GYALWANG DRUKPA XII
Trích: Tự Truyện Pháp Ký; Drukpa Việt Nam biên dịch; Nhà xuất bản Tôn giáo
Bên Hồ Liên Hoa miền Bắc Ấn
Ấy là nơi tôi đã đản sinh,
Xứ linh địa Liên Hoa Sinh Thượng sư,
Nơi trình diễn vũ điệu Dakini.
Ấn Độ, miền đất trù phú, là một đất nước giàu tâm linh, văn hóa, và lịch sử. Người dân Ấn Độ có quyền tự do, mọi người có thể tham gia bất cứ hoạt động tôn giáo hoặc thế gian nào và đi bất cứ nơi đâu họ muốn. Trong lúc mô tả các phẩm chất của Cõi Cực Lạc trong kinh điển, Đức Phật dạy rằng chúng ta có thể đi từ cõi Tịnh độ này sang cõi Tịnh độ khác, diện kiến chư Phật và đón nhận giáo pháp rồi quay trở về vào buổi tối cùng ngày. Chúng ta có thể thấy Ấn Độ có những đặc điểm như vậy. Dù bạn làm kinh doanh, thực hành tâm linh hay dạy dỗ đệ tử, bạn có thể làm việc đó mà không bị nhà chức trách hay mọi người làm phiền. Ví dụ, nếu bạn bật nhạc ầm ĩ, ngay cả khi mọi người không thích điều đó, họ cũng không làm ầm chuyện đó lên. Bản thân tôi thực sự cảm thấy hơi phiền hà khi những người hàng xóm bật nhạc ầm ĩ. Thông thường ở Ấn Độ, mọi người không làm ầm lên vì những chuyện như vậy và khi tôi nghĩ về phẩm chất này, tôi cảm thấy đó là sự tự do, dân chủ.
Trong quá khứ, một số bậc Thượng sư và những người đứng đầu tự viện ở Tây Tạng đã nhận được lời mời viếng thăm các nước, nhưng chính quyền và các nhà chức trách không cho phép họ ra nước ngoài với nhiều lý do không thích đáng. Dân thường cũng gặp phải chướng ngại nếu họ dự định thực hiện một chuyến hành hương, vì luôn có nỗi sợ về nạn cướp bóc trên đường trường. Những người cao tuổi kể rằng nếu thực hiện một chuyến hành hương dài, họ không biết chắc liệu có còn sống sót để quay về hay không. Tất cả những chuyện này đều xảy ra trong quá khứ.
Ngày nay, chúng ta thấy vẫn còn một số nước từ chối cấp hộ chiếu cho người dân ra nước ngoài hoặc sau đó lại thu hồi những cuốn hộ chiếu này. Tôi chưa thấy đất nước nào khác có quyền tự do như Ấn Độ. Tôi không có bình luận chính trị nào vì tôi không tham gia và không quan tâm đến chính trị, nhưng bạn có thể hiểu những lời nhận xét này là những quan sát của cá nhân tôi.
Gần đây, một người bạn của tôi đi nghỉ ở Mỹ. Một đêm anh ta bị lạc đường trong lúc lái xe về khách sạn và đi đến một ngõ cụt. Trong lúc đang quay xe, lốp xe bị mắc kẹt vì bùn trong vườn của một gia đình. Người cha của gia đình đó đi ra và nói sẽ bắn anh. Rồi ông ta quát lên là sẽ gọi cảnh sát và tống bạn tôi vào tù. Sau khi phải khẩn nài rất nhiều, bạn tôi mới được người đó cho đi. Bạn tôi thấy sốc và nói rằng chúng ta chưa bao giờ gặp phải chuyện đáng sợ như vậy ở Ấn Độ. Điều này thực sự đúng.
Ví dụ khi thực hiện chuyến bộ hành Pad Yatra ở Ấn Độ, bất cứ khi nào chúng tôi gặp khó khăn về điện hoặc nước uống, người dân địa phương sẽ mang máy phát điện tới để chúng tôi có đèn, cho chúng tôi rau, nước và thậm chí còn cho chúng tôi mượn đệm để ngủ. Mọi người thuộc mọi đẳng cấp và tín ngưỡng đều đến giúp chúng tôi. Họ thực sự muốn giúp đỡ chứ không muốn làm hại. Những ai đã tham gia chuyến bộ hành Pad Yatra đều biết về việc này. Ở các nước khác, nếu bạn dừng xe bên lề đường một lúc thì cảnh sát sẽ xuất hiện ngay tức khắc. Một viên cảnh sát đứng đắn và tốt bụng có thể để bạn tiếp tục đi với lời cảnh báo, nếu không bạn sẽ phải trả tiền phạt ít nhất 100 đô la.
Vì thế, tôi thường cảm thấy khu vực Himalaya thuộc Ấn Độ nơi chúng tôi sống, như Ladakh, Lahaul, Kinnaur hay những nước như Bhutan và Nepal giống như thiên đường cõi trần gian. Tuy nhiên, tôi cho rằng lối sống này sẽ không còn kéo dài được lâu nữa vì cùng với sự tiến bộ về vật chất, mọi người trở nên ích kỷ hơn, kiêu căng, có tà ý, ganh đua và ngã mạn hơn, những điều này khiến mọi việc trở nên xấu đi. Vì thế, có thể coi những ai đang được sinh ra ở Ấn Độ và các khu vực thuộc dãy Himalaya hiện nay là những người may mắn. Chúng ta không thể nói là không cần sự phát triển vật chất để có tương lai tốt đẹp hơn, nhưng điều quan trọng là cần cải thiện cách suy nghĩ và tâm khoáng đạt song hành với sự phát triển vật chất. Chúng ta cần rèn luyện tâm và thực hành cùng với các trải nghiệm của bản thân. Các bậc làm cha mẹ ngày nay hãy khuyên dạy con trẻ hành xử đúng đắn và có trái tim nhân từ.
Dù gì đi nữa, tôi cảm thấy mình đã được sinh ra ở địa điểm phù hợp. Khi xem lại lịch sử và lục lại ký ức, tôi thấy bản thân đã lãng phí nhiều năm tháng vì không có mục đích cụ thể trong nhiều đời, ngoại trừ việc tu học kinh điển. Theo quan kiến tâm linh, việc tu học kinh điển là một phúc duyên lớn vì vô cùng hữu ích cho tâm bạn. Một số đời Hóa thân trước đây của tôi là những học giả vô song và đã giúp đỡ chúng sinh theo nhiều cách khác nhau. Nhưng nếu nhìn rộng ra, chúng ta luôn làm như vậy, từ đời này sang đời khác. Tôi đã được những bậc cao niên thuộc thế hệ trước kể rằng một số học giả danh tiếng thời đó không biết về tôn giáo và văn hóa thế giới, việc các hành tinh quay quanh mặt trời và mặt trăng quay quanh trái đất, họ cũng không biết đến chủ nghĩa duy vật và các quan điểm khoa học, không biết đến tâm lý học và chức năng của não bộ. Thậm chí các học giả thời đó còn thấy khó ký tên mình khi lần đầu tiên tới Ấn Độ. Cũng giống như vậy, các đời Hóa thân trước đây của tôi chỉ liên quan đến hoạt động của vài nghìn vị tăng, trên một trăm tự viện và người dân địa phương, và vì thế các Ngài cũng chưa trải rộng được Phật pháp ra nhiều nơi trên thế giới.
Nhìn chung, những người như chúng ta không thể hiểu được công hạnh của chư Phật và Bồ tát. Công hạnh của các Ngài, dù trực tiếp hay gián tiếp vì lợi ích chúng sinh đều vô biên và không thể nghĩ bàn. Nhưng những hành giả thông thường lại cho rằng công hạnh của các Ngài chẳng có gì đáng kể. Ngoại trừ việc giảng pháp và thỉnh thoảng ban quán đỉnh, nhân danh lợi ích chúng sinh, các hành giả đó chưa làm gì nhiều cho sự an vui thực sự của mọi người, như bảo vệ môi trường, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn được điều trị y tế và có cơm ăn. Nói tóm lại, các hành giả đó không kết nối được với mọi người để có những hoạt động lợi ích cho cả đôi bên.
Đây là hậu quả của thái độ tự phụ của một số bậc Thầy, những ông chủ và những người có quyền lực. Họ không duy trì sự liên hệ mật thiết cần có giữa Thượng sư và đệ tử, giữa chủ và tớ, giữa người có quyền lực và người dưới quyền, giữa con người và muôn loài. Giá như họ giúp đỡ người nghèo và chăm sóc những người gặp khó khăn thì kẻ mạnh không dễ gì thao túng được người yếu. Vì trong quá khứ, việc đó đã diễn ra tại nhiều nơi, qua nhiều thế hệ nên các tự viện và các bậc Thầy, các nhà quản lý, chư tăng và những vị thủ kho, người giàu và tầng lớp quan lại đã phải đối mặt với những thời gian khó khăn. Tôi chỉ tình cờ đề cập đến chuyện này.