BUÔNG XẢ

THIỀN SƯ NI DAEHAENG

Trích: Không Có Sông Nào Để Vượt Qua; Người dịch: Viên Chiếu; NXB Hồng Đức, Năm 2014

? Cách Buông Xả – Niềm Tin Và Buông Xả
Buông xả chính là tin tưởng. Không có niềm tin, bạn không thể từ bỏ. Bạn cần từ bỏ hoàn toàn mọi sự, biết rằng Chủ nhân Không đang chăm sóc tất cả, không sao hết dù sự việc có đang tốt hay xấu đi. Làm sao bạn có thể hoàn toàn buông xả nếu bạn không tin tưởng?
Bạn sẽ phó thác mọi sự cho bản tánh sẵn có của bạn như thế nào? Trước hết, chân thành tin vào bản tánh – Chủ nhân Không của bạn, và biết rằng nó đang chăm sóc mọi sự. Thứ hai, can đảm tiến tới. Thứ ba, trải nghiệm cách Chủ nhân Không chăm sóc mọi sự, tiếp tục áp dụng những gì bạn kinh nghiệm, và không bao giờ để mình nản lòng vì bất cứ chuyện gì.
Buông xả không phải là nói, “Tôi không cần” hay sống trong tiêu cực. Nếu bạn cố từ bỏ với thái độ “Tôi không cần”, hay “Xin làm sao cho mọi việc trôi chảy,” trong khi mong một phép lạ mà không có bất cứ cố gắng nào về phần mình, thì chẳng phải là buông xả thật sự. Nếu hành động như thế, bạn đang đối xử với Chủ nhân Không – bản thể của bạn, như là cái gì tách biệt khỏi bạn. Khi bạn buông xả, hãy chuyên tâm buông xả, biết rằng bản thể của bạn là vật duy nhất có thể thật sự chăm sóc mọi thứ. Buông xả mà biết rằng mọi vật khởi lên từ Chủ nhân Không, vì thế chỉ Chủ nhân Không mới có thể giải quyết mọi sự.
? Buông Xả Vô Điều Kiện
Buông xả không đòi hỏi lý do hay sự biện hộ. Ngay khi sự việc khởi lên, phó thác nó cho Chủ nhân Không – bản thể của bạn – vô điều kiện. Phó thác mọi việc cho Chủ nhân Không: Phó thác những việc bạn hiểu và không hiểu, phó thác niềm vui và nỗi khổ, phó thác sự nghèo cùng và bệnh tật. Buông xả những gì đang không tốt hay tốt. Hãy buông xả và biết “Chỉ có Chủ nhân Không mới thật sự chỉ cho ta con đường”. Do buông xả như thế, bạn có thể làm rỗng tâm mình và tống khứ bao thứ nặng nề mà bạn đã đeo mang hằng bao kiếp sống. Do buông xả như thế, bạn có thể làm sạch bụi tâm đã đóng khằn hằng bao niên kỷ, và bạn có thể thật sự sống và thật sự chết.
Đừng cố gắng giải quyết mọi việc dựa trên lý thuyết, kinh điển, những từ ngữ hay ho, hay những ý tưởng của người khác. Thay vào đó, chỉ buông xả trong tin tưởng rằng chỉ Chủ nhân Không có thể giải quyết được. Hãy buông xả một lần, buông xả hai lần, buông xả liên tục, cho đến khi bạn quen buông xả. Cứ tiếp tục buông xả cho đến khi nó trở thành bản năng thứ hai, như cởi giày khi vào nhà. Rồi thì ngay những vấn đề về di truyền và nghiệp sẽ tan biến.
? Hãy Buông Xả Vào Không
Chúng ta sẽ buông xả vào đâu? Bỏ vào Không. Không là gì? Không nghĩa là mọi sinh vật thay đổi và biểu hiện từng niệm, và vận hành như một. Mọi vật đều trống rỗng, ngay cả chính ta. Mọi vật là thành phần của cái Không này, mọi vật lệ thuộc vào luật của Không. Mọi vật đang thay đổi và biểu hiện, ngay cả chính ta, vì thế chúng ta đang sống mà đang từ bỏ. Ngay cả ý nghĩ “Tôi đã làm…” cũng không có chỗ để bám vào. Như thế ngay cả nói “buông xả” hay “phó thác” cũng không cần thiết. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu điều này, cho nên tôi nói, “Hãy buông xả vào Không” như một phương pháp để giúp họ nhận ra chân lý. Làm sao chúng ta có thể sống mà không buông xả vào Không?
Nghiệp là kết quả tuyệt đối không thể tránh của những gì chúng ta đã làm. Nó khởi liên tục từ trong chúng ta. Tôi lo rằng nếu tôi nói chỉ buông xả mọi sự, thì dường như quá mơ hồ hay khiến cho một số người rơi vào chủ nghĩa hư vô. Vì thế tôi đã nói, “Dùng Không như cột trụ trung tâm, và buông xả mọi sự vào đó”. Chong chóng quay, nó dựa trên tâm điểm của nó. Cũng thế, bạn phải lấy Chủ nhân Không – bản thể của bạn làm tâm điểm cho bạn. Dựa trên trung tâm này và phó thác mọi sự. Khi bạn có thể làm điều này, bạn có thể sống đầy sinh khí và bạn có thể sống tự do như nước chảy.
Mọi thứ liên kết với nhau trực tiếp qua bản thể, và năng lượng vô hình di chuyển qua lại giữa mọi đời sống và sự vật. Tuy nhiên, khi phân biệt, dính mắc vào một việc nào đó và loại bỏ hay tránh né cái khác, người ta ngăn chặn năng lượng trôi chảy tự do này. Như thế nếu chỉ buông xả và phó thác mọi sự cho bản thể của bạn, cho Chủ nhân Không, năng lượng này có thể tuôn chảy tự do và chính xác khi cần.
Dù nói rằng bạn nên buông xả trong nội tâm, hay đưa sự việc trở về bên trong, nhưng thật ra Chủ nhân Không không ở trong cũng không ở ngoài. Chủ nhân Không là sự kết hợp mọi vật trong vũ trụ, và hiện hữu đầu tiên trước tất cả mọi thứ. Dù không thể hiểu thấu, nhưng cũng có thể được hiểu thấu.
? Công Đức Của Sự Buông Xả
Khi bạn duy trì việc buông xả mọi sự vào Chủ nhân Không và quan sát, nghiệp sẽ sụp đổ, tập khí sẽ tiêu tan, chân ngã sẽ hiển lộ, và mọi chướng ngại sẽ đầu hàng bạn. Chủ nhân Không giống như một hộp thư. Nếu bạn bỏ một điều gì vào Chủ nhân Không và quan sát, nó sẽ được giao đi và hồi âm lại.
Khi nghe “Hãy buông xả mọi sự,” người ta thường hỏi, “Làm sao mà sống được nếu làm thế?” Tuy nhiên, khi bạn buông xả, bạn mới có thể thực sự sống. Phàm ngu tin rằng cần phải lập kế hoạch và suy nghĩ cẩn thận từng việc một. Tuy nhiên, người tỉnh thức không nghĩ về mỗi chuyện nhỏ mình làm. Thay vào đó họ rất thư thái. Nhưng mọi việc họ làm là tùy thuận Pháp, không một chút lỗi lầm. Vì buông xả, nên hành động của họ hài hòa hơn, tự nhiên, sâu xa, chân thật, đẹp đẽ, và lợi ích nhiều hơn bất cứ hành động nào được làm dựa trên trí thông minh hay kế hoạch. Bởi vậy đối với một hành giả thật sự, mọi thứ trong đời sống hằng ngày chính là Đạo. Vì họ buông xả và thư giãn, mỗi việc họ làm, dù đi, đứng, ngồi, hay nằm, tất cả đều thuận theo Pháp.
Nếu bạn cố tu tập dựa theo một quy cách đặc biệt hay phương pháp tự nhiên nào đó, thì lúc đầu mục tiêu của bạn có vẻ rõ ràng trong tầm tay. Tuy nhiên, khi tiến xa hơn, con đường trở nên mù mịt và cuối cùng sẽ đến ngõ cụt. Mặt khác, nếu cứ buông xả và phó thác, cùng thể nghiệm hậu quả, thì con đường lúc đầu dường như hẹp sẽ dần dần rộng mở, cuối cùng trở thành đại lộ và cửa ngõ đến chân lý.
Sống buông xả mọi sự tạo ra công đức vô hạn. Trước hết, mọi phiền não diệt sạch. Thứ hai, tập khí huân tập nhiều kiếp bởi nghiệp lực sẽ tiêu tan. Thứ ba, những ô nhiễm và ảo tưởng đầy trong tâm sẽ dần biến mất và cuối cùng không có gì để làm rỗng không hay làm đầy. Lúc đó, chân ngã của bạn sẽ hiển lộ rõ rệt. Tu tập giống như xây nhà – khi đến điểm này, bạn đã có nền tảng vững chắc, nên sẵn sàng bắt đầu dựng cột để nâng đỡ điều kế tiếp.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BUÔNG XẢ ĐỂ HẠNH PHÚC
  2. BUÔNG BỎ HÀNH LÝ
  3. CHẤP NHẬN VÀ BUÔNG BỎ

Bài viết khác của tác giả

  1. TIẾN HÓA VÀ SÁNG TẠO
  2. CÂU CHUYỆN CỦA PHẬT BẢO LIÊN HOA (HOA SEN QUÝ GIÁ)
  3. SỐ PHẬN VÀ ĐỊNH MỆNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP