TỪ MỤC ĐỒNG TRỞ THÀNH NHÀ LÃNH ĐẠO

NELSON MANDELA

Trích: Nelson Mandela – Người tù thế kỷ; TS. Trần Nhu dịch Việt; NXB. Trẻ

Tên tuổi của cựu Tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela (1918-2013) luôn gắn liền với sự nghiệp đấu tranh không mệt mỏi cho sự bình đẳng và dân chủ ở Nam Phi. Ông là một nhà lãnh đạo vì nhân quyền xuất chúng và là nhân tố quan trọng dẫn đến sự chấm dứt chế độ Apartheid tàn bạo đã tồn tại hơn 300 năm kể từ khi người châu Âu xâm chiếm quốc gia này làm thuộc địa. 

Nelson Mandela - Người tù thế kỷHôm nay, 18/07/2019, là Ngày quốc tế Nelson Mandela. Ngày 18/07 hàng năm (ngày sinh của Nelson Mandela) đã được Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận vào tháng 11/2009 nhằm tôn vinh di sản của Nelson Mandela, cựu Tổng thống Nam Phi, và các giá trị của ông, thông qua các hoạt động tình nguyện và cộng đồng. Nhân kỷ niệm ngày này, Ban biên tập xin phép đăng bài viết trích từ quyển sách “Nelson Mandela – Người tù thế kỷ“. Tác phẩm này bao gồm những trang hồi ký được Nelson Mandela viết ra trong thời gian ông bị chính quyền của chế độ Apartheid (A-pac-thai) tại quốc gia Nam Phi cầm tù chung thân trên đảo Robben Island, do bởi những hoạt động đấu tranh cho quyền tự do và bình đẳng của các sắc tộc Phi trên quốc gia ở miền cực nam châu Phi này. Hai đoạn trích, một từ chương “Tôi không phải là ông thánh” nói về khoảng thời gian sau cái chết của người cha năm Nelson Mandela lên tám tuổi; và đoạn còn lại trích từ chương “Từ mục đồng trở thành nhà lãnh đạo” nói về những thay đổi trong nhận thức của ông sau khoảng thời gian ông trốn khỏi quê nhà, thoát khỏi sự sắp đặt hôn nhân của vị tù trưởng, người đã xem ông như con ruột, nhận nuôi và lo cho ông ăn học sau cái chết của người cha. Những thay đổi trong nhận thức ở thời kỳ này đã là tiền đề cho những hoạt động đấu tranh không mệt mỏi vì sự tự do và quyền bình đẳng của các sắc tộc Phi trên quê hương ông.

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý đọc giả.

SAU CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI CHA

Mẹ tôi là vợ trẻ nhất của cha tôi. Tên bà là Nodayimani, là người chăm sóc cha tôi trong những ngày cuối cùng của ông. Trong đêm khuya ông ra lệnh “Đưa thuốc rê cho tôi!”. Mẹ tôi cho rằng không thể đưa thuốc rê cho người bệnh trong cơn đau nặng. Nhưng với tất cả sức lực còn lại, ông đòi phải có thuốc. Và ông đã hút suốt một giờ liền. Sau khi hạ tẩu là ông tắt thở.

Tôi không còn nhớ cái tang ấy có gây đau đớn lớn cho mình không. Điều tôi không thể nào quên là cảm giác của sự chia ly quá kinh hoàng. Đã đành mẹ tôi là người nuôi dưỡng tôi lớn lên, nhưng người cha là hình ảnh của tôi, là bóng dáng của tôi. Sự qua đời của ông đã làm thay đổi đời tôi. Sau lễ tang ít lâu mẹ tôi nói chúng tôi phải rời Qunu. Tôi không hỏi bà vì sao, và đi đâu bây giờ.

Chúng tôi ra đi bằng đôi chân trần trong im lặng, lên động xuống đèo, qua nhiều làng xóm. Chiều tà, chúng tôi đến một thung lũng bên dòng suối. Trước mắt chúng tôi là một làng đẹp. Ngay giữa làng, từ trên cao, là một ngôi biệt thự xinh đẹp và từ độ cao ấy người chủ có thể phóng tầm nhìn bao quát cả làng. Biệt thự mới đẹp làm sao. Tôi chưa hề thấy một cái nhà nào đẹp hơn thế. Tất cả tắm trong màu trắng và chói lòa trước ánh nắng mặt trời.

Đó là biệt thự của tù trưởng Jongintaba Dalyndiebo, người đang được giao quyền lãnh đạo dân tộc Thembu.

Ông người nhỏ nhắn, ăn mặc chỉnh tề, đẹp, nhanh nhẹn và tự tin. Nhìn ông, ta thấy toát ra sức mạnh quyền lực. Cái tên thật phù hợp với vị trí của ông. Jongintaba có nghĩa là “Một con người ngắm núi”.

Sau khi cha tôi qua đời, Jongintaba đề nghị được nuôi dưỡng tôi. Ông coi tôi như con và tôi được hưởng mọi thứ như con đẻ ông được hưởng. Mẹ tôi không có sự lựa chọn nào khác trước lời yêu cầu quá hậu này. Cho dù phải xa tôi nhưng bà vẫn rất vui trước hoàn cảnh mới tốt đẹp của tôi.

Tôi nhanh chóng cảm thấy hạnh phúc trong thế giới mới này. Tôi được đi học, học tiếng Anh, học tiếng Ahosa của bộ tộc tôi, lịch sử, địa lý. Ở đó sáng chủ nhật nào tôi cũng đến nhà thờ với các con ông chủ.

Quan điểm về sự lãnh đạo sau này là do ảnh hưởng quan trọng từ những quan sát trong thời gian tôi sống với vị tộc trưởng này. Tôi thường xuyên dự các buổi họp mặt của các thành viên dưới quyền ông, tôi học cách triệu tập của ông. Ai cũng có quyền phát biểu nếu muốn. Ai cũng được nghe một cách chăm chú, bất kể người đó là tộc trưởng hay người dân, chiến binh hay thầy thuốc, chủ cửa hàng hay chủ nông trại, công nhân hay nông dân. Không ai ngắt lời họ và cuộc khai hội như vậy kéo dài 4 giờ liền.

Lúc đầu tôi hết sức ngạc nhiên trước những sự căng thẳng thể hiện qua giọng nói và tôi cũng ngạc nhiên hết sức khi mọi người đều nói thẳng, công khai ý kiến của mình, kể cả việc phê phán tộc trưởng. Bất chấp lời phê phán với giọng nhiều khi gay gắt, vị tộc trưởng đã kiên nhẫn và bình thản nghe không sót một lời mà không bào chữa, và cũng không hề tỏ ra bực dọc trên khuôn mặt và cử chỉ.

Những cuộc khai hội như thế kéo dài cho tới khi người ta tìm được một mẫu số chung. Những cuộc khai hội chỉ có thể tạo được sự nhất trí hoặc không, không có sự áp đặt hay thỏa hiệp để đạt được thống nhất. Người kiên nhẫn khác thường trong khi chờ đợi tìm được giải pháp tốt nhất. Một quyết định đưa ra do tập thể và được tất cả chấp hành. Không có sự áp đặt của một đa số lên tất cả. Thiểu số không thể bị đa số áp chế. Chỉ khi cuối cuộc họp, khi mặt trời xuống núi, tộc trưởng phát biểu một lần nữa và tổng kết ý kiến các diễn giả đã phát biểu.

Tôi nhớ mãi khi lần đầu tiên nghe “nhà lãnh đạo” bộ tộc nói: “Một người lãnh đạo giống như một mục đồng. Anh ta bao giờ cũng đứng đàng sau đàn cừu để cho con đầu đàn tiến lên và những con khác tiến theo mà không hề nhận ra là có người lái ở phía sau”.

Một người lãnh đạo giống như một mục đồng. Anh ta bao giờ cũng đứng đàng sau đàn cừu để cho con đầu đàn tiến lên và những con khác tiến theo mà không hề nhận ra là có người lái ở phía sau.

TỪ MỤC ĐỒNG TRỞ THÀNH NHÀ LÃNH ĐẠO

Làm việc ở Văn phòng luật sư tại thành phố Johannesburg nhưng tôi phải sống ở Alexandra, một thị trấn ngoại ô Johannesburg, cách trung tâm 10km. Alexandra không có điện, giá thuê nhà rẻ. Hơn nữa tôi có người quen ở đó, cho nên chi phí thuê nhà rẻ  hơn. Người da trắng từng khẳng định: người Phi da đen là “dân nhà quê” chỉ sống được trên đồng ruộng. Nhưng sự thật không phải như vậy. Alexandra thật sự là thành phố của người da đen từ khắp nơi trong nước theo tiếng gọi của đất nước trong thời gian Nam Phi tuyên chiến với nước Đức của phát xít Hitler. Thành phố không có điện, trẻ con nhếch nhác do đói nghèo, nhưng thành phố nhỏ và xinh xắn này hoạt động nhịp sống đô thị không khác gì những thành phố của người da trắng.

Tôi lĩnh lương 2 bảng Anh mỗi tháng. Dù đã chi tiêu tằn tiện quá mức rồi mỗi tháng tôi vẫn còn nợ tiền nhà năm mười pence. Tôi còn nhớ mình không có quần áo tươm tất khi đến văn phòng làm việc. Ông Lazar Sidelsky đã biếu tôi bộ comlê cũ. Tôi cao bằng ông nên bộ com-lê vừa vặn. Tôi đã mặc bộ quần áo ấy suốt 5 năm trời. Khi không còn có thể mặc được nữa thì đếm miếng vá chi chít, chúng chiếm diện tích quá nửa tổng diện tích bộ quần áo. Một lần ngồi trên xe bus, bên cạnh một hành khách ăn mặc tươm tất – cũng là người Phi da đen, bởi vì ở Nam Phi hồi đó người da đen không được chạy xe bus chung với người da trắng – tôi cảm thấy quần áo mình chạm vào quần áo của người bên cạnh. Ông này đã phản ứng làm tim tôi nhói đau: ông ta xích xa tôi như thể tránh sự hôi hám từ bộ quần áo của tôi khỏi bám vào quần áo ông khi hai cái chạm sát vào nhau!.

Sự nghèo khổ chẳng có gì để kể. Tuy nhiên cái nghèo lại có lúc là mảnh đất màu mỡ cho những tình bạn chân thành. Người giàu có nhiều bạn. Người nghèo có ít bạn thôi. Nếu sự giàu có có sức hút của nam châm đối với vụn sắt, sự nghèo đẩy nó ra xa. Nhưng tình bạn trong sự nghèo khổ nhiều khi tuyệt vời hơn những gì ta tưởng. Một hôm tôi quyết định cuốc bộ từ Alexandra đến Johannesburg, vừa để luyện tập cơ thể, nhưng chính là để tiết kiệm tiền xe bus. Từ xe tôi phát hiện một phụ nữ trẻ quen biết hồi còn đi học ở Fort Hare. Nàng tên là Phyllis Maseko. Nàng đang đi ngược chiều với tôi trên cùng một hè đường. Tôi làm như không biết những gì sắp xảy ra, đã qua đường sang hè bên kia. Tôi phải làm như vậy vì trên người tôi lúc ấy là bộ quần áo mà số mảnh vá nhiều hơn sao trên trời! Tôi từng mong nàng không nhận ra tôi. Vừa sang bên kia hè đường tôi đã nghe tiếng gọi của nàng: “Nelson, anh Nelson!”. Tôi dừng lại và làm như thể lần đầu tiên nhận ra tiếng người quen. Nàng sang chỗ tôi đang đứng và vui mừng thật sự khi gặp lại người quen. Trong phút giây ấy, tôi cũng hiểu rằng nàng không bỏ qua hình dáng bên ngoài của tôi. Nàng nói: “Anh Nelson, đây là địa chỉ của tôi. Hãy đến thăm tôi nhé, tôi chờ đấy!”. Trong thâm tâm, tôi quyết định không bao giờ chịu để bị “hạ nhục” một lần nữa trước mắt người đẹp. Nhưng tôi đã không thể giữ được “lời tự hứa” và đã đến nhà nàng vào đúng lúc tôi đang đói, cần hơn lúc nào một bữa ăn hồi sức. Nàng đã cho tôi ăn uống chu tất và dường như không chút để ý đến cảnh trớ trêu của tôi lúc ấy: đói khát, ăn mặc rách rưới. Từ ngày hôm đó tôi thường đến thăm nàng.

Ông chủ nhà trọ cũng là một người đáng kính. Ông bà có năm cô con gái. Dù không giàu sang gì nhưng ông bà chủ thỉnh thoảng mời cơm tôi. Tôi phải nói thật là những bữa cơm mời ấy mới thật sự là những bữa tiệc của tôi, vì có thịt, có súp, có cơm nóng canh sốt. Đó là những thứ xa lạ với tôi trong suốt thời gian làm việc ở Johannesburg và sống ở Alexandra. Ông bà chủ mến tôi, có ý muốn tôi kết bạn với cô con gái đầu lòng, cũng trạc tuổi tôi. Tôi cũng mến nàng, cũng tìm cách tiếp cận và chuyện trò với nàng. Nhưng tôi đâu biết tán tỉnh. Hơn nữa, cô nàng vẫn cặp kè với một anh chàng lành lặn hơn tôi nhiều. Nhiều năm sau, một người đàn bà ôm con đến văn phòng luật sư của tôi. Thân chủ ấy chính là cô con gái chủ nhà trọ của tôi trước kia. Nàng đã có con, nhưng thằng cha sở khanh đã bỏ rơi nàng. Tôi làm được gì cho nàng bây giờ? Kiện hắn ư? Ai đi kiện loại đầu trộm đuôi cướp, lừa đảo và cưỡng đoạt đàn bà con gái nhẹ dạ?

Một sự kiện làm thay đổi tư duy của tôi là lần tiếp kiến nữ hoàng Thembu. Tôi nghe nữ hoàng nói nhiều thứ tiếng khác nhau của các bộ tộc người Phi mà mình chẳng hiểu mấy. Dường như nhận ra bộ mặt ngơ ngác của tôi lúc ấy, nữ hoàng gọi tôi lại gần và nói bằng tiếng Anh: “Anh sẽ là một luật sư, một thủ lĩnh loại nào mà lại không thể hiểu tiếng nói của các dân tộc mình?”. Tôi không tìm nổi câu trả lời. Câu hỏi vừa làm tôi rối trí vừa làm tôi xấu hổ. Phải chăng tôi đã bị chế độ cai trị của người da trắng làm biến dạng tới mức không còn hiểu ngôn ngữ của ngay chính đồng bào ruột thịt của mình? Không hiểu ngôn ngữ thì làm sao có thể tiếp cận con người được chứ? Làm sao có thể chuyện trò với họ và nghe họ giãi bày tâm sự, và như thế làm sao hiểu được tâm tư, nguyện vọng, những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của người dân, làm sao hiểu được lịch sử của các dân tộc anh em, làm sao hiểu được văn hóa của họ không phải chỉ để hưởng thụ những tinh hoa mà còn để thẩm định chất nhân văn cao cả của nghệ thuật của các dân tộc trên vùng đất đau thương nhưng từng có một quá khứ hào hùng này? Trên tất cả, tôi nhận ra chân lý này: Chúng tôi không phải là những dân tộc khác nhau nói những ngôn ngữ khác nhau mà là một dân tộc nói nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Tôi đã cùng đi với Gaur và Nar dự nhiều cuộc gặp mặt có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân các bộ tộc Nam Phi và với đời tôi. Tôi dần dần hiểu ra rằng Gaur, Sisulu, Nar và những người yêu nước khác đã chỉ cho tôi con đường gánh vác trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả dân tộc chứ không chỉ cho một bộ tộc, một nhóm nào trong xã hội.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. YÊU THƯƠNG VÀ TỰ DO
  2. ĐỐI DIỆN NỖI ĐAU MẤT NHỮNG NGƯỜI THÂN
  3. TỰ DO CHO CHÍNH NGHĨA

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP