BA CON ĐƯỜNG

NGUYỄN CÔNG THÁI

Trích: Hành Trình Trở Thành Người Giáo Viên Hạnh Phúc - Thịnh Vượng - Bình An; NXB Dân Trí.

Một trong những người Đức vĩ đại nhất lịch sử là Johann Wolf- gang von Goethe (W. Gớt) đã nói rằng: “Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp”. Trí tuệ được đúc kết qua con đường thực tế và thực nghiệm chứ không phải qua con đường sách vở. Bạn có thể trang bị trí tuệ cho bản thân từ việc đúc rút ra những bài học qua ba con đường sau đây:

Con đường thứ nhất là tự rút ra cho mình bài học qua những trải nghiệm thất bại của bản thân. Đây là con đường khá mất thời gian, thậm chí cần phải trả giá, đánh đổi rất nhiều. Bởi vì cuộc đời quá ngắn cho những sai lầm hay thất bại liên tục. Thất bại là mẹ của thành công, nhưng chúng ta luôn biết rằng nhiều mẹ quá chưa hẳn đã tốt cho bạn.

Con đường thứ hai là học được bài học từ những trải nghiệm của người khác. Dù bất kỳ ai xuất hiện trong cuộc đời bạn đều mang những ý nghĩa nhất định và đem đến cho bạn bài học để bạn trưởng thành. Bằng một tâm sáng để nhìn nhận, trí tuệ bạn sẽ được mở rộng. Đây là con đường mà Khổng Tử đã dạy. Ai cũng là Thầy, ai cũng là Trò, và khi ta nhìn thấy một vị Thầy trong một người thấp hơn ta, là lúc ta có tâm và tầm của trí huệ.

Con đường thứ ba là con đường học những bài học, trí tuệ từ sách vở hay những người thành công. Họ đã đi trước, đã dành thời gian, tâm huyết và nhiều thứ khác để đúc rút ra được những trí tuệ tinh hoa. Đi theo con đường này, bạn có thể rút ngắn thời gian, trả giá ít nhất mà vẫn có thể đạt được thành công.

Trong cả ba con đường, bạn có thể chọn cho mình tất cả hoặc riêng một con đường để đi cho riêng mình. Dù là con đường nào bạn cũng sẽ có những trải nghiệm, bài học cho riêng mình. Kinh nghiệm mỗi người khác nhau nên nghi vấn, sự ngộ, hiểu và trí tuệ chúng ta đều khác nhau. Tuy nhiên, tôi mong muốn những trí tuệ tôi có được suốt 22 năm làm giáo dục của mình có thể giúp bạn có định hướng, đồng hành cùng bạn trên hành trình trở thành người giáo viên thịnh vượng, hạnh phúc và bình an. Trí tuệ của con người đến từ việc “trải qua, nghiệm lại” chứ không đến từ việc nhồi nhét kiến thức từ sách vở. Vì vậy, bạn cần hành động sau đó rút ra bài học, xác định được đâu là điều đúng đắn có ý nghĩa, giá trị phụng sự được cho xã hội. Tôi có thể đồng hành cùng bạn trên hành trình này nhưng tôi không thể thay bạn trải nghiệm. “Hãy tự mình nỗ lực, khiến trí tuệ tăng trưởng”. (Câu thứ 282, Kinh Pháp Cú).

Bạn thấy không, trên hành trình khởi nghiệp thịnh vượng và bình an, tôi mong muốn cùng được đồng hành với bạn về tới đích. Tôi luôn nói một điều: “Không quan trọng quá khứ bạn là ai, nhưng rất quan trọng khi bạn muốn bạn trở thành ai”. Khi bạn muốn trở thành ai thì tôi sẽ giúp bạn trở thành con người bạn mong muốn với một môi trường Tam Bảo. Ở đó có những người thầy hiền trí, có những cuốn sách tinh hoa được đúc kết bởi những nhân tài trên thế giới, có những người bạn tốt để cùng nhau hành động. Trong môi trường này, tôi và bạn cùng nhau rèn luyện nghị lực mỗi ngày với trí tuệ và đạo đức bạn nhé!

“Luật tự nhiên không gì khác hơn là ánh sáng trí tuệ do Chúa đặt trong ta, nhờ đó, chúng ta biết điều phải làm và điều phải tránh. Ánh sáng này hay luật này, Thiên Chúa đã ban khi sáng tạo con người. (Thánh Tôma Aquinô)

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TẠI SAO PHỤNG SỰ LẠI QUAN TRỌNG?
  2. AI THÀNH CÔNG CŨNG PHẢI CÓ THẦY
  3. “GIÁ TRỊ SỐNG” LÀ GÌ?

Bài viết mới

  1. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  2. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  3. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT