BƯỚC QUA VÙNG AN TOÀN – LUÔN MUỐN THỬ CÁI MỚI

Trích: Tư Duy Mở; NXB Dân Trí, SBOOKS.

25/03/2025
32 lượt xem

Bước qua vùng an toàn là một cụm từ bạn được nghe rất nhiều, đâu đâu cũng thấy. Nhưng vùng an toàn là gì thì thực sự không phải ai cũng biết. Chúng ta cần nhận thức rõ điều này để vượt qua sự sợ hãi, từ đó mới chính thức bước qua vùng an toàn của bản thân, làm nên điều khác biệt trong công việc lẫn cuộc sống.

Nỗi sợ thất bại có thể là một điều gì đó rất kinh khủng với mỗi người bởi chúng được tạo nên từ những thất bại, những tổn thất về vật chất và tinh thần xảy ra trước đó. Để bảo vệ chính mình khỏi việc phải đối diện với thất bại, thua cuộc và chịu đựng đả kích, mỗi người thường tự tạo ra cho mình một thứ gọi là “vùng an toàn . Vùng an toàn là cụm từ để chỉ trạng thái tâm lý của một người mà ở đó, cảm xúc của họ trở nên thoải mái, thân thuộc với môi trường sống và làm việc xung quanh. Ở trong vùng an toàn của chính mình, các hoạt động sống của mỗi cá nhân đều thoải mái và được kiểm soát một cách ổn định bởi họ không phải mang theo nhiều áp lực hay phải đối diện sự mạo hiểm. Con người trong trạng thái này có thể làm việc để duy trì hiệu suất bình ổn và không bị ảnh hưởng nhiều bởi cảm xúc tiêu cực vì những rủi ro hay lo lắng đều được giảm thiểu ở mức tối đa. Nói một cách khác, vùng này mang lại cho bạn sự ổn định.

An toàn là vậy nhưng nó lại chính là vật cản của mỗi cá nhân để đạt được thành tựu trong công việc và cuộc sống. Ở trong vùng an toàn, con người không có sự đột phá bởi họ sẽ chỉ lặp đi lặp lại các quy trình mà không phải xử lý quá nhiều vấn đề khó khăn. Dần dần, con người sẽ bị mất đi động lực – thứ thúc đẩy và như nguồn nhiên liệu để mỗi người tạo ra sự bứt phá, vượt khỏi những ranh giới sẵn có và chạm đến đỉnh cao mới.

Bên trong vùng an toàn, mọi người thường không tham gia vào những trải nghiệm mới hoặc không chấp nhận bất kỳ thử thách nào. Họ chỉ tham gia vào các hoạt động quen thuộc, khiến bản thân cảm thấy “kiểm soát được” môi trường của mình. Điều đó sẽ khiến họ ngày một thụt lùi, cuộc sống nhàm chán. Do vậy, họ cần phải thay đổi và thay đổi từ từng bước nhỏ. Bí quyết là:

  1. Đón nhận mọi thứ ngoài vùng an toàn của bạn. Bạn càng biết nhiều về điều gì đó, bạn sẽ càng cảm thấy bớt đáng sợ và mạnh mẽ hơn.
  2. Nghĩ về mục tiêu của bạn. Hãy viết ra kế hoạch chi tiết từng bước về cách bạn sẽ thoát ra khỏi vùng an toàn của mình. Sau đó, tạo một kế hoạch để đạt được nó, từng cấp độ một. Trong kế hoạch này, hãy tạo các mục tiêu nhỏ giúp bạn tiến thêm một bước để vượt qua vùng an toàn của mình, một cách dễ dàng.
  3. Giữ suy nghĩ tích cực. Sẽ có lúc bạn gặp phải kết quả không như ý. Đó là một phần tự nhiên của quá trình nhưng hãy nhắc nhở bản thân rằng đó là điều dĩ nhiên. Những kết quả đó sẽ giúp bạn có thêm bài học.
  4. Xem lại thành tích của bạn. Người ta nói rằng những thành tựu thường được thực hiện bởi sự can đảm. Bằng cách nhìn lại những thành công lớn nhất của mình, bạn sẽ nhớ rằng lòng dũng cảm là thứ đã đưa bạn đến kết quả đó.
  5. Thách thức thói quen của bạn. Thỉnh thoảng hãy thử một cái gì đó mới và giữ nó cho đến khi nó thành một thói quen. Sau đó, nghĩ về điều thách thức tiếp theo và bạn cần tìm cách vượt qua.
    Bạn có những thói quen tốt nào?Bạn có những thói quen xấu nào?

    Bạn có dám thay đổi những thói quen xấu để bản thân tốt hơn? Trước hết, bạn cần sẵn sàng cho việc này, nếu không, bạn sẽ giẫm chân tại chỗ. Nếu không dám thay đổi thì bạn đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay số phận.

    Bạn biết không, những người thành công không làm việc trong vùng an toàn. Diễn viên nổi tiếng Les Brown từng nói: “Nếu bạn đặt mình vào một vị trí vượt qua ngoài vùng an toàn, khi đó bạn buộc phải mở rộng tâm thức của mình”.

    Hãy mở rộng tâm thức của bạn để có thể phát huy hết khả năng của bản thân bằng việc thay đổi thói quen.

  6. Học hỏi từ thất bại. Hãy tiếp tục hình dung về thành công và trong khi chờ đợi, đừng quên tất cả những bài học quý giá đã học được. Hãy tập trung vào những gì bạn học được từ mọi trải nghiệm và cách mà bạn vượt qua chúng.