BÀI HỌC TRONG GIÂY LÁT

MICHAEL J. COLLINS

Trích: Hạt Giống Tâm Hồn - Những Trải Nghiệm Cuộc Sống; Stephen R. Covey tuyển chọn và giới thiệu; Việt dịch: Thu Trang - Minh Tươi; NXB. Tổng hợp Tp.HCM; Công ty VH-ST Trí Việt – First News, 2018

Là một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, tôi không thuộc mẫu người biết nói năng ngọt ngào, bay bướm, Tôi có thể hàn gắn mọi thứ bằng đôi tay nhưng để nói ra bằng lời, với tôi chẳng dễ chút nào.

Có lẽ một phần đó cũng là do tính chất nghề nghiệp của tôi. Trong bốn năm làm việc tại bệnh viện Mayo ở Rochester, Minnesota, những thứ chiếm trọn tâm trí tôi đó là con dao mổ, phòng mổ, những ca cấp cứu, ánh đèn đỏ hú giục liên hồi. Chúng tôi phục hồi lại đầu gối, nối lại các đoạn xương giúp người bệnh lành lặn trở lại.

Vợ tôi – Patti, hiểu rằng tôi lựa chọn nghề y là vì muốn giúp người khác. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, chính những bệnh nhân lại mang đến cho tôi nhiều bài học bất ngờ.

Tôi vẫn còn nhớ một ca cấp cứu trong phiên trực đêm vào năm đào tạo thứ ba của tôi. Một thằng bé năm tuổi bị gãy cổ tay do ngã từ giường ngủ xuống. Tôi lầm bầm: “Sao không phải là một tai nạn khác!”. Dường như năm nay Rochester toàn những trường hợp trẻ em bị gãy tay thì phải. Từ phòng trực, tôi chậm chạp lê bước xuống phòng cấp cứu, cầm tấm bảng ghi tên bệnh nhân lên rồi đi thẳng tới nơi bệnh nhân đang chờ.

Thằng bé nằm trong lòng cha và rấm rứt khóc. Nó mặc bộ đồ ngủ in hình Vịt Donald, trong lòng ôm khư khư một con thú bông đã sờn rách trông giống như chú chó Goofy. Cổ tay bên trái của nó bị bẻ ngoặt về sau thành một góc bốn mươi lăm độ. Tôi tự giới thiệu mình với cha thằng bé rồi quay sang hỏi nó về chuyện đã xảy ra, nhưng thằng bé không trả lời và thậm chí cũng chẳng thèm nhìn tôi. Nó chỉ rút sâu hơn vào cánh tay cha.

Tôi là người không mấy kiên nhẫn. Tôi biết việc sắp tới mình phải làm là gì và sẽ tốn bao nhiêu thời gian. Còn rất nhiều việc khác đang chờ đợi tôi. Vì thế, tôi chẳng buồn để tâm đến việc nói chuyện tiếp với thằng bé mà ngay lập tức đưa nó đi chụp X quang.

Năm phút sau, chuyên viên chụp X quang đã có mặt. Cô ấy ngồi xuống trước mặt thằng bé và nhẹ nhàng hỏi nó: “Ôi Danny, cháu bị đau hả cháu ngoan?”.

Khi thằng bé ngước mắt nhìn cô ấy, đôi mắt nó rưng rưng: “Cháu bị ngã khỏi giường”.

Cô ấy đưa tay nựng nhẹ vào má thằng bé rồi nói: “Ôi, vậy thì thật là tệ. Được rồi, bây giờ cô sẽ chụp tay cho cháu rồi vị bác sĩ tốt bụng này sẽ giúp cháu làm nó lành lại. Cháu có muốn cô chụp cho cháu một bức hình của Goofy không?”. Danny liền gật đầu.

Tôi đứng ở góc phòng, lòng băn khoăn tại sao đứa trẻ này lại nói chuyện với chuyên viên chụp X quang mà không phải là tôi – bác sĩ chính của nó. Trong khi cô nhân viên tiếp tục ngọt ngào với thằng bé, tôi thầm nghĩ “Thật là lãng phí thời gian!”. Một lúc sau, cô ấy mới đi chuẩn bị máy móc và bắt đầu chụp. Rồi cô ấy đặt Goofy lên một chiếc hộp đựng phim và chụp luôn cho con thú bông đó.

Trong lúc chờ đợi kết quả chụp X quang, tôi đưa thằng bé tới phòng mổ rồi gọi cho Bonnie – bác sĩ gây mê và John “Ski” Kowalski – bác sĩ bó bột, và bảo anh ấy gặp tôi trong phòng bó bột.

Kết quả chụp x-quang cho thấy tay thằng bé bị gãy và trật khớp xương nghiêm trọng. Nhưng thằng bé có vẻ không mấy quan tâm đến điều đó. Nó đang chăm chú nhìn ngó tấm hình chiếu chỉ một màu xám nhạt của con Goofy được đặt đối diện với tấm phim màu đen. Tôi bảo cha mẹ cậu bé rằng chỗ gãy của nó phải nắn lại mới được. Và cách ít đau đớn nhất để làm việc đó là phải gây mê hoàn toàn. Tôi cũng nói rằng, theo tôi thì không cần thiết phải mổ. Tôi có thể đưa những khớp xương ấy trở lại như cũ, sau đó bó bột cho thằng bé.

Chúng tôi đưa Danny lên phòng bó bột và chờ mười lăm phút sau để chuyên viên gây mê tới. Ski vẫn lặng lẽ và thành thạo như mọi khi, anh ấy dở vật dụng ra rồi bắt đầu lựa cuộn thạch cao mà chúng tôi cần. Cô Bonnie cũng tới để giúp thằng bé ngủ thiếp đi, rồi cô ấy gật đầu ra hiệu cho tôi bắt đầu.

Tôi ngã cổ tay thằng bé xuống chín mươi độ, rồi áp dụng phương pháp điều trị bằng cách kéo giãn tay liên tục để duỗi phần bị gãy ra, trong khi Ski cầm cánh tay thằng bé. Sau đó, tôi tăng lực để nâng phần xương đang bị trật đủ độ để tôi có thể luồn ngón tay cái bên trái của mình xuống bên dưới các khớp xương, sau đó đẩy phần xương bị gãy phía trên, rồi đẩy tất cả lên cùng lúc. Tôi nghe thấy tiếng kêu răng rắc khi các khớp xương trở lại vị trí ban đầu.

Ca nắn xương của tôi diễn ra thật hoàn hảo. Tôi đã quá thành thạo trong những trường hợp thế này. Có như thế tôi mới có mặt ở đây chứ. Bây giờ tôi chỉ cần bó bột cho thằng bé nữa là xong.

Ski nâng cánh tay thằng bé để tôi bắt đầu bó bột xung quanh chỗ gãy. Bỗng nhiên tôi bắt gặp một vết xăm màu xanh bên dưới chiếc áo của Ski. “Này Ski, số 28 có nghĩa là gì vậy?” – Tôi hỏi và chỉ vào vết xăm.

Đó là tên trung đoàn của tôi. Bộ binh 28. Tôi đã từng là y tá quân y ở Việt Nam”. –  Ski lặng lẽ trả lời. Trước nay anh chưa bao giờ nói về điều này.

Trong khi tôi tiếp tục ốp thạch cao hết lớp này tới lớp khác vào cánh tay cho thằng bé, Ski đã kể cho tôi nghe về thời gian anh ấy ở Việt Nam.

  • Nơi đó chẳng khác nào địa ngục, bác sĩ ạ. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người bị thiêu sống, bị đánh đập dã man, hoặc bị bắn tan xác. Ngày này qua ngày khác, tôi thường xuyên phải băng bó và nẹp xương. Sau một thời gian, tôi có thể làm những việc này rất chuyên nghiệp. Tôi không muốn nghĩ về nó một chút nào nữa. Tôi chỉ muốn làm cho xong và về nhà thôi.
  • Ừ, tôi hiểu ý anh muốn nói. – Tôi thì thầm.
  • Nhưng tôi đã sai bác sĩ ạ. Tôi đã quên rằng những bệnh nhân này không chỉ cần sự cứu giúp của tôi mà còn muốn tôi quan tâm tới họ. Công việc không chỉ gói gọn trong việc băng bó vết thương hay những việc chúng ta đang làm ở đây ngày hôm nay – phục hồi những khớp xương.

Dĩ nhiên, công việc của chúng tôi là phục hồi những khớp xương rồi. Không phải đó là lý do người cha này đã đưa cậu con trai tới phòng cấp cứu sao? Đó không phải là công việc chính của tôi sao?”. Rồi tôi chợt hiểu ra. Khi tay tôi lướt trên bề mặt lớp thạch cao phủ trên tay thằng bé để vuốt phẳng lớp cuối cùng, tôi đã xúc động tự nhủ: “Mày quả là ngốc. Mày đã quên mất điều quan trọng nhất!

Chắc hẳn Ski đã rất băn khoăn rằng chuyện gì đang xảy ra với chuyên gia lạnh lùng là tôi khi tôi vẫn đứng đó để bọc cao su lên lớp bột khô thay vì chạy tới phòng kỹ thuật để hoàn tất các phim chụp. Tôi đã im lặng khi Ski đề xuất chụp X quang cho thằng bé thêm lần nữa để chắc chắn là chỗ gãy đã được nắn lại hoàn hảo.

Không biết từ lúc nào, tôi đã tự biến bản thân thành cái máy vô cảm chỉ biết làm việc theo nguyên tắc hoặc quên lương tâm của người thầy thuốc. Tôi đã để sự thực dụng lấn át cảm xúc của mình. Thậm chí, một chuyên viên chụp X quang cũng biết cách làm cho một đứa bé bị thương hiểu rằng nó được quan tâm. Trong khi đó, tất cả những việc tôi làm chỉ là giục giã thằng bé mau lên để đưa nó đi thực hiện công đoạn kế tiếp.

Chúng tôi nhận được phim chụp sau năm phút và cùng kiểm tra lại vết thương trên tấm hình chiếu.

  • Vị trí khớp rất hoàn hảo bác sĩ à – vẫn như mọi khi.

Câu nói của Ski khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Tại sao trước kia tôi lại không nhận ra sự châm chọc trong giọng nói của anh ấy nhỉ?

  • Cô không cần đánh thức thằng bé dậy đâu, Bonnie ạ – Tôi nói nhỏ với bác sĩ gây mê.

Khi Danny bắt đầu thức giấc, chúng tôi giúp thằng bé cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi đã lấy con Goofy và bọc một miếng thạch cao nhỏ quanh tay của chú chó bông. Tôi tạo hình một cái dây nhỏ từ một vài mẫu giấy rồi quàng lên cổ con chó.

  • Đừng sợ Danny ạ. Chúng ta đã xong hết rồi. Cánh tay của cháu cũng khỏi rồi và nhìn này, chúng ta đang chữa trị cho Goofy nữa đấy! – Tôi nói khi mi mắt thằng bé dần mở ra và chầm chậm nhìn quanh.

Thằng bé nâng cánh tay lành lặn lên. Nó lấy con Goofy lại từ tay tôi.

  • Cháu muốn gặp mẹ. – Thằng bé nói mà đôi môi run run.
  • Cháu ổn rồi mà, cháu ngoan. Chỉ một lúc nữa thôi là ta có thể cho cháu và Goofy về nhà. – Tôi lặp lại.

Tôi lấy bảng ghi tên bệnh nhân và lần tìm tên thằng bé. Daniel Oestmann, ở Byton, Minnesota. Trước đó, tôi đã không biết họ tên đầy đủ của nó. Tôi lau khô vết thạch cao còn dính trên tay mình, cầm lên kết quả chụp X quang rồi đi gặp cha mẹ thằng bé.

  • Chào ông bà Oestmann, Danny ổn rồi. Mọi thứ đều tốt. Chỗ xương gãy đã được nắn lại đúng vị trí. Thằng bé có thể về nhà vào tối nay. – Tôi nói.
  • Bác sĩ có cần phải mổ không?
  • Không ông ạ. Tôi đã nắn lại xương mà không cần mổ.

Gương mặt cha mẹ thằng bé giãn hẳn ra. Từ khi nào tôi không nhận ra những niềm hạnh phúc ngọt ngào mà bình dị như thế? Từ khi nào tôi trở nên thiếu nhẫn nại khi thông báo tin tức cho thân nhân người bệnh và chỉ muốn mau chóng quay lưng bước đi?

  • Mời ông bà ngồi. – Tôi nói rồi chỉ vào băng ghế đằng sau họ.

Tôi ngồi cùng gia đình Oestmann khoảng mười lăm phút. Họ kể với tôi rằng họ có hai đứa con nữa, một đứa 10 tuổi còn một đứa 12 tuổi.

  • Vậy Danny là con út ở nhà à? – Tôi hỏi bà Oestmann.
  • Vâng thưa bác sĩ. Nancy nghĩ là trái đất thay đổi từng ngày cùng sự lớn lên của thằng bé. – Ông Oestmann nói trước khi vợ kịp trả lời. Bà chỉ mỉm cười xấu hổ.

Tôi nhắc họ những điều nên tránh, chỉ dẫn họ phải chụp X quang lần nữa, đồng thời căn dặn họ cứ gọi điện tới nếu có điều gì thắc mắc. Rồi tôi bảo là tôi sẽ hỏi các y tá xem có thể cho họ gặp Danny một lát không. Họ đứng dậy và nắm lấy tay tôi. Bà Oestmann nói: “Cảm ơn bác sĩ. Cảm ơn anh nhiều lắm!”.

Đến lúc đó, tôi mới thanh thản nói lời chào tạm biệt cha mẹ thằng bé.

Ca trực đêm này đã cho tôi một bài học giá trị. Sau khi nói chuyện với các y tá, tôi đi tới phòng bó bột. Ở đó, tôi còn nợ lời cảm ơn với một người.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SÁNG SUỐT, DỊU DÀNG VÀ CỞI MỞ
  2. TÂM RỘNG MỞ – ĐẾN HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ