STEPHEN R. COVEY
Trích: 7 thói quen để thành đạt, Stephen R. Covey
FirstNews - Trí Việt chuyển ngữ
NXB Trẻ, 2007
“Tôi lấy niềm tin của thánh thần dẫn đường cho tôi: trong những vấn đề cốt yếu – là sự đoàn kết; trong những mặt quan trọng của cuộc sống – là sự đa dạng; và trong tất cả mọi thứ – là sự rộng lượng.”
– Trích diễn văn nhậm chức của Tổng thống George Bush
Khi Winston Churchill được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh quân đội Anh để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống phát xít, ông nói rằng đã dành cả cuộc đời mình cho giây phút này.Theo một nghĩa tương tự sự chuẩn bị là quá trình thực hành tất cả các thói quen khác để có được thói quen đồng tâm hiệp lực.
Đồng tâm hiệp lực là hoạt động cao nhất trong cuộc sống, là sự tập hợp và vận dụng cùng lúc tất cả các thói quen từ 1 đến 5, là sự huy động bốn khả năng thiên phú của con người. Nó tập trung vào động lực của tư duy cùng thắng và các kỹ năng giao tiếp thấu hiểu gay go nhất mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống. Qua đó, chúng ta có thể vận dụng tất cả mọi thói quen có được để tạo nên thành quả tốt nhất.
Đồng tâm hiệp lực là điều cốt yếu của mô thức lãnh đạo lấy nguyên tắc làm trọng tâm. Nó là chất xúc tác, liên kết và giải phóng những sức mạnh to lớn bên trong mỗi con người. Tất cả các thói quen chúng ta đã có là sự chuẩn bị để tạo ra điều kỳ diệu của đồng tâm hiệp lực.
Vậy, đồng tâm hiệp lực là gì? Nói một cách đơn giản, đó là tổng thể thống nhất bao giờ cũng mạnh hơn từng phần cộng lại. Nó không chỉ là một bộ phận cấu thành mà còn là chất xúc tác mạnh nhất, là sự tập trung cao nhất và là một thể thống nhất chặt chẽ tuyệt đối.
Nó cũng rất thú vị, là vì không ai biết trước kết quả sẽ thế nào. Bạn không thể biết trước những nguy hiểm hay thách thức mới nào đang đón chờ phía trước. Vì vậy, để có được tinh thần đồng tâm hiệp lực, mỗi cá nhân phải có sự an toàn nội tâm mạnh mẽ, phải dũng cảm rời bỏ “vỏ ốc” của mình để đương đầu với những thách thức. Mỗi người sẽ tự mở ra những khả năng mới của chính họ.
Đồng tâm hiệp lực có mặt khắp nơi trong tự nhiên. Nếu bạn trồng hai cây xanh gần nhau thì rễ của chúng sẽ quyện vào nhau. Cả hai sẽ cùng phát triển tốt hơn so với khi trồng tách ra. Nếu bạn ghép hai miếng gỗ vào nhau, nó sẽ chịu được trọng lực lớn hơn so với từng miếng gỗ. Tổng thể thống nhất bao giờ cũng mạnh hơn từng phần cộng lại. Một cộng một khi đó sẽ bằng ba hoặc lớn hơn.
Vấn đề thách thức ở đây là làm thế nào để áp dụng các nguyên tắc hợp tác sáng tạo mà chúng ta học được từ thiên nhiên vào trong các tương tác của con người?
Cuộc sống gia đình là một cơ hội để vận dụng nguyên tắc đồng tâm hiệp lực. Việc người đàn ông và người phụ nữ sống với nhau, sinh ra những đứa con là biểu hiện đơn giản nhất của đồng tâm hiệp lực. Bản chất của sự đồng tâm hiệp lực là đề cao sự khác biệt – tôn trọng sự khác biệt, phát huy các thế mạnh và bù đắp nhược điểm của nhau.
Chúng ta nhìn thấy rất rõ sự khác biệt về thể chất giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng. Nhưng còn sự khác biệt về xã hội, tâm lý và tình cảm thì sao? Liệu những khác biệt này có thể trở thành nguồn lực tạo ra những lối sống mới, hấp dẫn hơn? Liệu chúng có tạo ra một môi trường mới làm hoàn thiện bản thân, nuôi dưỡng sự tự khẳng định cho mỗi cá nhân, tạo ra các cơ hội độc lập và sau đó dần dần chuyển sang tương thuộc? Đồng tâm hiệp lực tạo ra một “kịch bản” mới cho thế hệ sau – một thế hệ hướng nhiều đến phục vụ và cống hiến, bớt đi dựa dẫm, kình địch, ích kỷ; một thế hệ cởi mở hơn, đáng tin cậy hơn, rộng lượng hơn; một thế hệ biết coi trọng tình yêu, biết quan tâm đến người khác cũng như bớt chỉ trích người khác.
BẢN CHẤT CỦA TỰ NHIÊN LÀ ĐỒNG TÂM HIỆP LỰC
Sinh thái là từ mô tả một cách cơ bản về chủ nghĩa đồng tâm hiệp lực trong tự nhiên – tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều có mối liên hệ với nhau. Đó là mối quan hệ trong đó sức mạnh sáng tạo được phát huy tối đa, cũng như sức mạnh thực sự trong 7 Thói quen nằm trong mối quan hệ lẫn nhau, không phải là thói quen của riêng từng người.
Mối quan hệ mật thiết giữa các bộ phận cũng là một sức mạnh văn hóa đồng tâm hiệp lực. Nếu mọi người tham gia một cách tích cực, chân thành và kiên định trong việc phân tích và giải quyết vấn đề thì sự sáng tạo và cam kết của họ đối với những gì họ tạo ra càng được phát huy nhiều hơn. Tôi tin rằng đây chính là triết lý kinh doanh của người Nhật, một triết lý đã làm thay đổi cả thị trường thế giới.
Đồng tâm hiệp lực luôn đem lại kết quả tốt hơn, đó là một nguyên tắc đúng đắn. Nó là kết quả trọn vẹn của tất cả các thói quen đã nói ở các chương trước. Nó đem lại sự thành đạt trong một thực tại tương thuộc – làm việc tập thể, xây dựng tập thể, phát triển sự đoàn kết và sáng tạo với những người khác.
Mặc dù không thể kiểm soát được các mô thức của người khác trong tương tác có tính tương thuộc, cũng như bản thân quá trình đồng tâm hiệp lực, nhưng ngay trong Vòng tròn Ảnh hưởng của bạn cũng có rất nhiều sức mạnh đồng tâm hiệp lực. Bạn có thể liên kết cả hai chiều của năng lực tự nhiên, một chiều là phân tích và một chiều là sáng tạo. Bạn có thể coi trọng sự khác biệt giữa chúng và vận dụng sự khác biệt này làm hạt nhân cho sự sáng tạo.
Bạn có thể đồng tâm hiệp lực ngay trong chính mình ở môi trường có sự đối đầu. Bạn không nên xúc phạm người khác và cố gắng tránh các năng lượng tiêu cực; bạn có thể tập trung nhìn nhận mặt tốt của người khác và sử dụng điều đó để cải thiện quan niệm, mở rộng tầm nhìn của mình.
Bạn có thể rèn luyện sự dũng cảm trong các tình huống có tính tương thuộc bằng sự cởi mở, bộc lộ ý nghĩ, tình cảm và kinh nghiệm của mình theo cách có thể khuyến khích người khác noi theo.
Bạn có thể coi trọng sự khác biệt ở người khác. Khi có ai đó bất đồng ý kiến với bạn, bạn có thể nói “Được rồi! Anh nhìn vấn đề khác với tôi”. Không nhất thiết phải đồng ý với họ mà trước hết, bạn chỉ cần khẳng định điều họ muốn, rồi tìm hiểu vấn đề của họ sau.
Trong trường hợp bạn chỉ nhìn thấy có hai giải pháp, một của bạn và một của người khác kém hiệu quả hơn, bạn có thể nhìn vào giải pháp thứ ba. Hầu như luôn luôn có giải pháp thứ ba trong mọi trường hợp và nếu biết vận dụng triết lý cùng thắng cũng như thực sự cố gắng để thấu hiểu người khác, bạn sẽ tìm ra giải pháp tốt hơn cho các bên liên quan.
GỢI Ý ÁP DỤNG:
- Hãy nghĩ về một hoàn cảnh mà ai đó có cách nhìn nhận sự vật khác với bạn. Xem xét để vận dụng sự khác biệt đó làm bàn đạp đưa đến giải pháp thứ ba. Có thể hỏi ý kiến người đó về vấn đề bạn đang gặp phải. Cần coi trọng những ý kiến khác biệt mà bạn sẽ nghe.
- Lập danh sách những người làm bạn khó chịu. Họ có thể đại diện cho những ý kiến khác biệt để dẫn đến sự đồng tâm hiệp lực nếu như bạn có được sự an toàn nội tại lớn hơn và biết coi trọng sự khác biệt.
- Nhận diện một vài tình huống mà bạn muốn thực hiện đồng tâm hiệp lực cùng với nhóm làm việc của mình. Cần có điều kiện gì để hỗ trợ cho sự đồng tâm hiệp lực? Bạn sẽ làm gì để tạo ra những điều kiện đó?
- Khi bạn bất đồng ý kiến hay đối đầu với ai đó, hãy cố gắng hiểu các mối quan tâm đằng sau lập trường của họ. Hãy xử lý những mối quan tâm đó một cách sáng tạo trên tinh thần các bên cùng có lợi.
Nguồn: 7 thói quen để thành đạt, Stephen R. Covey, FirstNews – Trí Việt chuyển ngữ, NXB Trẻ, 2007