BÁT NHÃ TAM MUỘI

ĐƯƠNG ĐẠO

Trích: Pháp Bảo Đàn Kinh Giảng Giải – Phẩm Trí Huệ; NXB. Thiện Tri Thức; 2016

? KINH

Nếu tự ngộ được thì chẳng nhờ cầu bên ngoài. Nếu một mực chấp rằng cần phải có vị thiện tri thức kia mới được giải thoát thì không có lý như vậy. Tại sao thế? Trong tâm mình có sẵn tri thức tự ngộ. Nếu khởi ta mê vọng niệm điên đảo thì tuy thiện tri thức ở ngoài có truyền dạy cũng không thể cứu được.

Còn như tâm mình khởi trí Bát nhã chân chánh quán chiếu thì trong một sát na vọng niệm đều diệt. Nếu biết tự tánh thì một khi ngộ liền đến đất Phật.

Nếu biết tự tánh thì một khi ngộ liền đến đất Phật.

? BÌNH GIẢNG

Phải biết rằng tất cả Phật giáo vốn tự sẵn đủ trong tánh mình. Nếu có phước duyên lớn gặp được thiện tri thức chỉ cho cái kho tàng Phật pháp nơi tâm mình thì dùng cả đời không hết. Nếu không đủ phước duyên để gặp một vị khai thị chỉ bày thì cũng phải tin kho tàng Phật pháp ấy gần với mình còn hơn thịt xương hơi thở, mắt tai mũi lưỡi thân ý đụng vào cái gì thì kho tàng ấy hiển lộ. Với niềm tin ấy rồi tìm cầu với tất cả thân tâm thì thế nào cũng có ngày gặp được nó, vì có bao giờ nó lìa khỏi mắt tai mũi lưỡi thân ý đâu.

Chỉ cần khởi một niệm Bát nhã chân chính quán chiếu thì liền nhận ra nó. Một niệm Bát nhã chân chánh quán chiếu!

Chỉ một niệm xoay lại thì đó chính là ông chủ!

? KINH

Thiện tri thức! Trí huệ quán chiếu, trong ngoài sáng suốt, biết bản tâm mình. Nếu rõ bản tâm tức là vốn giải thoát. Nếu được giải thoát tức là Bát nhã tam muội, Bát nhã tam muội tức là vô niệm.

Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy biết hết thảy pháp mà tâm chẳng nhiễm dính, đó là vô niệm. Dùng thì khắp tất cả chỗ, mà cũng chẳng dính bám tất cả chỗ. Chỉ là bản tâm thanh tịnh, khiến sáu thức ra sáu cửa, ở trong sáu trần không nhiễm, không tạp, đến đi tự do, thông dụng không trệ, tức là Bát nhã tam muội, tự tại giải thoát, gọi là hạnh vô niệm.

? BÌNH GIẢNG

Trí huệ quán chiếu thì trong ngoài sáng suốt, trong không có thân tâm, ngoài không có thế giới, tức là tánh Không vô ngã vô pháp hiện tiền. Đây là biết rõ bản tâm, bản tâm này là tánh Không không có ngã không có pháp.

Bản tâm là tánh Không, bản tâm là vô niệm. Trong bản tâm tánh Không, không có một niệm nào có thể đắc, không có một niệm nào có thể có vì tất cả các niệm đều không có tự tánh, đều là tánh Không. Biết bản tâm thì biết rằng bản tâm vốn là giải thoát vì chưa từng thật có niệm nào.

Nhưng vô niệm không phải là không có ý nghĩ nào, không có niệm nào, như một tảng đá. Có ý nghĩ, có niệm nhưng vẫn là vô niệm vì một khi biết bản tâm tánh Không thì ý nghĩ hay niệm đều vô tự tánh. Các niệm tức là bản tâm tánh Không nên các niệm vốn là giải thoát.

Thấy biết tất cả các pháp mà tâm chẳng nhiễm dính, đó là đang sống cái tâm vô niệm. Tâm vô niệm này luôn luôn thanh tịnh, cho nên sáu thức, sáu cửa, sáu trần, tức là cái dụng của nó (‘‘dùng thì khắp tất cả chỗ’’), đều thanh tịnh. Hoạt động của chúng là thanh tịnh, sáu thức ra sáu cửa, thấy biết sáu trần mà không nhiễm, không tạp vì tất cả đều thanh tịnh, vô ngại. Đây là ở trong tâm vô niệm thanh tịnh vô ngại.

Sống cái tâm vô niệm này thì sanh tử trở thành giải thoát, đến đi tự do, thông dụng không trệ, tự tại giải thoát. Sống cái tâm vô niệm này là sống trong tánh Không, gọi là Bát nhã tam muội, hạnh vô niệm.

? KINH

Nếu trăm vật chẳng nghĩ đến, khiến cho niệm dứt tuyệt, đó là pháp trói buộc, gọi là biên kiến.

Thiện tri thức! Ngộ pháp vô niệm thì muôn pháp suốt thông. Ngộ pháp vô niệm thì thấy cảnh giới chư Phật. Ngộ pháp vô niệm thì đến địa vị Phật.

? BÌNH GIẢNG

Tâm vô niệm không phải là triệt tiêu tất cả các niệm, đó là sự trói buộc, cái thấy một bên, một cái “không vô ký”. Tâm vô niệm không phải là hoàn toàn tĩnh, nó vượt lên tĩnh và động, nên tĩnh cũng là nó mà động cũng là nó.

Vô niệm là niệm khởi từ trong tự tánh và tan biến vào trong tự tánh. Niệm sanh khởi, ở đó, biến đổi và diệt mất, mỗi khoảnh khắc ấy của niệm đều không có tự tánh, nghĩa là khi đang sanh là đang diệt. Khi thấy rõ niệm là vô tự tánh như chính bản tâm vô niệm thì nói niệm khởi trong và tan biến vào là vô nghĩa. Niệm chính là vô niệm, đó cũng là bản tâm. Biết và sống như vậy gọi là Bát nhã tam muội, ‘‘thấy cảnh giới muôn pháp suốt thông của chư Phật’’.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÂM VÀ BẢN TÁNH SÂU NHIỆM CỦA TÂM
  2. TỰ TÁNH KHỞI DỤNG

Bài viết khác của tác giả

  1. BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI – PHẦN DẪN NHẬP
  2. VỀ NGUỒN
  3. BỒ ĐỀ TÂM ĐỒNG VỚI CÔNG ĐỨC CỦA TẤT CẢ PHẬT PHÁP

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG