BẢN THỂ TÂM

ẤN QUANG ĐẠI SƯ

Nguồn: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao; Chủ biên: Tăng Quảng Chánh; Chuyển ngữ: Như Hòa; NXB: Phương Đông - 2008

ẤN QUANG ĐẠI SƯ – Tổ thứ 13 Tông Tịnh Độ của Trung Hoa

Mười Pháp giới Thánh phàm, chúng sinh Phật, cao thấp bất đồng, khổ vui thật khác biệt, nhưng bản thể của cái tâm đều tịch chiếu thường hằng, chẳng sinh, chẳng diệt, linh minh tinh diệu, không biến, không dời. Nói: “Con người cùng một tâm này, tâm cùng một lý này. Hết thảy chúng sinh đều có Phật tánh” là vì lẽ này vậy.

Phải biết cái tâm này chẳng liên can đến nhân quả, tu chứng, phàm Thánh, chúng sinh Phật, nhưng nhân quả, tu chứng, phàm Thánh, chúng sinh Phật đều được kiến lập trên cái tâm này. Ấy là vì thể tuy bất biến, dụng thường tùy duyên.

Hễ theo ngộ tịnh duyên bèn thành tứ Thánh pháp giới. Nếu theo mê nhiễm duyên liền thành lục phàm Pháp giới. Dù ngộ tịnh đến cùng cực viên mãn Bồ đề, an trụ trong Tịch Quang, hay mê nhiễm đến tột cùng vĩnh viễn đọa trong A Tỳ, chịu các nỗi khổ cùng cực, căn thân khí giới cố nhiên phải khác biệt một trời một vực, nhưng bản thể của tâm đều hoàn toàn chẳng có tăng thêm hay bị tổn hoại trong những thời gian ấy.

Nếu biết được nghĩa này, ai lại chịu dùng cái thâm có thể thành Phật đầy đủ pháp lạc này để làm chúng sinh vĩnh viễn oan uổng, hứng chịu nỗi khổ sinh tử luân hồi?

Kinh Kim Cang là diệu pháp để triệt chứng tự tánh ngay nơi tự tâm của hết thảy chư Phật, là con đường tắt để hết thảy chúng sinh rốt ráo siêu phàm nhập Thánh. Vì thế, nói: hết thảy chư Phật và pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của chư Phật đều phát xuất từ kinh này.

Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Lạ thay! Lạ thay! Hết thảy chúng sinh đều có đủ trí huệ của Như Lai, nhưng do vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc. Nếu lìa được vọng tưởng thì Nhất Thiết Trí, Vô Sư Trí, Vô Ngại Trí liền được hiện tiền”. Do vậy, kinh này nhiều lần răn cấm trụ vào pháp, chấp vào tướng; bởi lẽ trụ vào pháp chấp vào tướng thì tuy có tu tập, vẫn trọn chẳng thể thoát ra ngoài vọng tưởng, chấp trước. Nếu toàn thể đã thuộc trong vọng tưởng, chấp trước thì trí huệ Như Lai còn do đâu hiển hiện triệt để được nữa?

Do vậy, kinh dạy phát Bồ đề tâm độ thoát hết thảy chúng sinh, khiến cho họ nhập Vô Dư Niết bàn hòng diệt độ, nhưng lại chẳng thấy có một chúng sinh nào được diệt độ. Bởi lẽ: tâm chúng sinh vốn sẳn có Vô Dư Niết bàn, nhưng do mê chân chạy theo vọng nên biến thành phiền não nghiệp khổ, chứ tự ban đầu nào tự mất đi. Đã được chỉ dạy bèn bỏ vọng theo chân, thì phiền não nghiệp khổ lại trở thành Vô Dư Niết bàn, chớ nào phải đến bây giờ mới có!

Ước theo Trí thì gọi là trí huệ Như Lai; ước theo Lý thì gọi là Vô Dư Niết bàn. Tên gọi tuy khác thể vốn là một. Do tâm trụ vào Thật Tướng, chẳng trụ nơi Huyễn Tướng, nên bên trong chẳng thấy ta là người độ, vì vậy không có Ngã tướng; ngoài thì chẳng thấy có người khác và chúng sinh được độ nên không có Nhân tướng và Chúng sinh tướng; chính giữa chẳng thấy Vô Dư Niết bàn để đạt được nên không có Thọ giả tướng. Bốn tướng đã không thì tam luân thể không, cho nên vạn hạnh khởi như mây nhóm, chẳng chấp vào một pháp nào. Do đó, chẳng trụ vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để hành các hạnh như Bố Thí v.v…

Bố Thí đứng đầu Lục độ Vạn hạnh nên kinh chỉ nêu hạnh đầu tiên để làm chuẩn cho những hạnh khác. Lời Phật hay khéo, chẳng cần phải rườm lời! Như vậy thì sóng trào biển Hạnh, mây bủa trời Từ, chẳng hề khoe khoang, làm mà không thấy mình làm thì trên khế hợp quả giác của Như Lai, dưới khế hợp tự tánh của tự tâm, cho nên thọ trì bốn, ba, hai, một câu kệ, công đức bằng với mười phương hư không.

Người đời chẳng biết nhìn vào chỗ lìa tướng vô trụ, bèn bảo kinh Kim Cang phá tướng, chẳng biết kinh này chính là vô thượng diệu tướng dạy người rộng hành Lục độ Vạn hạnh, thượng cầu hạ hóa, khởi lòng Từ vô duyên, vận lòng Bi đồng thể. Phải biết lợi ích thật sự nơi Phật pháp ắt phải do chẳng chấp trước, do vô trụ mà đạt được.

Muốn chẳng chấp trước, chẳng trụ mà không tận hết lòng thành, cạn hết lòng kính thì không được! Tận hết lòng thành, cạn hết lòng kính chính là đạo trọng yếu để tu tập Phật pháp thành thủy thành chung vậy.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BÀI KÝ TỰ TRÁCH LỖI TRONG VIỆC CHÉP KINH HOA NGHIÊM (Viết thay sư Khoan Huệ)
  2. KHUYÊN NÊN GIỮ LÒNG THÀNH KÍNH
  3. NHÂN DUYÊN QUÁ KHỨ CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG

Bài viết mới

  1. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  2. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG
  3. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY