BẠN ĐÃ CÓ NHỮNG GÌ ĐANG TÌM KIẾM

DEEPAK CHOPRA

Trích: Cuốn Sách Của Những Bí Mật; Nguyên tác: The Book of Secrets; Thế Anh chuyển ngữ; NXB. Hồng Đức, 2017

Bí mật tinh thần áp dụng ở đây là như sau: Bạn đã có những gì đang tìm kiếm. Ý thức của bạn bắt nguồn từ sự hợp nhất. Thay vì tìm kiếm bên ngoài bản thể, bạn hãy quay lại với nguồn gốc sâu xa của tồn tại và nhận ra mình thực sự là ai.

Tìm kiếm là từ thường được sử dụng cho con đường tinh thần. Rất nhiều người tự hào gọi mình là người tìm kiếm. Họ cũng thường là những người đắm chìm với tiền bạc, tình dục, rượu chè hay công việc. Với thái độ “nghiện ngập” tương tự, họ bắt đầu hy vọng tìm thấy Thượng đế, linh hồn, bản thể… Vấn đề ở đây là quá trình tìm kiếm đã bắt đầu với một giả định sai lầm. Tôi không có ý nhắc đến giả định cho rằng chủ nghĩa vật chất là tồi tệ, còn chủ nghĩa tinh thần là cao quý. Đúng vậy, chủ nghĩa vật chất có thể làm tiêu tốn mọi thứ, nhưng đó không phải là điều thực sự quan trọng. Quá trình tìm kiếm đã thất bại vì đó là nỗ lực theo đuổi buộc bạn phải thoát khỏi bản thân mình. Sự tìm kiếm chỉ hiệu quả khi bạn loại bỏ mọi giả định cho rằng mình sẽ giành được một thành quả nào đó. Điều này có nghĩa rằng bạn sẽ hành động mà không hy vọng nâng tầm bản thân, hy vọng vào việc đến được nơi tốt đẹp hơn nơi bạn xuất phát. Bạn bắt đầu từ chính bạn và chính bản thể của bạn là nơi ẩn chứa mọi câu trả lời. Do đó, bạn phải từ bỏ ý tưởng cho rằng mình phải đi từ A đến B. Bạn sẽ không thể tìm thấy con đường dễ dàng khi mục tiêu không tồn tại ở bất kỳ nơi nào khác. Bạn cũng phải từ bỏ những phán xét cố định về cao và thấp, tốt và xấu, thần thánh và thế tục. Thực tại duy nhất bao gồm mọi thứ trong những trải nghiệm của nó. Những gì mà chúng ta đang cố gắng tìm kiếm chính là người từng trải, người sẽ mang đến cho bạn mọi trải nghiệm mà bạn đang có.

Đêm qua trong lúc ngủ, tôi đã mơ. Những hình ảnh trong giấc mơ quen thuộc đã xuất hiện trong tâm trí; tôi không nhớ nhiều lắm những hình ảnh đó. Đột nhiên, tôi ý thức rõ ràng về âm thanh của hơi thở trong giấc mơ của mình. Sau một giây, tôi biết rằng mình đang nằm mơ. Trong vài giây ngắn ngủi, tôi đã sống trong cả hai thế giới, sau đó thì tôi tỉnh giấc.

Khi tỉnh dậy, tôi có cảm giác kỳ lạ rằng việc một giấc mơ không có thật không còn là điều quan trọng nữa. Sự tỉnh thức chỉ mang lại cảm giác thực tế hơn giấc mơ bởi lẽ tất cả chúng ta đều đồng ý như thế. Thực tế thì âm thanh ấy luôn nằm trong đầu tôi, cho dù tôi đang mơ hay tỉnh. Vậy thì làm sao tôi có thể phân biệt được giữa mơ và tỉnh thức? Ai đó hẳn phải đang quan sát. Một người quan sát sẽ luôn ý thức rõ ràng mà không bị bắt gặp đang trong tình trạng đang thức, đang ngủ hay đang mơ. Trong đa số trường hợp, tôi bị bắt gặp đang thức, đang ngủ hoặc đang mơ đến mức tôi không còn bất kỳ quan niệm nào khác. Người quan sát thầm lặng chính là “phiên bản” đơn giản nhất của tôi, một người chỉ đóng đúng vai trò người quan sát.

Nếu bạn loại bỏ tất cả những yếu tố gây xao nhãng trong cuộc sống thì tất cả những gì còn lại sẽ chính là con người thật của bạn. Phiên bản này của bạn không cần phải suy nghĩ hay mơ mộng; nó không cần phải ngủ để cảm thấy được nghỉ ngơi. Bạn sẽ sở hữu niềm vui đích thực khi tìm thấy bản thể, bởi lẽ nó đã ở ngay trong bạn. Bản thể này hoàn toàn thoát khỏi mọi mâu thuẫn và không bị tác động bởi cuộc chiến giữa những đối lập. Khi mọi người nói rằng họ đang tìm kiếm thì chính cấp độ bản thể này của họ đang lên tiếng dưới một hình thức thầm lặng. Tìm kiếm thực ra chỉ là một cách để giành lại bản thể của chính bạn.

Tuy nhiên, để giành lại bản thể thì bạn cần phải tiến đến số 0 càng gần càng tốt. Xét về mặt bản chất thì thực tại là sự tồn tại thuần khiết. Hãy gặp bản thể của bạn ở đó và bạn sẽ đủ khả năng tạo ra mọi thứ trong thế giới này. “Tôi” chứa tất cả những gì cần thiết để tạo ra thế giới, cho dù bản thân “tôi” không là gì khác ngoài sự chứng kiến thầm lặng.

Bạn đã thực hiện bài tập nhìn vào đóa hồng và phân tích nó từ cấp độ đối tượng vật lý cho đến cấp độ năng lượng dao động trong không gian. Khía cạnh còn lại của bài tập là biết được rằng bộ não của bạn cũng có thể được hiểu theo cách tương tự. Vậy khi bạn nhìn vào đóa hồng thì đó có phải là “chẳng gì cả” đang nhìn vào “chẳng gì cả” hay không?

Có vẻ là thế thật, nhưng hiện tượng thực tế còn đáng ngạc nhiên hơn: Bạn đang nhìn vào chính mình. Một phần tâm thức của bạn, điều được bạn gọi là bản thể, đang nhìn vào chính nó dưới hình ảnh của một đóa hồng. Cả đối tượng được nhìn và người quan sát đều không có một cốt lõi cố định. Bên trong đầu bạn không hề có người nào mà chỉ là một dòng luân lưu của các hóa chất. Dòng luân lưu này trong bộ não luôn trôi chảy, do đó mọi trải nghiệm đều bị cuốn theo dòng. Vậy thì người quan sát thầm lặng kia sẽ ở đâu nếu như không ở trong bộ não của tôi? Các nhà nghiên cứu thần kinh đã phát hiện ra rất nhiều vị trí trong bộ não dành cho mọi trạng thái tâm lý. Bất chấp con người trải nghiệm điều gì – trầm cảm, hưng phấn, sáng tạo, ảo giác, quên lãng, tê liệt, khát khao, v.v… – bộ não đều thể hiện một khuôn mẫu hành động đặc trưng được phân bổ trên nhiều vị trí khác nhau. Tuy nhiên, lại không có một vị trí hay khuôn mẫu hành động nào dành cho người sở hữu những trải nghiệm đó. Con người tồn tại ở nơi vô định, ít ra là nơi mà khoa học vẫn chưa khám phá ra.

Đây là lý do dẫn đến sự hưng phấn tột cùng, bởi lẽ nếu con người đích thực của bạn không nằm trong cơ thể bạn thì bạn hoàn toàn tự do, tương tự như tâm thức. Sự tự do này là vô tận. Bạn có thể tạo ra bất kỳ điều gì vì bạn tồn tại trong mọi thành phần của vũ trụ. Bất kỳ nơi nào tâm thức bạn muốn đến thì vật chất cũng đều tuân theo. Bạn đến trước và sau đó toàn thể vũ trụ sẽ đi theo.

Tôi có thể nghe thấy tiếng kêu la giận dữ của những người tin rằng họ có thể tự định nghĩa cuộc sống theo bất kỳ cách nào họ muốn. Suy nghĩ này phần nào đúng, nhưng tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể. Hãy tưởng tượng một em bé đang biết bò trong vài tháng và tình cờ phát hiện ra thế giới này còn có một hình thức di chuyển mới gọi là “đi.” Mọi người hẳn đã chứng kiến một đứa bé tập đi – khuôn mặt bé thể hiện cảm xúc trộn lẫn giữa chưa sẵn sàng và quyết tâm, giữa bất an và vui sướng. “Tôi có thể đi được không?” “Tôi có nên quỳ xuống và bò không, cách di chuyển mà tôi đã quá quen?” Những gì bạn nhìn thấy trên khuôn mặt bé hoàn toàn giống với trải nghiệm lẫn lộn của người đang đứng giữa ngã ba tâm linh. Trong cả hai trường hợp thì mọi thứ đang diễn ra trước mắt là điều hoàn toàn mới mẻ. Bộ não tạo động lực cho cơ thể; cơ thể mang thông tin mới đến cho bộ não; những hành động ngẫu nhiên bắt đầu xuất hiện; và cho dù toàn bộ tình huống rất đáng sợ nhưng cảm giác hào hứng vẫn thôi thúc chúng ta tiến lên phía trước. “Tôi không biết mình sẽ đi đến đâu nhưng tôi chắc chắn sẽ đến được nơi đó.”

Mọi trải nghiệm đều diễn ra bên trong chiếc vạc tạo tác đang sôi sục. Mọi khoảnh khắc của cuộc sống sẽ cuốn cơ thể trôi theo một sự cân bằng bất định của tâm trí, cảm xúc, nhận thức, hành vi và sự kiện bên ngoài. Sự chú ý của bạn lúc ở nơi này, lúc ở nơi kia. Trong một khoảnh khắc thức tỉnh, bộ não có thể lẫn lộn, vui vẻ, bất an, khó chịu, ngạc nhiên, tương tự như khi em bé tập đi. Nhưng ở cấp độ người quan sát thì cảm giác lẫn lộn này hoàn toàn rõ ràng: Tất cả chỉ là một thực tại. Hãy nhìn vào em bé lần nữa. Khi bé bước đi lẫm chẫm trên sàn nhà thì cả thế giới như lung lay theo bé. Không một nơi nào là vững vàng để đứng lên đó, không cách nào để nói rằng: “Tôi hoàn toàn kiểm soát. Đây sẽ là điều mà tôi muốn.” Bé không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự hòa mình vào một thế giới đang xuất hiện theo những chiều hướng mới.

Liệu có ai sống theo cách này, hòa mình vào những chiều hướng mới, mọi lúc mọi nơi không? Chắc chắn là không, bởi lẽ sự ổn định là điều phải được tìm thấy. Kể từ thuở nhỏ thì tất cả chúng ta đều tìm thấy một chiều hướng ổn định thông qua cái tôi. Chúng ta tưởng tượng ra một hình ảnh “tôi” cố định, người luôn có khả năng kiểm soát, càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, có một chiều hướng khác còn ổn định hơn rất nhiều: Người quan sát.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. MỌI KHẢ NĂNG ĐÃ SẴN TRONG BẠN, ĐANG CHỜ ĐƯỢC SỬ DỤNG
  2. NGƯỜI QUAN SÁT

Bài viết khác của tác giả

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NHÂN QUẢ
  2. THAY ĐỔI THỰC TẾ CỦA BẠN ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI BÍ MẬT THỨ CHÍN
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN