ÁP DỤNG GIÁO LÝ TƯƠNG TỨC TRONG CÔNG VIỆC KINH DOANH

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: Quyền Lực Đích Thực ; Dịch giả: Chân Đạt; Nxb Thế Giới, Cty sách Phương Nam

Áp dụng giáo lý tương tức trong công việc kinh doanh là một điều hoàn toàn có thể được. Hạnh phúc của vị giám đốc và gia đình rất quan trọng cho sự phát triển tốt đẹp của doanh nghiệp. Ngược lại, tình trạng phát triển của doanh nghiệp cũng rất quan trọng cho hạnh phúc của vị giám đốc và gia đình ông ta. Tất cả đều liên hệ với nhau. Khi ta chăm sóc tự thân tức là ta chăm sóc gia đình, khi ta đối xử với nhân viên bằng tinh thần trách nhiệm thì tức là ta đang làm lợi cho công ty.

Vì phải cạnh tranh mà nhiều người đã phải hy sinh gia đình để dành trọn thời gian cho công việc. Dưới áp lực nghề nghiệp, thật khó mà dành thì giờ thích đáng cho gia đình. Tuy nhiên ta có thể thu xếp để công việc không còn cách biệt với đời sống gia đình. Hãy lưu tâm tới đời sống của những người thân, coi những khó khăn hay thành công của họ như những khó khăn hay thành công của chính mình. Hãy khuyến khích mọi người trong gia đình cùng chia sẻ ước vọng và hạnh phúc trong công việc của họ. Khi ta xem công việc của người bạn đời như công việc của ta thì ta sẽ không còn thấy sự ngăn cách giữa đời sống gia đình của ta và đời sống nghề nghiệp của người ấy. Sự vắng mặt vì công việc sẽ không còn là một sự vắng mặt thật sự. Gia đình rất quan trọng. Nếu không có gia đình thì làm sao ta có cơ hội cảm nhận được không khí đầm ấm, dịu hiền của tình thương, chăm sóc và cảm thông? Ta nên biến gia đình thành một tăng thân để cùng nhau tu tập. Thực tập chánh niệm làm đẹp đời sống gia đình. Nếu cứ theo tập khí mà trách móc, chỉ trích nhau thì còn đâu là hạnh phúc, còn đâu là gia đình? Hãy thực tập ái ngữ và lắng nghe để gia đình thêm yên vui. Mặc dầu sống với nhau nhiều năm, chưa chắc ta đã thực sự hiểu nhau, chưa chắc ta đã biết rõ ta thương yêu nhau như thế nào. Cần phải học cách lắng nghe nhau thật tình, lắng nghe để có thể hiểu thấu niềm đau nỗi khổ của nhau, khi đó ta mới có thể chăm sóc và thương yêu nhau.

Ta có thể thực tập ăn trong chánh niệm mỗi ngày. Cả gia đình nên cùng ngồi ăn sáng chung với nhau, dù cho chỉ có mười lăm phút nhưng phải sống trọn vẹn cho nhau trong mười lăm phút ấy, hãy nhìn nhau và mỉm cười. Ý thức rằng được ngồi với nhau là quý giá biết chừng nào, cho nên ta không để phí thì giờ. Đây chính là tỉnh thức, là chánh niệm, là thương yêu.

Cách hay nhất để chia sẻ thực tập của ta với những người trong gia đình là qua hành xử chứ không phải lời nói. Khi lái xe, ta lái trong chánh niệm, theo dõi hơi thở, không để quá khứ, tương lai, hay dự án cuốn hút đi. Khi gặp đèn đỏ, ta mỉm cười như mỉm cười với một người bạn, bởi vì đèn đỏ đang nhắc: “Mời bạn trở về hơi thở.” Khi về nhà, trước khi mở cửa, ta dừng lại, thở vào, thở ra ba lần và mỉm cười. Như thế ta sẽ tươi mát hơn khi bước vào để gặp lại người thương sau một ngày dài làm việc mệt nhọc. Sửa soạn bữa ăn sáng cũng là một dịp để thực tập thương yêu, hạnh phúc. Hãy tận hưởng từng giây phút trong khi sửa soạn bữa ăn. Khi ấy nhà bếp sẽ là thiền đường thanh tịnh, ta mời những người thương cùng ngồi ăn sáng chung, ăn thế nào cho có an lạc, tự do, nghĩa là không bị phiền não ràng buộc. Và khi uống một tách trà hay một ly cà phê sau bữa cơm trưa, ta uống trong tỉnh thức, thảnh thơi, thưởng thức tận cùng tách trà hay ly cà phê. An trú trong hiện tại, sống sâu sắc từng giây, từng phút với năng lượng chánh niệm như thế là một điều có thể làm được.

Sau vài ngày sống như thế ta sẽ bình tĩnh hơn, vui tươi hơn và người bạn đời của ta sẽ hỏi: “Anh ơi, anh thực tập làm sao mà hay quá vậy?” Đây là dịp tốt để ta chia sẻ kinh nghiệm thực tập với người ấy. Không nên ép buộc người khác phải tu tập như mình. Chỉ cần thực tập sống sâu sắc trong chánh niệm, không cần hình thức, không cần tỏ ra cho ai biết là ta đang thực tập. Đi một cách tự nhiên nhưng đi trong chánh niệm. Ăn một cách tự nhiên nhưng ăn trong chánh niệm, rồi năng lượng bình an, vững chãi thảnh thơi của ta sẽ ảnh hưởng đến người kia. Nếu có một người bạn cũng đang thực tập thì ta mời người ấy cùng thực tập với ta trong một ngày hay nửa ngày cuối tuần bởi vì ta cần tăng thân nâng đỡ.

Ta cũng có thể chia sẻ bình an của ta với những bạn đồng nghiệp. Trong các cuộc họp, cách ta nói, cách ta lắng nghe, cách ta cười, khả năng truyền thông của ta sẽ ảnh hưởng tới họ. Nếu khéo léo tu tập thì ta có thể đưa thực tập vào trong gia đình cũng như vào công việc.

Ta có thể biến nơi làm việc thành nơi tu tập. Công ty, cũng như gia đình, là một cộng đồng mà ta phải chăm sóc để ta có thể hưởng được năng lượng bình an, vững chãi và thảnh thơi ngay trong khi làm việc. Đã có nhiều người thành công trong việc áp dụng chánh niệm vào trong công việc bằng cách đi đứng chánh niệm, thực tập buông thư và nói năng hòa nhã. Khi đi từ phòng họp này đến phòng họp khác, hay từ khu nhà này đến khu nhà kia ta theo dõi hơi thở, ý thức từng bước chân. Ta buông thư thân tâm, an vui từng giây từng phút, không lo âu, không buồn phiền. Như thế gọi là đi trong chánh niệm, là an trú trong hiện tại. Và ta sẽ đến nơi làm việc hay nơi họp tươi mát hơn, bình tĩnh hơn.

Một vị dân biểu đã viết cho tôi, rằng sau khi tham dự một khóa tu chánh niệm được tổ chức cho các đại biểu quốc hội, ông đã thay đổi cách đi của mình. Ông luôn luôn thực tập thiền đi (đi trong chánh niệm) và ngưng suy tư trong khi đi. Văn phòng của ông rất bề bộn, ông phải trả lời không biết bao nhiêu điện thoại, giải quyết không biết bao nhiêu vấn đề. Thời gian duy nhất mà ông có thể ngưng suy tư là thời gian ông đi từ văn phòng đến nơi bỏ phiếu. Ông chú tâm vào hơi thở và bước chân, chấm dứt hoàn toàn suy nghĩ. Ông nói rằng thực tập như thế đã cứu ông trong cuộc sống của một dân biểu.

Trong khi họp với đồng nghiệp, ta có thể thực tập nói trong chánh niệm và lắng nghe trong chánh niệm bằng cách trở về với hơi thở và an tịnh tâm trí. Như thế ta sẽ thành công hơn trong khi trao đổi ý kiến mà không bị sân hận, hoang mang và sợ hãi khống chế.

Tại một số doanh nghiệp, người ta đã khám phá ra rằng công việc sẽ hiệu quả hơn nếu trong ngày nhân viên có thời gian nghỉ ngơi hay buông thư toàn thân. Buông thư toàn thân, buông bỏ mọi căng thẳng và lo âu trong thân và tâm là quá trình phục hồi lại sức khỏe. Nên dành một căn phòng đặc biệt để nhân viên có thể vào nằm nghỉ từ ba mươi tới sáu mươi phút vào buổi trưa. Ta cũng có thể thực tập buông thư toàn thân trong tư thế ngồi. Nhiều sinh viên bên châu Âu và tại Mỹ đã gài đặt máy vi tính để cứ mười lăm phút lại có tiếng chuông chánh niệm nhắc nhở ta dừng lại để thở vào, thở ra ba hay bốn lần. Thật đơn giản nhưng rất hữu hiệu trong việc nuôi dưỡng và trị liệu.

Chánh niệm làm gia tăng phẩm chất của công việc. Công việc ta làm phải có ý nghĩa vì điều này rất quan trọng cho phẩm chất của cuộc sống. Ta làm việc để giảm thiểu đau khổ, đem lại lợi ích cho mình và cho người, hay ta làm việc để chồng chất khổ đau, căng thẳng? Đành rằng khó tránh khỏi cạnh tranh, chạy theo tiền bạc, danh vọng, tiêu thụ bừa bãi…, nhưng ta có thể ngưng lại được những cái đó. Hãy quán chiếu để tìm hiểu xem những thứ đó có đem lại hạnh phúc thực sự hay không, có giải phóng ta ra khỏi niềm đau nỗi khổ hay không? Có một vấn đề ta phải suy xét cho kỹ, đó là: làm sao để có thể đem hạnh phúc, bình an và thương yêu vào trong sở làm. Phải thảo luận với các đồng nghiệp và bạn bè để tìm cho ra những biện pháp cụ thể và thích hợp để chuyển đổi tình trạng. Ta cần sự nâng đỡ của một tăng thân, nghĩa là của một nhóm bạn bè cùng thực tập chánh niệm. Ta cần sự nâng đỡ của những thiện tri thức có khả năng hướng dẫn, và giúp đỡ trên con đường thực tập bình an, hạnh phúc, và giải thoát.

Cũng cần để ý đến khía cạnh hạnh phúc, bình an của khách hàng, vì ta không thể bán cho họ bất cứ thứ gì miễn là có lợi nhuận. Ta chỉ bán những sản phẩm không hại cho thân, tâm. Ta biết rằng tiêu thụ trong chánh niệm là con đường duy nhất giúp thoát ra khỏi tình trạng tồi tệ do chính chúng ta tạo nên cho xã hội hiện nay. Vì tiêu thụ thiếu chánh niệm mà chúng ta có thể tự giết mình. Nếu ta sản xuất hay bán ra những sản phẩm gây tàn hại cho thân tâm của khách hàng thì ta đang tàn hại chính ta và cơ sở làm việc của ta. Kiếm tiền bằng cách ấy là tự hủy diệt. Đây là tuệ giác tương tức.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. QUÁN CHIẾU VỀ SỰ SI MÊ
  2. TRỊ LIỆU CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH
  3. CÂU CHUYỆN VỀ CÔNG TY PATAGONIA

Bài viết mới

  1. AI CŨNG MUỐN NÓI VỀ BẢN THÂN MÌNH
  2. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  3. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG