ĐỒNG CẢM KHÔNG PHẢI LÀ ĐỒNG Ý HAY PHÂN TÍCH TÂM LÝ

CHADE-MENG TAN

Trích: Search isnide yourself; Tạo ra lợi nhuận, vượt qua đại dương và thay đổi thế giới; Người dịch: Kiều Anh Tú; NXB: Lao động, 2017

 

 

Người ta thường nhầm đồng cảm với phân tích tâm lý, tức là suy đoán các khía cạnh hay động cơ tâm lý, và thường là thiếu cơ sở. Ví dụ, giả sử bạn đang giải thích vấn đề với sếp thì bỗng nhiên sếp ngắt lời bạn và bắt đầu nói rằng vấn đề này có liên quan như thế nào đến các vấn đề mà ông ta cho là bạn gặp phải thời thơ ấu, cũng như đến một vài khía cạnh khác trong lĩnh vực tâm lý học đại chúng mà có lẽ ông ta đọc được ở đâu đó. Việc ông ta đang làm là phân tích tâm lý chứ không phải đồng cảm. Khi phân tích tâm lý là chúng ta đang lảng tránh vấn đề chứ không phải tìm hiểu vấn đề. Không có gì ngạc nhiên khi phân tích tâm lý thường là hành động của những nhà quản lý tầm thường. Tôi hay tưởng tượng các nhà quản lý có thói quen phân tích tâm lý sẽ bắt đầu mọc hai chỏm tóc nhọn giống như sếp của Dilbert. Nếu sếp của bạn không làm thế mà toàn tâm toàn ý lắng nghe bạn, cố gắng tìm hiểu xem vấn đề của bạn có ảnh hưởng đến bạn như thế nào, cả về mặt nhận thức lẫn mặt bản năng và làm tất cả những điều này bằng tình yêu thương, thì đó là ông ta đang đồng cảm.

 

 

Đồng cảm không nhất thiết nghĩa là đồng ý. Có thể vừa thấu hiểu người khác, cả ở mức độ lý trí lẫn mức độ bản năng, một cách đầy yêu thương, vừa phản đối họ một cách tôn trọng. Aristole nói: “Dấu hiệu của một tâm trí có giáo dục là có thể chơi đùa với một ý nghĩ mà không chấp nhận nó”. Phản đối bằng sự đồng cảm cũng tương tự như vậy. Dấu hiệu của một tâm trí đã phát triển là có thể hiểu và chấp nhận cảm giác của người khác mà không đồng ý với nó.

Hiểu biết này cho thấy chúng ta có thể đưa ra những quyết định cứng rắn mà vẫn thể hiện được sự đồng cảm. Thực ra, trong nhiều tình huống, cách tốt nhất để đưa ra những quyết định cứng rắn là đưa chúng ra bằng tình yêu thương và đồng cảm. Trong bối cảnh kinh doanh, nếu phải đưa ra một quyết định sẽ gây tổn hại đến lợi ích của người khác, chúng ta rất dễ tự nhủ rằng không được mang sự đồng cảm vào tình huống này vì nếu làm thế, chúng ta chỉ càng khiến việc đưa ra quyết định cứng rắn mà không có sự đồng cảm tuy có thể dễ dàng đạt được điều mình muốn trong ngắn hạn, nhưng cũng sẽ tạo ra sự oán giận và mất lòng tin, từ đó gây tổn hại đến lợi ích lâu dài của chúng ta. Ngược lại, nếu đối xử với những người bị ảnh hưởng bằng tình yêu thương và đồng cảm, chúng ta sẽ tạo ra sự thấu hiểu và lòng tin. Kết hợp hai điều đó, chúng ta sẽ càng ngày càng nhanh thạo trong việc thương lượng và kiểm soát những mối quan tâm của mình. Nếu có đủ sự thấu hiểu và lòng tin, chúng ta thậm chí còn có thể tìm ra những cách thức sáng tạo để giải quyết vấn đề của mọi người, hay ít nhất cũng làm nhẹ đi đáng kể một số vấn đề nào đó. Tóm lại, vẫn cần phải đưa ra các quyết định cứng rắn nhưng nếu mọi người tin bạn, cảm thấy rằng trái tim của bạn vẫn ở đúng vị trí của nó, hiểu rằng bạn đang làm điều này vì một lợi ích lớn lao hơn, bạn sẽ dễ nhận được sự hợp tác của họ hơn. Quan trọng bạn xây dựng nên một mối quan hệ công việc lâu dài và vững mạnh. Vậy là bạn giành chiến thắng cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Một ví dụ tuyệt vời của việc đưa ra những quyết định cứng rắn mà vẫn thể hiện được sự đồng cảm xuất hiện trong cuốn Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ (Trí tuệ cảm xúc) của Goleman:

Hãy xem cách đối xử với nhân viên của hai công ty khi nhà máy bị đóng cửa. Ở GE, công nhân được thông báo trước hai năm về việc đóng cửa nhà máy và công ty cật lực giúp họ tìm kiếm công việc mới. Công ty kia chỉ thông báo trước một tuần và không hề làm gì để giúp công nhân tìm công việc mới.

Kết quả thì sao? Gần một năm sau, phần lớn cựu công nhân GE nói rằng công ty là một nơi làm việc tốt và 93% đánh giá cao những đãi ngộ mà họ được nhận trong quá trình chuyển việc. Còn ở công ty kia, chỉ 3% nói rằng công ty là một nơi làm việc tốt. GE đã bảo tồn được một kho tàng những điều tốt đẹp, công ty kia chỉ để lại một di sản đầy cay đắng.

Khi sa thải nhân viên, các công ty đang đẩy họ vào một trong những trải nghiệm đau đớn nhất trong cuộc đời. Song ngay cả như vậy, chúng ta vẫn có thể làm điều đó bằng sự đồng cảm và thậm chí ngay trong những tình huống đau đớn đó, chúng ta vẫn có thể tạo ra lòng tin và những điều tốt đẹp. Một số người gọi việc này là “cứng rắn mà không đáng ghét”.

n

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BA BƯỚC DỄ DÀNG ĐỂ ĐI ĐẾN HÒA BÌNH THẾ GIỚI
  2. THIỀN TRONG HOẠT ĐỘNG
  3. KẾT BẠN VỚI CẢM XÚC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP