BỒ ĐỀ TÂM CẦN THỰC HÀNH TRONG NGHỊCH CẢNH

GYALWANG DRUKPA XII

Trích: Sức Mạnh Tình Yêu Thương Tác giả: Gyalwang Drukpa Thứ 12 Biên dịch: Drukpa Việt Nam NXB: Tôn Giáo, 2015 Ảnh: nguồn internet

SỨC MẠNH TÌNH YÊU THƯƠNG – GYALWANG DRUKPA THỨ 12
Biên dịch: Drukpa Việt Nam
——–💝💝💝——-

Thương yêu người khác như con ruột
Người trở mặt oán bận lại ta
Lòng không đổi coi như con ốm bệnh
Thương nhiều hơn, ấy hạnh Bồ đề.
—💝💝💝—

💝 Bồ Đề Tâm Cần Thực Hành Trong Nghịch Cảnh

Giả sử ai đó chúng ta đã chăm sóc như con ruột trong hàng chục năm bỗng nhiên trở mặt coi chúng ta như kẻ thù. Không những chúng ta cần hết sức nhẫn nại, coi đó như một đứa con bị bệnh mà còn cần đối lại bằng tình yêu thương đặc biệt của người mẹ. Chúng ta cần hành động xuất phát từ lòng tốt, không dùng tâm sân giận hay những lời lẽ nặng nề.
Nhẫn nhục rất quan trọng trên con đường Bồ tát hạnh. Nhưng nếu mọi thứ đều thuận lợi, bình an thì bạn không thể tu hạnh Nhẫn nhục. Hành giả theo con đường Bồ tát hạnh cần có những nghịch cảnh để có đất thử thách lòng kiên trì. Do vậy, chúng ta cần trân trọng những cơ hội thực hành mà người khác đã tạo ra. Cũng chính vì vậy, chư Bồ tát thường không hóa thân trở lại nơi cảnh giới Tịnh độ. Nơi đó vạn pháp đều hài hòa, cuộc sống quá an bình, không ai khiến bạn sân giận, nói xấu hay ngược đãi bạn. Nếu cứ như vậy bạn không có điều kiện thực hành để tiến tới quả vị Phật tối thượng.

💝 Không Chấp Trước Vào Cõi Tịnh Độ

Chư Đại Bồ tát thường phát thệ nguyện hóa thân chuyển thế vào cõi người. Trong kinh dạy như vậy và tôi tin đó là sự thực. Lấy ví dụ về một trong các Thượng sư của tôi, Ngài từng tâm sự rằng Ngài sẽ vãng sinh về cõi Tịnh độ và không bao giờ hóa thân chuyển thế trở lại cõi người. Tuy nhiên, Ngài đã trở lại trong thân tướng của một bậc ấu nhi và điều này khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Ở địa vị Ngài, có lẽ tôi sẽ rất khó xử. Ngài đã nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ trở lại chốn hồng trần, nhưng rốt cuộc Ngài vẫn quay lại. Tôi nghĩ điều này có lẽ do Ngài không còn lựa chọn khác. Có thể Ngài đã từng tới cảnh giới Tịnh độ một đôi ngày, rồi sau đó tự nhủ: “Cõi Tịnh độ thật hoàn hảo quá. Tốt hơn hết, hãy quay trở lại thế gian để tiếp tục trưởng dưỡng trí tuệ và tình yêu thương vì lợi ích chúng sinh”. Tôi cho rằng Ngài đã phải đổi ý. Ngoài ra, tôi không nghĩ ra cách nào khác lý giải cho chuyện này.
Tôi cũng nhớ tới một đạo hữu quá cố, vợ người này kể lại trước khi từ giã cõi đời, ông ta tin chắc mình sẽ vãng sinh cõi Tịnh độ và điều đó khiến người vợ rất hoan hỷ. Thế nhưng, rốt cuộc người đó lại hóa thân trở lại trong chính gia đình mình. Người vợ, thay vì hoan hỷ, lại tỏ ra vô cùng ưu phiền. Nếu là người vợ, tôi sẽ rất vui mừng, song người vợ chỉ cảm thấy buồn. Bà nói với tôi: “Không hiểu ông ấy đã gặp chướng ngại gì? Có phải ông ấy đã chọn nhầm đường tái sinh?” Tôi đã trả lời rằng lựa chọn đó chắc chắn không phải do nhầm lẫn.

💝 Biết Ơn Người Khiến Ta Phiền Não

Như vậy quyết định cuối cùng vẫn là trở lại, vì sự trở lại mang tới nhiều cơ hội thực hành tinh tấn hơn: Có rất nhiều người khiến bạn căng thẳng, phiền não, sân giận, khiến bạn chìm trong đau khổ… Đây không phải là tin tốt sao? Những hoàn cảnh khuấy động xúc tình phiền não vốn là thử thách tuyệt vời đối với hành giả và hành giả không sợ hãi những nghịch cảnh như vậy. Người không thực hành Phật pháp dĩ nhiên không muốn gặp nghịch cảnh, vì đối với họ, đó chỉ là chuỗi dài phiền não. Vì vậy, chúng ta cần cảm ơn những người khiến mình phiền não, sân giận hoặc có các phản ứng tiêu cực khác, cần xem họ như bậc Thầy của mình. Chắc chắn chúng ta không muốn đồng hành cùng họ mãi mãi, mà cùng với sự thực hành, chúng ta sẽ tiến xa hơn họ. Song, chúng ta cần biết ơn họ vì những điều khó chịu họ đã gây ra.
Điều này nói ra rất thú vị, tuy nhiên thực hành này đòi hỏi chúng ta phải có bản lĩnh và Bồ đề tâm.
——-💝💝💝——-

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ TÔN TRỌNG
  2. QUÁN SÁT TÂM MÌNH
  3. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP