BÌNH ĐẲNG

KINH KIM CƯƠNG

Hình minh họa “Kinh KIM CƯƠNG”

Âm: “Tu Bồ Đề ! Thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ, thị danh A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Nghĩa : “Này Tu Bồ Đề ! Pháp vốn bình đẳng, không có cao thấp, mới gọi là vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Giải : Vương Nhựt Hưu giải: Câu “thị pháp bình đẳng vô hữu cao hạ” đây là viết theo kinh Kim Cang đại bổn.
Nói pháp đây là chơn tánh. Chơn tánh có chi là pháp, chỉ cưỡng danh vậy thôi.
Trên từ chư Phật dưới thì loài bò, bay, máy, cựa, cũng đồng một cái chơn tánh, cho nên nói: “Bình đẳng không có cao thấp”, là sắc thân thì có cao thấp, mà chơn tánh thì không chi cao thấp cả.

Tạ Linh Vận giải: Người không quí tiện, pháp không tốt xấu lộng lộng bình đẳng là nghĩa Bồ đề.

Triệu Pháp sư giải: Rõ đặng cái pháp thân Bồ đề; ở trong sáu đường cũng không giảm kém, ở trên chư Phật cũng chẳng tăng cao. Ấy mới là bình đẳng Vô thượng Bồ đề.
Ông Chơn Võ thuyết kinh Báo Phụ Mẫu Ân Trọng có câu: “Vật không làm bình lặng vật đặng, duy có nước là không động mới làm bình lặng vật đặng; vật không cân vật đặng, duy có cái cân là chí công mới cân vật đặng. Bình thì không cao thấp, cân thì chẳng trọng chẳng khinh”

Lý Văn Hội giải : Thị pháp bình đẳng v.v… là phàm phu chẳng biết tự tánh, vọng sanh phân biệt cao thấp; nói Phật là cao, chúng sanh là thấp. Bực Bồ Tát tỏ ngộ, nhơn pháp đều không. Trên thì chư Phật dưới đến loài kiến mối đều có tánh Phật, không có phân biệt. Cho nên cả thảy pháp đều bình đẳng không có chi là cao thấp.

Huỳnh Bá Thiền Sư giải: Bằng coi Phật là có tướng thanh tịnh quang minh, giải thoát, coi chúng sanh là có tướng nhơ trược, mờ tối, sanh tử, nếu hiểu như thế, dầu cho cả hằng hà sa số kiếp rồi cũng không đặng đạo Bồ đề.
Lại nói : Nếu lòng bình đẳng không phân cao thấp, thì với chúng sanh, chư phật, thế giới, non sông, có tướng, không tướng, khắp cả thập phương thảy đều bình đẳng, không tướng ngã, nhơn. Ấy là lòng bổn nguyên thanh tịnh, thường đặng viên mãn sáng suốt vậy.

Phó Đại Sĩ giải:
Tụng:
Thai thấp đồng chơn tế, Bò bay thể cũng như.
Pháp nào chia bỉ thử, Lý nào có thân sơ.
Tướng ngã nhơn nên diệt, Chấp cao hạ đáng trừ.
Tính bình đẳng rõ thấu, Cả thảy nhập vô dư.

Trích “Kim Cang Chư Gia”

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CĂN BẢN CỦA SỰ CHUYỂN HÓA TÂM
  2. BỒ TÁT ĐẠI THẾ CHÍ NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG

Bài viết khác của tác giả

  1. KINH KIM CƯƠNG

Bài viết mới

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN
  2. VƯỢT QUA SỢ HÃI
  3. TÍNH NÔN NÓNG