chống quân Nguyên Mông. Chúng ta cũng biết vua Trần Nhân Tông người lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử mỗi khi niệm hương thuyết pháp đều nhắc đến tên hai vị thầy của mình là Trần Thánh Tông và Huệ Trung thượng sĩ. Đó là bài thơ Tự Thuật:

Từ khi để chỏm nhập rừng Thiền
Đập ngói dùi rùa chẳng ngoại cầu
Nhận được bản lai chân diện mục
Đến đâu thì cũng thấy an nhiên.
Suốt ngày nhàn gảy đàn không điệu
Cửa nhàn không sự để quan tâm
Trong đây khúc nhạc không ai biết
Chỉ gió tùng kia họa lại âm.
Tung hoành chẳng lọt cơ không-có
Muôn pháp bộn bề chẳng biết chi
Đi ngủ, ăn cơm tùy chỗ dụng
Chẳng còn việc khác đáng nên làm.
Một búng tay phá tan muôn núi
Công phu như thế cũng là nhàn
Lạnh nóng đến đi không chỗ biết
Chút gì từng can dự lão nhân.
Trong đây không thiếu cũng không dư
(Tướng) Phật cũng không, hề,
(tướng) người cũng không
Ngoài trời xa cảnh thu xa đến
Núi xanh mây tỏa mặc vu vơ.

Nguyên Hán văn :

Tự tòng quán giốc nhập thiền lưu
Đả ngõa toàn quy một ngoại cầu
Nhận đắc bản lai chân diện mục
Đáo đầu hà xứ bất hưu hưu.
Chung nhật nhàn đàn bất điệu cầm
Nhàn môn vô sự khả quan tâm
Cá trung khúc phá vô nhân hội
Duy hữu tùng phong họa thử âm.
Tung hoành bất đọa hữu vô cơ
Vạn pháp phân phân tổng bất tri
Khiết phạn đả miên tùy xứ dụng
Cánh vô tha sự khả ưng vi.
Nhất đàn chỉ phá vạn trùng sơn
Giá cá công phu dã thị nhàn
Hàn thử đáo lai vô sở thức
Vị tằng phân thượng lão nhân can.
Cá trung vô khiếm diệc vô dư
Phật dã vô hề nhân dã vô
Thu cảnh viễn lai thiên ngoại viễn
Thanh sơn vân tỏa chủng đô lô.

Với một nhà vua trải qua ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông – lần thứ nhất dầu chưa chính thức tham dự nhưng Trần Thánh Tông cũng có trải qua, vì chỉ một năm sau chiến thắng Nguyên Mông lần thứ nhất, ông được chính thức truyền ngôi, năm 18 tuổi – vậy mà trong một bài thơ tự thuật cuộc đời mình, người ta thấy những chữ ‘nhàn’, ‘vô sự’, ‘đàn không điệu’, ‘chẳng biết chi’, ‘không chỗ biết’… Cái nhàn, cái vô sự ở đây là cái nhàn của tánh Không, của người đã thể nhập tánh Không.

 

 

‘Nhận được bản lai diện mục’ là chứng ngộ được tánh Không, cái mà Lục tổ Huệ Năng nói là ‘Xưa nay không một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần’. Đây là sự giải thoát do thể nhập được tánh Không hay pháp tánh, ‘đến đâu thì cũng thấy an nhiên’. Ngộ tánh Không, bắt đầu sống bằng trí vô sai biệt hay căn bản trí, không còn bị thức phân biệt thao túng, do đó mà ‘muôn pháp bộn bề chẳng biết chi’, ‘lạnh nóng đến đi không chỗ biết’. Cái tri, cái thức trong tổng bất tri và vô sở thức ở đây là cái biết sai biệt của thức.

Sống trong căn bản trí hay trí vô sai biệt nghĩa là sống trong tánh Không hay pháp tánh. Sống trong đó thì các hình tướng không còn ảnh hưởng: ‘chút gì từng can dự lão nhân’. Chính từ một đời sống không còn hình tướng sai biệt (vô tướng) mà hành động thuần khiết phát khởi. Hành động thuần khiết hay thuần túy đó không nằm trong thế giới sai biệt, nghĩa là không phân chia đây-kia, chủ thể-đối tượng…, cho nên nó không tạo nghiệp. Đó là hành động xảy ra trong tánh Không hay pháp tánh: trong cái toàn thể như là cái toàn thể. Còn nếu hành động trong cái phần tử, tức khắc phải xung đột với những phần tử khác, thì chắc chắn sẽ tạo nghiệp. Cái phần tử càng rõ ràng bao nhiêu, cá thể càng riêng tư bao nhiêu, sự tạo nghiệp càng sâu đậm bấy nhiêu. Càng ở trong tánh Không bao nhiêu, nghĩa là càng thoát khỏi bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, – theo kinh Kim Cương – thì hành động càng ít tạo nghiệp bấy nhiêu. Hành giả ấy thấy cảnh trước mắt thật xa, ‘cảnh thu xa đến’, vì hình tướng phân biệt đã chìm trong tánh Không, không còn ảnh hưởng làm cho tham sân si khởi lên. Đã thế ‘cảnh thu xa’ ấy, đến từ ‘ngoài trời xa’ nghĩa là từ cái Không rốt ráo, như thế thế gian này chẳng còn bóng dáng vết tích nghiệp nào nữa: ‘núi xanh mây tỏa mặc vu vơ’.

Hành động trong tiếng Sanskrit là karma, chữ karma này được dịch là nghiệp. Hành động tức là nghiệp, vì hành động là tạo ra một nhân nào đó, và có nhân thì có quả. Đó là tiến trình nghiệp báo. Như vậy có thể nào hành động mà không tạo nghiệp, hành động mà không hành động, hành động mà vẫn giải thoát? Trong Phật giáo, hệ thống Bát Nhã có thể trả lời cho vấn nạn này.

“Cư sĩ Thông Thiền (?-1228), đời thứ 13 dòng Vô Ngôn Thông thờ Thiền sư Thường Chiếu chùa Lục Tổ làm thầy.

Một hôm Sư vào thất, thưa hỏi rằng: Làm thế nào để hiểu Phật pháp?

Thường Chiếu đáp: Phật pháp thì không thể biết hiểu. Ở đây đâu có pháp biết. Chư Phật như vậy, tu tất cả pháp bất khả đắc.

Sư ngay câu nói này lãnh ngộ yếu chỉ.

Sư trở về làng cũ, học giả theo học rất đông. Phàm có ai hỏi đều dùng tâm ấn tâm.

Có người hỏi: Thế nào là người xuất thế?

Sư đáp: Chẳng nghe người xưa nói, ‘Chỉ xem thấy (quán) năm uẩn đều Không, bốn đại vô ngã, chân tâm không tướng, không đi không đến. Khi sanh tánh chẳng đến, khi tử tánh chẳng đi, trong trẻo tròn lặng, tâm cảnh nhất như.’ Chỉ cần trực nhận hiểu ngay như thế thì không bị ba đời ràng buộc. Đó là người xuất thế, quyết chẳng có được chút gì để hướng tới.

Lại hỏi: Thế nào là nghĩa vô sanh?

Sư đáp: Phân biệt thấy rõ các uẩn này, tánh của chúng vốn không tịch. Không, nên không thể diệt, đây là nghĩa vô sanh.

Lại hỏi: Thế nào là lý vô sanh?

Sư đáp: Do việc điều hành các uẩn mới hiển hiện tánh Không. Tánh Không không thể diệt, đây là lý vô sanh.

Tăng hỏi: Thế nào là Phật?

Sư đáp: Bản tâm là Phật, thế nên Đường Tam Tạng Huyền Trang nói: ‘Chỉ rõ suốt tâm địa nên hiệu là Tổng Trì, ngộ pháp vô sanh gọi là Diệu Giác’.”

Nghiệp hay hành động, là hành động của năm uẩn. Khi ‘thấy (quán) chúng đều Không, bốn đại vô ngã, khi (năm uẩn) sanh, tánh chẳng đến, khi (năm uẩn) tử, tánh chẳng đi, trong trẻo tròn lặng, tâm cảnh nhất như; chỉ cần trực nhận hiểu ngay như thế thì không bị ba đời ràng buộc. Đó là người xuất thế, quyết chẳng có được chút gì để hướng tới’: đây là sự giải thoát của việc trực nhận tánh Không, dù các uẩn vẫn đang hoạt động. ‘Phân biệt thấy rõ các uẩn này, tánh của chúng vốn không tịch’: điều quan trọng nhất là các uẩn vẫn hoạt động, nhưng thấy rõ chúng là vô sanh. Hơn nữa, chính trong hoạt động, chính ‘do việc điều hành các uẩn, mới hiển hiện tánh Không’.

Các uẩn có hoạt động nhưng vẫn là vô sanh, ‘tánh của chúng vốn không tịch’. Đây là điều kinh Kim Cương đã chỉ rõ:

“Nếu có người nói rằng: Như Lai có đến có đi, hoặc ngồi hoặc nằm, người ấy không hiểu nghĩa ta nói. Bởi vì sao? Vì Như Lai không từ đâu đến cũng không đi đâu, nên gọi là Như Lai”.

“Nếu lấy sắc thấy ta
Lấy âm thanh cầu ta
Người ấy hành tà đạo
Chẳng thấy được Như Lai.”

“Đối với Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, ta trong ấy không một chút pháp gì có thể được, đó gọi là Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

“Các ông chớ nói Như Lai nghĩ rằng: Ta độ chúng sanh. Chớ có nghĩ vậy. Tại sao vậy? Thật không có chúng sanh cho Như Lai độ”.
Và kinh kết luận:

“Người phát tâm Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đối với tất cả pháp nên biết như thế, thấy như thế, tin hiểu như thế, chẳng sanh pháp tướng”.

Như vậy sống trong cái tánh mà ‘khi sanh chẳng đến, khi tử chẳng đi, trong trẻo tròn lặng, tâm cảnh nhất như’, sống trong ‘tánh Không không thể diệt’, nghĩa là trong ‘chân tâm vô tướng’, trong ‘bản tâm là Phật’ thì giải quyết được vấn đề hành động, vấn đề nghiệp:

Biển cả ngại gì bọt nước xao
(Huệ Trung thượng sĩ)

Không những thế, khi thoát khỏi bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, mọi hành động bèn trở thành Phật sự:

“Tất cả pháp đều là Phật pháp”.
(Kinh Kim Cương)

Đó mà điều gọi là ‘xứng tánh tác Phật sự’. Chúng ta thấy rằng chính nhờ trí huệ thấu suốt tánh Không, tức là Bát Nhã, này mà người ta có thể kết hợp được hai sự tích tập: tích tập công đức và tích tập trí huệ. Hai sự tích tập này là công việc của một người tu hành Bồ tát đạo để đến quả vị Phật. Tích tập công đức kết hợp với tích tập trí huệ là làm mọi điều công đức mà không làm gì cả, không có cố gắng, nỗ lực; không làm gì cả mà không có việc thiện nào không làm. Như vậy nghiệp thiện làm công đức luôn luôn tạo mà không tạo tác gì cả, không tạo nghiệp nào cả, dù là nghiệp thiện. Nói cách khác, đó là hành động mà vẫn giải thoát, vì hành động trong tánh Không.

Thiền sư Hương Hải nói:

“Thế nên, ngộ tịch thì không có tịch, cái biết chân chánh (chân tri) thì không có biết. Vì biết (tri) và tịch là một tâm không hai, khế hợp với diệu lý không và hữu dung thông. Không trụ không trước, chẳng nhiếp chẳng thu, phải trái đều quên, năng sở đều dứt. Sự dứt này cũng tịch lặng thì Bát Nhã hiện tiền, mỗi tâm là Phật, không tâm nào chẳng phải là tâm Phật, chốn chốn thành đạo, không một mảy trần nào chẳng phải là nước Phật.

Bởi thế, chân với vọng, vật với ta, nêu một mà thâu hết. Tâm, Phật, chúng sanh đều cùng một tánh. Thế nên biết, mê thì người theo pháp (hiện tượng), pháp pháp muôn sai khác nên người người chẳng đồng. Còn ngộ thì pháp theo người, người người đồng một trí mà dung thông muôn cảnh. Lời nói hết, tư tưởng dứt thì quả nào nhân nào nữa? Thể vốn vắng lặng thì ai giống ai khác. Chỉ còn một cái rỗng sáng, không nhớ nghĩ, chan hòa khắp suốt. Giống như tấm gương vô tâm, bóng có thể thấy trong đó như trăng trong nước, hoa trong không, chiếu sáng mà thường không vậy.”

 

 

Chỉ ở trong ‘bản lai diện mục’ ấy, người ta mới có thể giải quyết được vấn đề hành động, nghĩa là hành động mà vẫn giải thoát. Hành động chính là tự do:

Tung hoành chẳng lọt cơ không-có
Muôn pháp bộn bề chẳng biết chi
Đi ngủ ăn cơm tùy chỗ dụng
Chẳng còn việc khác đáng nên làm.

Hành động chính là tự do, nó khởi đầu trong tánh Không và chấm dứt trong tánh Không. Bởi thế nó không lìa rời khỏi thực tại toàn thể, mà thực tại toàn thể thì ‘không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm’. Nói theo ngôn ngữ đời thường, đó là hành động không lưu lại dấu vết, hành động từ tự do đến tự do.

Như vậy, hành động, nghiệp, chính là không hành động, không nghiệp (chữ Không Hành Động, Không Nghiệp này cần phải viết hoa).

Trước khi làm một cái gì, người ta phải là một cái gì. Nhưng người chứng ngộ tánh Không thì chẳng là cái gì cả: ‘Ta chẳng phải là Phật, chẳng phải chúng sanh’ (Ngã bất thị Phật, bất thị hàm linh – Thiền sư Ngộ Ấn). Đã không là cái gì cả thì đâu có thể làm một cái gì:

Tung hoành chẳng lọt cơ không-có.

Hành động mà lọt vào có, mỗi mỗi chấp tướng đảo điên thì tạo ra nghiệp trôi lăn mãi trong khổ đau sanh tử. Hành động mà lọt vào không thì hoặc là sự chấp không của phàm phu không tin nhân quả, càng làm càng sa xuống theo nghiệp, bởi vì nhân quả có trừ ai, người tin hay không tin. Hoặc là sự lọt vào cái Không cao cả của bậc thánh trong lặng trong chỗ không hành động, không tạo tác, chỉ trụ trong sự giải thoát bất động của mình. Chỉ có người vượt ra ngoài cả có và không, không lọt vào cơ có không, mới có thể không ô nhiễm mà hành động, hành động thuần khiết, vừa lợi được mình vừa lợi được người, mà thật ra chẳng lợi cho ai cả, vì “tất cả pháp đều là Phật pháp”.

Nói đến hành động của người xuất gia, có lẽ trong Phật giáo Việt Nam thì Thiền sư Vạn Hạnh là tiêu biểu, vì ngài là người có công lập ra triều Lý tạo nền tảng cho triều Trần tiếp theo là hai triều đại vẻ vang của dân tộc và Phật giáo. Một con người hành động như vậy đã sống trong hạnh Bát Nhã như vầy:

“Đến ngày 15 tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), sư không bệnh, nói bài kệ:

Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi thu lại khô
Mặc cuộc thịnh suy chi sợ hãi
Thịnh suy đầu cỏ buổi sương phô.

Rồi sư dạy đệ tử rằng: ‘Các con muốn ta đi đâu? Ta không lấy chỗ trụ để trụ, cũng không nương vào chỗ không trụ để trụ’.”

Hành động của một bậc giải thoát là hành động ngay trong lòng thực tại, trong chính pháp tánh, bản tánh của tất cả các pháp. Thiền sư Hương Hải, một cuộc đời sống qua hai quãng đời một ở miền nam với chúa Nguyễn và lớn tuổi lại ra miền bắc với chúa Trịnh trong thời đất nước phân đôi, một cuộc đời hẳn là trải qua nhiều biến cố lịch sử, khi vua Lê Bảo Thái hỏi ý nghĩa Phật pháp là thế nào, sư đã đáp rằng:

Nhạn qua trời không
Bóng chìm nước lạnh
Nhạn không có ý để dấu
Nước không có tâm giữ hình.

Cuộc đời của những người giải thoát thì sống đúng theo thực tại, bởi thế dầu người đời – lọt vào cơ có – cho là họ đã viết nên một phần lịch sử bằng chính cuộc đời họ, thì với các vị ấy, đúng như sự thật, có lẽ họ chỉ chấp nhận ngay từ đầu rằng họ đã viết nên đời họ trên mặt nước.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI – PHẦN DẪN NHẬP
  2. VỀ NGUỒN
  3. BỒ ĐỀ TÂM ĐỒNG VỚI CÔNG ĐỨC CỦA TẤT CẢ PHẬT PHÁP

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ