BẠN CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI HAY TRÌ HOÃN?

S. J. SCOTT

Trích: Ngay bây giờ hoặc không bao giờ - 23 thói quen chống lại sự trì hoãn

Nguyên tác: 23 anti-proscratstination habits

Tác giả: S.J.Scott

Việt dịch: Minh Minh

NXB Lao động, Công ty sách Alpha, 2017

Ai trong đời cũng đôi lần trì hoãn. Trong khi đa số thường xuyên trì hoãn, thì một vài người khác lại coi việc trì hoãn là trở ngại ngăn cản họ đến với một cuộc sống hạnh phúc và thành đạt. Cuốn sách này được viết cho những người đó, những người đang nỗ lực tranh đấu để hoàn thành dự án và những công việc cá nhân đúng thời hạn đề ra.

Thói quen trì hoãn

THÓI QUEN TRÌ HOÃN

Mọi thành công (hoặc thất bại) trong đời đều bắt đầu từ một thói quen. Những điều bạn làm hàng ngày sẽ xác định phần lớn những gı̀ bạn sẽ đạt được trong cuộc sống.

Thói quen tạo nên lề thói, và đa phần chúng ta đều sử dụng một vài lề thói để vận hành cuộc sống của mình. Chúng ta thức dậy vào buổi sáng và làm theo một loạt hành động định sẵn: Tắm rửa, đánh răng, mặc quần áo, ăn sáng, đi đến công ty, làm việc và trở về nhà.

Một vài người chọn làm theo những thói quen cải thiện bản thân: Đặt ra mục tiêu, đọc những cuốn sách khơi gợi cảm hứng, thực hiện những dự án quan trọng và phớt lờ mọi thứ vô bổ gây phân tán. Những người khác lại chọn các thói quen phá hủy bản thân: Làm việc ở mức tối thiểu, ăn những thức ăn không có lợi cho sức khỏe, làm giảm khả năng sáng tạo bằng những chương trình giải trí nhạt nhẽo và đổ lỗi cho người khác khi thất bại.

Trên thực tế, các thói quen có thể vừa tốt vừa xấu. Chúng tạo nên con người chúng ta, những gì chúng ta làm và những gì chúng ta có thể đạt được trong cuộc sống. Điều thú vị là mọi thói quen đều được hình thành theo cùng một cách. Khi hiểu được cách nó vận hành, bạn có thể tự tin áp dụng mọi lề thói mới và làm theo một cách kiên định.

Giả sử bạn muốn viết 30 phút mỗi ngày. Bạn tạo lập thói quen này bằng cách làm theo hướng dẫn mà những người khác từng sử dụng:

  • Mỗi ngày, hãy dành một khoảng thời gian cho thói quen này.
  • Tạo ra một cách nhắc nhở vào một thời điểm cụ thể để thực hiện thói quen này.
  • Hãy bắt đầu bằng việc đặt ra những mục tiêu nhỏ (như dành 5 phút để viết lách chẳng hạn).
  • Hãy theo dõi thói quen này để đảm bảo bạn đang làm nó mỗi ngày.
  • Lên kế hoạch cho những ngày mà bạn “không có hứng” để viết.
  • Nâng dần nỗ lực của bạn cho đến khi bạn viết đều đặn 30 phút mỗi ngày.

Dù tốt hay xấu thì mọi thói quen đều được hình thành từ việc lặp đi lặp lại. Có những thời điểm trong cuộc đời, thói quen trì hoãn có cơ hội phát triển bởi nó đem lại cho bạn “cảm giác vui sướng” trong một thời gian ngắn. Song, điều mà bạn đã không làm là học cách vượt qua “cảm giác lười biếng” đó để thực hiện những việc cần làm.

Một trong những lý do lớn nhất giải thích cho việc mọi người thường hay trì hoãn là công việc đó mâu thuẫn với những thói quen sẵn có của họ. Bất cứ khi nào bạn cố gắng làm một điều gì đó mà không phải những việc bạn làm hằng ngày, bạn sẽ cần phải có nỗ lực và ý chí thì mới hoàn thành được nó. Điều này càng đúng hơn nếu đó là một công việc nhàm chán.

Giải pháp đơn giản nhất để vượt qua sự trı̀ hoãn không phải là chiến đấu với nó. Thay vào đó, bạn cần thay thế nó bằng những lề thói tích cực có lợi cho cuộc sống của bạn.

Bạn sẽ thấy rằng, khi một công việc khó khăn trở thành một thói quen, nó sẽ không còn bị trì hoãn. Bạn sẽ làm nó một cách rất tự nhiên – như đánh răng, xem tivi hay lái xe. Tất cả những gì bạn cần đó là một bản hướng dẫn giúp bạn phân chia mọi công việc thành những việc làm nhỏ hằng ngày và hoàn thành những việc làm nhỏ đó.

thói quen trì hoãn

Không ai khác, mà chính bạn là người phải chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình.

Tất cả chúng ta đều luôn muốn trì hoãn – đó là một phản ứng hoàn toàn bình thường khi phải đối mặt với thách thức khó khăn. Bí quyết để hành động ở đây là hiểu được tại sao bạn lại đang trì hoãn. Trong phần tới, chúng ta sẽ xem qua 7 lý do phổ biến mà mọi người thường đưa ra để bao biện khi bị sự trì hoãn cám dỗ.

7 LÝ DO CÓ THỂ NẢY SINH KHI BẠN MUỐN TRÌ HOÃN

Không khó để nghĩ ra một cái cớ nào đó để trì hoãn. Bí quyết ở đây là phải biết khi nào một lý do là hợp lý và khi nào nó chỉ là một cách khôn lõi để né tránh việc thực thi nhiệm vụ. Phần lớn những cảm giác trì hoãn của chúng ta khởi nguồn từ một nỗi sợ hãi tiềm thức hoặc từ một niềm tin khiến chúng ta tự giới hạn bản thân. Khi dành thời gian để khám phá những ý nghĩ này, bạn sẽ nhận ra rằng thật dễ dàng để chiến thắng được chúng và tạo ra một tư duy tı́ch cực hướng đến hành động.

Trí óc của bạn là một bộ máy diệu kỳ. Nó cung cấp cho bạn nguồn sức mạnh để tạo ra bất kỳ thứ gì từ trí tưởng tượng. Mặc dù vậy, nó cũng có thể hạn chế khả năng hoàn thành công việc của bạn. Chúng ta thường bị mắc kẹt trong một dự án – không phải vì thiếu động lực hoàn thành nó mà bởi những dạng suy nghĩ tiêu cực luôn lởn vởn trong đầu chúng ta.

Căn nguyên của “thói quen trì hoãn” đến từ niềm tin khiến chúng ta tự giới hạn bản thân. Khi những suy nghĩ đó không được kiểm soát, chúng chính là nguyên nhân nảy sinh ra những “cái cớ” biện minh cho việc không hoàn thành một dự án/công việc. Mặc dù vậy, khi thách thức những lý do đó, bạn sẽ thấy rằng đa phần chúng là kết quả của những nỗi sợ tiềm ẩn hoặc những dạng thói quen tiêu cực.

Mọi người thường đưa ra 7 lý do để bao biện cho việc trı̀ hoãn. Càng hiểu được lý do tại sao chúng lại xuất hiện và bạn sẽ tiến được gần thêm một bước nữa tới việc chiến thắng được sự trì hoãn:

* Lý do 1: “Nó cũng chẳng quan trọng lắm”

Mọi người thường né tránh những công việc có vẻ không mấy quan trọng. Chúng đôi khi là những công việc không đòi hỏi quá khắt khe về mặt thời gian, có lúc lại là một công việc nhàm chán và chẳng liên quan gì đến mục đích dài hạn. Và có khi nó đòi hỏi bạn phải vượt qua được một nỗi sợ hãi lớn. Không cần biết ý nghĩ nào đang lướt qua đầu bạn, nhưng có những lúc
chúng ta thường trì hoãn một công việc bởi nó chẳng có vẻ gì là quan trọng.

Một trong những liều thuốc đơn giản nhất để chữa căn bệnh “chẳng quan trọng lắm” là phát triển thói quen ra những quyết định đơn giản. Hoặc là bạn tập trung hoàn thành nó hoặc là lấy can đảm loại bỏ nó khỏi những việc cần làm. Một trong những cách tốt nhất để vượt qua được sự trì hoãn là đưa ra những quyết định khó khăn trong cuộc sống – kể cả việc loại bỏ những thứ đôi khi có vẻ quan trọng.

* Lý do 2: “Tôi cần làm… trước”

Nhiều dự án thường bị đình lại bởi có một công việc đặc biệt bức thiết khác chen chân. Dù đó là một cú điện thoại, một dự án chen ngang hay một vụ mua bán đơn giản, thì những điều này cũng rất dễ tạo ra sự trì hoãn khi phải hoàn thành chúng trước mọi công việc khác.

Bạn có thể loại bỏ lý do này vĩnh viễn bằng cách phát triển thói quen xác định một cách trọn vẹn từng dự án. Yếu tố then chốt ở đây là chia nhỏ chúng thành một loạt những hành động nhỏ mà bạn thực hiện hàng ngày.

* Lý do 3: “Tôi cần thêm thông tin”

Đôi khi, đây là một lý do hợp lý. Chúng ta thường có những công việc đòi hỏi phải được nghiên cứu kỹ càng trước khi bắt tay vào thực hiện. Mặc dù vậy, đây cũng khó có thể là một lý do chính đáng nếu bạn thực hiện công việc đó theo tuần.

Giải pháp đơn giản nhất dành cho vấn đề này chính là lấy thêm thông tin. Không bao giờ nên lấy việc không biết cách làm để làm lý do né tránh một dự án. Ngày nay, không khó để học các kỹ năng hay tìm người trợ giúp.

* Lý do 4: “Tôi bị quá tải”

Chúng ta ai cũng đều từng bị quá tải. Nó khiến chúng ta có cảm giác như dù có “ba đầu sáu tay” thı̀ chúng ta cũng không hoàn thành hết được. Vấn đề này thường xảy ra với những người cảm thấy mình phải có trách nhiệm tự làm tất cả mọi việc.

Cảm giác quá tải có thể được loại bỏ bằng cách tập trung vào những công việc quan trọng và ủy thác hoặc loại bỏ những công việc khác. Một khi biết cách xác định đâu là điều quan trọng, thì không khó để tự xử lý từng nhiệm vụ một và hoàn thành mọi việc một cách nhất quán.

* Lý do 5: “Giờ tôi không có thời gian”

Đây cũng lại là một lý do thực sự hợp lý. Đôi khi bạn phải tập trung vào một dự án và không thể bắt đầu một dự án khác. Dù vậy, lý do “không có thời gian” thường dẫn đến một thói quen trì hoãn khó chịu, khiến bạn luôn gác lại những việc quan trọng.

Khi bạn nói “Giờ tôi không có thời gian” thì có thể ý bạn là trong tương lai, công việc sẽ dễ dàng hơn và thú vị hơn. Tuy nhiên, rất nhiều người đưa ra lý do này với hy vọng ngầm rằng công việc đó cuối cùng sẽ không cần làm nữa.

Nếu bạn cứ tiếp tục trì hoãn hành động theo kiểu “để mai tính” mà không ai biết “mai” là lúc nào, thì khả năng cao là bạn sẽ không bao giờ hành động.

* Lý do 6: “Tôi lại quên làm nó mất rồi”

Mọi người thường trì hoãn một công việc vì họ quên. Chắc chắn nhiều khi, chúng ta lơ đễnh và để một thứ gì đó trôi tuột khỏi tâm trí của mình. Tuy vậy, căn bệnh đãng trí mãn tính là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang phản kháng mạnh mẽ việc thực hiện một công việc cụ thể nào đó.

Có thể bạn không coi nó quan trọng. Có thể bạn lo sợ bị thất bại. Hoặc có thể hệ thống tổ chức bạn đang sử dụng không hiệu quả. Vấn đề ở đây là “quên” không phải là một lý do chính đáng để trì hoãn. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ cần phải quyết định rằng, hoặc là bắt đầu thực hiện, hoặc là loại bỏ nó.

* Lý do 7: “Tôi không thích làm việc này chút nào cả”

Chắc chắn sẽ luôn có những công việc mà chúng ta e sợ. Bí quyết ở đây là chúng ta phải phân biệt được khi nào một công việc cần được hoàn thành và khi nào nó có thể bị loại bỏ mãi mãi. Chúng ta thường nhầm lẫn giữa hai điều này và né tránh những công việc có thể có những tác động tích cực dài hạn đối với cuộc sống của chúng ta. Không nên trì hoãn làm việc gì đó chỉ vì bạn không thích. Tốt hơn là hãy phân tích tại sao bạn ngại làm việc đó để xem nó có phải là một dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn không.

TẠI SAO PHẦN LỚN NHỮNG LỜI BAO BIỆN ĐỀU VỚ VẨN

Bao biện là căn bệnh của tất cả mọi người. Dù bạn có thành công đến đâu, thì chắc chắn cũng có đôi lúc bạn nảy ra một lý do để không phải làm một việc gì đó. Đó là lý do tại sao việc hình thành nên những thói quen để ngăn chặn và vượt qua tư tưởng “bao biện” là điều vô cùng quan trọng.

Trong phần còn lại của cuốn sách, chúng ta sẽ xem xét danh sách những thói quen tích cực có thể được lồng ghép vào lịch trình bận rộn hằng ngày của bạn. Tôi đặt tên chúng là những thói quen chống lại sự trì hoãn (APH – anti-procrastination habits) bởi chúng giúp bạn hành động ngay cả khi bạn cảm thấy lười biếng hoặc không có chút động lực nào.

Không chỉ đề cập đến từng thói quen, chúng tôi còn nói về cách chúng giải quyết được một trong bảy lý do phổ biến mà mọi người thường mang ra để bao biện cho việc trì hoãn. Và một khi bạn đã hiểu được cách để vượt qua định kiến giới hạn bản thân, bạn sẽ nhận ra rằng việc kháng cự lại sức hấp dẫn của việc trì hoãn quá ư dễ dàng.

Hãy bắt đầu hành trình với thói quen mà tôi nhận thấy là quan trọng nhất để trở thành một người nói “không” với trì hoãn.

*** —

Đôi nét về tác giả S. J. Scott

Tôi là S.J. Scott, hiện đang điều hành trang blog Develop Good Habits (Phát triển các thói quen tốt).

Mục đích của trang web này là chỉ ra làm sao mà việc liên tục phát triển thói quen có thể đưa bạn đến với một cuộc sống tươi đẹp hơn. Thay vì giảng giải cho bạn, tôi sẽ cung cấp những chiến lược giản đơn mà ai cũng có thể áp dụng vào cuộc sống bận rộn của mình. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, cách tốt nhất để tạo ra được một thay đổi triệt để đó là chỉ nên tập trung phát triển từng thói quen một.

Hồi cấp ba và đại học, tôi thường chỉ đến đêm cuối trước kỳ thi mới bắt đầu “cày”. Lượng kiến thức cần phải nạp chất cao như núi và chắc chắn tôi khó lòng nhớ được hết chúng.

Phải đến năm 2003, khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến, tôi mới khám phá được một chân lý đơn giản: “Không ai khác, mà chính bạn là người phải chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình.”. Câu nói này khiến tôi nhận ra rằng, nếu muốn thành công trong việc kinh doanh, thì trước tiên, tôi phải thay đổi con người bên trong của tôi đã. Trong một vài năm, tôi đã đọc và áp dụng các kiến thức thu được từ một vài cuốn sách/trang web nói về hiệu suất cá nhân như: Getting Things Done (tạm dịch: Hoàn thành mọi việc), 43 Folders (tạm dịch: 43 thư mục), Zen Habits (tạm dịch: Các thói quen về Thiền), Eat the Frog (tạm dịch: Ăn ếch), The Success Principles (tạm dịch: Những nguyên tắc thành công), The War of Art (tạm dịch: Chiến tranh Nghệ thuật) và The 7 Habits of Highly Effective People (tạm dịch: 7 thói quen hiệu quả). Thêm vào đó, tôi đã thử nghiệm nhiều chiến thuật đa dạng với hy vọng chúng sẽ giúp tôi vượt qua được sự trì hoãn và liên tục hành động.

Vậy kết quả ra sao?

Tôi hiện đang có một công việc trực tuyến vô cùng thành công, trong đó bao gồm 37 cuốn sách đã được xuất bản dành cho Kindle.

Mặc dù chưa phải là một chuyên gia về “hiệu suất cá nhân”, nhưng tôi cảm thấy mình đã có được những bước tiến nhất định. Tất cả những điều này đều nhờ vào việc tạo lập các thói quen hướng tới đạt được kết quả. Nói cách khác, tôi đã tạo dựng được một vài thói quen chống lại sự trì hoãn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỬ DỤNG QUY TẮC 80/20 ĐỂ RA QUYẾT ĐỊNH
  2. VEC – TƠ TƯ DUY SẼ QUYẾT ĐỊNH TOÀN BỘ PHƯƠNG HƯỚNG CUỘC ĐỜI
  3. LUÔN CHỦ ĐỘNG TRONG MỌI VIỆC

Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT NGUYÊN TẮC CỦA THÀNH CÔNG: ĐỪNG TRÌ HOÃN
  2. SỬ DỤNG QUY TẮC 80/20 ĐỂ RA QUYẾT ĐỊNH

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH