NGHỆ THUẬT LẮNG NGHE

TONY BUZAN

Trích: Sức Mạnh Của Trí Tuệ Xã Hội; Việt dịch: Tri Bookers; NXB. Tổng Hợp Tp.HCM; 2016

“Ta thường quan tâm đến những người cũng biết quan tâm đến ta.” – Publilius Syrus

Rõ ràng nhà thơ La Mã Publilius đã biết về Trí tuệ Xã hội! Nếu ai đó thể hiện sự quan tâm đến ta và thật sự mong muốn được hiểu ta hơn, ta cũng sẽ quan tâm đến họ và đánh giá tốt về họ.

Cách tốt nhất, dễ dàng nhất và hiệu quả nhất để thể hiện sự quan tâm đến người khác chính là lắng nghe những gì họ đang nói – thật sự lắng nghe, tập trung vào những lời họ nói thì khác với việc chỉ vờ đứng đó nhưng trong đầu lại lên kế hoạch cho những chuyện riêng tư!

Người có Trí tuệ Xã hội luôn cho rằng người nói đáng được quan tâm và đáng quý.

Câu chuyện cảnh báo về Trí tuệ Xã hội – phần 2

Trong lúc tôi vẫn còn trong giai đoạn “đao to búa lớn” của quá trình phát triển Trí tuệ Xã hội, tôi thường có xu hướng “thống trị các tần số phát thanh”. Bởi lẽ tôi nghĩ rằng càng đưa ra nhiều quan điểm xuất chúng thì cuộc hội thoại sẽ càng tuyệt vời.

Đây là quan điểm hết sức phiến diện.

Thế là Mẹ Thiên nhiên đã can thiệp và dạy cho tôi một bài học quý báu.

Trước một sự kiện xã hội quan trọng nọ, tôi đã bị viêm họng. Tôi hoàn toàn chán chường khi không thể thốt ra một lời nào.

Ở buổi tiệc, tôi có cơ hội tiếp xúc với một người lúc nào cũng nồng nhiệt với mọi điều. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện hết sức sôi nổi. Nhưng vì giọng nói yếu ớt của mình, không lâu sau, tôi đành ngừng nói, chuyển sang gật đầu, ừ hử và thỉnh thoảng đặt câu hỏi. Nhờ vậy mà người bạn mới quen có cơ hội được trình bày lâu hơn năm phút.

Đến khi chào tạm biệt nhau, tôi cứ đinh ninh anh ta sẽ cho rằng tôi là một gã tẻ nhạt vì tôi chỉ góp lời rất ít vào cuộc hội thoại giữa hai người, trong khi anh ta đóng góp đến 95%.

Nhưng bất ngờ thay, anh ta lại cho rằng tôi chính là bậc thầy về nghệ thuật giao tiếp, biết cách thể hiện sự quan tâm, thích thú và khơi gợi lòng nhiệt tâm chia sẻ của người đối diện.

Vì sao lại thế?

Tôi dần nhận ra chúng tôi thực sự đã có một cuộc hội thoại tuyệt vời. Anh bạn ấy chiêu đãi tôi bằng những câu chuyện thú vị và những ý tưởng khơi dậy sự quan tâm, hào hứng khám phá. Chính cơ thể tôi, chứ không phải giọng nói, đã “đáp lời” anh. Nó thể hiện rằng tôi cảm thấy thích thú, đang đi theo dòng mạch câu chuyện. Và nhờ sự hiện diện tích cực – kiệm lời, nghe nhiều – của tôi, anh ta có thể khám phá ra nhiều điều hơn về những suy nghĩ của mình, theo đó anh không chỉ giao tiếp với tôi mà còn giao tiếp với chính mình nữa.

Qua đó, tôi nhận thấy rằng khi lắng nghe, tôi đang trao cho mình cơ hội tuyệt vời để buông lỏng, thoải mái tận hưởng những câu chuyện và ý tưởng tuyệt vời; đồng thời tôi còn tạo điều kiện cho người khác được tự do thể hiện.

Rồi tôi hổ thẹn khi nghĩ đến điều mà Leonardo da Vinci từng nhận xét: hầu hết mọi người đều “nghe chứ không nghe thấy”.

?LẮNG NGHE- MỘT NGHỆ THUẬT BỊ LÃNG QUÊN

Chúng ta thường dành khoảng 50% đến 80% cuộc đời mình cho hoạt động giao tiếp và trong đó, khoảng một nửa thời gian giao tiếp là dành cho việc lắng nghe. Ở trường học, tỷ lệ này còn cao hơn. Còn trong kinh doanh, lắng nghe được xem là một trong ba kỹ năng quan trọng nhất cần có ở người quản lý.

Thú vị thay, dù có tầm quan trọng đến thế nhưng lắng nghe lại bị xem như là một kỹ năng thứ yếu trong nghệ thuật giao tiếp, trong khi đây lại là kỹ năng được học trước nhất và được sử dụng nhiều nhất. Những số liệu trong bảng sau sẽ phản ánh rõ điều này:

Được học – Được sử dụng – Được dạy

Nghe: Trước nhất – Nhiều nhất (45%) – Ít nhất

Nói: Thứ hai – Nhiều (35%) – Ít

Đọc: Thứ ba – Ít (16%) – Nhiều

Viết: Thứ tư – Ít nhất (9%) – Nhiều nhất

Trí tuệ Xã hội sẽ giúp bạn điều chỉnh lại sự mất cân đối này.

? Bước kiểm tra 1

Bạn tự đánh giá khả năng lắng nghe của mình ở mức nào theo thang điểm từ 0 đến 100? Trong đó, 0 hàm nghĩa bạn là người lắng nghe tệ chưa từng thấy, còn 100 có nghĩa là bạn lắng nghe tốt hơn bất kỳ ai. Bạn nghĩ mình lắng nghe tốt đến đâu?

? Bước kiểm tra 2

Theo thang điểm 0 – 100, bạn nghĩ những người sau đây sẽ đánh giá khả năng lắng nghe của bạn ở mức bao nhiêu?

1. Gia đình bạn (có thể lấy điểm của từng cá nhân hoặc tính trung bình cộng)

2. Bạn thân nhất

3. Những người bạn khác

4. Cấp trên

5. Đồng nghiệp

6. Bất kỳ người nào thuộc quyền quản lý của bạn trong công việc.

Hầu hết mọi người (thật ra là đến 85%) đều tự chấm khả năng lắng nghe của mình chỉ ở mức trung bình (55) hoặc thấp hơn. Chỉ có 5% số người tự đánh giá mình thuộc ngưỡng 80 – 90 hoặc cho rằng mình là người lắng nghe xuất sắc. Sau khi đọc xong chương này, hẳn bạn sẽ thuộc về nhóm những người lắng nghe giỏi nhất cho mà xem!

Ở phần người khác đánh giá khả năng lắng nghe của bạn, nếu bạn nghĩ bạn thân nhất của bạn sẽ cho bạn số điểm cao hơn hẳn 5 nhóm đối tượng còn lại thì đó cũng là điều bình thường! Trên thực tế, hầu hết mọi người đều tin là người bạn thân của họ sẽ cho họ điểm lắng nghe cao hơn điểm số mà họ tự đánh giá.

Mọi người đều cho rằng cấp trên sẽ cho họ điểm số cao thứ hai, và điểm số này vẫn cao hơn điểm số tự đánh giá. Nguyên nhân là do sức mạnh của thẩm quyền. Mọi người thường dành nhiều sự quan tâm hơn đối với người nắm quyền chi phối toàn bộ hoặc một phần cuộc sống của họ. Thật thú vị là, (bạn nên suy ngẫm điều sau đây!) số điểm từ đồng nghiệp hay cấp dưới của bạn bằng đúng số điểm mà bạn tự đánh giá, tức khoảng 55 điểm.

Số điểm từ các thành viên trong gia đình dao động mạnh hơn, tùy thuộc vào cấu trúc gia đình và mối quan hệ. Đáng buồn thay, số điểm mà người bạn đời của họ sẽ dành cho họ lại giảm dần theo số năm chung sống. Có một bài học nằm ở đây…

? Những thói quen xấu khi lắng nghe

Sau đây là 10 thói quen xấu cản trở khả năng lắng nghe hiệu quả và làm suy yếu Trí tuệ Xã hội của bạn:

1. Giả vờ chăm chú nghe

2. Làm việc khác trong khi đang lắng nghe

3. Cho rằng chủ đề lắng nghe không thú vị

4. Bị phân tâm bởi cách nói chuyện hoặc điệu bộ của người nói

5. Bị cuốn quá sâu vào câu chuyện đến nỗi bỏ sót nội dung chính trong bức thông điệp của người nói

6. Để cho những lời lẽ đầy cảm xúc khuấy động cơn giận và sự phản kháng bên trong bạn

7. Tập trung vào những yếu tố gây phân tâm thay vì chú ý đến thông điệp của người nói

8. Liên tục ghi chú – chỉ nghe và không có phản hồi.

9. Lắng nghe chỉ để lấy dữ kiện

10. Tránh né những điều phức tạp, khó hiểu

Bạn thấy mình mắc phải những thói quen xấu nào?

Hãy ghi lại những điểm yếu của bạn để tìm cách cải thiện khả năng lắng nghe.

☘️ Lắng nghe chủ động

Lắng nghe không phải là một việc làm thụ động, cũng không phải là phần “nhàm chán” hay “nhạt nhòa” của cuộc hội thoại. Bản thân tôi khám phá thấy rằng lắng nghe tốt là yếu tố tối quan trọng cho một cuộc hội thoại thành công, hiệu quả và thú vị.

“Sức mạnh tinh tế của ngôn ngữ không nằm ở lời nói.” – Robert Benchley

Không phải là “nuốt” lấy từng lời của người nói, chỉ cần tinh ý nhận ra ngôn ngữ cơ thể của họ, ta có thể cảm nhận được rất nhiều điều từ cuộc hội thoại – lắng nghe cả xúc cảm lẫn nội dung bức thông điệp của người nói.

Có một câu nói hài hước nhưng lại vô cùng phù hợp với nội dung này, đó là: “Tôi biết bạn luôn tin rằng bạn đã hiểu những gì bạn nghĩ là tôi nói, nhưng tôi không chắc liệu bạn có nhận ra những gì bạn nghe chưa hẳn là những gì tôi nói!”.

Nhờ “lắng nghe” toàn bộ cơ thể của người nói, ta mới thực sự biết được điều họ muốn nói!

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THƯƠNG LƯỢNG, NGHỆ THUẬT ĐẮC NHÂN TÂM – SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ XÃ HỘI
  2. THƯƠNG LƯỢNG – NGHỆ THUẬT ĐẮC NHÂN TÂM
  3. MỘT NHÂN VẬT ĐIỂN HÌNH VỚI TRÍ THÔNG MINH TỘT BẬC

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH