BIẾT THA THỨ

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc- The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB. Trẻ

Đối với nhiều người, một cách kiểm tra khả năng sống chủ động của họ là sự tha thứ. Trong thực tế, bạn sẽ luôn luôn là nạn nhân cho tới khi bạn biết tha thứ.

? Một người phụ nữ đã chia sẻ câu chuyện như sau:

Tôi có một gia đình rất hòa thuận. Chúng tôi luôn ở bên nhau – con cái, bố mẹ, anh chị em, cô chú, anh chị em họ, ông bà – và yêu quý nhau.

Khi bố tôi theo mẹ tôi sang thế giới bên kia, chúng tôi vô cùng đau buồn. Bốn người con chúng tôi họp mặt để phân chia gia sản. Những gì xảy ra ở buổi họp mặt đó là một cú sốc chẳng ai ngờ tới, đến nỗi tôi nghĩ sẽ không bao giờ vượt qua được.

Chúng tôi vốn là một gia đình tình cảm, mặc dù cũng có đôi lần tranh cãi hay giận nhau. Nhưng cuộc tranh cãi lần này nghiêm trọng hơn hẳn. Cuộc cãi nhau căng thẳng đến mức chúng tôi la hét, xỉa xói cay nghiệt lẫn nhau, và không thể dàn xếp được sự bất đồng. Tất cả chúng tôi quyết định sẽ mời luật sư đại diện cho mình, mọi vấn đề sẽ được đem ra giải quyết tại tòa án.

Mỗi người trong chúng tôi rời buổi họp mặt trong sự tức tối và chua xót. Chúng tôi thôi không thăm viếng hay gọi điện thoại cho nhau nữa, và cũng không tụ tập vào những dịp sinh nhật   hay nghỉ lễ nữa.

Mọi thứ diễn ra như thế trong suốt bốn năm. Đó là thử  thách lớn nhất trong đời tôi. Tôi thường xuyên cảm thấy cô đơn; chính thái độ không biết tha thứ cho những lời nói gay gắt và buộc tội lẫn nhau đã chia rẽ chúng tôi. Nỗi đau trong lòng tôi ngày càng sâu sắc khiến tôi cứ suy nghĩ mãi: nếu họ thực sự yêu thương tôi, họ phải điện thoại cho tôi chứ. Có chuyện gì xảy ra với họ vậy? Tại sao họ không gọi cho tôi?

Rồi một ngày tôi biết đến khái niệm về Ngân hàng Tình cảm. Tôi nhận ra việc không biết tha thứ cho anh chị em mình là một phản ứng của chính bản thân tôi, trong khi đó yêu thương là một hành động, một động từ. Bản thân tôi phải làm một điều gì đó.

Tối hôm ấy, khi tôi đang ngồi một mình trong phòng, chiếc điện thoại cứ thôi thúc. Và tôi đã lấy hết can đảm để ấn số gọi cho người anh cả của tôi. Khi nghe tiếng “Alô” của anh, tôi ràn rụa nước mắt, không cất nên lời.

Khi biết ai đang gọi đến, anh cũng xúc động không kém. Cả hai chúng tôi chẳng ai bảo ai đều đồng thanh: “Xin lỗi”. Cuộc nói chuyện trở thành sự bày tỏ tình yêu, tha thứ, và chúng tôi hàn huyên ôn lại những kỷ niệm.

Cả buổi tối hôm ấy, tôi gọi điện cho các anh chị em khác.

Mọi người đều có cùng cách ứng xử giống anh cả tôi.

Đó là buổi tối tuyệt vời và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi. Lần đầu tiên trong bốn năm, tôi lại có được cảm giác thân thiết giữa anh chị em với nhau. Nỗi đau âm ỉ thời gian qua, cứ  thế  nhẹ nhàng biến mất, nhường chỗ cho niềm  hân  hoan  của  sự tha thứ và hòa thuận. Tôi cảm thấy mình như được hồi sinh.

Hãy chú ý đến cách thức 4 kỹ năng đã nói ở trên được áp dụng trong cuộc hòa giải ấn tượng này. Hãy xem sự nhận thức sâu xa của người phụ nữ này trước những điều đang diễn ra. Hãy quan sát việc cô dựa vào lương tâm, ý thức về đạo đức để giải quyết vấn đề. Đồng thời chú ý xem làm thế nào khái niệm Ngân hàng Tình cảm tạo ra một tầm nhìn (trí tưởng tượng) về những gì nên làm, tạo ra một sức mạnh ý chí để tha thứ và nối lại quan hệ với mọi người để cùng nhau hưởng niềm hạnh phúc mà sự tái hòa hợp đem lại.

? Một phụ nữ Khác đã chia sẻ một câu chuyện như sau:

Tôi vẫn nhớ cảm giác hạnh phúc được chở che khi còn bé, cùng với những kỷ niệm ấm áp trong những chuyến picnic cùng gia đình, trong lúc chơi đùa trước nhà, cùng nhau chăm sóc vườn tược. Tôi cảm nhận được tình yêu mà bố mẹ dành cho nhau, và dành cho con cái… Tôi biết rằng bố mẹ tôi yêu nhau, và họ yêu quý chúng tôi.

Nhưng khi tôi đến tuổi thiếu niên, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Bố thường phải đi công tác, phải làm việc đến khuya, làm cả vào thứ bảy. Quan hệ giữa bố với mẹ trở nên căng thẳng. Bố không còn dành thời gian cho gia đình nữa. Vào một hôm, khi tôi đi làm ca đêm về, lúc ấy bố tôi cũng vừa về tới. Tôi nhận ra ông đã không ở nhà suốt cả đêm.

Cuối cùng bố mẹ tôi ly thân rồi ly hôn. Đó là một đòn giáng mạnh lên những đứa con như chúng tôi, nặng nề hơn nữa khi chúng tôi phát hiện ra bố đã không còn chung thủy với mẹ. Ông đã ngoại tình, trong một chuyến công tác xa.

Nhiều năm sau, tôi kết hôn với một người đàn ông tuyệt vời. Chúng tôi yêu nhau thắm thiết, cả hai đều coi trọng lời thề trong lễ cưới. Mọi thứ có vẻ suôn sẻ – cho tới một ngày chồng tôi cho biết anh ấy phải đi công tác trong vài ngày. Đột nhiên những nỗi đau trong quá khứ lại ùa về. Cũng là trong những chuyến đi công tác thế này, bố tôi đã phản bội mẹ tôi. Tôi hoàn toàn không có lý do gì để nghi ngờ chồng mình, nhưng nỗi sợ hãi đó cứ ám ảnh, làm tôi đau khổ vô cùng nhưng không có gì ngăn cản nổi.

Tôi cứ thế khóc lóc, dằn vặt suốt thời gian chồng tôi đi công tác. Tôi tìm cách tâm sự với anh về nỗi lo lắng của mình, nhưng anh không hiểu. Anh chung thủy với tôi, không hề thấy việc đi công tác của mình có thể tạo ra vấn đề gì, không hề đề phòng cảnh giác gì cả. Sẽ chẳng bao giờ anh ấy hiểu được cảm giác của tôi, vì chưa một ai trong gia đình anh từng phạm vào lỗi mà bố tôi đã mắc phải.

Trong những tháng sau đó, chồng tôi còn đi công tác vài lần nữa. Tôi cố gắng suy nghĩ tích cực hơn về mối quan hệ vợ chồng. Tôi làm việc chăm chỉ để kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ của mình. Nhưng mỗi lần anh đi, tôi lại thấy sợ hãi trong lòng. Áp lực tình cảm này ngày một đè nặng khiến tôi ăn không ngon, ngủ không yên mỗi khi anh đi vắng. Dù tôi đã gắng gỏi rất nhiều, mọi thứ vẫn không hề tiến triển, sức ép vẫn y nguyên.

Cuối cùng, sau nhiều năm phải chống chọi với nỗi giày vò, tôi chợt nhận ra một điều: tôi nên nhìn nhận lại lỗi lầm của bố tôi, tha thứ cho ông. Mặc dù ông đã làm tổn thương chúng tôi  sâu sắc, nhưng tôi sẵn sàng tha thứ và yêu quý ông, nỗi đau và  sự sợ hãi rồi cũng sẽ biến mất.

Đó là một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Đột nhiên, tôi nhận ra sự căng thẳng trong cuộc hôn nhân của chúng tôi cũng biến mất. Tôi có thể hôn chào tạm biệt chồng tôi mỗi khi anh đi công tác, và tôi chỉ còn quan tâm đến những việc tôi phải làm trước khi anh quay về.

Dĩ nhiên mọi thứ không thể trở nên hoàn hảo chỉ trong một sớm một chiều. Nhiều năm oán giận bố tôi đã hình thành nên một thói quen khắc sâu vào tâm trí. Nhưng sau bước ngoặt ấy, những suy nghĩ và cảm giác không còn hằn sâu nên tôi dễ dàng vượt qua.

Bạn sẽ luôn luôn là nạn nhân cho tới khi bạn biết tha thứ. Khi bạn sẵn lòng thứ tha, bạn sẽ mở lối cho niềm tin và tình yêu vô điều kiện đến với bạn. Bạn giải phóng cho trái tim mình khỏi những suy nghĩ đau khổ. Đồng thời, bạn cũng mở lối cho người khác thay đổi, bởi vì nếu bạn không tha  thứ thì chính bạn đã tạo ra rào cản ngăn chặn mọi đổi thay – khi  ấy  chính bạn đã khiến họ ra sức bảo vệ và biện minh cho hành động của họ, thay vì suy xét lương tâm. Một trong những điều lớn nhất bạn có thể gửi vào tài khoản  tình cảm của bạn với các thành viên trong gia đình là sự tha  thứ. Đây cũng là phẩm chất cơ bản, và giá trị của cuộc sống mà bạn cần có. Hãy nhớ, không phải vết rắn cắn gây ra tác hại nghiêm trọng, mà chính việc bạn lo đuổi rắn (thay vì băng bó ngăn chặn nọc độc) đã khiến cho chất độc chạy vào tim.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG NGƯỜI VĨ ĐẠI LUÔN BIẾT CÁCH THA THỨ
  2. THÔNG ĐIỆP TỪ CÁI ÔM CỦA SỰ THA THỨ
  3. THA THỨ

Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA KỶ NGUYÊN MỚI
  2. TÀI KHOẢN TÌNH CẢM VÀ SÁU KHOẢN KÝ GỬI CHỦ YẾU – PHẦN 2
  3. TÀI KHOẢN TÌNH CẢM VÀ SÁU KHOẢN KÝ GỬI CHỦ YẾU

Bài viết mới

  1. KHÔNG LÀM HẠI
  2. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  3. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP