ROBIN SHARMA
Trích: Đời Ngắn Đừng Ngủ Dài; Người dịch: Phạm Anh Tuấn; Nhà xuất bản Trẻ
?Bạn sẽ biết khi nào bạn biết
Hôm qua tôi có buổi nói chuyện trên đài phát thanh Sirius. Người dẫn chương trình hỏi tôi một câu đầy ý nghĩa: “Tất cả chúng ta đều có mục tiêu và khát vọng. Nhưng đôi khi sự việc không xảy ra như kế hoạch. Làm thế nào ông biết đã đến lúc bỏ cuộc?”. Tôi trả lời ngay: “Bạn sẽ biết khi nào bạn biết”.
Những người đạt đến tầm xuất sắc trong công việc hay trong đời sống cá nhân đều luôn luôn mang theo tinh thần không bao giờ bỏ cuộc. Tất cả những hành động can trường đều do những người không chấp nhận thất bại thực hiện. Họ không chịu buông xuôi – dù sự việc trông như bất khả thi, tồi tệ, hoặc phi thực tế ra sao đi nữa.
Nhưng như đã nói, cuộc đời thường ném những đường bóng xoáy và mở ra những kế hoạch khác cho chúng ta. Diễn viên hài Gilda Radner, chết vì ung thư khi mới 42 tuổi, hiểu rất rõ về ý tưởng này: “Khó khăn lắm tôi mới học được bài học khó khăn này: có những bài thơ không vần điệu, có những câu chuyện chẳng khởi đầu, khai triển, hoặc kết thúc rõ ràng. Cuộc đời là những điều không biết, là phải thay đổi, là đón nhận từng giây phút và sống hết mình cho nó mà không thể biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Một sự mơ hồ ngọt ngào”.
Chúng ta mong chờ sự việc xảy ra, những ước mơ thành hiện thực. Nhưng dù cố gắng bao nhiêu đi nữa, mây đen sẽ không bao giờ tan hết. Ta không bao giờ nghỉ ngơi. Vận may không bao giờ mỉm cười. Ta vẫn tiến vào màn đêm, được tiếp thêm sức mạnh chỉ bằng lòng tin. Đó là điều tốt đẹp nếu ngọn lửa trong thâm sâu vẫn cháy sáng và mọi tế bào trong bạn vẫn bảo rằng cứ tiếp tục (tin vào bản thân là dấu son của sự vượt trội). Nhưng đôi khi, bạn tiến đến một thời điểm nào đó và biết rằng đã đến lúc thay đổi chiến lược. Không phải là đánh mất niềm hy vọng. Chỉ là bạn biết cần như vậy. Vì niềm tin vào cuộc đời. Niềm tin rằng một sự việc còn tốt đẹp hơn nữa đang chờ đón bạn. Và đó là lúc điều chỉnh phương hướng.
Những năm gần đây, tôi đã cố gắng sống với triết lý mà tôi từng chia sẻ với bạn trong một chương trước đó: Hãy làm hết sức rồi để cuộc đời làm phần còn lại. Thật không dễ dàng buông tay để điều mình mong muốn lại ra đi (vì bạn sẽ phải đau khổ nhiều). Nhưng nếu một điều còn tốt đẹp hơn đang chờ đón bạn nơi khúc quanh kia, thì sao lại không chứ?
?Đời ngắn đừng ngủ dài
Tôi biết mình không được ủng hộ trong quan niệm này nhưng tôi nói thật: người ta thường ngủ nhiều hơn mức cần thiết. Họ rơi vào cạm bẫy muốn dành nhiều giờ trong đời để nằm trên tấm nệm êm ấm. Họ đánh mất những món quà quý giá tiềm ẩn trong tương lai. Họ đã thua trong cuộc chiến với giường nệm. Họ đánh đổi sự vượt trội cho những giây phút ngủ nướng. Đây là một ý tưởng sâu sắc mà tôi mong bạn nên suy nghĩ: giấc ngủ sẽ kéo theo giấc ngủ. Càng ngủ nhiều, lại càng cần ngủ. Có bao giờ bạn nhận ra rằng càng ngủ nhiều bạn lại càng buồn ngủ không? Thật kỳ lạ, nhưng đó là sự thật.
Đúng, tôi biết rằng giấc ngủ rất cần thiết để giúp ta tiếp tục phát huy, đổi mới và khỏe mạnh. Tôi chỉ sợ ta ngủ quả nhiều. Đó chính là điều đã giới hạn một cuộc sống đầy tiềm năng. Điều đã khiến một người vĩ đại cứ mãi tầm thường. Điều đã hút mọi nguồn sống ra khỏi một con người từng được tạo ra để vượt trội (và bạn biết đó là ai). Chuyện ngủ quá nhiều xảy ra cho rất nhiều người trong chúng ta, bởi vì ta quá yêu chăn mền gối.
Có rất nhiều việc quan trọng phải làm, rất nhiều vùng đất vĩ đại cần khám phá, rất nhiều mục tiêu huy hoàng cần đạt tới cho mọi người đến nỗi không thể ngủ nhiều được. Cuộc đời là để sống. Tôi xin lặp lại: cuộc là để sống. Hôm nay cả bạn và tôi đều được trao tặng món quà: một cơ hội tạo sự khác biệt và phát huy tài năng, cùng một niềm vui tuyệt vời trong quá trình đó. Vậy hãy ngủ ít hơn để sống nhiều hơn. Benjamin Franklin từng nhận xét rằng: “Sau khi chết rồi, bạn sẽ có dư thời gian để ngủ”.